Móc túi, gạ tình “mảnh đời bất hạnh”
Giả vờ giúp đỡ, trao quà từ thiện, giả danh cán bộ các đơn vị, tổ chức… nhiều kẻ bất nhân đã lừa tiền, gạ tình những “ mảnh đời bất hạnh” đăng trên báo.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Giáp (37 tuổi, ngụ Đội 7, xã Định Hải, H.Tĩnh Gia, Thanh Hóa) và chị Nguyễn Thị Đông (39 tuổi) là nhân vật mà Báo CATP đã phản ánh trong mục “Mảnh đời bất hạnh” ngày 6/10/2012. Anh Giáp bị tai nạn và phải ngồi một chỗ trên xe lăn hơn 10 năm nay. Chị Đông bị hư một mắt nên gia cảnh túng quẫn. Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc gửi tiền về giúp đỡ anh Giáp. Khoảng cuối tháng 10/2012, anh Giáp liên tục nhận được điện thoại của người xưng là nhân viên ngân hàng NN&PTNT nói rằng cơ quan hỗ trợ 65 triệu đồng và yêu cầu anh vào Nghệ An để nhận.
Cô sinh viên Nguyễn Thị Thu Hương (phải) bị “khủng bố” trong thời gian dài
Khi anh Giáp nói không thể đi lại được vì vợ chồng đều khuyết tật thì “nhân viên ngân hàng” chửi bới thậm tệ rồi cúp máy. Vài ngày sau, số điện thoại: 0977629… của một người đàn ông gọi đến yêu cầu gia đình anh Giáp ra TP.Thanh Hóa nhận tiền từ thiện. Khi anh hỏi địa chỉ, công việc cụ thể của “nhà từ thiện” thì hắn chửi bới rồi cúp máy.
Những mảnh đời bất hạnh là đối tượng để kẻ lừa đảo nhắm đến
Video đang HOT
Cô sinh viên Nguyễn Thị Thu Hương (Trường ĐH Nông lâm Huế) được Báo CATP và một số báo khác phản ánh, được nhiều bạn đọc chia sẻ, hỗ trợ để phẫu thuật tim. Khi sức khỏe ổn định thì Hương liên tục bị “khủng bố” tinh thần. Một người xưng là luật sư bày tỏ sự cảm động trước tình cảm éo le của Hương, cho biết đang vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ Hương. Vài ngày sau, hắn đề nghị Hương gửi 5 triệu đồng để làm chi phí chuyển quà giúp Hương. Thấy nghi vấn nên Hương không làm theo. Khoảng năm ngày sau, đối tượng gọi điện nhờ Hương ra bến xe chở y đến thăm nhà. Hương rất cảnh giác nên từ đó đối tượng cũng mất hút.
Chị Nguyễn Thị Yến N. (37 tuổi, ngụ H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế), nhân vật trên Báo CATP. Trưa 21/8, chị N. nhận được cuộc gọi từ số 01687.151…. xưng tên Nam, giới thiệu là “nhân viên của Viettel” nói rằng, biết hoàn cảnh khó khăn nên công ty trao thưởng 130 triệu đồng và 1 xe máy trị giá 50 triệu đồng, yêu cầu chị N. làm các thủ tục để nhận. Chị N. chạy xe máy gần 50km lên TP.Huế để nhận giải thì Nam nói đã hết giờ giao dịch, bảo chị N. nộp lệ phí để công ty chuyển giải thưởng. Đến kho bạc để nộp tiền cũng hết giờ, theo hướng dẫn của Nam, chị N. vét sạch tiền và vay mượn thêm mua card điện thoại hết 8 triệu đồng rồi đọc số cho Nam.
Một nạn nhân bị lừa trúng thưởng phải nạp thẻ cào điện thoại
Đợi đến tối vẫn chưa có người đến trao giải, chị N. liên lạc với Nam không được mới biết bị lừa. “Thấy họ biết rõ hoàn cảnh của mình và có lòng muốn giúp, hơn nữa số tiền thưởng cũng lớn và tôi nghĩ bớt lại chút để họ chia sẻ với người khác, nên không nghĩ đó là trò lừa đảo. Ai ngờ”, chị N. ngậm ngùi. Chị cũng không ít lần bị một số người đàn ông gọi điện để… gạ tình.
Một nạn nhân khác là chị Nguyễn Thị Thế (37 tuổi, ngụ H.Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), mẹ của em Nguyễn Thành Trung, nhân vật trong bài “Xin cứu cậu học sinh bị chấn thương sọ não” (Báo CATP ngày 8/9/2012). Cứ vài ngày lại có người đàn ông gọi điện cho chị Thế nói: “Thấy hoàn cảnh và hình ảnh của em trên báo mà thương quá. Anh muốn giúp em và con. Nếu em đồng ý thì đi nhà nghỉ với anh thì anh sẽ lo hết cho em”. Chị Thế nhã nhặn từ chối. Chị chia sẻ: “Vì hoàn cảnh quá éo le, tôi không có khả năng chữa bệnh cho con nên mong sự giúp đỡ. Khi báo đăng, có nhiều nhà hảo tâm hỏi thăm, chia sẻ, nhưng cũng có những kẻ bệnh hoạn dụ dỗ, gạ gẫm. Tôi không thể làm những chuyện trái đạo lý như vậy”…
Thời gian gần đây, rất nhiều trường hợp khó khăn được đăng trên báo bị những kẻ vô công rồi nghề, mất nhân tính lừa trao quà, tiền thưởng, gạ tình… Báo chí đã phản ánh, cảnh báo, đề nghị người dân cảnh giác.
Theo 24h
Lại mạo danh giúp đỡ hoàn cảnh nhân ái để lừa tiền
Ngay sau khi hoàn cảnh khó khăn của vợ chồng ông Phùng Sâm (trú thôn Dương Thạnh, xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) được báo Dân trí đăng tải để bạn đọc hảo tâm giúp đỡ thì có kẻ nhẫn tâm lợi dụng để lừa đảo.
Vợ chồng ông Phạm Sâm suýt bị kẻ xấu mạo danh giúp đỡ để lừa tiền
Ngày 28/11, ngay sau bài viết "Vợ tôi chỉ còn chờ ngày để... chết" của hoàn cảnh gia đình ông Phùng Sâm được Báo Dân trí đăng tải, ông nhận được điện thoại của kẻ lạ mặt liên lạc với ông nói rằng hiện có 5 suất quà của Hội chữ Thập đỏ Trung ương kết hợp với Tổng Công ty (đối tượng không nói rõ là Tổng công ty nào - PV) trị giá 95 triệu đồng/suất trao đến các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ.
Hiện đơn vị đã trao được 4 suất, còn 1 suất của một người đã chết, biết gia đình ông có hoàn cảnh khó khăn nên Tổng Công ty chuyển số tiền này qua cho gia đình ông.
Tuy nhiên, để nhận được số tiền này, đối tượng bảo ông Sâm phải chuẩn bị 5,5 triệu đồng tiền làm "giấy tờ" và 2 triệu đồng tiền công. Đối tượng còn hối ông Sâm phải nhanh chóng chuẩn bị tiền và đón xe về TP Tam Kỳ đúng 13h30 cùng ngày làm để làm thủ tục nhận số tiền này. Ông Sâm cho biết, đối tượng này nói giọng ở các tỉnh bắc miền Trung, có thể là người Thanh Hóa hay Nghệ An và gọi điện cho ông rất nhiều lần từ sáng đến chiều ngày 28/11.
Nghi ngờ có điều gì khuất tất, sau khi đối tượng này trao đổi xong thì ông liên lạc ngay với PV Dân trí để xác minh có số tiền nói trên có thật hay không? Ông cũng cung cấp số ĐT của đối tượng là 01636263823 để PV Dân trí liên lạc xác minh.
Khi PV Dân trí đóng vai là con của ông Sâm liên lạc với số ĐT 01636263823 hỏi thủ tục để nhận giúp số tiền cho bố mình là ông Phùng Sâm thì đối tượng chỉ trả lời qua loa và bảo chỉ làm việc với đối tượng là ông Sâm đã đăng báo chứ không làm việc với người lạ. Khi biết PV bật ghi âm thì đối tượng tắt ngay điện thoại. Tiếp tục liên lạc thì đối tượng không nghe máy.
Ông Sâm cho biết, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, sự giúp đỡ của bạn đọc hảo tâm là rất đáng quý. Nếu ai đó thật sự giúp đỡ ông số tiền lớn đến 95 triệu đồng thì ông sẽ đi vay mượn 7,5 triệu để lo thủ tục. Tuy nhiên, ông đã cảnh giác nên không bị mắc bẫy.
Điều đáng nói, đối tượng có số ĐT 01636263823 cũng đã giở trò lừa đảo hoàn cảnh nhân ái ở Nghệ An nhưng không thành đã được báo Dân trí phản ảnh qua bài viết "Thêm một hoàn cảnh nhân ái bị kẻ xấu lừa tiền" đăng vào ngày 24/11 vừa qua.
Đây là cách lừa đảo không mới nhưng các trường hợp nhân ái rất dễ mắc bẫy. Đề nghị các trường hợp nhân ái đã được báo Dân trí phản ảnh hoặc trường hợp khác nếu có người giúp đỡ nhưng lại đề nghị đưa tiền làm "thủ tục" hay tiền công xe đò thì hết sức cảnh giác để không bị mắc bẫy. Bạn đọc nào có thông tin về đối tượng xấu nói trên vui lòng liên lạc với Dân trí để chúng tôi chuyển đến cơ quan chức năng xử lý.
Theo Dantri
Thêm một hoàn cảnh nhân ái bị kẻ xấu lừa tiền Sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe, người đàn ông tự xưng tên Luân bảo chị L. làm hồ sơ để nhận tiền hỗ trợ và gợi ý bồi dưỡng cho nhóm làm hồ sơ. Tin người, chị L. đã mất gần chục triệu bạc cho chiêu lừa đảo không mới này. Theo trình bày của chị L., quê Tân Kỳ, Nghệ...