Moderna kiện Pfizer/BioNTech vi phạm bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19
Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ đang kiện Pfizer và đối tác BioNTech (Đức) của họ vi phạm bằng sáng chế trong quá trình phát triển vaccine ngừa COVID-19, cáo buộc các công ty này sao chép công nghệ mà Moderna đã phát triển từ nhiều năm trước khi đại dịch bùng phát.
Trụ sở công ty Moderna tại Cambridge, Massachusetts, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong thông báo ngày 26/8, Moderna cho biết đã đệ đơn kiện Pfizer và BioNTech lên Tòa sơ thẩm liên bang ở bang Massachusetts (Mỹ) và Tòa án khu vực Dusseldorf (Đức). Theo Giám đốc điều hành Stephane Bancel, Moderna khởi kiện để bảo vệ quyền sở hữu công nghệ mRNA mà công ty này đã đầu tư hàng tỷ USD để phát triển và được cấp bằng sáng chế từ 10 năm trước khi xảy ra COVID-19.
Moderna và Pfizer/BioNTech là 2 trong số những công ty công nghệ sinh học đầu tiên phát triển vaccine ngừa COVID-19. Tháng 12/2020, vaccine của Pfizer/BioNTech đã trở thành vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp ở nước này. Vaccine của Moderna được cấp phép 1 tuần sau đó.
Hãng Moderna cáo buộc Pfizer/BioNTech sao chép trái phép công nghệ mRNA mà Moderna đã được cấp bằng sáng chế từ năm 2010 đến năm 2016, nhiều năm trước khi COVID-19 xuất hiện và lây lan trên toàn cầu.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch, Moderna cam kết không giữ độc quyền các sáng chế liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 để hỗ trợ những công ty khác tự phát triển vaccine. Tuy nhiên, tháng 3 năm nay, Moderna cho biết họ mong đợi các công ty như Pfizer và BioNTech tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của hãng. Moderna cũng cho biết sẽ không yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với bất kỳ hoạt động phát triển vaccine nào được thực hiện trước ngày 8/3 vừa qua.
Trước đó, Pfizer và BioNTech đã phải đối mặt với không ít vụ kiện từ các công ty khác cáo buộc rằng 2 công ty này vi phạm bằng sáng chế liên quan vaccine ngừa COVID-19. Pfizer/BioNTech tuyên bố sẽ bảo vệ bằng sáng chế của họ.
Bản thân công ty Moderna cũng đang bị kiện ở Mỹ vì vi phạm bằng sáng chế và đang có tranh chấp với Viện Y tế quốc gia Mỹ về quyền sở hữu công nghệ mRNA.
EMA đánh giá dữ liệu về liều vaccine COVID-19 tăng cường cho nhóm từ 12-15 tuổi
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã bắt đầu xem xét các đề nghị sử dụng liều vaccine tăng cường Comirnaty (vaccine ngừa COVID-19 của hãng BioNTech/Pfizer) cho thanh thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi.
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Ủy ban Thuốc sử dụng cho người (CHMP) của EMA sẽ tiến hành đánh giá nhanh dữ liệu của vaccine Comirnaty, bao gồm cả kết quả từ bằng chứng thực tế từ Israel. EMA sẽ thông báo kết quả đánh giá vào thời gian thích hợp. Các liều vaccine tăng cường được tiêm cho những người đã hoàn thành các mũi tiêm cơ bản để đảm bảo khả năng bảo vệ của cơ thể sau khi hiệu quả của các liều vaccine cơ bản giảm dần theo thời gian.
Tư vấn về cách thực hiện tiêm chủng vẫn là đặc quyền của các Nhóm Tư vấn kỹ thuật tiêm chủng quốc gia - đơn vị phụ trách các chiến dịch tiêm chủng ở mỗi quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, các cơ quan y tế công có thể đưa ra các khuyến nghị chính thức về việc sử dụng liều vaccine tăng cường và các yêu cầu về chứng nhận du lịch có liên quan, sau khi xem xét dữ liệu hiệu quả mới có và dữ liệu an toàn còn hạn chế.
Comirnaty là một loại vaccine phòng ngừa COVID-19 được bào chế theo công nghệ mRNA. Hiện EMA cũng đang đánh giá yêu cầu sử dụng liều vaccine tăng cường cho thanh thiếu niên từ 16 -17 tuổi.
Hong Kong (Trung Quốc) dự định sử dụng một phần liều tiêm vaccine Pfizer/BioNTech của người lớn cho trẻ em Ngày 12/1, Ủy ban cố vấn về tiêm chủng tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) khuyến nghị sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech dành cho người lớn để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi nhưng với liều lượng thấp hơn. Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN Theo đó, ủy...