“Mộ đom đóm”: Bi kịch thấm đẫm nước mắt
“Tại sao những con đom đóm lại phải chết quá sớm như vậy?” – Câu hỏi của bé Setsuko khiến người xem cảm thấy xót xa, day dứt.
Những bộ phim của đạo diễn Isao Takahata không theo các yếu tố tưởng tượng như nhiều phim hoạt hình Nhật khác, mà có yếu tố hiện thực rất cao. Trong số những phim của Takahata, nổi tiếng nhất là Grave of the Fireflies (tạm dịch Mộ đom đóm – hãng phim Studio Ghibli). Bộ phim thậm chí được nhiều người đánh giá là một trong những phim hoạt hình hay nhất mọi thời đại.
Trong những tháng cuối cùng của cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, khu phố của hai anh em Seita và Setsuko bị ném bom. Những quả bom cháy không chỉ đốt trụi nhà cửa, mà còn khiến hai đứa trẻ mất luôn cả người mẹ, trong khi đó hoàn toàn không có tin tức gì về người cha.
Bộ phim không có kịch tính, cũng không có cao trào, mà trôi chầm chậm dưới góc nhìn của người anh. Thật ra ngay từ đầu phim Seita đã chết, nên chính xác phải nói là bộ phim diễn tiến theo lời kể của linh hồn Seita. Qua ký ức linh hồn Seita, bộ phim tái hiện lại hình ảnh những ngày cuối cùng trong cuộc đời hai anh em.
Kể từ sau vụ ném bom, Seita và Setsuko phải đến nương nhờ một người cô họ hàng xa. Trong thời buổi khó khăn, người cô này rất khó chịu với hai anh em. Vì tự ái, cả hai đã dọn ra sống trong một căn hầm tránh bom bỏ hoang. Hai đứa trẻ cuối cùng đã không chống chọi lại được sự khắc nghiệt của cuộc sống trong chiến tranh. Em gái nhỏ Setsuko chết vì tiêu chảy và suy dinh dưỡng. Vài tuần sau, đến lượt người anh Seita cũng ra đi, khép lại một trong những cái kết buồn nhất cho một bộ phim hoạt hình.
Giữa khung cảnh tăm tối như vậy, bộ phim khiến khán giả rơi nước mắt vì tình cảm anh em giữa Seita và Setsuko.
Là một con người đầy kiêu hãnh và tự trọng, thế nhưng vì đứa em gái vừa đói vừa bệnh, Seita mặc kệ danh dự của mình để trở thành một tên trộm cắp, hòng mang về những đồ ăn tốt hơn là những con ếch họ ăn thường ngày. Nhìn cảnh khi ăn trộm được vài món đồ, Seita sung sướng cười vang và lẩm bẩm “sắp có đồ ăn ngon cho Setsuko”, người xem không khỏi ngậm ngùi.
Tình cảm của Setsuko dành cho anh trai còn cảm động hơn nữa. Seita đi ăn trộm bị người ta bắt và đánh đập. Em gái Setsuko mới bốn tuổi lại đang yếu ớt vì bị tiêu chảy, nhưng không hề nghĩ đến bản thân, cô bé hỏi anh trai có cần đến bác sĩ hay không. Lời an ủi chân thành của cô bé khiến Seita xúc động ôm lấy Setsuko. Sự tủi nhục biến thành nỗi đớn đau, nhưng tình thương yêu to lớn vẫn không ngăn nổi những giọt nước mắt lăn trào, trong nỗi tuyệt vọng của cái chết gần kề.
Video đang HOT
Nhịp điệu phim chậm rãi, xen kẽ với âm nhạc buồn da diết, người xem cảm nhận được đây là một cuộc hành trình buồn dẫn đến một cái chết được báo trước. Nhưng điểm xuyết trong phim vẫn có những khoảnh khắc vui vẻ đẹp đẽ của hai anh em. Chỉ có điều, những niềm vui trong phim chủ yếu đến từ sự ngây thơ và vô tư của hai anh em, nhất là từ phía bé Setsuko, chứ không phải từ sự sáng sủa của thực tại. Cho nên những niềm vui ấy quá ngắn ngủi, quá mong manh và tạm thời: Vừa mới chạy nhảy vui đùa trên bãi biển, lúc sau đã bắt gặp một xác chết. Vừa cùng nhau bắt đom đóm, lúc sau đã phải nhìn miếng cơm cháy người cô đang gỡ mà thèm khát. Vừa mới dùng đom đóm thắp sáng ban đêm thì sáng hôm sau đã phải đào mộ chôn chính lũ đom đóm ấy.
“Tại sao những con đom đóm lại phải chết quá sớm như vậy?” – Câu hỏi của bé Setsuko khiến người xem cảm thấy xót xa, day dứt. Tại sao những điều tốt đẹp lại thường ngắn ngủi như vậy? Đó hẳn không chỉ là nỗi buồn riêng của bé Setsuko.
Như những con đom đóm đẹp đẽ, cái chết đầy bi kịch của hai đứa trẻ bơ vơ giữa thời đại chiến tranh cũng trở nên nhỏ nhoi, bởi chìm nghỉm giữa muôn vàn nỗi đau đớn khác của con người. Mặc dù vậy, không thể nói hai anh em đã chết bởi sự hờ hững vô tâm của mọi người xung quanh.
Trách người cô đã quá độc miệng và cay nghiệt ư? Làm sao trách được khi bà cô trong hoàn cảnh chính chồng con mình cũng thiếu ăn mà còn phải gồng gánh thêm hai đứa trẻ “chẳng làm được gì ngoài những rắc rối”. Cũng chẳng trách được người nông dân đã từ chối chia sẻ lương thực cho Seita vì chính ông cũng không có đủ. Ngay cả ông bác sĩ đã khám bệnh cho Setsuko nhưng không hề đề nghị giúp đỡ cũng đâu có thể trách được. Tất cả đều đau khổ, tất cả đều khó khăn, bản tính sinh tồn khiến con người luôn nghĩ đến mình trước hết.
Đó cũng là lẽ tự nhiên mà thôi, như trong truyện ngắn Lão Hạc nhà văn Nam Cao đã viết: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất.”
Vậy thì trách ai bây giờ? Seita ư? Đáng lý cậu phải nghe theo lời khuyên của người nông dân:”Hãy nuốt lòng kiêu hãnh vào bụng rồi quay lại xin lỗi người cô.” Có phải sự cứng đầu và lòng tự ái của cậu đã gián tiếp gây ra cái chết của chính mình và em gái? Có lẽ là như vậy. Nhưng thật lòng cũng chẳng thể nào trách được Seita. Cậu bé mới chỉ 14 tuổi và còn thiếu hiểu biết. Dù việc hai anh em dọn khỏi nhà bà cô chủ yếu do ý Seita, nhưng phần nào đó cũng vì cậu thương em, cậu biết em mình không thích ở nơi đó. Hơn nữa, Seita, vốn không biết cha mình, vốn là sĩ quan Hải quân, đã chết trong chiến trận. Cậu vẫn nghĩ đấy chỉ là nơi ở tạm thời trong lúc chờ đợi người cha trở về.
Vậy thì, chỉ có thể trách chiến tranh mà thôi. Đạo diễn Takahata nói rằng ông không có ý định nói về đề tài phản chiến khi làm bộ phim này. Nhưng dưới đôi mắt của người xem, ta vẫn thấy chủ yếu hiện lên là sự tàn khốc của chiến tranh. Nỗi đau chiến tranh không chỉ đến với những người lính trên mặt trận, mà để lại bi kịch cho tất cả những người có liên quan. Nỗi đau ấy cũng không chỉ riêng một bên nào, mà là nỗi đau của tất cả. Thông qua bộ phim ta nhận ra rằng, con người nơi đâu cũng cũng đầy tình yêu và cũng luôn khao khát bình yên, còn chiến tranh ở đâu cũng đầy những đắng cay và bi thương.
Theo Trithuctre
"A Company Man": Khi yêu là sai, nhân đạo cũng là sai!
Với một gã sát thủ có cuộc đời vứt đi, dám yêu là một điều sai trái, nhân đạo là một điều cấm kỵ...
A Company Man của So Ji Sub khiến tôi nhớ về A Bittersweet Life của Lee Byung Hun, về Daisycủa Jung Woo Sung, hay gần đây nhất là No Tears for the Dead của Jang Dong Gun. Những bộ phim có nội dung khác nhau nhưng đều hướng đến một chủ thể - một kẻ sát nhân máu lạnh biết yêu - đề tài không mới và hoàn toàn có thể đoán trước được nội dung.
"A Company Man" (2012) trailer
Trong A Company Man, So Ji Sub thủ vai Hyung Do, dân "cổ cồn trắng" thứ thiệt; cũng đến công sở hàng ngày với thẻ tên, cặp da, bộ suit chỉnh tề. Chỉ có điều đằng sau hai chữ "công ty" mà Hyung Do phục vụ là cả một thế giới khác. Nơi đó, nhân viên lễ tân giấu súng dưới bàn làm việc, ông trưởng phòng gài dao ở thắt lưng. Công ty là một vỏ bọc hoàn hảo cho một tổ chức chuyên thực hiện các hợp đồng giết thuê mà Hyung Do là một nhân viên... giết người xuất sắc.
Cuộc sống của gã sát thủ cứ đều đặn diễn ra, ngày ngày đến văn phòng, có thể thực hiện các phi vụ giết người, tối về nhà ngủ... chẳng có gì vướng bận, cũng không có gì lưu luyến. Nhưng gã sát thủ có xuất sắc đến mấy rồi cũng phạm sai lầm, sai lầm nhỏ nối tiếp sai lầm lớn. Nhỏ là gã đã tha chết cho một tên đàn em, và lớn là gã đã phải lòng chính... mẹ của cậu bé đó - Su Yeon - một cô ca sĩ đã "về vườn".
Chuyện gì đến rồi cũng phải đến. Gã sát thủ máu lạnh bây giờ đã có một tình yêu, một thứ để gã quan tâm nhiều hơn những vụ giết chóc. Và gã muốn từ bỏ. Bỏ công ty, bỏ các mối quan hệ "đồng nghiệp", bỏ những phi vụ làm ăn đầy mùi máu.
Ước mơ của gã, chỉ là dùng số tiền mà gã chắt chiu bao nhiêu năm làm một điều gì đó. Điều gì? Gã cũng chưa chắc được, có thể chỉ là mở một quán cafe nho nhỏ để ngày ngày gã ngắm cô ca sĩ năm xưa vừa chơi đàn vừa nghêu ngao hát; có thể là mua một căn nhà ở đâu đó không khí thoáng đãng, cho gã có thể hít thở, một bầu không khí không có mùi máu và thuốc súng... Chỉ thế thôi, nhưng không được.
Công ty của gã truy sát gã, bạn bè thân thiết phản bội gã. Chỉ sau một đêm, mọi ước mơ của Hyung Do tan thành khói bụi. Cuộc đời gã lại trở nên trống rỗng không nơi bấu víu. Và gã quay về cái công ty từng một thời là tất cả đối với gã, để trả thù.
Nội dung phim như thế, ắt hẳn khán giả nào xem phần đầu cũng ngay lập tức đoán được phần cuối. Thứ lôi cuốn họ, chỉ còn lại mỗi Hyung Do. Được mệnh danh là ngôi sao của những bộ phim bi kịch, So Ji Sub quá hoàn hảo để hợp vai Hyung Do. Diễn xuất của anh cũng không làm người xem thất vọng.
Một Hyung Do sống như cái bóng, thất thần, lạnh nhạt, chẳng lưu luyến gì ở đầu phim; một Hyung Do cũng biết nở nụ cười, cũng lúng túng khi thích một ai đó, đáng yêu như một gã trai mới lớn ở giữa phim; và một Hyung Do hận thù, tuyệt vọng, đau đớn đến cùng cực ở cuối phim... Tất cả đều được So Ji Sub diễn tả trọn vẹn, mượt mà trong những lần chuyển đổi cảm xúc, hình ảnh, và rất biết cách khắc sâu bi kịch của nhân vật gã sát thủ, khiến khán giả cũng phải đau.
Bi kịch của cuộc đời Hyung Do, thật trớ trêu, chính là tình yêu, là tính người. Với một gã sát thủ có cuộc đời vứt đi như gã, dám yêu là một điều sai trái, nhân đạo là một điều cấm kỵ. Hyung Do đã phạm phải cả hai điều ấy. Có một điều mà có lẽ người xem sẽ đặt câu hỏi, rằng liệu một gã sát thủ chuyên nghiệp như Hyung Do có đoán được kết cục của mình khi phạm sai lầm như thế? Câu trả lời là có. Gã biết. Nhưng gã không cưỡng được.
Cuộc đời chúng ta cũng vậy, biết là sai nhưng vẫn làm, càng cố cứu vãn lại càng tan tành. Hyung Do là kẻ sát nhân, nhưng sau cuối, hắn vẫn là một con người. Mà con người, thì lúc nào cũng khát khao hướng thiện. Tính thiện không bao giờ mất đi, cho dù có bị vùi dập bởi sự nhiễu nhương của cuộc đời. Hướng thiện chính là bản năng, là cội rễ của mỗi người khi sinh ra ở trên đời. Đó cũng chính là điều mà những người làm phim muốn gửi gắm qua nhân vật Hyung Do.
Một cách công bằng, nếu đem so sánh A Company Man với một vài bộ phim nổi tiếng khác về đề tài này, đây chưa hẳn là một bộ phim hay, chỉ là một bộ phim xem được. Ngoài So Ji Sub, dàn diễn viên phụ khá mờ nhạt. Cốt truyện cũng không nhiều kịch tính theo kiểu quyến rũ khiến người xem không dứt ra nổi. Bù lại, phim trau chuốt cho từng góc máy, thể hiện rõ tính chuyên nghiệp và "tử tế" của ê kíp, phần âm thanh cũng rất chỉn chu.
Ở đây, có thể nhắc đến phân cảnh Hyung Do bước vào công ty, đi tìm chủ tịch để trả thù. Sự im lặng đến đáng sợ của bầu không khí khiến cho âm thanh của giấy chạy trên chiếc máy in trở nên rõ ràng. Chỉ một nét đặc tả thôi, nhưng rõ ràng cảnh quay này trở nên kịch tính và "toát mồ hôi" hơn rất nhiều.
Theo Trí thức trẻ
Bật khóc xem "The Way Home" Bao lâu rồi bạn chưa gọi điện hay về thăm bà của mình? Rất có thể bạn sẽ muốn làm điều đó ngay khi xem xong "The Way Home". The Way Home không phải là một bộ phim kịch tính, hoàn toàn không có cao trào, tình tiết chậm rãi cũng y như câu chuyện của người già trong phim, thế nhưng đây...