Mọc ồ ạt như nấm tràm sau mưa, dân rủ nhau đi hái thu tiền triệu
Đến với vùng thượng Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thời điểm này, bạn sẽ được thưởng thức nấm tràm – một món ăn dân dã mà thơm ngon. Nấm tràm rất đắt khách vì thế nhiều người dân miền núi đã tranh thủ vào rừng hái loài đặc sản mới này, thu tiền triệu mỗi ngày.
Nấm tràm màu nâu tím, có vị nhẫn đắng đặc trưng
Sau cơn mưa, nắng hửng lên là nấm tràm mọc càng nhiều và càng bụ bẫm. Đó cũng là lý do mà thời điểm này, bà con các xã vùng thượng Kỳ Anh như: Kỳ Sơn, Kỳ Hợp, Kỳ Lâm, Kỳ Thượng… tích cực tìm về những rừng tràm để hái nấm.
Ông Nguyễn Văn Ngọc (xóm Minh Châu – xã Kỳ Hợp) cho hay: “Sở dĩ gọi là nấm tràm vì nấm được mọc lên từ mùn của lá và vỏ cây tràm rụng. Nấm tràm mọc nhiều từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch. Người dân ở làng tôi thường rủ nhau đi hái nấm rất đông. Có ngày mỗi người thu về từ 20 – 30 kg nấm, cá biệt có những người hái được trên 50 kg. Đây là nguồn thu khá lớn đối với những người dân miền núi còn nhiều khó khăn”.
Nấm tràm mọc lên từ mùn của lá và vỏ cây tràm rụng
Mặc dù đã bước sang tuổi 72 nhưng hầu như ngày nào bà Đặng Quỳnh Lưu (xóm Minh Châu – Kỳ Hợp) cũng lên núi hái nấm tràm. Bà Lưu phấn khởi: “Những năm gần đây, Kỳ Anh mở rộng diện tích trồng tràm nên người dân trong vùng càng được hưởng lợi từ việc hái nấm tràm. Thanh niên trai tráng thì trèo lên núi cao, còn những người có tuổi như bà chỉ lên những chỗ thấp, gần nhà. Ngày nhiều thì tôi hái được tầm 10 kg nấm, còn ngày ít thì khoảng 3 – 4 kg. Nấm tràm rất dễ bán, có bao nhiêu tôi bán trước cửa nhà cho khách qua đường chứ không đến lượt phần thương lái”.
Nấm tràm có màu nâu tím, ăn ban đầu có vị nhẫn đắng nhưng sau đó sẽ ngọt hậu, bùi béo và rất thơm. Với không ít người, vị đắng của nấm càng hấp dẫn vị giác, nhưng nhiều người họ lại nạo và gọt nấm rất cẩn thận để bớt đắng. Sau khi cạo lớp ngoài của tai nấm và chân nấm thì nấm được ngâm với nước muối rồi được chần qua nước sôi, sau đó mới đem chế biến.
Video đang HOT
Bà Đặng Quỳnh Lưu (72 tuổi, xã Kỳ Hợp) mỗi ngày cũng kiếm được hàng trăm ngàn đồng từ việc hái nấm tràm đem bán
Chị Lê Thị Hà (TP. Hà Tĩnh) chia sẻ: “Nếu mới ăn lần đầu thì nấm tràm thật ra không dễ ăn vì hơi đắng. Thế nhưng, khi đã quen rồi thì vị nhẫn đắng đặc trưng đó sẽ gây “nghiện”. Đến mùa nấm tràm, lần nào vào Kỳ Anh công tác tôi đều mua hàng yến nấm về biếu người thân và dự trữ ăn dần, nếu không thì thường đặt mua qua mạng”.
Nhiều người khách qua đường chọn mua nấm tràm tại xã Kỳ Hợp – Kỳ Anh
Theo người dân vùng thượng Kỳ Anh, nấm tràm được bán tại gốc với giá 20 ngàn đồng/kg, nhưng thương lái đưa về xuôi giá sẽ tăng lên từ 30 – 40 ngàn đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Xuân – một thương lái ở xã Kỳ Phong cho biết: “Nấm tràm lành, mát mà lại ngon nên được nhiều người ưa chuộng. Tôi thường phải đặt hàng trước cho bà con các xã vùng thượng hái, mỗi lần lên lấy là hàng tạ nấm, chở về xuôi, bán rất nhanh mà rất được giá”.
Theo Thu Phương – Phan Trâm (Báo Hà Tĩnh)
Nghệ An lo người dân miền núi bần cùng hóa
Không có đất sản xuất, tình trạng bán đất rừng, hệ lụy của các công trình thủy điện... khiến đời sống người dân miền núi hết sức khó khăn. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng nếu không có giải pháp căn cơ sẽ dẫn đến người dân miền núi ở Nghệ An càng ngày càng bần cùng hóa.
Tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII chiều ngày 18/6, nhiều đại biểu đã tập trung phản ánh những khó khăn mà người dân miền núi Nghệ An đang phải trải qua.
Đại biểu huyện Kỳ Sơn Lô Minh Hoạt cho rằng cần giao đất rừng do ban quản lý rừng phòng hộ quản lý nhưng không có rừng cho người dân để họ có đất sản xuất.
Theo đại biểu huyện Kỳ Sơn, diện tích tự nhiên của huyện này lớn nhất tỉnh tuy nhiên diện tích đất được giao cho các hộ dân lại chiếm rất ít. "Người dân trong huyện chỉ được giao 17.000 ha đất để sản xuất là không đủ trong khi đó có tới hơn 41.000 đất rừng thuộc các rừng phòng hộ nhưng lại không còn rừng. Đất rừng mà không có rừng thì đề nghị giao cho người dân sử dụng để sản xuất.
Việc không có đất sản xuất khiến người dân, đặc biệt là thanh niên phải rời quê hương đi làm ăn. Hiện toàn huyện Kỳ Sơn có hơn 5.000 thanh niên không có mặt tại địa phương, nhiều bản làng trắng thanh niên", ông Lô Minh Hoạt đại biểu huyện Kỳ Sơn cho biết.
Hiện ở Kỳ Sơn, 1 khối cát lên đến 600 nghìn đồng, đối với người dân miền núi thì số tiền này không nhỏ, trong khi đó tại chỗ không có mà phải xuống huyện Anh Sơn để mua.Một vấn đề nữa khiến đại biểu huyện miền núi này trăn trở chính là vật liệu để xây dựng nhà cửa cho người dân. Hiện Chính phủ đang cấm rừng nên người dân không thể khai thác gỗ để làm nhà. Trong khi đó, tỉnh lại không cho khai thác cát nên người dân không có vật liệu để xây dựng nhà cửa.
Cử tri các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn phản ánh quy hoạch rừng phòng hộ lấy đất quá rộng, trong khi đó dân không có đất sản xuất. Thẩm quyền để phê duyệt quy hoạch này là của UBND tỉnh Nghệ An. Trong đó có UBND cấp huyện có tham gia bàn bạc, thảo luận, Sở NN&PTNN thống kê, trình bày quy hoạch. Hoàn thành quy hoạch ở cơ sở mới chuyển ra cấp Trung ương, Bộ NN&PTNT phê duyệt.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu: cần có biện pháp giải quyết căn cơ tình trạng người dân bán đất lâm nghiệp nếu không người dân càng ngày càng bần cùng hóa.
"Tôi đề nghị các huyện điều tra cho kỹ, đừng để tình trạng dân chúng ta sống ở đấy hàng nghìn đời mà bây giờ không có đất sản xuất. Không có đất sản xuất, không có tư liệu sản xuất thì người dân lấy gì mà sinh sống?", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.
Một vấn đề nhức nhối hiện nay ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An là tình trạng bán đất lâm nghiệp diễn ra nhiều. Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Nghệ An thì riêng 5 huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông và Tương Dương đã có 1.243 hộ dân bán đất lâm nghiệp với tổng số 8.577 ha. Việc mua bán, chuyển nhượng này không thông qua chính quyền địa phương nên không quản lý được.
Việc mua bán đất lâm nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng người dân không có đất sản xuất, trong khi đó người mua sẽ phá rừng để trồng mới dẫn đến hệ lụy dân sẽ phá rừng để có đất sản xuất - một vòng luẩn quẩn mà người dân miền núi khó thoát khỏi.
"Chúng ta cần kiểm tra lại số liệu này để tập trung xử lý một cách căn cơ nếu không người dân chúng ta càng ngày càng bần cùng hóa", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu trăn trở.
Các đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An kiến nghị cần có cơ chế phù hợp để nâng cao đời sống cho người dân miền núi.
Nâng cao đời sống cho người dân miền núi là kiến nghị của nhiều đại biểu tại cuộc thảo luận tổ. Nhiều chính sách hỗ trợ người dân miền núi phát triển sản xuất, nâng cao mức sống đã được triển khai nhưng chưa thực sự phù hợp và chưa đưa lại hiệu quả như mong muốn.
Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Lê Văn Giáp bức xúc: Đồng bào đã nghèo, không có vốn, sản xuất trên vùng đất cằn cỗi, chờ đợi giống hỗ trợ thì nhận con trâu, con bò vào mùa rét, trâu bò phát triển kém. Nhận cây giống thì đã qua mất mùa gieo trỉa, cây giống không cho năng suất.
"Việc hỗ trợ giống chỉ phát huy hiệu quả khi nó không chỉ đến đúng đối tượng mà phải đúng mùa vụ. Đề nghị cần nghiên cứu để ban hành quy trình hỗ trợ giống cho đồng bào nghèo một cách hiệu quả nhất", đại biểu Lê Văn Giáp kiến nghị.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Đi tìm bò trên núi, 2 mẹ con bị đá rơi trúng người tử vong Sáng 31.5, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ lở núi khiến 2 mẹ con trên đường đi tìm bò bị đá rơi trúng người tử vong. Theo đó, vào khoảng 16h30 ngày 30.5, chị Lầu Y Nênh (SN 1982) và con trai...