Mối duyên Park Hang-seo – Chung Hae-seong: Chẳng ai học được chữ “ngờ”
Từ khi còn là cầu thủ cho tới thời điểm chuyển sang công tác huấn luyện kéo dài đến lúc này, HLV Park Hang-seo và đồng nghiệp, đồng hương Chung Hae-seong có mối duyên rất đặc biệt.
Khi còn chơi bóng đá chuyên nghiệp tại Hàn Quốc, quãng thời gian huy hoàng nhất của Chung Hae-seong là tại Lucky Goldstar FC (tiền thân của FC Seoul hiện nay). Chơi ở vị trí hậu vệ, Chung Hae-seong gắn bó với đội bóng này từ năm 1984 đến năm 1989, khoác áo 106 trận và ghi 2 bàn.
Đỉnh cao trong sự nghiệp của hậu vệ Chung Hae-seong là ngôi quán quân ông giành được vào mùa giải 1985. Đáng chú ý, đội trưởng của Lucky Goldstar FC chính là Park Hang-seo.
Park Hang-seo và Chung Hae-seong trong một lần gặp lại HLV Guus Hiddink. Bộ ba này từng cùng làm việc trong ban huấn luyện đội tuyển Hàn Quốc tại World Cup 2002
Nhiều hơn Chung Hae-seong, tiền vệ Park Hang-seo cũng đến Lucky Goldstar FC vào năm 1984 và gắn bó tại đây đến năm 1988. Ở đội bóng này, Chung Hae-seong không chỉ là đồng đội mà còn thay nhau tiếp quản băng đội trưởng. Ban đầu, người giữ chức thủ quân là Park Hang-seo. Đến năm 1986, Chung Hae-seong đảm nhận vai trò này cho đến năm 1989.
Năm 2002, mọi người yêu bóng đá Hàn Quốc lại thấy Park Hang-seo và Chung Hae-seong làm việc cùng nhau ở một đội bóng. Lần này, họ là các trợ lý của HLV lừng danh Guus Hiddink tại đội tuyển Hàn Quốc tham dự World Cup 2002. Những nỗ lực của bộ đôi này đã góp phần không nhỏ vào thành công lọt tới bán kết của Hàn Quốc.
Sau giải đấu này, Park Hang-seo và Chung Hae-seong bắt đầu có những bước ngoặt khác nhau với nhiều nốt thăng, trầm trong sự nghiệp huấn luyện.
Đầu tiên là Park Hang-seo, người tưởng như sẽ “lên hương” khi được giao nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển Olympic Hàn Quốc tham dự Asian Games tổ chức ở Busan trên quê nhà vào năm 2002. Nhưng thất bại đã khiến ông Park nhanh chóng mất ghế.
HLV Park Hang-seo đạt được nhiều thành công rực rỡ tại Việt Nam sau nhiều năm thất bại ở Hàn Quốc
Sau đó, chiến lược gia này có nhiều năm tháng phiêu bạt tại các CLB Hàn Quốc. Thành công thì rất hiếm hoi mà thất bại lại không đếm xuể. Có giai đoạn, ông Park không thể kiểm soát đội bóng, khi các cầu thủ… bán độ. Khi đó, trả lời truyền thông Hàn Quốc, ông Park đã chua chát thừa nhận nỗi buồn khi không thể thay đổi được thực trạng đen tối ấy.
Nói tóm lại, đến trước cột mốc sang Việt Nam làm việc vào năm 2017, lý lịch của HLV Park Hang-seo chỉ gắn bó với vai trò trợ lý ở World Cup 2002. Không ít người đã nghi ngờ vào khả năng thành công của HLV Park Hang-seo, khi niềm tin của người hâm mộ với bóng đá Việt Nam giảm sút sau thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games 29.
Nhưng rất nhanh chóng, thầy Park khiến tất cả bất ngờ với hàng loạt thành công ở nhiều cấp độ đội tuyển. Băt đầu từ ngôi á quân VCK U23 châu Á 2018, bóng đá Việt Nam đã có thêm vô số dấu ấn nổi bật như lọt vào bán kết ASIAD 2018, vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019, á quân King’s Cup 2019, đoạt HCV SEA Games 30, đang dẫn đầu bảng G vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á.
Những điều này có được hiển nhiên gắn với khả năng huấn luyện, truyền lửa và nâng cấp khả năng chuyên môn cho cầu thủ của HLV Park Hang-seo. Rất nhiều người từ mức độ cầu thủ giỏi đã được bồi dưỡng để thành ngôi sao như Quang Hải, Công Phượng, Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Hậu, Phan Văn Đức…
Video đang HOT
Bản thân HLV Park Hang-seo từng trao đổi với truyền thông, trước khi đến Việt Nam, ông đã có sự lo lắng nhất định. Nhưng cuối cùng, với nhiệt huyết và bản lĩnh của mình, ông đã được ghi nhận và đã quyết định gắn bó lâu hơn với bóng đá Việt Nam.
Có danh tiếng khi tới Việt Nam, nhưng HLV Chung Hae-seong không có được thành công như mong đợi tại HAGL và TP.HCM. Ảnh: ZING
Về phía Chung Hae-seong, từ sau World Cup 2002, ông nổi tiếng nhanh hơn thầy Park. Tại World Cup 2010, ông Chung một lần nữa làm trợ lý HLV và cũng đạt được thành công. Sau đó, ông chuyển tới dẫn dắt Jeonam Dragons, khi đội bóng này… sa thải HLV Park Hang-seo do thành tích bết bát.
Năm 2017, mối duyên giữa hai ông Park – Chung đậm nét hơn khi họ cùng tới Việt Nam làm việc. Nhưng khác với HLV Park Hang-seo, đồng hương Chung Hae-seong không giành được danh hiệu nào.
Thực tế, HLV Chung Hae-seong là người vừa có tâm vừa có tầm, không kém HLV Park Hang-seo. Ông Chung có được thành công lớn nhất là ngôi á quân V.League mùa giải trước cùng TP.HCM.
Tại V.League 2020, ông Chung đã đặt tham vọng rất lớn để TP.HHCM có thể cạnh tranh ngôi vô địch. Nhưng chẳng ai học được chữ ngờ, dù ông Chung đã làm tất cả những gì có thể như đưa về đội trợ lý thân cận Lee Jeong-soo hay tranh thời gian gian nghỉ để sang Tây Ban Nha học thêm kỹ năng tại Getafe và Levante.
Bầu Đức có công lớn đưa cả 2 HLV Chung Hae-seong và Park Hang-seo tới Việt Nam. Nhưng đến lúc này, chỉ có thầy Park thành công
Mặc dù vậy, chỉ sau vòng 11 V.League, ông Chung Hae-seong đã phải rời “ghế nóng”. TP.HCM đã muốn mời ông ngôi vào ghế Giám đốc kỹ thuật, nhưng ông đã cho thấy lòng tự trọng khi từ chối điều này.
Mối duyên giữa Park Hang-seo và Chung Hae-seong đã kéo dài đến gần 40 năm. Chẳng ai ngờ, tại Việt Nam, hai người đến với 2 tư thế khác nhau lại đạt sự thành – bại theo những dự đoán trái ngược. Nhưng cũng chưa biết chừng, chữ “duyên” sẽ lại đưa đẩy Park Hang-seo và Chung Hae-seong gặp lại nhau, ở một thời điểm nào đó trong tương lai gần.
HLV Chung Hae-seong và đoạn kết buồn ở CLB TP.HCM
Ông Chung Hae-seong kết thúc hành trình gần 2 năm ở CLB TP.HCM bằng việc từ chức HLV trưởng và từ chối ngồi vào ghế Giám đốc Kỹ thuật.
"Thành công của HLV Park Hang-seo không tạo áp lực cho tôi vì đội tuyển và CLB khác nhau nhiều lắm. Tôi biết ông Lee (Lee Heung-sil - PV) của CLB Viettel đã từ chức. Tuy nhiên, tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều HLV Hàn Quốc qua đây giúp đỡ bóng đá Việt Nam", HLV Chung Hae-seong chia sẻ với Zing hồi 2019, thời điểm CLB TP.HCM dẫn đầu sau khi nửa mùa giải V.League kết thúc.
Song, không phải HLV Hàn Quốc nào cũng thành công ở Việt Nam, kể cả khi người đó để lại dấu ấn đậm nét như ông Chung. Gần một năm sau cuộc phỏng vấn, CLB TP.HCM thua 0-3 trước đội Hà Nội ở vòng 11 V.League 2020. Cựu trợ lý của HLV Guus Hiddink từ chức, đồng thời từ chối lời mời ở lại làm Giám đốc Kỹ thuật. Vụ việc được cả truyền thông xứ sở kim chi biết đến và tạo ra không ít lùm xùm xung quanh.
HLV Chung từ chức sau khi CLB TP.HCM thua đội Hà Nội với tỷ số 0-3 ở vòng 11 V.League 2020. Ảnh: Y Kiện.
Thất bại và thành công
HLV Park và ông Chung đều là trợ lý của Guus Hiddink, khi chiến lược gia kỳ cựu người Hà Lan dẫn dắt Hàn Quốc vào bán kết World Cup 2002. Sau giải đấu này, danh tiếng của ông Chung ngày càng đi lên, trong khi người đồng nghiệp không được may mắn như vậy.
HLV Park và ông Chung bằng tuổi, nhưng cựu thuyền trưởng CLB TP.HCM lại có nhiều hơn người đồng nghiệp 10 năm kinh nghiệm ở lĩnh vực cầm quân. Ông gây dựng uy tín khi dẫn dắt nhiều CLB tại Hàn Quốc, thậm chí từng đảm nhận vị trí quan trọng ở liên đoàn. Trái lại, sự nghiệp của HLV Park ở quê nhà tương đối lận dận, cho tới khi ông đến Việt Nam.
Ông Chung và ông Park tới Việt Nam ở hai vị thế khác nhau.
Được đặt nhiều kỳ vọng, ông Chung ngồi vào ghế Giám đốc Kỹ thuật (GĐKT) của HAGL với mục tiêu đưa đội bóng này vô địch V.League. Kể cả khi công việc của ông bao gồm từ chăm sóc cho đội một lẫn đội trẻ, đến chú ý đến vấn đề thể lực, chiến thuật, dinh dưỡng... vẫn có những giới hạn ông không thể chạm tới. Thành tích của HAGL không cải thiện, ông Chung không có nhiều dấu ấn, và chia tay là điều tất yếu xảy đến.
"Khi ở HAGL, tôi là GĐKT. Còn ở CLB TP.HCM, tôi là HLV trưởng và người quan trọng nhất. Tôi ở Pleiku rất hạnh phúc và có nhiều niềm vui. Song, là GĐKT, nhiều việc ở Gia Lai tôi không làm được. Về TP.HCM làm HLV trưởng, tôi quyết định được mọi thứ từ sinh hoạt, tập luyện tới thi đấu. Hãy luôn nhớ, khi đội bóng thành công, đó là công sức của từng người. Khi đội thất bại, trách nhiệm cuối cùng phải thuộc về HLV trưởng vì ông ta là người quyết định. Không có áp lực ấy, thì không phải là HLV trưởng", HLV Chung chia sẻ với Zing.
HLV Park và ông Chung tới Việt Nam làm việc với vị thế và kỳ vọng khác nhau. Ảnh: Thế Anh.
Vô địch Giải hạng Nhất 2016, CLB TP.HCM giành quyền lên chơi tại V.League 2017 và trụ hạng thành công ở vị trí thứ 12 với 25 điểm. Mùa giải năm sau, đội bóng vẫn giữ nguyên vị trí đó, chỉ giành nhiều hơn 2 điểm. Nguy cơ trở lại Giải hạng Nhất luôn tiềm ẩn với CLB TP.HCM cho tới khi ông Chung về nhậm chức HLV trưởng trước mùa giải 2019.
Từ đội bóng chỉ hướng đến mục tiêu trụ hạng, CLB TP.HCM trở thành hiện tượng của giải khi liên tiếp giành những kết quả ấn tượng để vươn lên vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng. Theo thống kê, sau vòng đấu đầu tiên, thầy trò HLV Chung đứng thứ 6. Song, suốt quãng thời gian còn lại, đội bóng của ông có 14 lần đứng thứ nhất, 11 lần xếp thứ nhì và giành ngôi á quân chung cuộc với 5 điểm kém hơn CLB Hà Nội.
Kể cả khi CLB TP.HCM hụt hơi ở giai đoạn cuối, người hâm mộ vẫn tin họ là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch V.League 2020. Sự đầu tư được thể hiện ở những hợp đồng như Nguyễn Công Phượng, Bùi Tiến Dũng, Võ Huy Toàn... càng làm niềm tin ấy trở nên mạnh mẽ hơn, cho đến lúc ông Chung từ chức khi mùa giải còn chưa đi hết giai đoạn một.
Đánh mất niềm tin
CLB TP.HCM lột xác thế nào dưới thời HLV Chung?
Chia sẻ với Zing, chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhận định: "Đầu tiên là tính chuyên nghiệp. Ông Chung xây dựng cách làm bóng đá chuyên nghiệp giống như ông Park làm với tuyển Việt Nam. Trong một ban huấn luyện có người này người khác. Đó là điều mà từ xưa đến nay có thể người Việt Nam nghĩ ra và biết nhưng không làm".
"Thứ hai là cải thiện thành tích đội bóng. Từ chỗ đội yếu, chỉ mong trụ hạng, CLB TP.HCM vươn lên giành ngôi á quân. Họ cũng bắt đầu có ý thức chuyển nhượng cầu thủ tương đối chuyên nghiệp với việc lấy Công Phượng, Huy Toàn, Tiến Dũng... Nhìn chung, ông ấy đã đưa cách làm bóng đá chuyên nghiệp vào CLB TP.HCM. Họ cũng tiến tới việc xây dựng đội bóng chuyên nghiệp một cách tử tế, đàng hoàng", cựu danh thủ Thể Công nói thêm.
Công tác trọng tài khiến HLV Chung đánh mất niềm tin vào hệ thống điều hành của giải đấu. Ảnh: Quang Thịnh.
Kết thúc vòng 11 V.League 2020, CLB TP.HCM đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng với 17 điểm, kém đội Sài Gòn, đại diện dẫn đầu, 6 điểm. Về lý thuyết, đội bóng của ông Chung còn nguyên cơ hội cạnh tranh ngôi vô địch. Song, trận thua 0-3 trước CLB Hà Nội hôm 24/7 như một đòn mạnh giáng vào lòng tự trọng của chiến lược gia người Hàn Quốc, khiến ông buộc phải đưa ra quyết định mang đến không ít nuối tiếc cho người hâm mộ. Đó là từ chức.
"Theo tôi, ông Chung là một con người rất tự trọng và đầy lòng tự ái. Ông ấy cảm thấy bóng đá Việt Nam không có sự công bằng. Tại sao trọng tài thổi như thế? Tại sao lại để CLB TP.HCM có những phút giây oan uổng? Trong trận với CLB Hà Nội, trọng tài có lúc đúng lúc sai, nhưng tôi cảm giác ông Chung không tin tưởng vào đội ngũ cầm cân nảy mực này", chuyên gia Vũ Mạnh Hải chia sẻ.
Ông nói thêm: "HLV Chung nghĩ rằng có sự chi phối nào đó, cộng với việc đội thua liên tục nên cũng ít nhiều mất phương hướng. Không ai đủ bản lĩnh bên cạnh ông ấy để tham mưu, góp ý, trao đổi về tâm lý và văn hóa Việt Nam. Tôi nghĩ ông ấy đang chới với giữa việc bất mãn, giận dỗi nên không muốn làm. Ông ấy cảm thấy cuộc chơi này không sòng phẳng. Ông ấy đã nỗ lực rất nhiều và toàn tâm toàn ý nhưng không đạt được mục đích".
Bên cạnh công tác trọng tài, không thể phủ nhận CLB TP.HCM đã có sự thụt lùi so với mùa giải trước dù bổ sung không ít ngôi sao. Mùa này, họ chỉ giành 5 chiến thắng trên tổng số 11 trận. CLB TP.HCM bị Hải Phòng và Đà Nẵng cầm hòa, trong khi thất bại trước đội Sài Gòn, Bình Dương, Hà Tĩnh và CLB Hà Nội. Cùng thời điểm ở mùa giải năm ngoái, họ chỉ để thua 1 trận và hòa 2 trận.
Các đối thủ đã tận dụng sự sa sút của CLB TP.HCM để vươn lên. Ảnh: Quang Thịnh.
Vì sao CLB TP.HCM sa sút so với chính họ ở mùa giải trước?
Ông Vũ Mạnh Hải nói: "Nhìn từ xa, tôi cảm nhận hình như trong nội bộ CLB TP.HCM có vấn đề chưa ổn. CLB Sài Gòn thì khác. Họ thắng, thua hay hòa vẫn vui vẻ, nhiệt tình. CLB TP.HCM thua, mất 11 m, phản ứng rồi lại thua tới mức coi như buông xuôi. Tâm lý và tính chuyên nghiệp của đội bóng do ông Chung cố công xây dựng không còn nữa. Nếu thua mà chơi nỗ lực, tích cực, chắc chắn ông ấy sẽ còn gắn bó".
"Trong những trận đấu gần đây, ông Chung làm cũng không tốt lắm. Việc sử dụng lực lượng, thay người, lối chơi, đội bóng của ông ấy có vẻ cũng bị bắt bài. Đặc biệt, tôi cảm giác các cầu thủ dễ nản. Đá bóng như vậy thì không ổn. Tôi nghĩ quyết định chia tay là sự cộng hưởng của tất cả bất mãn, bực tức, căng thẳng. Ông Chung không còn muốn làm bóng đá nữa, nên từ chối tất cả vị trí người ta muốn níu kéo ông ở lại", cựu danh thủ Thể Công khẳng định.
HLV Chung lẽ ra có thể trở thành một người Hàn Quốc khác thành công tại Việt Nam. Dù vậy, chặng đường hơn 2 năm của ông tại đây khép lại với một nốt trầm buồn, trong khi người đồng nghiệp Park Hang-seo ở vị thế trái ngược. Những gì nhận lại ở HAGL và CLB TP.HCM rõ ràng không tương xứng với tầm vóc, công sức của chiến lược gia người Hàn Quốc. Song, đôi khi có tài là chưa đủ, mà còn cần cái duyên.
Vì sao HLV Chung Hae-seong thôi dẫn dắt CLB TP.HCM? Thành tích không tốt trong 5 vòng đấu V.League gần đây đã báo hiệu tương lai bất ổn với cựu trợ lý của HLV Guus Hiddink. Sau trận thua 0-3 trước CLB Hà Nội ở vòng 11, HLV Chung Hae-seong vô cùng căng thẳng. Ông thất thần đứng trước khu kỹ thuật. Tuy đeo khẩu trang để phòng bệnh, ông không thể giấu...