Móc túi trên xe buýt: Thờ ơ vì sợ hay vô trách nhiệm?
“Em chưa kịp định thần vì mất đồ lúc nào không hay, thì lái xe quát to: Bọn mày có của mà không biết giữ, trưng ra vậy sao nó không móc…”
Để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng trộm cắp, móc túi thường di chuyển và thực hiện hành vi móc túi ngay trên hành trình các chuyến xe buýt, đặc biệt là những chuyến có đông sinh viên đi như 01, 02, 21, 22, 27, 39…
Trộm ngay trên hành trình xe
Trong suốt những ngày tìm hiểu về các nhóm trộm cắp trên xe buýt, chúng tôi đã được các bạn sinh viên cho biết, hiện nay có rất nhiều đối tượng móc túi, trộm cắp trực tiếp đi trên các chuyến xe buýt, và thực hiện hành vi này ngay trên xe.
“Hằng ngày mình thường bắt xe buýt đi học, tuy đoạn đường từ Ngã Tư Sở xuống tới trường không xa lắm, nhưng rất nhiều lần mình được chứng kiến cảnh móc túi ngay trên xe. Bọn chúng thường lên ở những bến có đông sinh viên, và chỉ xuống khi đã có cái gì đấy trong tay”, bạn Trịnh Văn Thái, sinh viên năm thứ 3 Đại học Kiến trúc cho biết.
Với các bạn sinh viên thường xuyên đi xe buýt, ngoài hai điểm trung chuyển Cầu Giấy và Long Biên đã quá nổi tiếng về nạn trộm cắp, thì các điểm dừng xe buýt trước chợ Thượng Đình, gần trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Hà Nội, Đại học Kiến trúc, trạm dừng trên đường Giải Phóng (trước cổng Đại học Bách Khoa), trạm dừng đường Xuân Thủy (trước cổng Đại học Quốc gia HN)… cũng được các bạn sinh viên truyền tai nhau như là những điểm đen về nạn trộm cắp, móc túi để tự đề phòng, cảnh giác.
Tuy tận mắt chứng kiến nhiều lần, nhưng Thái chưa một lần dám tố cáo hành vi của chúng, vì theo Thái, chỉ sợ chúng nó làm liều với mình thì nguy và sợ chúng nó tìm cách trả thù, khi hằng ngày vẫn phải đi xe buýt để đi học.
Các điểm dừng tập trung đông người cũng là nơi các đối tượng trộm cắp hành nghề. Ảnh chụp điểm dừng gần trường ĐH Khoa học Tự nhiên.
Chiều 10/10, chúng tôi đi thực tế trên xe 02 (Bắc Cổ – Bến xe Yên Nghĩa), đến điểm dừng đối diện trường Đại học Thủy Lợi xe tấp vào đón khách, lúc này có gần chục người chen chân lên xe. Sau khi xe đi được một đoạn, hành khách trên xe đã ổn định vị trí, có hai người làm tôi đặc biệt chú ý vì có khá nhiều điểm giống những đối tượng thường xuyên móc túi mà các bạn sinh viên đã kể trước đó.
Điểm đáng chú ý đầu tiên đấy là ánh mắt của họ, lúc nào cũng liếc ngang, liếc dọc vẻ dò xét, kiếm tìm, nhưng thường không dừng lại ở bất kể chỗ nào cố định quá lâu, đầu đội mũ phớt, mặt lúc nào cũng hơi cúi xuống, quần áo ăn mặc có vẻ lịch sự nhưng chân lại đi giầy bata loại rẻ tiền đã xỉn màu, trên tay phải vắt theo chiếc áo ấm che gần kín bàn tay, vừa lên xe đã chọn đứng ngay vị trí gần cửa xuống.
Khi chiếc xe chạy đến gần điểm dừng trước Bách hóa Thanh Xuân, gần chục hành khách dồn ra cửa sau để chuẩn bị xuống, thì hai đối tượng mà tôi đang để mắt tới cũng dồn lại và chúng đứng sát vào nhau.
Chiếc xe phanh kít lại và cửa sau mở, đối tượng đi sau hơi đẩy người vào đối tượng trước để chen xuống, đồng thời che khuất đối tượng phía trước.
Trong lúc lộn xộn mọi người chỉ chen nhau lên xuống thật nhanh. Dù tôi đã căng mắt nhìn, nhưng không thể thấy được đối tượng phía trước có bất kể hành động gì. Nhưng chiếc xe chưa kịp lăn bánh thì giọng một bạn nữ trên xe nói to “em bị móc mất điện thoại rồi”, tôi mới giật mình cũng chen xuống tìm hai đối tượng vừa rồi, nhưng chúng đã lẩn mất tự bao giờ.
Video đang HOT
“Móc túi trên xe buýt thì em gặp nhiều, không chỉ có nam mà nữ cũng có, chúng thường đi thành nhóm 2 – 3 người. Như tại trạm dừng trước cổng trường Bách Khoa trên đường Giải Phóng thường xuất hiện hai phụ nữ trung tuổi hành nghề, có lẽ những ai thường xuyên đi các tuyến buýt qua điểm này đều biết, nhưng chẳng thấy ai làm gì họ”, bạn Nguyễn Văn Bằng, sinh viên năm thứ 4 Đại học Xây dựng cho biết thêm.
Lái và phụ xe chỉ làm ngơ?
Tình trạng trộm cắp, móc túi trên xe buýt diễn ra thường xuyên, nhưng tại sao lái và phụ xe đều… không biết. Trong khi đa phần các bạn sinh viên thường xuyên đi xe buýt đều từng chứng kiến qua các cảnh tượng đó.
Lợi dụng lúc sinh viên sơ hở là chúng hành động.
Bạn Thái vẫn còn nhớ như in câu chuyển chỉ xảy ra cách đây ít ngày, “buổi sáng hôm 6/10 em đi trên xe 01 từ chợ Thượng Đình xuống trường Đại học Kiến trúc, qua đoạn cổng trường Đại học Hà Nội thì có một đối tượng trông khá ngổ ngáo đứng chắn gần cổng xuống.
Thấy vậy phụ xe buýt tới dọa “mày có đứng gọn vào không, mày thích tao gọi công an đến gô cổ mày lại không”. Bị chửi vậy nhưng người này không phản ứng gì lại, chỉ lặng lẽ đứng lùi vào trong, lái và phụ xe cũng không đuổi người này xuống. Phụ xe mà nói thế thì chắc chắn phụ xe không thể không biết, chỉ là họ có muốn bắt không thôi”, Thái nói giọng đầy bức xúc.
Không chỉ là chứng kiến, bạn Hoàng Diệu Linh, sinh viên năm thứ 2 Đại học Bách Khoa, còn từng bị lái xe “nhắc khéo” một lần, Linh kể: “Vào khoảng cuối tháng 8, em lên xe 21 (Giáp Bát – Yên Nghĩa) ở bến trước cổng trường, lúc đấy vừa bước lên xe thì lái xe hỏi em &’mày mất điện thoại chưa?’, em mới ngớ người móc túi để kiểm tra thì đúng là mất thật”.
“Em chưa kịp định thần vì mất đồ lúc nào không hay, thì lái xe quát to để cả xe cùng nghe &’bọn mày có của mà không biết giữ, trưng ra vậy sao nó không móc’. Em không thể hiểu trách nhiệm của họ ở đâu nữa, sao họ biết mà không bắt luôn, còn đổ lỗi cho người khác”, giọng như nghẹn lại, Linh đặt nghi vấn.
Khi chúng tôi hỏi một lái xe buýt về tình trạng trộm cắp trên xe, vị tài xe này cho hay, đa phần những đối tượng trộm cắp, móc túi nhìn là biết ngay, nhưng có bắt thì vài hôm nó lại được thả ra, để nó nhớ mặt nhỡ nó quay lại trả thù thì chỉ thiệt thân. “Nên không phải cứ nói bắt là bắt được, mà mình chỉ có thể nhắc nhở hành khách cẩn thận hơn thôi”, vị tài xế này bộc bạch.
Về vấn đề đang gây bức xúc dư luận này, cơ quan chức năng TP Hà Nội nói gì, làm gì và đề ra những giải pháp nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc trong bài tiếp theo sẽ đăng vào sáng ngày mai (15/10).
Theo VTC
Móc túi trên xe buýt: Trộm hóa cướp hung hãn
Khi phát hiện bị mất ví, cả hai bố con lao tới và bắt được một tên. Lập tức, hai đối tượng còn lại lao vào đánh hai bố con họ để giải cứu đồng bọn. Chúng đánh người con trai gãy răng, bầm dập, nên người bố đành bất lực nhìn bọn trộm (hóa cướp) biến mất...
PV VTC News đã có nhiều ngày thực tế tại bến trung chuyển xe buýt Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội), và các điểm dừng đỗ xe buýt để tìm hiểu nạn trộm cắp, móc túi tại đây.
Nhanh như... cướp
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau một thời gian dài các cơ quan báo chí liên tục đưa tin, các cơ quan chức năng ngành giao thông và cảnh sát liên tục thực hiện các đợt truy quét tại những điểm trung chuyển, đội quân "hai ngón" ở các trạm trung chuyển phải chuyển đổi hình thức hoạt động.
Giờ đây, thay vì hoạt động tại các điểm cố định, đội quân "hai ngón" này thường xuyên thay đổi địa điểm. Trong mấy ngày theo dõi tại trạm trung chuyển Cầu Giấy, chúng tôi ghi nhận có ít nhất 3 nhóm đối tượng hành nghề trộm cắp tại đây.
Các đối tượng trộm cắp, móc túi thường lợi dụng lúc đông người, lộn xộn để hành nghề. Vùng khoanh đỏ là hai đối tượng móc túi đang áp sát "con mồi". Ảnh chụp tại bến trung chuyển Cầu Giấy chiều 8/10.
Tại trạm này, trong cùng một ngày có thể có vài nhóm thay nhau hoạt động, cũng có ngày không có nhóm nào. Thậm chí, để tránh mặt lực lượng chức năng, các đối tượng chỉ hoạt động ở đây vài giờ, sau khi đã "ăn" được một lượng "hàng" kha khá là chúng bắt ngay một chuyến buýt và rút khỏi địa điểm này.
Tuy nhiên, dù thuộc nhóm nào, chúng đều có một đặc điểm chung, là hoạt động theo nhóm khoảng 3 - 5 người, thường đội mũ phớt để che một phần khuôn mặt. Thậm chí, để dễ hoạt động, một số đối tượng còn đem theo túi, hoặc vắt áo ở bên tay để dùng che tay khi móc túi hành khách.
Mắt các đối tượng này liên tục liếc đảo để tìm "con mồi", khi đã xác đinh được con mồi, chúng sẽ nháy nhau và bám sát con mồi để đợi thời cơ. Đối tượng chúng thường hướng tới là sinh viên nữ, hoặc những người cao tuổi.
Khi có xe buýt tới, các "con mồi" ùa theo dòng người để chen lên xe cũng là lúc thời cơ của chúng bắt đầu hành động. Một đối tượng được phân công tiếp cận con mồi, còn một đối tượng đi theo sau, chúng cố tình xô đẩy để tạo ra cảnh lộn xộn, rồi nhân cơ hội đấy để móc túi nạn nhân.
Sau khi đã lấy được đồ, đối tượng này sẽ ngay lập tức lùi lại, rồi nhanh tay đưa món đồ vừa lấy được cho đối tượng sau, đối tượng này lại chuyển tiếp cho đối tượng thứ khác, rồi tất cả chúng nhanh chân lẩn trốn đi chỗ khác.
Chúng thường cố tình tạo ra xô đẩy, lộn xộn để chớp thời cơ chôm đồ.
Trong trường hợp phát hiện nhiều "con mồi ngon ăn", chúng sẽ chia nhau để hành động, và tự rút lui khi hoàn thành nhiệm vụ. Khi bị phát hiện, các đối tượng này liên tập trung lại để đôi co, gây hấn dọa nạn nhân, thậm chí là chống trả, đánh lại nạn nhân.
Cướp đánh người bị cướp
Khi chúng tôi gạ hỏi những người hành nghề xe ôm và bán nước tại bến trung chuyển Cầu Giấy, đa phần họ đều tỏ ra e ngại khi nhắc đến nạn trộm cắp tại đây, thậm chí một số người chỉ lắc đầu.
Sau vài ngày làm quen, trò chuyện, cô N.T.H bán nước tại trạm trung chuyển này mới tin tưởng để nói về nạn trộm cắp ở đây. Cô N kể: "Vào khoảng cuối tháng 7 vừa rồi, có hai bố con còn bị một nhóm móc túi tập trung đánh cho bị thương phải đi nhập viện, để giải cứu một tên bị bố con họ bắt".
Khi đấy, cả hai bố con đang chen lên xe buýt tuyến 07 (Cầu Giấy - Nội Bài), thì một đối tượng lợi dụng sơ hở móc ví của người bố. Khi phát hiện chiếc ví bị mất, người bố hô lên và quay lại thì phát hiện ba đối tượng đang chuyền tay nhau chiếc ví, cả hai bố con lao tới và bắt được một tên.
Lập tức, hai đối tượng còn lại lao vào đánh hai bố con họ để giải cứu đồng bọn, chúng đánh người con trai gãy răng, bầm dập, nên người bố đành bất lực nhìn bọn trộm (hóa cướp) biến mất, còn mình thì loay hoay gọi xe đưa con đi viện.
"Lúc đấy có rất nhiều người chứng kiến, nhưng tất cả chỉ đứng nhìn, nhiều người dân sống bên đường cũng chạy ra xem nhưng không có bất kể ai đến giúp bố con họ chống trả và bắt bọn trộm cướp", cô N bức xúc.
Phụ nữ thường là đối tượng bọn chúng "hướng tới".
Nhiều người dân sống và kinh doanh gần bến trung chuyển xe buýt Cầu Giấy cũng chưa thể quên câu chuyện xảy ra cách đây gần 1 năm, khi đấy có hai người đàn ông khoảng 45 tuổi đang chuẩn bị bắt xe buýt để về Bắc Ninh thì bị kẻ gian móc ví, ngay lập tức họ quay lại và bắt được một tên trong nhóm vừa móc túi, nhưng tên này đã nhanh tay chuyển chiếc ví vừa lấy được cho đồng bọn đã bỏ trốn ngay khi có ví trong tay.
Thậm chí, khi bị bắt đối tượng móc túi này còn quay sang dọa giết người đàn ông vừa bắt chúng. Lúc đấy, một bà bán hàng nước bên cạnh cũng ra giật tay ông hành khách kia và lớn giọng "thằng này nó có làm gì đâu mà ông giữ nó, thả nó ra". Nhân lúc đấy, đối tượng móc túi vùng tay và cầm lấy cái ghế hàng nước lên dọa đánh, vị hành khách vì sợ bị đánh đành phải thả tay, ngậm ngùi nhìn kẻ móc túi mình bỏ đi mà không làm được gì...
Những trường hợp như vậy không phải là hiếm tại trạm trung chuyển này, các đối tượng móc túi thường hoạt động rất ngang nhiên, trước mặt nhiều người, nhưng hầu hết những người chứng kiến chỉ im lặng, mặc cho cái xấu hoành hành...
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, vì yêu cầu công việc của ngành giao thông nên ông rất thường xuyên đi xe buýt để "thị sát" tình hình, nắm bắt thực tế. Vì vậy, ông Tân thừa nhận tình trạng những kẻ lưu manh móc túi trên xe buýt là có.
"Trước mỗi lần đi xe buýt tôi đều phải chuẩn bị thật kỹ, cất điện thoại, ví thật cẩn thận rồi mới lên xe, vì chính tôi cũng sợ bị mất đồ", ông Tân cho biết thêm.
Cũng theo ông Tân, dù lực lựng chức năng liên tục xử lý, tuy nhiên không dám nói là không còn tình trạng trộm cắp trên xe buýt.
Không chỉ hoạt động tại các điểm trung chuyển xe buýt, các đối tượng trộm cắp, móc túi thường di chuyển liên tục, lợi dụng các tuyến xe buýt đông khách để hành nghề. Liệu có sự ăn rơ nào giữa các đối tượng này với các lái xe? Cơ quan chức năng Hà Nội nói gì về vấn đề này? VTC News sẽ tiếp tục gửi đến bạn đọc những thông tin này trong bài tiếp theo, sẽ đăng vào sáng mai 14/10.
(Còn nữa)
Theo VTC
Lật mặt đường dây 'hai ngón' tinh vi ở Hà Nội Nạn móc túi ở các bến xe buýt hoạt động mạnh mẽ từ nhiều năm trở lại đây, nhiều đối tượng trộm cắp đã bị bắt và bị trừng trị. Tuy nhiên, đến nay tình trạng đó vẫn diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là phát triển mạnh hơn do sự cấu kết của các "đạo chích" với các đối tượng làm...