Mơ ước của nhà nghèo
Họ đang hướng về một cái Tết với những nỗi buồn lo chung của một gia đình nghèo giữa thành phố có cuộc sống cao nhất cả nước…
Bà Nguyễn Thị Hòa, 67 tuổi, ngụ trong một căn nhà do mẹ để lại trên đường Cao Đạt, quận 5 cho biết: “Cũng như mọi năm thôi, tôi đi gói bánh tét thuê để có ít tiền nấu nồi thịt, mua vài gram mứt ăn Tết”. Ngày trước, mẹ bà Hòa có biệt danh là bà Sáu bánh ít ở khu vực Chợ Quán vào những năm 60 của thế kỷ trước. Bà Sáu tập các con gói bánh rất sớm, chủ yếu bán lấy tiền, không quan trọng việc học. Bà Hòa và em là bà Hà lớn lên tiếp tục nghề của mẹ. Nhưng, việc đời không dễ dàng. Bánh ít, bánh tét từ Long An, Cần Đước được đưa vào thành phố bán giá rẻ hơn, lại thơm ngon không thua bánh của hai chị em. Nếp, đậu xanh, dừa… những nguyên liệu cần cho một nồi bánh tại Sài Gòn lại mắc hơn ở nông thôn. Hai chị em bà Hòa không cạnh tranh nổi, cộng thêm bà Sáu bệnh liên miên nên gia đình lâm vào cảnh bế tắc.
Sau khi bà Sáu qua đời, bà Hòa và bà Hà phải đi giặt đồ thuê cho hàng xóm. Hai bà lập gia đình riêng cũng không khá hơn khi chồng cũng là người làm thuê, con cái không được học hành, gia nhập đội quân nhặt rác bán phế liệu. Căn nhà nhỏ của họ giờ phải chứa hai gia đình, ba thế hệ chen chúc nhau, được xếp vào danh sách hộ nghèo nhận trợ cấp của phường. Bà Hòa kể: “Cứ trước Tết là tôi đi gói bánh tét lấy thù lao, cộng thêm phần quà Tết của phường gồm gạo, nước mắm, đường, lạp xưởng… cũng coi như có tết. Được cái trong Tết, người ta uống bia nhiều, bỏ lon, mình nhặt nhạnh cũng được chút ít tiền lì xì muộn cho mấy đứa cháu nội, cháu ngoại”.
Cũng ở quận 5, phường 2, có gia đình bà Thu, năm nay bà 57 tuổi. Là công nhân hãng dệt từ những năm đầu giải phóng (1975), bà kết hôn với một công nhân trong hãng. Đợt tinh giản biên chế cuối thập niên 80, hai vợ chồng đều mất việc, đành nhận cuốn chả giò gia công cho một số lò chả giò tư nhân để mưu sinh. Hai con họ tốt nghiệp trung cấp chưa tìm được việc làm. Tuy chưa nằm trong danh sách hộ nghèo của phường, nhưng xem ra đã nhiều cái Tết họ phải ăn Tết rất đạm bạc. Tết năm nay cũng vậy, bà Thu cho biết, vợ chồng và các con bà cố cuốn nhiều chả giò để có chút đỉnh tiền ăn Tết. Dù gì cũng phải có nồi thịt và chút mứt cho có hương vị Tết. Bà bộc bạch: “Tôi còn có căn nhà nhỏ do ba mẹ để lại chỉ 10 mét vuông, nhưng cũng còn hạnh phúc hơn nhiều người không có nhà. Tôi chỉ lo cái ăn mà thôi”.
Hoàn cảnh nghèo khó, thiếu ăn còn khá nhiều tại một khu vực thuộc phường Đa kao, quận 1, nơi có căn nhà nhỏ của chị em bà Minh, 58 tuổi và bà Hoàng, 56 tuổi. Hai chị em trước đây được tuyển dụng làm bảo mẫu nhà trẻ nhưng lương thưở đó rất ít (năm 1978) nên cả hai nghỉ làm, ra chợ Đa kao buôn bán. Ít vốn, bán buôn khó khăn, con cái lại không được chăm sóc nên học hành dang dở. Căn nhà nhỏ không đầy 10 mét vuông của hai bà đang chen chúc hai gia đình với hơn 10 người. Sáng bà Minh và bà Hoàng lân la sang nhà hàng xóm xem có việc gì phụ làm để kiếm vài ngàn đồng. Trước đây, hai bà giặt đồ thuê trong xóm. Sau này, máy giặt rẻ, nhà nào cũng có nên hai bà chỉ còn phụ bếp vài gia đình nhà giàu. Các con và cháu nội ngoại của hai bà túa ra, người bán vé số, người lượm rác, thu nhập không đến 50.000/ngày cho mỗi gia đình. Nhắc đến Tết, cả hai rưng rưng: “Mong các hội đoàn ở nhà thờ giúp đỡ có ít gạo, tương chao qua mấy ngày Tết. Quỹ người nghèo của phường năm nào cũng cho gia đình tôi hai phần quà. Thôi thì năm nào cũng đạm bạc cho xong cái Tết, không đói ba ngày Tết là tốt rồi”.
Video đang HOT
Tại phường 21, quận Bình Thạnh có gia đình ông Hoành, 61 tuổi. Thập niên 80 thế kỷ trước, gia đình ông làm gia công cắt dán hoa giấy cho một tổ hợp tư nhân. Sau này hoa giả Trung Quốc, Thái Lan tràn vào, tổ hợp hoa giấy thu hẹp lại, chỉ sản xuất trong gia đình, ông Hoành thất nghiệp, sống bằng nghề bán vé số dạo. Con trai duy nhất của ông tốt nghiệp trung cấp có được việc làm nhưng chỉ đủ nuôi bản thân. Hỏi chuyện ăn Tết, ông vui vẻ: “Thằng con chắc cũng có thưởng, bao nhiêu cũng được, miễn có nồi thịt nhỏ với hộp mứt là đủ. Tôi không xin tiêu chuẩn hộ nghèo, vì dù sao tôi cũng còn cái nhà do ba tôi để lại, con trai cũng là thợ có tay nghề và có việc làm. Một cái Tết không đói như những năm trước là được rồi”.
Đa số dù nghèo nhưng họ vẫn còn có mái nhà để chui ra chui vào, không phải bận tâm chuyện đi thuê nhà trọ. Vì vậy, trong họ vẫn còn một chút lạc quan và tự hào, như trường hợp ông Trường, 63 tuổi, ngụ tại phường 9, quận 3. Trước đây, vợ chồng ông may gia công cho một tổ hợp may tư nhân, bỏ mối tại các chợ An Đông, Chợ Lớn. Sau này, các hãng dệt may phát triển, tổ hợp may giải thể, vợ chồng ông xin vào làm việc tại một tổ hợp in. Được vài năm ông nghỉ hưu, không có lương hưu, hai con gái tốt nghiệp đại học, mới xin được việc làm vài tháng. Hỏi đến Tết, ông Trường cười: “Hai con gái tôi đưa bao nhiêu ăn Tết cũng được. Muốn đủ là đủ, muốn dư là dư, tùy vào sự chấp nhận và bằng lòng của mình mà thôi. Với tôi một nồi thịt nhỏ cho ba ngày Tết, một nồi chè trong đêm giao thừa…là đủ rồi. Chỉ cần vợ chồng con cái sum họp vui vẻ là hạnh phúc”.
Theo VNE
Điều quý giá nhất trong tình yêu
Ai cũng bảo Quang lấy được Hạnh chẳng khác nào chuột sa chĩnh gạo bởi gia đình Hạnh thuộc loại giàu có. Nhưng với Quang và Hạnh, cái mà họ có được là tình yêu chứ không phải bạc tiền.
Quang sinh ra trong một gia đình nghèo. Bố Quang là thương binh, làm nghề sửa xe ở đầu phố. Mẹ Quang bán hàng ăn sáng trước cổng trường cấp 3 gần nhà. Còn nhắc đến nhà Hạnh, ai cũng phải trầm trồ trước cái gia tài mà họ có được sau bao năm buôn bán lớn. Nhà Hạnh chỉ có mình Hạnh, và vì thế khi chuyện tình của Hạnh với Quang bắt đầu, không ai không đặt một dấu châm hỏi.
Quang gặp Hạnh trong một đêm đông lạnh. Chiếc xe máy đắt tiền mà Hạnh đi thủng săm buộc cô phải dắt bộ. Và chính Quang - người đi cùng đoạn đường đã giúp Hạnh đưa chiếc xe đó đến cửa hàng của bố mình để sửa. Nhìn bộ dạng của Hạnh lúc đó hẳn chẳng ai có một cảm giác dễ chịu: tóc nhuộm đủ thứ màu gớm ghiếc và gương mặt phủ lên một lớp phấn dày bự. Ngồi cùng Hạnh đợi chiếc xe được sửa xong, liếc nhìn đồng hồ Quang thấy đã quá 11h đêm, bèn nhắc: "Sao em không điện thoại về cho bố mẹ em con gái mà về muộn thế này chắc bố mẹ em lo lắm".
Dù trời tối, nhưng Quang vẫn nhận ra đôi mắt Hạnh ầng ậc nước, Hạnh nói bằng cái giọng bất cần nhưng vẫn không giấu nổi sự nghẹn ngào: "Làm gì có ai lo chứ, họ bận đủ thứ chẳng có sức mà lo đâu, em quen rồi". Và đêm đó, Quang tình nguyện đưa Hạnh về với nỗi trăn trở về một người con gái có gì đó như đang phải trải qua sự cô đơn nhiều lắm.
Sau lần gặp đó, họ trao đổi cho nhau số điện thoại. Và mỗi lần trò chuyện cùng Hạnh, Quang hiểu được tâm hồn người con gái mà người ngoài nhìn vào thường nói: "Sướng không biết đường sướng". Bố mẹ Hạnh lao vào làm ăn và chẳng để tâm tới con mình. Hạnh lớn lên trong thiếu hụt sự quan tâm của bố mẹ và sự dư thừa của cải mà cũng chính bố mẹ cô tạo ra. Chính vì thế mà Hạnh nổi loạn, phá phách và ngang tàn. Nhưng thực ra trong con người tưởng chừng "hư hỏng" đó là một trái tim đa cảm và khát khao yêu thương hơn ai hết.
Chính những dòng tin nhắn, những sự sẻ chia từ chàng trai nhà nghèo tên Quang ấy đã dần giúp Hạnh thay đổi bản thân mình. Cô muốn sống một cuộc sống tốt hơn. Quang cứ lặng lẽ, âm thầm bên Hạnh để Hạnh nhận ra mình không hề cô độc. Và khi Hạnh bắt đầu thay đổi lối sống của mình, từ ngoại hình, lời ăn tiếng nói đến tính cách cũng chính là lúc họ nhận ra, trái tim họ đập cùng một nhịp.
Quang cứ lặng lẽ, âm thầm bên Hạnh để Hạnh nhận ra mình không hề cô độc... (Ảnh minh họa)
Họ bắt đầu yêu bằng cuộc hèn hò đầu tiên bên một quán nước nhỏ. Quang không tin vào mắt mình khi thấy Hạnh. Mái tóc với đủ thứ màu, xoăn tít được thay bằng mái tóc đen, dài ngang vai và duỗi thẳng điệu đà. Khuôn mặt mộc của cô chỉ được tô điểm bằng một màu son hồng nhạt nhưng lại làm cô đẹp hơn bao giờ hết. Cô mặc một chiếc áo sơ mi màu trắng trông thật hiền. Họ đên với nhau và cuộc tình của họ không ít những lời bàn ra, tán vào.
Người thì cho rằng Quang là kẻ hám tiền, quyết tâm yêu và lấy Hạnh chỉ để được làm rể một gia đình giàu có. Kẻ lại bảo sao Quang con nhà hiền lành tử tế lại đi yêu một con bé từng biết "đủ mùi đời", ăn nói xâc xược... Khi nghe những lời phán xét cay nghiệt ấy, Hạnh đã gục đầu vào vai Quang mà khóc nức lên: "Anh ơi, em xin thề, em từng nổi loạn, nhưng lí do của hành động đó là vì em muốn bố mẹ em quan tâm đến em, chứ tuyệt nhiên em vẫn giữ mình trong trắng. Xin anh hãy tin em!". Quang không nói gì, anh nhẹ nhàng đặt lên mắt Hạnh một nụ hôn đầy sự trân trọng.
Không chỉ có vậy, tình yêu của Quang và Hạnh gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía hai gia đình. Khi biết con trai mình đem lòng yêu Hạnh, bố mẹ Quang e dè sợ miệng đời chua ngoa lại nghĩ nhà mình hám của, mặt khác, Hạnh là một cô gái xuất thân giàu có, liệu có phù hợp làm dâu con nhà nghèo như mình không?! Lần đó, chính Hạnh đã tìm đến tận nơi thuyết phục bố mẹ Quang: "Con biết, con còn nhiều thiếu xót lắm, để làm dâu, làm vợ con còn phải học hỏi và cố gắng rất nhiều vì con vốn không phải làm gì. Nhưng con xin hai bác cho con cơ hội, vì con và anh Quang yêu nhau thật lòng. Chính anh Quang đã làm thay đổi cuộc đời con, nếu không có anh ấy chắc con đã để cuộc đời mình trôi xuôi rồi. Xin hai bác hãy cho con cơ hội!".
Hạnh nói và làm, cô thường xuyên đến nhà Quang, xin bác gái dạy cho cách nấu nướng, rồi dọn dẹp nhà cửa... Thấy hai đứa yêu nhau nhiều quá, bố mẹ Quang ban đầu ái ngại nhưng dần già rồi cũng chấp thuận.
Bố mẹ Hạnh tất nhiên có cái lí do to đùng để phản đối, mẹ Hạnh rít lên: "Con ơi là con, yêu ai không yêu lại đi yêu cái thằng khố rách áo ôm như thế thì nhờ cậy gì, mà chắc gì nó đã yêu mày thật lòng hay nó chỉ nhăm nhe cái gia tài nhà mình hả con. Mày cứ bỏ nó đi, rồi mẹ giới thiệu cho một thằng con nhà giàu có mà nương tựa, cả đời tha hồ mà hưởng thụ. Còn mày mà cứ quyết tâm lấy nó thì đừng tơ tưởng đến một đồng một hào nào, cũng chẳng có của hồi môn hồi miếc gì hết".
Hạnh nhìn sâu vào mắt mẹ: "Bố mẹ có bao giờ biết tình yêu có sức mạnh như thế nào không? Có lẽ bố mẹ không biết, chính anh Quang đã giúp con thoát khỏi sự bế tắc của mình, và chỉ bên người đàn ông đó con mới hạnh phúc thôi. Những của cải và tiền bạc xin bố mẹ cứ giữ cho riêng mình, vì con đã có một thứ của cải lớn nhất đời rồi, đó là tình yêu".
Hạnh và Quang cưới nhau trong một lễ cưới giản dị và ấm cúng. Ai trong đám cưới đó cũng rưng rưng xúc động khi cô dâu nói về cái mà cô nhận được từ người đàn ông của cuộc đời cô. Và tất cả những ai đã từng nghĩ về một nguyên cớ nào khác đều nhận ra rằng chỉ có tình yêu mới là điều đáng quý nhất.
Theo STT
Buồn vì đám cưới không như mơ Tôi rất thích được một lần ngồi trong chiếc xe quả bí lấp lánh đèn, thích diện áo cưới đính hạt pha lê, hạt đá với cái đuôi dài thật đẹp. Tôi cũng như bao người con gái khác, đều muốn mình thật xinh đẹp trong ngày cưới và ngày cưới của mình sẽ là ngày đẹp nhất. Đó không chỉ là mong...