Mở rộng cao tốc Long Thành – Dầu Giây: Hợp lý, đúng thời điểm
Quyết định của Bộ GTVT là đúng thời điểm, vấn đề còn lại là làm sao để những nghiên cứu khả thi được hoàn chỉnh và đạt chất lượng.
Bộ GTVT vừa giao Tổng Công ty Cửu Long lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, trình bộ xem xét, đưa vào kế hoạch trung hạn 2021-2025.
Theo đó, Bộ GTVT đồng ý cho mở rộng cao tốc này nhằm giải tỏa ùn tắc cho con đường huyết mạch phía Nam.
Nghiên cứu nhiều phương án
“Bộ GTVT vừa giao cho chúng tôi nghiên cứu về các phương án mở rộng cao tốc này. Khi nào có kết quả cụ thể, chúng tôi sẽ thông báo sau”. Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM ngày 18-8 như trên.
Theo các phương án trước đó về mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, giai đoạn 2021-2030, đoạn từ nút giao An Phú (TP.HCM) đến thị trấn Long Thành (Đồng Nai) sẽ mở rộng 8-10 làn xe. Đoạn còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây giữ nguyên bốn làn xe.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu trong nghiên cứu phải làm rõ quy mô và trách nhiệm đầu tư đối với các nút giao An Phú, quốc lộ 51, vành đai 2, vành đai 3… Ngoài ra, Bộ GTVT giao Vụ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí vốn để triển khai dự án.
Trước đó, để giải quyết tình trạng kẹt xe liên tục trên cao tốc Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ GTVT mở rộng đường này từ bốn lên 12 làn xe. Bộ đã giao Tổng Công ty Cửu Long khảo sát, nghiên cứu để đề xuất phương án.
Dựa trên số liệu lưu lượng xe khảo sát tại Trạm thu phí Long Phước năm 2017 (14,17 triệu lượt), đơn vị tư vấn đưa ra dự báo về số làn xe cho cao tốc này theo từng giai đoạn: Năm 2025 dự kiến mở rộng năm làn xe, năm 2030 thành bảy làn, năm 2035 mở rộng tám làn, năm 2038 lên chín làn và năm 2040 thành 10 làn.
Trước đây, tổng giám đốc Tổng Công ty Cửu Long cũng từng đề xuất mở rộng cao tốc này. Cụ thể, đoạn từ nút giao An Phú đến thị trấn Long Thành dài 24 km sẽ mở rộng từ bốn lên tám làn xe từ năm 2025 với nguồn vốn hơn 9.800 tỉ đồng. Sau năm 2040, đoạn này cần được mở rộng lên 10 làn xe. Riêng 31 km từ Long Thành đi Dầu Giây có thể sẽ giữ nguyên.
Video đang HOT
Sau năm năm hoạt động, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hiện đã quá tải. Ảnh: VŨ HỘI
Nghiên cứu sớm nhưng phải đạt chất lượng
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, nhận định: “Quyết định mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây lên 10 làn xe là hợp lý và đúng thời điểm. Do đó rất cần nghiên cứu lập dự án khả thi cũng như thiết kế kỹ thuật để triển khai tuyến cao tốc này sớm nhất, đáp ứng lượng xe ngày càng gia tăng”.
Theo TS Tuấn, hiện nay lưu lượng xe trên cao tốc này, đặc biệt đoạn từ nút giao An Phú đến đoạn giao với quốc lộ 51 lưu lượng xe rất lớn, vượt quá công suất của đường và bắt đầu có trạng thái bão hòa.
Trong khi đó, tuyến cao tốc được khai thác vào năm 2015 thì đúng ra phải đến khoảng năm 2030 mới đạt ngưỡng bão hòa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tốc độ phát triển kinh tế của TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu rất nhanh. Giao thương và nhu cầu vận chuyển con người, hàng hóa giữa TP.HCM với các tỉnh phía đông như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận… cũng phát triển mạnh mẽ. Do đó, lưu lượng xe trên cao tốc đạt đến trạng thái bão hòa sớm hơn rất nhiều so với dự kiến.
TS Tuấn cho biết thêm, trong bối cảnh như vậy, quyết định của Bộ GTVT là đúng thời điểm. Vấn đề còn lại là làm sao cho những nghiên cứu khả thi được làm hoàn chỉnh và phải đạt chất lượng. Nếu được thông qua sớm thì nhanh chóng làm cơ sở huy động vốn cho bước thiết kế kỹ thuật mời thầu.
Ngoài ra, cần nghiên cứu những tuyến cao tốc khác cắt ngang qua cao tốc này tạo thành mạng lưới giao thông đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và con người. Ví dụ, tuyến cao tốc Biên Hòa – Bà Rịa-Vũng Tàu cần triển khai sớm vì quốc lộ 51 hiện đã bão hòa, thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông.
Việc đầu tư hai bên đường song hành cao tốc cũng thực sự cần thiết vì đặc trưng của cao tốc là hạn chế những điểm ra vào. Do đó cần có đường song hành để đảm bảo nhu cầu lưu thông tại các khu đô thị dọc tuyến. Ông Tuấn góp ý: Phát triển đường song hành nên huy động vốn từ các nhà đầu tư bởi nó sẽ phát triển gắn liền với các dự án bất động sản.
Những lưu ý khi mở rộng cao tốc
Theo TS Vũ Anh Tuấn, khi mở rộng cao tốc cần xác định những đoạn có lưu lượng phương tiện lớn sẽ ưu tiên làm trước. Khi giải quyết các nút thắt cổ chai, đường giao cắt (nút giao An Phú, nút giao vòng xuyến rẽ vào quốc lộ 51) cần có giải pháp kỹ thuật giảm thiểu ùn tắc.
Đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất là an toàn giao thông. Do đó phải áp dụng tiêu chuẩn công nghệ mới nhất để đảm bảo điều này. Ngoài ra, cần xem xét tính cạnh tranh giữa cao tốc và tuyến đường sắt (khu đô thị Thủ Thiêm – sân bay Long Thành). Đường sắt sẽ chia sẻ một phần lưu lượng người di chuyển cho cao tốc.
Ngày 10-6, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Bộ GTVT góp ý về việc đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Theo UBND TP, việc nghiên cứu mở rộng cao tốc này là rất cần thiết và đồng bộ với việc xây dựng sân bay Long Thành.
Bộ Công an muốn thay Bộ GTVT quy định về báo hiệu đường bộ
Hiện Bộ GTVT đang đảm nhận nhiệm vụ quy định nội dung hệ thống báo hiệu đường bộ, tuy nhiên Bộ Công an muốn đảm nhận vai trò này.
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi do Bộ GTVT soạn và dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn (TTAT) GTĐB do Bộ Công an soạn vừa được trình Chính phủ. Tuy nhiên, hai dự thảo luật có sự chồng lấn khi hai bộ đều muốn được quy định nội dung hệ thống báo hiệu đường bộ (BHĐB).
Bộ Công an muốn quản
Theo đó, Bộ Công an đưa ra hai phương án xác định cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hệ thống BHĐB. Cụ thể, phương án 1, Bộ Công an sẽ đảm nhận nhiệm vụ ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hệ thống BHĐB, quy định này sẽ nằm trong Luật Bảo đảm TTATGTĐB. Phương án 2 giao Bộ GTVT ban hành quy định này và được quy định trong Luật GTĐB.
Trong hai phương án trên, Bộ Công an đề xuất phương án 1. "Bởi hệ thống thông tin tín hiệu an toàn là sự cụ thể hóa các quy tắc giao thông, liên quan chặt chẽ đến TTATGT" - Bộ Công an lý giải.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng hệ thống BHĐB bao gồm năm nhóm. Trong đó, ngoài hiệu lệnh của người điều khiển giao thông thì các BHĐB còn lại bao gồm: Tín hiệu đèn giao thông, biển BHĐB, đinh phản quang, tiêu phản quang, dải phân cách... Tất cả hạng mục trên đều thuộc công trình đường bộ và tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB.
Cạnh đó, hiện nay các chỉ tiêu kỹ thuật của BHĐB ngoài việc được cụ thể hóa trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về BHĐB do Bộ GTVT ban hành còn phải đồng bộ, thống nhất với các chỉ tiêu kỹ thuật khác của công trình đường bộ, đồng thời được quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành công trình GTĐB.
Ngoài ra, việc sản xuất, lắp đặt BHĐB cũng phải phù hợp và tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về BHĐB và các tiêu chuẩn thiết kế đường bộ. "Do đó, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện thì nội dung trên cần được quy định trong Luật GTĐB..." - ông Thể nêu kiến nghị.
Hệ thống báo hiệu đường bộ ngoài biển báo còn nhiều báo hiệu khác. Ảnh: V.LONG
Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc
Thẩm tra nội dung trên, Bộ Tư pháp cho rằng hệ thống BHĐB ngoài hiệu lệnh của người điều khiển giao thông còn nhiều báo hiệu khác. Theo đó, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an cần xác định rõ tại dự án luật này chỉ điều chỉnh các quy định về hệ thống BHĐB dưới góc độ là các biện pháp tổ chức giao thông và bảo đảm TTATGT.
Còn các quy định gắn với việc sản xuất, tổ chức đặt, cắm các biển BHĐB với tính chất là các hạng mục của công trình đường bộ và thuộc tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB thì không quy định tại dự thảo Luật Bảo đảm TTATGTĐB.
"Ngoài ra, việc sản xuất, lắp đặt BHĐB cũng phải phù hợp và tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về BHĐB và các tiêu chuẩn thiết kế đường. Do đó, đề nghị cân nhắc quy định giao Bộ Công an chịu trách nhiệm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hệ thống BHĐB tại dự thảo luật" - Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Phản hồi quan điểm trên, Bộ Công an cho rằng đơn vị sẽ không thực hiện việc sản xuất và lắp đặt hệ thống biển BHĐB. "Tuy nhiên, đơn vị sẽ đảm nhiệm vai trò quy định nội dung, ý nghĩa của hệ thống BHĐB, nhằm thông báo, hướng dẫn cho người tham gia giao thông..." - Bộ Công an cho hay.
Đa số thành viên Chính phủ không tán thành
Trước ý kiến còn khác nhau, Văn phòng Chính phủ tiến hành phát phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Đến ngày 11-8, có 19/26 thành viên Chính phủ cho ý kiến về vấn đề này.
Theo đó, có 14 thành viên Chính phủ đồng ý Luật GTĐB sẽ quy định hệ thống BHĐB và do Bộ GTVT quản lý. Chỉ có năm thành viên đồng ý phương án quy định tại Luật Bảo đảm TTATGTĐB và Luật GTĐB chỉ quy định việc sản xuất, tổ chức đặt, cắm các biển báo hiệu.
Theo Văn phòng Chính phủ, trong hệ thống báo hiệu GTĐB, chỉ có "hiệu lệnh của người điều khiển giao thông" thuộc nội dung tổ chức chỉ huy, điều khiển. Các loại báo hiệu còn lại gắn liền với các hạng mục của công trình đường bộ, thuộc hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB, được quản lý thông qua các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ GTVT ban hành.
Vì vậy, Văn phòng Chính phủ đề nghị quy định theo hướng Luật GTĐB quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn và quản lý các loại BHĐB gắn với thiết kế, đầu tư, xây dựng và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng GTĐB (hệ thống báo hiệu giao thông tĩnh). Nội dung "hiệu lệnh của người điều khiển giao thông" và việc chỉ huy, điều khiển hệ thống đèn tín hiệu đường bộ (hệ thống báo hiệu giao thông động) quy định tại Luật Bảo đảm TTATGTĐB.
"Nội dung này có tính chất giao thoa giữa chức năng, nhiệm vụ của hai bộ, vì vậy để bảo đảm tính thống nhất, khả thi và hiệu quả, đề nghị hai bộ phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định của hai luật này..." - Văn phòng Chính phủ nêu quan điểm.
Không cấp phép làm đường dưới gầm đường cao tốc Ngày 11/8, nguồn tìn từ Bộ Giao thông vận tải cho biết, cơ quan có thẩm quyền đã bác bỏ đề xuất làm đường dưới gầm (dạ) cầu cạn của đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây mà UBND TPHCM đề xuất cách đây ít lâu. Bộ GTVT không cho phép TP HCM làm đường dưới gầm đường cao tốc. Theo đó, tháng 5/2020,...