Mở rộng dùng hệ thống VQ1-M trong phòng không Việt Nam
Ngày 12/10, Quân chủng PK-KQ đã khai mạc Lớp vận hành, khai thác và bảo đảm kỹ thuật Hệ thống VQ1-M cho các đơn vị phía Nam.
Hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia – Giai đoạn 1 (Gọi tắt là VQ1-M) được Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu đưa vào sử dụng cho một số đơn vị thuộc Quân chủng PK-KQ từ tháng 4/2015.
Sau thời gian thử nghiệm đến nay, Bộ Quốc phòng quyết định mở rộng sử dụng hệ thống này ra toàn Quân chủng PK-KQ.
Theo báo Phòng không, Hệ thống VQ1-M quản lý các dữ liệu bằng kỹ thuật số, thu thập, xử lý các nguồn tin từ ra đa quân sự, hàng không dân dụng và các nguồn tin khác tạo thành bức tranh tổng thể tình huống trên không để truyền các dữ liệu đến cơ quan đơn vị có nhu cầu nhận tin để phục vụ cho sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời.
Hệ thống VQ1-M.
Ngoài ra, Hệ thống có thể tính toán hiểm họa với các mục tiêu, hỗ trợ một phần lệnh tự động hóa tác chiến phòng không; nắm bức tranh toàn cảnh hệ thống khí tài chiến đấu ở đơn vị; ghi lưu tái hiện bức tranh tình huống trên không…
Việc đưa vào trang bị trên diện rộng Hệ thống VQ1-M nhằm đảm bảo yếu cầu “Không để Tổ quốc bị bất ngờ từ các tình huống từ trên không” và nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng PK-KQ.
Chỉ trong vòng 20 tháng, hệ thống cảnh giới vùng trời quốc gia tự động VQ1-M do Viettel chế tạo đã được hoàn thành, sớm hơn 4 tháng so với kế hoạch, một tiến độ vô tiền khoáng hậu.
Video đang HOT
Việc đưa Hệ thống VQ1-M vào trang bị chiến đấu đánh dấu một bước phát triển mới của CNQP Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay của Quân chủng PK-KQ.
Hệ thống VQ1-M hoạt động rất đơn giản bởi có giao diện bằng tiếng Việt giúp kíp trực ban thao tác cực nhanh, chính xác, dễ dàng, xác suất sai sót, bỏ lọt hay hoang báo mục tiêu cực thấp.
Mọi tham số mục tiêu, tình trạng hoạt động của các trạm radar, thậm chí từng đài radar đơn lẻ đều được tích hợp, gộp lại và hiển thị trên màn hình của Sở chỉ huy, giúp Quân chủng có đầy đủ thông tin để ra những mệnh lệnh chiến đấu đúng đắn, hiệu quả.
Tất nhiên, ngay lập tức, những mục tiêu ấy chỉ bằng động thái nhẹ nhàng như nhấp chuột, được bàn giao cho các đơn vị hỏa lực từ cấp trung đoàn, sư đoàn và cấp quốc gia đang chờ sẵn để khai hỏa và tiêu diệt.
Theo Đất Việt
Đưa khí tài săn mục tiêu bay thấp "Made in Vietnam" vào vận hành
Ngày 20/09/2016, tại Học viện PK-KQ, Quân chủng PK-KQ phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel khai mạc lớp huấn luyện khí tài săn mục tiêu bay thấp cơ động nhanh VRS-2DM.
Trình diễn khí tài radar do Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel chế tạo, trong đó có radar bắt thấp cơ động nhanh VRS-2DM. Ảnh: Tập đoàn Viettel.
Theo báo Phòng không - Không quân, radar VRS-2DM là khí tài được Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cải tiến hiện đại hóa từ radar P-19 do Liên Xô sản xuất. Đây là khí tài có khả năng bắt thấp rất tốt, được trang bị cho các đơn vị của Quân chủng PK-KQ để thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời và quản lý điều hành bay.
Theo kế hoạch đợt 1 - 2016, Quân chủng tổ chức 2 lớp huấn luyện về khí tài radar VRS-2DM gồm: Lớp tham mưu được huấn luyện trong 1 tháng, Lớp Kỹ thuật được huấn luyện trong 2 tháng.
Trong thời gian huấn luyện, cán bộ các cấp của Quân chủng sẽ được giới thiệu những kiến thức cơ bản về tính năng, kỹ chiến thuật, quy trình khai thác sử dụng, làm công tác chuẩn bị chiến đấu, điều chỉnh, sửa chữa, quy trình bảo dưỡng, định kỳ khí tài radar VRS-2DM.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí - Phó tư lệnh Quân chủng PK-KQ phát biểu tại Lễ khai mạc. Ảnh: Báo Phòng không - Không quân.
Tự hào radar bắt thấp"Made in Vietnam"
Với khóa huấn luyện này, có thể khẳng định khí tài săn mục tiêu bay thấp cơ động nhanh VRS-2DM do Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel chế tạo đã vượt qua được những "cửa ải" nghiệm thu khắt khe, nghiêm ngặt, đáp ứng được yêu cầu về loại radar thế hệ mới, hiện đại.
Việc đưa radar VRS-2DM vào trang bị đã góp phần nâng cao sức chiến đấu của các đơn vị, cảnh giới bầu trời, cảnh báo sớm cho các phân đội hỏa lực tên lửa, pháo phòng không chuyển cấp báo động sẵn sàng tiêu diệt các mục tiêu bay, kể cả mục tiêu bay thấp, bám địa hình.
Còn nhớ, cách đây tròn 1 năm, tại Triển lãm "70 năm thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam" nhân dịp Quốc khánh 09/09/2015, radar VRS-2DM chính thức được ra mắt công chúng và đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của khách thăm quan.
Radar bắt thấp chuyên nhiệm VRS-2DM do Viettel chế tạo trưng bày tại Triển lãm Giảng Võ. Ảnh: Nguyễn Bình
Điều đó khẳng định sự lớn mạnh của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam, trong đó Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel là một mũi nhọn, đã và đang nghiên cứu, chế tạo và sản xuất nhiều loại vũ khí, khí tài thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quân đội nói chung và Quân chủng PK-KQ nói riêng.
Như đã biết, trong tác chiến phòng không, các mục tiêu bay thấp, đặc biệt là bay bám địa hình là những kẻ địch cực kỳ nguy hiểm, có thể đột kích bất ngờ khiến các lực lượng phòng không vất vả đối phó, thậm chí là bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt do không kịp chuyển cấp báo động.
Vì thế, hầu hết các nước đều chú trọng trang bị các loại khí tài cảnh giới nhìn vòng có khả năng soi chiếu, bóc trần các loại phượng tiện tập kích đường không bay thấp và siêu thấp. Với những quốc gia có tiềm lực công nghệ quốc phòng hàng đầu hoặc những quốc gia giàu có thì việc tự nghiên cứu hoặc mua sắm không khó.
Nhưng với Việt Nam, tiềm lực có hạn, trước yêu cầu của chiến tranh hiện đại, các nhà khoa học thuộc Tập đoàn Viettel đã không quản mưa nắng, vượt qua những khó khăn ban đầu để liên tiếp cho ra đời những tổ hợp radar hiện đại.
Qua đó, không chỉ tự chủ được về công nghệ, mà còn tiết kiệm cho ngân sách nhiều triệu USD do không phải nhập ngoại những loại radar tương tự.
Đến giờ phút này, các cán bộ kỹ sữ của Viettel hoàn toàn có thể tự hào góp phần không nhỏ vào định hướng "tiến thẳng lên hiện đại" của Quân chủng Phòng không - Không quân, đảm bảo khí tài cho Quân chủng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, kiên quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ bởi những tình huống từ trên không.
Theo Thế Giới Trẻ