Mở lại phiên xét xử nguyên Tổng Giám đốc Cty sửa chữa tàu biển Vinalines
TAND tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngày 11/11 tới sẽ mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Trần Hải Sơn (thuộc cấp của Dương Chí Dũng, SN 1960, trú TPHCM) – nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines.
Đối tượng Trần Hải Sơn vừa bị TAND Tối cao Hà Nội xử phạt tổng cộng 22 năm tù về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái.
Các bị cáo Trần Hải Sơn, Trần Văn Quang, Trần Bá Hùng, Phạm Bá Giáp.
Cùng bị đưa ra xét xử với Trần Hải Sơn vào phiên tòa sắp tới còn có Trần Văn Quang (SN 1976, trú TP Vũng Tàu) – nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch thị trường Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Bá Hùng (SN 1979, trú Nha Trang) – nguyên Phó trưởng bộ phận chế tạo vỏ Nhà máy sửa chữa tàu biển Hyundai Vinashin; Phạm Bá Giáp (SN 1972, trú Nha Trang) – nguyên Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân. Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội tham ô tài sản trong vụ sửa chữa ụ nổi 83M xảy ra tại Khánh Hòa.
Trước đó, ngày 26/8/2014, tòa này đã mở phiên tòa xét xử nhưng sau đó đã hoãn xử vì vắng mặt một số nhân chứng và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đặc biệt là Dương Chí Dũng. Hiện Dương Chí Dũng đã được di lý vào Khánh Hòa. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày.
Theo nội dung vụ án, Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), được Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam giao nhiệm vụ, ủy quyền ký, thanh toán các hợp đồng sửa chữa ụ nổi 83M thuộc Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, Trần Hải Sơn đã thông đồng với Trần Văn Quang, Trần Bá Hùng, Phạm Bá Giáp ký hợp đồng số 01-07/2008/HĐKT ngày 12/8/2008 sửa chữa một số công việc phần sắt hàn và kẽm chống ăn mòn, giá trị hợp đồng hơn 7,2 tỉ đồng; Hợp đồng số 02/2008/HĐKT ngày 20/8/2008, sửa chữa một số công việc phần van, ống, máy và phần chống ăn mòn vỏ ụ nổi 83M, giá trị hợp đồng gần 1,5 tỉ đồng.
Thông qua việc ký kết, thực hiện hai hợp đồng này, Sơn, Quang, Hùng đã bàn bạc, thỏa thuận gửi giá và nâng khống khối lượng vật tư thi công, rồi nhờ Giáp cho mượn tư cách pháp nhân Công ty TNHH Nguyên Ân ký và thanh quyết toán hai hợp đồng để tham ô hơn 3,6 tỉ đồng.
Video đang HOT
Theo đó, Sơn chiếm đoạt 2,2 tỉ đồng. Quá trình điều tra, ban đầu Sơn khai nhận hành vi phạm tội của mình phù hợp với diễn biến vụ án và lời khai của các bị can khác, sau đó lại khai báo quanh co, chối tội. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ, xác định việc chối tội của Sơn là không có căn cứ.
Đối với khoản tiền 150 triệu đồng Sơn đưa cho Dương Chí Dũng (nguyên Cục Trưởng Cục Hàng Hải, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải vừa bị TAND Tối cao Hà Nội tuyên mức án tử hình) vào các dịp lễ tết, Dũng đã thừa nhận khoản tiền này.
Quang chiếm đoạt 857 triệu đồng; Hùng chiếm đoạt hơn 395 triệu đồng; Giáp được “lại quả” hơn 178 triệu đồng.
Theo cơ quan điều tra, hành vi nêu trên của Sơn, Quang, Hùng và Giáp đã phạm vào tội “tham ô tài sản” quy định tại khoản 4 điều 278 BLHS, có khung hình phạt tù từ 20 năm đến tù chung thân hoặc tử hình. Trong đó, Sơn giữ vai trò chính, Quang là người tổ chức thực hiện, Hùng và Giáp giữ vai trò giúp sức.
Đối với Nguyễn Văn Chính, Ngô Văn Thức là cán bộ Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, do quá tin tưởng Quang nên ký nháy vào biên bản nghiệm thu khối lượng thi công hợp đồng kinh tế số 01-07/2008/HĐKT; hợp đồng số 02/2008/HĐKT, các hợp đồng này đã được thanh quyết toán gây thiệt hại tài sản Nhà nước. Hành vi của Chính, Thức có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, Chính, Thức không tham gia bàn bạc, không hưởng lợi, không biết mục đích của Sơn và Quang trong việc gian dối, nâng khống khối lượng thi công nhằm rút tiền của công ty. Ngày 30/1/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C48) Bộ Công an đã có văn bản gửi cơ quan chủ quản đề nghị xử lý hành chính đối với các đối tượng này.
Tài liệu điều tra còn xác định ông Nguyễn Tiến Long, Giám đốc Công ty Thanh Long, ông Lê Văn Triệu, Giám đốc Công ty Vân Anh, là những người đã bán hóa đơn giá trị gia tăng cho Hùng và Giáp để thu lợi bất chính. Hành vi của ông Long và ông Triệu có dấu hiệu tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn. Ngày 30/1/2013 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có công văn chuyển hồ sơ tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm của ông Long đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để điều tra xử lý theo thẩm quyền.
Đối với ông Triệu, còn có hành vi vi phạm pháp luât tại TP Hồ Chí Minh theo đề nghị của cơ quan CSĐT Công an quận Bình Tân ngày 18/6/2012, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có công văn chuyển hồ sơ tài liệu liên quan đến hành vi của ông Triệu đến cơ quan CSĐT Công an quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Trịnh Anh
Theo Dantri
Tiếp tục điều tra việc mua bán 73 con tàu tại Vinalines
Đây là thông tin Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) nói tại phiên họp toàn thể của UB Tư pháp sáng nay, 15/9, để nghe báo cáo về tình hình phòng chống tham nhũng năm 2014.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, đánh giá về tình hình tham nhũng năm 2014 của Chính phủ vẫn chung chung. Mặc dù các bộ ngành, địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, có cơ quan giảm 50% thủ tục hành chính để tạo thông thoáng cho người dân, tổ chức, nhưng theo ông Quyền, một số cán bộ công chức vẫn lợi dụng thủ tục hành chính để gây nhũng nhiễu.
Nhắc lại việc kết quả khảo sát của Bộ Nội vụ công bố mới đây (80% người dân hài lòng với dịch vụ công) ngay lập tức đã gặp phải những phản ứng từ phía người dân, dư luận, ông Quyền nhận định, người dân hoài nghi với cải cách hành chính.
Ngoài ra, theo ông Quyền, việc minh bạch tài sản còn hình thức, đặc biệt việc công khai, kê khai bản thu nhập tài sản không có tác dụng gì nhiều trong việc kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Việc thu hồi tài sản qua thanh tra, kiểm toán thấp, chỉ đạt trên 10%; công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng kiểm toán - thanh tra - điều tra xử lý tham nhũng còn những bất cập, chưa tốt.
Đại biểu Đỗ Văn Đương: "Cơ quan chuyên trách điều tra án tham nhũng có quá tải?".
Ông Quyền nhận xét, việc phát hiện, xử lý tham nhũng gần đây lại có cảm giác chìm đi. Cho đến thời điểm này, các vụ tham nhũng phanh phui được đều chỉ là tham nhũng vặt, ở cấp thôn, xã, không bắt được "cá lớn" nào.
Lý giải vấn đề này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng xác nhận, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích.
Tình trạng sách nhiễu, või vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong dư luận xã hội.
Không đánh giá nguyên nhân thực trạng là từ khâu kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức như Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đình Quyền, ông Lượng cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức chưa tốt. Vẫn còn cán bộ, lãnh đạo chủ chốt, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cao cấp vẫn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống. Sau đó mới đến việc các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) lại đặt câu hỏi về năng lực điều tra, phá án tham nhũng của lực lượng chức năng. Cụ thể, các báo cáo nói đến vấn đề lực lượng điều tra tham nhũng mỏng, thiếu tính chuyên nghiệp. Ông Đương cho rằng, luật quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan chuyên trách điều tra tham nhũng là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48) - Bộ Công an.
Tuy nhiên, gần đây, hầu hết các vụ án lớn ở TCty đường sắt, Agribank, các tập đoàn, DNNN khác lại phải chuyển cho bộ phận cảnh sát kinh tế làm. Phải chăng C48 quá tải nên phải chuyển. Việc này gây ảnh hưởng thế nào tới tiến độ, chất lượng điều tra...? - ông Đương băn khoăn.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện chia sẻ suy nghĩ với đại biểu Đương khi chỉ ra số liệu thống kê, số án phải làm trên đầu mỗi điều tra viên không nhiều. Người như vậy có phải quá thiếu, quá mỏng không? Ông Hiện cho rằng, lực lượng có mỏng thì ở chỗ khác chứ lực lượng của C48 không mỏng. Sao các vụ việc phải chuyển sang bộ phận khác?
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) Trần Văn Yến lý giải án tham nhũng không do C48 điều tra mà chuyển cơ quan khác thực hiện vì việc đó không trái với luật. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện ra đầu mối tổ chức thì có nhiều đơn vị của Bộ Công an tham gia, có đơn vị chủ động thu thập chứng cứ từ đầu nên khi có đủ căn cứ thì làm luôn.
"Tâm lý của người làm án vất vả cả năm trời mà hé ra được vụ nào thì anh em đều muốn làm luôn vì nếu giao lại cho C48 thì lại mất thời gian, cản trở quá trình điều tra. Suốt 2012-2014, C48 tập trung cho vụ án lớn Dương Chí Dũng - Vinalines, đang tiếp tục mở rộng điều tra việc mua 73 con tàu, phát hành trái phiếu... của TCty này. Có một số phần việc từ nay tới cuối năm mới kết luận. Vụ ALC II - Agribank tới đây cũng phải làm tiếp một số vụ việc nữa... Tóm lại, đơn vị nào điều tra thì bản chất cũng không thay đổi, đều do sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an" - ông Yến trấn an.
P.Thảo
Theo Dantri
Hoãn phiên tòa vụ tham ô khi sửa ụ tàu vì vắng Dương Chí Dũng Sáng nay (26-8), sau khi làm thủ tục, TAND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm xử vụ án tham ô tài sản tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) khi sửa chữa ụ tàu 83M. Bị cáo Trần Hải Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines tại phiên tòa sáng 26-8....