‘Mở đường’ phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh – Bài cuối: Tìm nguồn lực cho hạ tầng giao thông
Trong kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh cần hơn 900.000 tỷ đồng cho phát triển các công trình giao thông giai đoạn 2021 – 2030.
Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng hàng năm hạn chế, đặc biệt do tác động của dịch COVID-19, Thành phố đang nỗ lực tìm kiếm, bố trí các nguồn vốn phục vụ mục tiêu phát triển các công trình giao thông.
Một góc Quận 2 với xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Ảnh tư liệu: Thanh Vũ/TTXVN
Khai thác nguồn lực
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Thành phố đã chủ động xây dựng và ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2022 – 2025 nhằm đưa ra những giải pháp cấp bách và trọng tâm để khôi phục những đứt gãy, vực dậy nền kinh tế thành phố, khôi phục những hoạt động văn hóa – xã hội.
Hiện tại, TP Hồ Chí Minh đã được Trung ương tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ 18% lên 21%, là nguồn vốn cho đầu tư phát triển giai đoạn tới. Cùng với đó, Thành phố cũng sẽ kiên trì kiến nghị Trung ương bố trí vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng quan trọng, có tính chất thúc đẩy động lực tăng trưởng, kết nối liên kết vùng; đề xuất Trung ương tăng thêm vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 của Thành phố tương ứng với nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Thành phố.
Về đất đai gắn với các dự án xây dựng, Thành phố dự kiến sẽ khai thác hiệu quả quỹ đất trên địa bàn, phù hợp với các quy định được phê duyệt và theo quy định của pháp luật, nhất là các khu đất dọc các tuyến quốc lộ, vành đai và tuyến metro. Trường hợp Thành phố cần bổ sung nguồn lực đầu tư cho các dự án quan trọng, Thành phố sẽ đề xuất Trung ương cho phép nới trần dư nợ vay của chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục và sẵn sàng triển khai dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, đặt trong bối cảnh “cấp thiết” để tạo sức bật trong mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế.
Về nguồn vốn ngân sách địa phương tại dự án này, các địa phương đã thể hiện cam kết bố trí đủ vốn để triển khai dự án theo tiến độ; trong đó, có nguồn vốn dự kiến huy động từ phần dự kiến tăng thu của các tỉnh, thành phố. Đó là các nguồn đấu giá quỹ đất dọc tuyến; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác khi thực hiện dự án.
Tại TP Hồ Chí Minh, kết quả rà soát sơ bộ, quỹ đất vùng phụ cận dọc tuyến Vành đai 3 trên địa bàn có khoảng 2.413 ha; trong đó khoảng 514 ha đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý. UBND TP Hồ Chí Minh dự kiến, riêng với phạm vi đất nông nghiệp, có thể khai thác bán đấu giá thu hồi khoảng 26.985 tỷ đồng.
Theo Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch (Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ), quỹ đất này rất quan trọng, nếu khai thác được thì chi phí thực hiện Vành đai 3, kể cả Vành đai 4 cũng không gặp vấn đề gì. Bên cạnh đó, khi triển khai thì yếu tố thời gian là quyết định, phải thực hiện nhanh hơn nữa, bởi chậm một ngày là thiệt hại rất lớn. Nếu có cơ chế huy động vốn tốt thì đến năm 2030 có thể hoàn thiện giao thông cho vùng và khi đó các địa phương sẽ có đóng góp lớn vào ngân sách quốc gia.
Cùng với các dự án khác, hiện thành phố đang tập trung hoàn thành tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sớm nhất, khai thác hiệu quả hạ tầng không gian ngầm để phát triển các dịch vụ về du lịch tham quan, vui chơi, giải trí. Đồng thời, thành phố có phương án tính toán điều chỉnh quy hoạch cục bộ và khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả các khu đất dọc tuyến metro…
Đa dạng thu hút nguồn lực
Video đang HOT
Bốc xếp hàng tại Tân Cảng Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định một trong 8 nhiệm vụ phát triển thành phố là “Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, trong đó tập trung xây dựng và triển khai mạnh mẽ các giải pháp giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, đầu tư phát triển giao thông liên vùng, khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, phát triển đường sắt đô thị, các đường vành đai”.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết hệ thống hạ tầng giai đoạn 2021-2025 là 533.529 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 437.125 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Thành phố đã được Quốc hội thông qua là 142.557 tỷ đồng chỉ đủ để bố trí cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016- 2020 qua giai đoạn 2021-2025, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới trọng điểm, cấp bách trong giai đoạn 2021-2025.
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, tác động của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến nguồn thu dự kiến của ngân sách Thành phố. Giai đoạn hiện nay, Thành phố đã và đang ưu tiên nguồn vốn ngân sách thành phố để đảm bảo kinh phí cho phòng, chống dịch COVID-19 nên nguồn vốn ngân sách để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông rất khó khăn.
Ông Trần Quang Lâm cho rằng, việc xúc tiến kêu gọi đầu tư từ nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật là rất cần thiết và cần được tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới. Sở Giao thông Vận tải cũng đã rà soát, lập danh mục dự án ngành giao thông vận tải dự kiến kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 và đề xuất UBND Thành phố các cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách giai đoạn 2021-2030.
Thành phố cũng sẽ khai thác nguồn thu từ cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 54 của Quốc hội và các quy định mới cho TP Hồ Chí Minh như thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng; cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; nguồn thu từ sử dụng đất; bán tài sản công của các cơ quan Trung ương trên địa bàn Thành phố; chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa… Thành phố cũng nghiên cứu ban hành bổ sung một số loại phí, lệ phí nằm ngoài danh mục phí, lệ phí được quy định trong Luật.
Từ đầu tháng 4/2022, TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn. Dự kiến trong 5 năm, thành phố ước tính thu khoảng hơn 14.000 tỷ đồng, là nguồn lực quan trọng đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối khu vực cửa khẩu cảng biển.
Tại lễ khánh thành cầu Thủ Thiêm 2, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng các bộ ngành có liên quan nghiên cứu các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của TP Hồ Chí Minh về nguồn vốn, cơ chế, chính sách đầu tư; kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và báo cáo cấp có thẩm quyền, phương án xử lý, tạo điều kiện để TP Hồ Chí Minh có nguồn lực phát triển xứng tầm với kỳ vọng và mong đợi.
TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn lực để đầu tư cho giao thông, tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển. Với quyết tâm của các địa phương lân cận trong đầu tư các dự án giao thông kết nối cũng như chủ trương ưu tiên đầu tư của Trung ương, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chờ đợi “cú hích” từ các dự án giao thông nhằm “mở đường” cho Vùng phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, với đầu tàu là TP Hồ Chí Minh trong những năm tới.
Phát triển kinh tế vùng ĐBSCL: Động lực mới từ hoàn thiện hạ tầng giao thông
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, đánh giá tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị chỉ rõ, hạ tầng giao thông vận tải vẫn là điểm nghẽn của nền kinh tế và trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã đưa ra nhiệm vụ và giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long đồng bộ, hiện đại.
Phóng viên TTXVN có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm xung quanh vấn đề này.
Thành phố Cần Thơ phát triển dọc theo hai bên bờ sông Hậu. Ảnh minh họa: Phan Tuấn Anh/TTXVN
Thứ trưởng có thể đánh giá hiện trạng hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay?
Hệ thống giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 4 phương thức vận tải; trong đó thế mạnh là giao thông đường thủy, sau đó là đường bộ, hàng hải và hàng không.
Qua tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2020 cho thấy, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự thay đổi rõ rệt. Hệ thống đường bộ đang được đầu tư với chiều dài khoảng 2.688 km, tăng 52% so với năm 2002; 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Đặc biệt, chương trình xóa "cầu khỉ" đã được đẩy mạnh trong suốt thời gian qua với nhiều nguồn vốn khác nhau.
Hệ thống cảng thủy nội địa và nâng cấp luồng lạch các tuyến sông chính hiện đã hoàn thành nâng cấp 6 tuyến vận tải thủy chính kết nối Tp. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nâng cấp giai đoạn 1 kênh Chợ Gạo.
Hạ tầng cảng biển đã và đang được đầu tư theo nhu cầu vận tải của khu vực, hoàn thành việc đầu tư, nâng cấp cảng Cần Thơ, Hòn Chông và các cảng nằm dọc trên tuyến vận tải chính của sông Tiền, sông Hậu.
Về hàng không, cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc; cảng hàng không Cà Mau, Rạch Giá đã được nâng cấp với tổng công suất 7,45 triệu khách/năm và 12.000 tấn hàng hóa/năm.
Về đường sắt, hiện đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt Tp. Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ, dự kiến kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhằm tăng cường kết nối Tp. Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Vậy đâu là điểm nghẽn về hạ tầng giao thông cần được tháo gỡ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thưa Thứ trưởng?
Thực tế, vùng Đồng bằng sông Cửu Long dù đã được Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư, tuy nhiên kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa đồng bộ, còn nhiều hạn chế. Đường bộ còn nhỏ hẹp, nhiều tuyến mới chỉ được láng nhựa, vì thế chưa đáp ứng nhu cầu vận tải, đặc biệt là đòi hỏi về vận tải hành khách, hàng hóa với thời gian nhanh, chất lượng cao, đường bộ cao tốc trong vùng đến thời điểm này mới có gần 100 km. Vùng chưa có cảng biển nước sâu để có thể làm đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa đi các nước trong khu vực và đi các tuyến biển xa...; chưa phát huy được lợi thế tự nhiên của hệ thống đường thủy nội địa, tính kết nối giữa các phương thức vận tải còn hạn chế...
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, đánh giá tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị chỉ rõ, hạ tầng giao thông vận tải vẫn là điểm nghẽn của nền kinh tế và trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguyên nhân chủ yếu do đặc điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nền địa chất yếu, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, do đó, suất đầu tư xây dựng cao so với các khu vực khác trên cả nước. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm bố trí nguồn lực không nhỏ cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nhưng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn được rất ít công trình. Ví dụ làm một con đường nhưng mất rất nhiều kinh phí để xử lý nền đất yếu. Do đó, số lượng km đường hay công trình giao thông như cầu cống...ít hơn so với khu vực khác. Vì thế, việc đi lại, lưu thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn rất khó khăn.
Để thực hiện thành công Nghị quyết 13-NQ/TW, Bộ Giao thông Vận tải cần thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp gì để hoàn thiện hệ thống giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thưa Thứ trưởng?
Để thực hiện thành công Nghị quyết 13-NQ/TW, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long như sau:
Thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát, đánh giá, căn cứ các điều kiện đặc thù, lợi thế của các phương thức vận tải của từng vùng, miền; trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng quy hoạch tốt nhất. Đây là lần đầu tiên triển khai đồng thời 5 quy hoạch ngành quốc gia, là điều kiện thuận lợi để hoàn thành xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics.
Về đường bộ, sẽ hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc gồm 3 trục dọc và 3 trục ngang cùng với 33 tuyến quốc lộ dài khoảng 3.611 km, đảm nhận vai trò gom hành khách, hàng hóa để kết nối với các tuyến cao tốc xương sống chính của vùng.
Về hàng hải, sẽ xây dựng cơ chế chính sách kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển trong khu vực để phát huy tiềm năng lợi thế. Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải đã hoạch định xây dựng cảng biển nước sâu khu vực Trần Đề trở thành cảng đầu mối để xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng đi các tuyến biển xa.
Trong khi đó về đường thủy nội địa, đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa chính, hiện đại hóa thiết bị bốc dỡ các cảng sông, xây dựng các bến tàu khách quốc tế phục vụ cho vận tải hành khách và du lịch của vùng.
Đối với hàng không, các cảng hàng không trong vùng sẽ được đầu tư, nâng công suất từ 7,45 triệu hành khách/năm hiện nay lên 18,5 triệu hành khách/năm; bổ sung vào quy hoạch thành phố Cần Thơ kho hàng hóa, trung tâm logistics tại cảng hàng không quốc tế Cần Thơ để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa có giá trị cao, thời gian ngắn.
Về đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung nguồn lực hoàn thành tuyến đường sắt kết nối Tp. Hồ Chí Minh với Cần Thơ.
Các quy hoạch chuyên ngành quốc gia này đã được tích hợp trong quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương sẽ tích hợp trong quy hoạch tỉnh. Do vậy, cùng với hệ thống giao thông của địa phương, kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh, là tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông Vận tải xác định, huy động, phân bổ nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối giữa các phương thức. Đồng thời, khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua hình thức nhượng quyền khai thác.
Các địa phương trong vùng cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng.
Trên cơ sở đó, xây dựng danh mục dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030 để tập trung huy động nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả các dự án hạ tầng của quốc gia trên địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương cần hỗ trợ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án trong khu vực; tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vật liệu, công bố giá kịp thời, sát thực tế để phục vụ triển khai các dự án đầu tư xây dựng.
Khi xây dựng các công trình hạ tầng mới, đặc biệt là các công trình đường bộ cao tốc, cần đi xa các tuyến đường cũ để tạo thêm không gian mới, làm động lực để phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp mới trong vùng, khai thác quỹ đất hình thành từ hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông để tái đầu tư phát triển.
Với sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Giao thông Vận tải tin tưởng rằng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng sẽ được đẩy mạnh đầu tư, từng bước đồng bộ, hiện đại, tạo lập được cơ cấu vận tải hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 13-NQ/TW trong thời gian tới.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Tạo đòn bẩy phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long Là vùng kinh tế rộng lớn với tổng diện tích 40,4 nghìn km2, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thế mạnh về phát triển sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, trong thời gian dài, hạ tầng giao thông chưa phát triển xứng tầm đang trở thành "điểm nghẽn" khiến các địa phương...