Mở đường trên đất quân sự, “giải cứu” kẹt xe Tân Sơn Nhất
Dài 4,3km với 6 làn xe bắt đầu từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa, tuyến đường mới đi qua phần đất quân sự sẽ góp phần giảm ùn tắc ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất.
Đường Cộng Hòa con đường kẹt xe “như cơm bữa”
Sở GTVT TP.HCM cho biết, để giải quyết tình trạng kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, TP cho mở đường mới bắt đầu từ đường Trần Quốc Hoàn, chạy song song sau đó kết nối với đường Cộng Hòa tại vị trí giao lộ với đường Trường Chinh.
Dự kiến đoạn đường có chiều dài 4,3 km, rộng khoảng 20 – 22m cho 6 làn xe lưu thông. Theo tính toán sơ bộ, kinh phí đầu tư cho con đường này hơn 1.400 tỉ đồng.
Tuyến đường mới này phần lớn nằm trong đất quân sự nên Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT TP HCM) – đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án – đang phối hợp các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng khảo sát, lập dự án thiết kế.
Đây là một trong số 6 dự án xây dựng công trình kéo giảm kẹt xe cho sân bay Tân Nhất (tổng kinh phí hơn 2.700 tỷ đồng), được Sở GTVT TP đề xuất ưu tiên đầu tư trong năm nay.
Trong 6 dự án đó, hiện đã khởi công xây dựng 2 công trình vào đầu tháng 2 năm nay gồm: xây dựng cầu vượt Trường Sơn – Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài (quận Tân Bình) và dự án cầu vượt vòng xoay Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn (Phú Nhuận, Gò Vấp).
Theo Dương Thanh (Dân Việt)
Đường một chiều, bất tiện nhưng phải đổi?
Trước thông tin nhiều tuyến đường đổi thành một chiều, người dân và các chuyên gia giao thông cho rằng chắc chắn sẽ có nhiều bất tiện để đổi lấy việc giao thông thông thoáng nhưng phải đổi.
Hướng lưu thông một chiều qua các đường Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ (Bạn đọc có thể bấm vào ảnh để xem ở chế độ phóng to) - Sơ đồ: Việt Thái
Video đang HOT
Tại cuộc họp mới đây với Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng về tình hình ùn tắc giao thông, ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết Sở hiện đang nghiên cứu tổ chức các cặp đường một chiều là đường Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ; đường Phan Văn Trị - Lê Quang Định; đường Hai Bà Trưng - Phạm Ngọc Thạch và cặp đường Trần Quốc Thảo - Lê Quý Đôn.
Việc đổi các tuyến đường này thành đường một chiều được cơ quan chức năng hứa hẹn sẽ góp phần giải quyết nạn kẹt xe thông qua việc làm giảm giao cắt, tăng khả năng thông hành của tuyến đường so với việc tổ chức lưu thông hai chiều.
Tuy nhiên nhiều người dân, đặc biệt là các hộ sống ở hai bên đường, lại lo ngại việc đổi đường một chiều sẽ gây bất tiện trong đi lại cũng như mua bán hàng hóa. Đáng chú ý là hai tuyến đường Cộng Hòa và Trường Chinh không song song với nhau, cũng không có nhiều tuyến đường cắt ngang thông hành. Như vậy việc đổi hai tuyến đường này thành đường một chiều hướng ngược nhau có giúp giảm ùn tắc như mong muốn hay chỉ chuyển kẹt xe từ nơi này sang nơi khác?
Lo ngại đi xa, buôn bán ế ẩm
Chị Minh Tân - chủ hộ buôn bán nằm trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) - cho biết chị rất lo lắng vì cửa hàng của gia đình nằm ở bên trái tuyến đường, khi đổi thành một chiều sợ rằng xe không sang đường được, công việc làm ăn không còn thuận lợi như trước.
"Tôi nghĩ chính quyền nên xem xét việc giảm thuế cho những hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng như gia đình chúng tôi trong thời gian đầu nếu thay đổi đường thành một chiều", chị Tân đề nghị.
Anh Đinh Hồng Nhật (Q.Tân Phú) cho hay anh thường xuyên đi đường Cộng Hòa hướng đi Lăng Cha Cả để đi làm, khi đường chỉ cho đi một chiều ngược lại thì anh buộc phải thay đổi sang tuyến Trường Chinh.
"Không biết khi đổi thành một chiều rồi thì con đường này có lại quá tải và kẹt nữa không? Trước mắt tôi thấy mình đã phải đi xa hơn trước, ngã tư Bảy Hiền lưu lượng xe cũng rất lớn, không biết đường Hoàng Văn Thụ có sức chứa nổi không?" - anh Nhật lo lắng.
"Tôi sẵn sàng đi xa hơn nếu thực sự nó giải quyết được bệnh kẹt xe. Chỉ sợ đâu lại vào đấy kẹt vẫn kẹt mà phải chạy xa hơn thôi", bạn đọc Chương Dương khẳng định.
Nhiều ý kiến ủng hộ giải pháp đổi thành đường một chiều, tuy nhiên cũng góp ý rằng nên xây dựng nhiều tuyến đường nối giữa hai đường song song, tạo thuận tiện cho việc đi lại của người dân.
Giải pháp cuối cùng để giảm ùn tắc
Xe cộ kẹt cứng
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông đô thị - cho rằng việc chuyển đường từ hai chiều thành một chiều là một trong những cách giảm ùn tắc cuối cùng khi các phương án khác không còn hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển TP.HCM, cho rằng việc chuyển đường từ hai chiều thành một chiều nên được cân nhắc thật kỹ. Có thể giải pháp này sẽ giúp giao thông trên trục đường đó thuận lợi hơn nhưng lại khiến những tuyến đường thay thế xung quanh trở nên quá tải.
"Đường hai chiều có thể ách tắc nhưng ngược lại người tham gia giao thông có thể lưu thông với hướng đích rõ ràng, còn đường một chiều tuy thông thoáng nhưng lại khiến người dân phải tìm đường ngang ngõ tắt chạy rất xa để tìm một con đường khác giải quyết công việc. Do đó, vấn đề này không đơn giản, nếu không tính toán kỹ sẽ gây thiệt hại rất nhiều cho người dân", ông Hòa nhận định.
Tuy nhiên theo PGS.TS Lưu Đức Hải - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), bài toán giao thông đô thị là một bài toán khó vì nó gắn liền với rất nhiều vấn đề như dân sinh, phát triển cộng đồng, kinh tế xã hội, du lịch, quy hoạch... Vì thế, không có giải pháp nào là tối ưu cho tất cả mọi người.
"Nếu chúng ta đã xác định đặt ưu tiên hàng đầu là giải quyết nạn ùn tắc thì những vấn đề còn lại sẽ không được chú trọng bằng. Giải pháp nào cũng vậy, được cái này thì mất cái kia, người dân sẽ có người thiệt nhiều, người thiệt ít, quan trọng là cần đặt lên bàn cân xem giải pháp nào có lợi nhiều hơn.
Đây thực sự là một bài toán khó cần phải cân nhắc nhiều và cần phải tham khảo ý kiến người dân cũng như các chuyên gia nhiều hơn nữa ", ông Đức Hải nói.
Tiêu chuẩn nào cho đường một chiều?
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, không phải con đường nào cũng dễ dàng chuyển đổi từ một chiều thành hai chiều.
Đồng tình với ý kiến trên, TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết muốn xây dựng tuyến đường một chiều thì thứ nhất phải có đường thay thế song song có mặt cắt hợp lý và nằm không quá xa so với đường cũ. Thứ hai, phải có hệ thống đường nối ngang giữa hai tuyến đường trên để tiện cho việc đi lại của người dân.
Theo ông Nguyễn Minh Hòa, xét trên những tiêu chuẩn này thì những con đường gần nhau và hoàn toàn song song như Hai Bà Trưng và Phạm Ngọc Thạch hay Lê Quý Đôn và Trần Quốc Thảo hoàn toàn có thể xây dựng đường một chiều ngược hướng lưu thông. Hơn nữa giữa hai cặp đường này có rất nhiều đường thông nhau.
Còn đường Cộng Hòa - Trường Trinh - Hoàng Văn Thụ thì nên suy nghĩ lại. Thứ nhất vì hai con đường này nằm quá xa nhau. Thứ hai, những tuyến đường đấu nối giữa hai con đường này lại khá rắc rối và hiện cũng đang gặp phải tình trạng kẹt xe.
Khi biến Cộng Hòa -Trường Chinh thành đường một chiều thì lượng lưu thông sẽ đổ dồn lên các đường ngang, từ đó lại gây kẹt xe trên các tuyến này. Muốn mở đường một chiều trên tuyến Cộng Hòa - Trường Chinh thì nên mở thêm những con đường nối rộng hơn để "gánh" bớt lượng lưu thông quá lớn của hai tuyến đường - ông Minh Hòa cho biết.
Ông Hòa cũng đề xuất riêng đối với đường Cộng Hòa, có thể nghĩ đến các giải pháp giảm kẹt xe tối ưu hơn như xây dựng tuyến đường trên cao, có thể sẽ tốn kém nhưng người dân sẽ được lợi nhiều hơn.
"Đối với con đường này tôi nghĩ phương án xây dựng lưu thông một chiều chỉ nên áp dụng trong một thời gian tạm thời, khi đã có giải pháp khác thì nên trả lại cho người dân những quyền lợi mà họ xứng đáng được hưởng", ông Hòa đề xuất.
Đồng tình với ý kiến trên, KTS Trương Nam Thuận (Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN) cho rằng giải pháp đổi đường hai chiều thành một chiều không phải là biện pháp chống kẹt xe lâu dài.
Nếu làm không khéo thì kẹt xe chỉ chuyển từ nơi này sang nơi khác vì về cơ bản phương án này không làm thay đổi lưu lượng giao thông trong tổng thể hệ thống.
"Vấn đề là mật độ sử dụng giao thông TP.HCM lúc nào cũng đông. Kẹt là điều chắc chắn, vấn đề là điều tiết luồng giao thông thế nào cho hiệu quả, chờ cho đến khi TP.HCM đẩy nhanh phát triển tuyến tàu metro và phát triển dự án vùng ven nhằm giãn mật độ dân số", KTS Trương Nam Thuận cho biết thêm.
Hướng lưu thông một chiều qua các đường Hai Bà Trưng - Phạm Ngọc Thạch (Bạn đọc có thể bấm vào ảnh để xem ở chế độ phóng to) - Sơ đồ: Việt Thái
Hướng lưu thông một chiều qua các đường Phan Văn Trị - Lê Quang Định (Bạn đọc có thể bấm vào ảnh để xem ở chế độ phóng to) - Sơ đồ: Việt Thái
Dự kiến hướng lưu thông một chiều của đường Lê Quí Đôn và đường Trần Quốc Thảo - (Bạn đọc có thể bấm vào ảnh để xem ở chế độ phóng to) - Sơ đồ: T.Thiên
(Theo Tuổi Trẻ)
Cửa ngõ Tân Sơn Nhất vẫn ùn tắc khi đường phân luồng hai chiều Sau khi đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp, TP HCM) được phân luồng hai chiều, tình trạng kẹt xe vẫn diễn ra ở nút giao thông tai đây. Hai hôm trước, đường Nguyễn Kiệm - đoạn từ ngã 6 Gò Vấp đến đường Nguyễn Thái Sơn - được cho 2 chiều đối với xe máy, ôtô chỉ một chiều như cũ. Khoảng 3...