Mở rộng Tân Sơn Nhất: Sẽ toại nguyện nếu “quyết chi rất rất nhiều tiền”?
Thiếu tướng Trần Hữu Nam – Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Quốc phòng – cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên hàng trăm triệu khách/năm nếu quyết chi rất, rất nhiều tiền. Tuy nhiên, chúng ta không phải là nhà giàu, tiền bao nhiêu cũng là vấn đề.
Chiều 27/2, tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã làm việc với đơn vị tư vấn quốc tế là Công ty ADP-I (Cộng hòa Pháp) và nghe báo cáo về các phương án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất – TPHCM (HKQT). Theo ông Thể, đây là cuộc làm việc quan trọng nhất của Bộ GTVT kể từ đầu năm 2018 đến nay. Tham dự còn có đại diện các Bộ, ngành liên quan và các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không.
Mở rộng sân bay về 2 phía Nam – Bắc
Ông Vincent Gaubert – Giám đốc dự án, đại diện Tư vấn ADP-I – cho biết, trong bối cảnh Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay, không nên xây dựng đường cất-hạ cánh mới (tức là đường băng thứ 3) để tăng công suất lên trên 50 triệu hành khách/năm. Bởi tới năm 2025 Tân Sơn Nhất sẽ khai thác với công suất 50 triệu hành khách và đây cũng là thời gian sân bay quốc tế Long Thành đi vào khai thác.
Cuộc họp nghe báo cáo về các phương án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất – TPHCM, chiều 27/2
Trên cơ sở đánh giá khả năng nâng cao công suất Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Tư vấn ADP-I đề xuất 6 phương án mở rộng, trong đó có 5 phương án mở rộng về phía Nam, phía Bắc đạt công suất 50 triệu hành khách/năm với một số giải pháp chính như: Dịch chuyển đường cất-hạ cánh (CHC) 07R/25L về phía Đông khoảng 180m, rút ngắn chiều dài CHC 07R/25L từ 3.800m xuống còn 3.656m;
Xây mới đường lăn thoát nhanh, đường lăn song song giữa hai đường CHC, đường lăn song song giữa đường CHC 25L/07R và đường lăn E6, đường lăn vòng. Nâng số lượng vị trí đỗ tàu bay tại sân đỗ theo quy định mới của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) nhằm tối ưu hóa năng lực sân đỗ và giải quyết tình trạng ùn tắc.
Đáng lưu ý là trong các phương án này, Tư vấn Pháp đề xuất giải pháp mở rộng nhà ga hành khách bằng cách sắp xếp lại nhà ga T1 và T2 để có thể phục vụ 30 triệu hành khách/năm. Đồng thời xây dựng thêm nhà ga T3 với diện tích sàn ít nhất là 200.000 m2 để có thể phục vụ khoảng 20 triệu HK/năm.
Với các giải pháp nêu trên, Tư vấn chỉ ra năng lực khai thác khu bay có thể đạt 67 lượt cất hạ cánh/giờ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn khai thác Tư vấn khuyến cáo khai thác 57 lượt cất hạ cánh/giờ và cho 18 tiếng hoạt động mỗi ngày, tương đương 50,33 triệu hành khách/năm. Tư vấn cũng đưa ra phương án mở rộng để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 70 triệu hành khách/năm. Để đạt công suất này cần phải xây dựng đường CHC số 3 và khu nhà ga về phía Bắc.
Video đang HOT
Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu ADP-I làm rõ phương án tối ưu nhất để trình Thủ tướng xem xét
Theo thuyết minh của dự án, Tư vấn ADP-I khuyến cáo chọn phương án mở rộng về phía Nam và phía Bắc đạt công suất 50 triệu hành khách/năm. Trong đó, tại phía nam sẽ xây dựng nhà ga hành khách T3 và mở rộng sân đỗ máy bay trước nhà ga hành khách T3 trên phần đất do quân sự quản lý. Về phía Bắc (lấy cả diện tích sân golf hiện hữu) sẽ xây dựng các công trình đảm bảo vấn đề hậu cần sân bay như nhà ga hàng hóa, logistics đồng bộ, hangar sửa chữa máy bay và các công trình dịch vụ kỹ thuật khác như suất ăn, xăng dầu, tập kết mặt đất…
Tổng mức đầu tư theo phương án mở rộng về phía Nam và phía Bắc để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm là 30.793 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Ưu tiên Long Thành, mục tiêu quốc phòng
Theo Tư vấn ADP-I, sân bay Long Thành đang được triển khai xây dựng, dự kiến năm 2025 đưa vào khai thác. Khi đó, một phần hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được chuyển sang Long Thành và sẽ khai thác đồng thời cả 2 sân bay. Do đó về lâu dài cần ưu tiên nguồn lực phát triển sân bay Long Thành.
ADPi khuyến cáo, chỉ nên nâng công suất Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt khách để ưu tiên nguồn lực cho Long Thành còn vì vấn đề về môi trường, đặc biệt là tiếng ồn do sân bay Tân Sơn Nhất gây ra với khu dân cư rất lớn (theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế Châu Âu, Mỹ); giao thông tiếp cận khó khăn, ảnh hưởng đến công trình quân sự tại sân bay CHKQT Tân Sơn Nhất.
Về phía Bộ Quốc phòng, đại diện Quân chủng Phòng không không quân cho biết, Tân Sơn Nhất nằm trong nội đô TPHCM, trong khi tất cả các nước phát triển trên thế giới đều ít quan tâm đến xây dựng sân bay trong thành phố, bởi nếu tai nạn không mong muốn xảy ra sẽ là thảm họa rất lớn. Phát triển Tân Sơn Nhất ở mức vừa phải, công suất đến 50 triệu khách/năm là hoàn toàn hợp lý.
Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang quá tải nghiêm trọng. Sân bay này dùng chung cho cả dân dụng và quân sự.
Thiếu tướng Trần Hữu Nam – Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Quốc phòng – khẳng định: Tân Sơn Nhất là sân bay dùng chung quốc phòng, dân dụng. Trên địa bàn sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn một số đơn vị quốc phòng có nhiệm vụ vừa bảo vệ trực tiếp cho sân bay Tân Sơn Nhất, vừa bảo vệ vùng trời, bảo vệ TPHCM, đồng thời là cơ sở để thực hiện trực ban sẵn sàng chiến đấu để xử lý các tình huống…
“Chúng ta hoàn toàn có thể nâng công suất sân bay này lên hàng trăm triệu khách/năm nếu quyết chi rất, rất nhiều tiền. Tuy nhiên, chúng ta không phải là nhà giàu, tiền bao nhiêu cũng thành vấn đề, vì thế cần tính trong khả năng, đảm bảo hiệu quả.” – Phó cục trưởng Cục Tác chiến cho hay.
Về phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh: Trước đây, Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không đã nghiên cứu quy hoạch và được hội đồng thẩm định thông qua. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng kết quả nghiên cứu chưa khách quan, vì vậy Thủ tướng chỉ đạo yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu lựa chọn tư vấn độc lập của nước ngoài đưa ra các phương án quy hoạch. Với kết quả ADPi nghiên cứu và đánh giá, đây là cơ sở để hoàn chỉnh quy hoạch một cách khách quan, tạo sự đồng thuận.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tư vấn ADPi cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ phương án đề xuất cho sân bay Tân Sơn Nhất trên cơ sở cái nhìn tổng thể khách quan, có tương quan phát triển sân bay này với các sân bay lân cận như: Cần Thơ, Long Thành, Cam Ranh… Lên được khái toán kinh phí cho phương án đề xuất tối ưu nhất để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo Dân Trí
TP HCM nghiên cứu 4 phương án mở rộng Tân Sơn Nhất
Ngoài phản biện việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam (đã được Chính phủ duyệt), nhóm khoa học nghiên cứu 3 phương án khác.
Nhóm chuyên gia độc lập sẽ tập trung nghiên cứu, phản biện 4 phương án cải tạo, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Google maps.
Sở Giao thông Vận tải vừa trình UBND TP HCM 4 phương án điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Tân Sơn Nhất do nhóm chuyên gia tập trung nghiên cứu.
Đầu tiên là phản biện phương án mở rộng nhà ga về phía Nam do Bộ Giao thông Vận tải thống nhất trình Chính phủ trước đó.
Không mở rộng sân bay, điều chỉnh giao thông trong Tân Sơn Nhất và nâng cao năng lực điều hành của bộ phận điều khiển không lưu (từ 5 phút xuống còn 2 phút mỗi lần cất, hạ cánh).
Mở rộng sân bay về phía Bắc (sân golf), xây thêm nhà ga, bãi đỗ và đường lăn, thêm kết nối giao thông với sân bay phía Bắc. Công suất sân bay sẽ đạt 50 triệu hành khách một năm.
Phương án cuối cùng cũng chọn cách mở rộng sân bay về phía Bắc, với các hạng mục như phương án 3 nhưng sẽ xây thêm đường băng để công suất sân bay đón được 70-90 triệu hành khách mỗi năm.
Các chuyên gia đang tập trung nghiên cứu ở các nội dung: năng lực hiện nay của đường băng cất, hạ cánh, đường lăn, bãi đỗ máy bay, nhà ga hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất.
Phương tiện kỹ thuật và năng lực quản lý điều hành không lưu; nhu cầu mở rộng tăng năng suất sân bay; nhu cầu kết nối giao thông đô thị vào sân bay hiện nay và tương lai; vấn đề thoát nước...
Sân bay lớn nhất nước đang kẹt cả trên trời lẫn dưới đất. Ảnh: Thành Nguyễn.
Trước đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã thành lập nhóm nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất do PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không trường ĐH Bách Khoa TP HCM - làm trưởng nhóm.
Các thành viên khác gồm nhiều chuyên gia trong ngành hàng không, giao thông, quy hoạch như trung tá Lê Trọng Sành, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, TS Phạm Sanh, TS Nguyễn Bách Phúc...
Theo ông Nhân, dự kiến vào đầu tháng 9 TP HCM sẽ hoàn chỉnh phương án để báo cáo Thủ tướng. Cuối năm, thành phố cũng xin tham gia phản biện trong cuộc họp của Chính phủ với các bộ ngành về việc cải tạo, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Sở Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp các sở ngành liên quan và nhóm nghiên cứu. Nguồn kinh phí thực hiện việc nghiên cứu từ ngân sách thành phố.
Sân bay Tân Sơn Nhất đang tắc cả trên trời, nhà ga và cả ngoài đường vì sản lượng hành khách hàng năm đã vượt quá công suất thiết kế. Sân bay chỉ có 51 vị trí đỗ, trong khi nhu cầu cần khoảng 80. Hai đường băng nhưng chỉ một đường lăn ra vào hai chiều, tàu bay này hạ cánh đi vào nhà ga thì tàu bay khác phải chờ.
Vì hết vị trí đỗ nên tàu bay phải chờ trên đường lăn, khiến có lúc chín chiếc khác phải bay vòng vòng 30 phút trên trời. Hai nhà ga hiện nay cũng thường rơi vào cảnh quá tải, nhất là vào các dịp lễ, tết.
Không chỉ quá tải trong đường lăn, nhà ga mà các tuyến đường bên ngoài kết nối quanh khu vực sân bay như Trường Sơn, Cộng Hòa, Trường Chinh, Trần Quốc Hoàn... cũng quá tải do mật độ xe quá đông. Tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra ở các tuyến đường này, chỉ cần một vụ tai nạn có thể khiến toàn bộ giao thông quanh sân bay rối loạn.
Hữu Nguyên
Theo VNE
Cử tri TP HCM đề nghị dẹp sân golf trong Tân Sơn Nhất Ngoài đề nghị bỏ sân golf trong sân bay, người dân cũng muốn Trung ương có Nghị quyết về chủ trương "quân đội thôi làm kinh tế". Gửi ý kiến đến kỳ họp thứ 5, HĐND TP HCM khóa IX khai mạc ngày 4/7, cử tri quận Tân Bình đề nghị cấp có thẩm quyền chấm dứt cho thuê mặt bằng xây sân...