Mở rộng cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ thành 6 làn xe
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về việc triển khai dự án nâng cấp, mở rộng đường Pháp Vân-Cầu Giẽ thành cao tốc 6 làn xe, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về đề xuất của Bộ Giao thông vận tải việc nâng cấp đường Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Theo văn bản trên, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc triển khai theo phương án 1 như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (Giai đoạn 1 thi công cải tạo đường cũ với quy mô 4 làn xe; Giai đoạn 2 thi công mở rộng đủ 6 làn xe) việc nâng cấp, mở rộng cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (Hà Nội).
Phó Thủ tướng đồng ý giao Nexco liên doanh với nhà đầu tư trong nước thực hiện dự án. Đồng thời, giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai dự án theo đúng quy định hiện hành.
Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ sẽ được nâng cấp, mở rộng thành 6 làn xe thay vì 4 làn như hiện nay.
Theo phương án được Bộ Giao thông vận tải đề xuất, giai đoạn 1 của dự án sẽ giữ nguyên hiện trạng, cải tạo toàn bộ trắc dọc, mặt đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Mặt bằng giai đoạn I nằm hoàn toàn trong diện tích đã được giải phóng trước đây, trừ vị trí các trạm thu phí.
Video đang HOT
Giai đoạn 2 của dự án sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng, mở rộng đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới và xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp VI đồng bằng.
Theo dự kiến, giai đoạn 1 sẽ bắt đầu thi công từ quý 4/2013 đến quý 4/2014 và khai thác thu phí hoàn vốn từ quý 1/2015.
Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ dài 28km, được Bộ Giao thông vận tải đầu tư, đưa vào khai thác từ năm 2002 với quy mô là đường cấp I đồng bằng, 4 làn xe. Đây là tuyến giao thông huyết mạch cửa ngõ phía Nam Thủ đô và là đoạn đầu tiên của đường cao tốc Bắc – Nam nhánh phía Đông có vai trò kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các đầu mối giao thông quan trọng, nên ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội của Hà Nội và các vùng lân cận. Sau 10 năm khai thác, tuyến đường đã xuống cấp, ảnh hưởng nhiều đến khả năng khai thác, cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Vạn Xuân
Theo_VnMedia
Hơn 10 km đường cao tốc "tật nguyền"
Quốc lộ Pháp Vân - Cầu Giẽ hàng ngày có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn. Tuy nhiên, trong gần 10 năm qua, đầu quốc lộ trên hướng đi từ Hà Nội về Hà Nam lại không được lắp đặt biển báo quy định tốc độ, biển cấm đỗ, dừng, sai làn. Điều này khiến lái xe "vô tư" vi phạm trong khi CSGT lại không có căn cứ xử phạt.
Tại đầu Quốc lộ Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng đi từ Hà Nội - Hà Nam
không hề có hệ thống biển báo, biển cấm đối với các loại xe ô tô
Bất hợp lý ngay đầu Quốc lộ
Điểm đầu của Quốc lộ Pháp Vân - Cầu Giẽ nối với đường cao tốc trên cao là nút giao thông quan trọng phía Nam của thành phố. Tại Quốc lộ trên theo hướng từ Hà Nội đi Hà Nam, được các cơ quan chức năng cắm biển cấm mô tô, xe máy và xe thô sơ lưu thông. Tuy nhiên, tại đây không hề thấy bất cứ một biển cấm dừng đỗ, đi sai làn và quy định tốc độ tối đa, tối thiểu đối với xe ô tô.
Việc không có những biển cấm trên đã "tiếp tay" cho các vi phạm của lái xe trên tuyến đường này. Hầu hết các xe khách khi rẽ vào Quốc lộ đều chạy với vận tốc "rùa bò", thản nhiên dừng đỗ đón trả khách ven đường. "Cánh" lái xe tải chở vật liệu xây dựng không được che chắn kỹ đi với tốc độ cao, vào cả làn đường dành cho xe con khiến đất đá rơi vãi xuống đường, gây nguy hiểm giao thông. Trong suốt hơn 10km trên cho đến lối rẽ vào Quốc lộ 1 A đoạn qua địa phận huyện Thường Tín, xe khách thản nhiên dừng đỗ, phóng nhanh vượt ẩu tranh giành khách đứng đón xe ở bên đường. Chưa hết, mặt đường tại khu vực này nhiều chỗ đã xuống cấp nghiêm trọng. Vạch sơn phân làn đường mờ, nhiều đoạn không có càng khiến cho nguy cơ ùn tắc và TNGT. Nguy cơ này càng tăng cao khi người điều khiển phương tiện vào buổi tối, ban đêm, trong điều kiện thiếu ánh sáng, hạn chế khả năng quan sát.
Vụ TNGT giữa một chiếc xe khách 30 chỗ ngồi với xe ô tô 5 chỗ vào đầu tháng 9 vừa qua khiến cho xe khách lao thẳng xuống ao, 1 người thiệt mạng và 4 người khác bị thương là một trong những vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên đoạn đường này. Nguyên nhân xảy ra TNGT được xác định ban đầu là do hai lái xe không làm chủ tốc độ, tránh vượt sai quy định. Theo thống kê của Đội CSGT số 8, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, 14 vụ TNGT xảy ra trong năm 2012 trên đoạn đường này lỗi chủ yếu là do tránh vượt, dừng đỗ và đi quá tốc độ so với quy định.
Sau hơn 10km, tuyến Quốc lộ trên mới có hệ thống biển quy định tốc độ tối đa và tối thiểu
Phải khẩn trương khắc phục
Trung tá Đỗ Mạnh Ninh - Đội trưởng Đội CSGT số 8 cho biết, theo Luật Giao thông đường bộ, hệ thống biển báo, biển cấm và hướng dẫn phải được đặt ở ngay đầu các tuyến đường. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, từ năm 2007 đến nay, ở đầu Quốc lộ này không hề được các cơ quan chức năng cắm biển báo, biển hướng dẫn. Chỉ đến đoạn rẽ vào đường Quốc lộ 1A, hệ thống biển báo này mới xuất hiện. Điều này đã tạo kẽ hở cho các phương tiện "thoải mái" vi phạm còn CSGT không thể xử lý được do không có căn cứ.
Cũng theo đại diện Đội CSGT số 8, nếu trong năm 2012 trên cả tuyến đường này xảy ra 14 vụ TNGT thì 9 tháng đầu năm 2013, số TNGT đã giảm còn 3 vụ. Đây là nỗ lực rất lớn của lực lượng CSGT trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Tuy nhiên, đáng nói, cả 3 vụ TNGT khiến 4 người chết trên lại xảy ra ở khu vực đoạn Quốc lộ không được lắp đặt hệ thống biển báo, biển cấm theo quy định. Mặc dù lực lượng CSGT của Đội CSGT số 8 hàng ngày vẫn cắm chốt, chủ động tuần lưu nhưng cũng không xử lý được các lỗi dừng đỗ, quá tốc độ hay sai làn. Trong suốt gần 10 năm trời đằng đẵng, đơn vị đã rất nhiều lần đề xuất, kiến nghị đến các cơ quan chức năng lắp đặt biển báo cũng như tăng cường hệ thống đèn chiếu sáng, nhưng đến nay tất cả vẫn giậm chân tại chỗ.
Làm việc với Hạt quản lý đường bộ Pháp Vân - Cầu Giẽ thuộc Công ty Quản lý, sửa chữa đường bộ 236, đơn vị quản lý đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, đại diện Hạt quản lý đường bộ này cho biết lý do việc suốt gần 10 năm mà điểm đầu cao tốc trên chưa được lắp đặt hệ thống các biển báo có liên quan đó là do nhà thầu thi công công trình đường cao tốc trên cao khu vực đi qua Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa bàn giao mặt bằng cho Khu quản lý đường bộ 2 để quản lý. Hậu quả của việc chậm trễ này đã khiến người và phương tiện tham gia giao thông qua đây đang phải hàng ngày, hàng giờ đối mặt với nguy hiểm.
Hoàng Phong
Theo ANTD
Khốn khổ vì lỡ ra "bến cóc" bắt xe khách về quê nghỉ lễ Sau hàng giờ vật vờ đợi xe tại đầu đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ nhiều người vẫn không thể lên xe về quê khi các nhà xe không bắt khách vì lực lượng CSGT đã có mặt làm nhiệm vụ ổn định trật tự giao thông. Dân về nghỉ lễ, nhà xe được dịp nhồi nhét Dù chỉ được nghỉ...