Mổ đẻ: Rạch mẹ, cắt nhầm phải con
“Khi mổ đẻ, cắt nhầm vào trẻ là tai nạn nghề nghiệp. Những bác sĩ từng mổ đẻ nhiều mà chưa phải chứng kiến tai nạn kiểu này đã là may mắn”.
Điều đáng sợ là đó không phải tai nạn duy nhất có thể xảy ra với em bé do sự bất cẩn của bác sĩ sản khoa.
Những em bé mang sẹo trước khi chào đời
Matthew Watson mới chỉ 2 tuổi nhưng đã mang trên trán một vết sẹo dài gần 9cm chạy ngược từ lông mày lên đường chân tóc. Mẹ cậu bé gọi đó là “thương tích chiến tranh”, hậu quả của một tai nạn trong phòng mổ đẻ, khi bác sĩ phẫu thuật “lỡ tay” đánh rơi dụng cụ phẫu thuật lên đầu bé.
“Đột nhiên, khi đang mổ, vị bác sĩ hét lên và la mắng người trợ lý của mình phía bên kia màn chắn phẫu thuật. Hóa ra, khi cầm dụng cụ để giữ vết mổ, anh này đã tuột tay và làm rơi dụng cụ lên đầu của Mathew”, Wendy Watson, mẹ cậu bé kể lại. Một tiếng sau khi sinh, Wendy mới được gặp con và phát hiện ra vết thương.
Bé Mathew Watson và vết sẹo dài gần 9cm trên trán
Vị bác sĩ sau đó đã tới xin lỗi thay cho đồng nghiệp của mình, thậm chí còn khóc nên 2 vợ chồng quyết định bỏ qua. Tuy nhiên, với Mathew, vết sẹo thay vì mờ đi theo thời gian đã hằn sâu vào sọ và sẽ đi theo cậu bé suốt cuộc đời.
Trường hợp của Wendy vẫn khá may mắn khi còn nhận được lời xin lỗi. Trong một số trường hợp như Sarah Fitch, một bà mẹ 32 tuổi ở Essex (Anh), mãi đến khi thay tã cho con lần đầu tiên, cô mới phát hiện một vết cắt dài 2cm ở mông bé.
Một tuần sau đó, khi thấy miệng vết thương vẫn không khép và không có dấu hiệu lành lại, Sarah đã gọi điện tới bệnh viện nhưng không nhận được bất cứ một lời giải thích hay xin lỗi nào.
Với một số trẻ khác, vết thương thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Tyler Robinson, một bé gái người Anh đã được bồi thường 10.000 bảng do khi đỡ đẻ, các bác sĩ đã gây ra một vết cắt dài gần 13,5cm kéo dài từ mông đến đùi bé.
Cắt cả bàng quang sản phụ
Jody Schmitz, một phụ nữ tại bang Iowa (Mỹ) đã đệ đơn kiện Bệnh viện Đại học Iowa, buộc tội bác sĩ tại đây đã cắt nhầm vào vòm bàng quang của cô và gây chấn thương cho đứa trẻ trong ca đẻ mổ năm 2008.
Em bésau khi chào đời bị dị tật về hộp sọ, với một phần xương sọ bị gãy và một vài vùng não có máu tụ dưới màng cứng.
Về phần Jody, vết thương ở bàng quang đã khiến cô bị tắc ruột, áp- xe xương chậu và nhiều biến chứng khác khiến cô phải ăn qua một ống truyền cắm vào dạ dày.
Video đang HOT
Đánh rơi, làm gãy tay trẻ sơ sinh
Một cặp vợ chồng người Mỹ đã khởi kiện bệnh viện Đại học Colorado(Mỹ) sau khi người bác sĩ tham gia ca mổ đẻ đã tuột tay và đánh rơi em bé vừa chào đời xuống sàn. Tai nạn đã khiến bé bị chảy máu não và thâm tím ở đầu. Em bé sau đó đã tử vong. Tuy nhiên, rất may cho vị bác sĩ này, khám nghiệm tử thi cho thấy bé không có dấu hiệu hô hấp khi ra khỏi bụng mẹ và nguyên nhân tử vong được cho là hội chứng Edwards (một dạng rối loạn gene) chứ không phải sự bất cẩn của bác sĩ.
Tháng 3/2010, tòa án bang Kentucky (Mỹ) tiến hành xét xử vụ kiện một bác sĩ tại Trung tâm y tế Elizabeth trong khu vực, do uống rượu trước khi đỡ đẻ nên đã khiến em bé ra đời bị gãy xương tay.
Kết quả kiểm tra cho thấy nồng độ cồn trong máu của vị bác sĩ này là 0,23, cao gấp 3 lần mức quy định của bang. Người này sau đó cũng thừa nhận đã uống rượu và không nhớ chút gì khi đỡ đẻ.
14 năm sống chung với bại não
Suốt 14 năm nay, Edwards phải sống chung với căn bệnh bại não
Cuối tháng 3/2012, thống đốc bang Florida (Mỹ) đã ký quyết định yêu cầu bệnh viện Lee Memorial bồi thường 15 triệu USD cho cậu bé Aaron Edwards, 14 tuổi,người bang Colorado (Mỹ). Suốt 14 năm qua, Edwards đã phải sống chung với căn bệnh bại não do những chấn thương mà các bác sĩ gây ra khi đón em chào đời tại bệnh viện Lee Memorial. Căn bệnh đã khiến cuộc sống của Edwards phải gắn chặt với chiếc xe lăn.
Trường hợp của Edwards là vụ kiện lớn thứ 2 tại Florida, cáo buộc các sai sót khi hành nghề của các nhân viên y tế tại bệnh viện công. Khoản tiền bồi thường cho Edwards cũng lớn gấp 9 lần số tiền cao nhất từng bồi thường cho các trường hợp chấn thương khi sinh nở trước đó.
Tai nạn nghề nghiệp khó tránh?
Phần lớn vết cắt nhầm vào trẻ khi đẻ mổ hầu như ở ngoài da, tuy nhiên, trong một số trường hợp, vết cắt sâu có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm các loại siêu vi trùng như MRSA, gây nhiễm trùng các bộ phận khác nhau của cơ thể.
Các bác sĩ thường khó phân biệt thành tử cung và da em bé
Pat O’Brien, chuyên gia Đại học Hoàng gia đào tạo bác sĩ sản phụ khoa (Anh), tai nạn thường xảy ra trong các ca mổ đẻ cấp cứu. Khi bà mẹ trở dạ trong một khoảng thời gian dài, niêm mạc tử cung sẽ trở nên rất mỏng, chỉ khoảng vài mm. Nếu sản phụ bị vỡ ối nữa thì sẽ không còn lớp đệm nào bảo vệ đứa trẻ khi bác sĩ bắt đầu rạch mổ.
Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ thường rất khó phân biệtthành tử cung và da trẻ, đặc biệt, trong quá trình mổ, máu ra nhiều càng khiến điều này khó nhận biết hơn.
Theo Sailesh Kumar, cố vấn khoa sản và phụ khoa tại bệnh viện sản Queen Charlotte hàng đầu của Anh, việc cắt nhầm vào trẻ trong quá trình mổ đẻ phần lớn là do áp lực gấp rút đưa trẻ ra ngoài và khẳng định đây là “một tai nạn nghề nghiệp, những bác sĩ đã từng mổ đẻ nhiều mà chưa phải chứng kiến tai nạn này đã là một điều may mắn”.
Theo thống kê của Đại học Hoàng gia đào tạo bác sĩ sản phụ khoa được đăng tải trên Daily Mail, nguy cơ trẻ sơ sinh bị thương khi sinh mổ ở Anh là khoảng 2%. Một nghiên cứu của Đại học Nam Texas (Mỹ) cho biết tỷ lệ rủi ro này nhỏ hơn, khoảng 0,7%. Kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật chính đóng vai trò chủ chốt bởi bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ xác định tốt hơn độ dày của niêm mạc tử cung.
Theo Khoa học & Đời sống
Không khuyến khích sản phụ thai to đẻ thường
Liên quan đến ca tử vong vì thai to do sinh thường, PGS.TS Vũ Bá Quyết, PGĐ BV Phụ sản TƯ, cho rằng: "Tại viện, đã có thai phụ đẻ thường con nặng 4,6-4,8kg. Nhưng chúng tôi không khuyến khích những ca đó đẻ thường vì tiềm ẩn quá nhiều hiểm nguy.
PGS.TS Vũ Bá Quyết, PGĐ BV Phụ sản TƯ
PGS.TS Vũ Bá Quyết cũng trao đổi với phóng viên Dân trí xung quanh một số ca tai biến sản khoa gần đây.
Thưa ông, chỉ trong một thời gian ngắn mà liên tiếp có đến 6 ca tai biến sản khoa khiến mẹ chết, con nguy kịch (thậm chí tử vong). Ông đánh giá như thế nào về con số này?
Như Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc BV Phụ sản TƯ đã từng nhận định, đó hoàn toàn có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Còn về tai biến sản khoa, đó là một nguy cơ luôn rình rập người phụ nữ. Các cụ cũng từng nói "chửa cửa mả" tức là nói đến những nguy cơ hiểm nguy thậm chí mất cả tính mạng của thai phụ trong quá trình vượt cạn.
Hiện nay, các tai biến sản khoa không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà trên thế giới, cũng có những tai biến tương tự. Tại Việt Nam, 5 tai biến sản khoa Bộ Y tế công nhận và cảnh báo, đó là tai biến chảy máu, nhiễm trùng, sản giật, vỡ tử cung và uốn ván ối. Đến nay, 5 tai biến này vẫn luôn được cảnh báo và chưa có gì thay đổi nhiều, chỉ có 2 tai biến có xu hướng giảm xuống là uốn ván ối và nhiễm trùng do chương trình tiêm chủng uốn ván cho thai phụ được thực hiện tốt và ngày càng có nhiều loại thuốc kháng sinh tốt.
Còn 3 tai biến còn lại vẫn rất nhiều, đặc biệt nổi lên 2 tai biến là chảy máu và vỡ tử cung. Nhất là tai biến chảy máu, là xu hướng tai biến sản khoa của tất cả các nước. Tại nước ta, đã có ca tai biến sản khoa mất máu phải truyền đến 60 lít máu. Còn ở viện tôi, các ca phải tuyền 20 - 30 đơn vị máu rất nhiều. Đó là những tai biến chỉ có thể giải quyết ở các bệnh viện lớn, gần ngân hàng máu.
Vì sao tai biến chảy máu ngày càng có xu hướng tăng lên, thưa ông?
Tai biến chảy máu có những trường hợp dù đẻ ở viện đầu ngành, ở các nước tiên tiến trên thế giới cũng không tránh khỏ. Xưa các cụ đẻ con thường dưới 3kg, giờ thì những "bé bự" 4kg - 4,5kg rất nhiều. Những ca này hoàn toàn có nguy cơ chảy máu kể cả đẻ thường hay đẻ mổ. Vì thai to, tử cung giãn căng quá gây đờ tử cung, tử cung không thể co lại được, máu chảy. Mặc dù hiện nay có nhiều loại thuốc tốt , kỹ thuật mổ tốt nhưng có những trường hợp, tử cung vẫn đờ, vẫn chảy máu.
Ngoài ra, gần đây người ta nói đến tắc mạch ối. Đâu là một tai biến bất khả kháng, đột ngột, không tiên lượng trước được bởi trong quá trình chuyển dạ, vì lý do nào đó gây tăng áp lực trương lực cơ gây vỡ ối, máu và nước ối tràn vào tuần hoàn người mẹ gây sốc phản vệ.
Ngoài những tai biến trên, ông có thể nói rõ hơn tai biến do thai to?
Tại sao có tai biến thai to? Có người thai 2kg không đẻ thường được, có trường hợp 4kg vẫn sinh thường. Điều đó phụ thuộc vào việc tiên lượng cuộc đẻ của bác sĩ. Người bác sĩ phải khám thai, theo dõi, hỏi tiền sử, khám khung chậu của người mẹ, tiên lượng về cân nặng của thai nhi qua siêu âm, ước lượng lâm sàng, thai trên 3,5kg là thai to.
Liên quan đến cân nặng thai nhi, việc ước lượng cân nặng thai nhi trên lâm sàng cũng có những xác suất nhất định. Ngay tại viện chúng tôi, nhiều ca được bác sĩ khám và chỉ định đẻ thường vì ước tính cân nặng thai nhi chỉ khoảng 3kg, nhưng khi sinh ra lại 4kg. Có những trường hợp bụng mẹ to như thai đôi, tưởng thai to trên 4kg chỉ định mổ thì khi sinh ra, em bé lại chỉ nặng 3kg.
Ông có cho rằng, một phần nguyên nhân tai biến do áp lực cũng như tâm lý bác sĩ muốn bệnh nhân sinh thường?
Bác sĩ sản nói chung, tâm lý ai cũng muốn bệnh nhân đẻ thường vì nó tốt nhất cho mẹ và em bé. Nhưng với những thai to trên 3kg, bác sĩ bất cứ tuyến nào không dại gì cố đỡ đẻ, bắt bệnh nhân đẻ thường. Tai biến thai to này liên quan đến việc tiên lượng cân nặng thai, do bác sĩ không tiên lượng thai to. Còn nếu tiên lượng 4kg thì chắc chắn họ đã mổ. Vì thế phải theo dõi sát trong cuộc đẻ. Nếu cổ tử cung không tiến triển, đầu thai nhi không xuống thì chỉ định mổ. Tại viện có những ca đẻ thường 4, 6 - 4,8kg, nhưng đây là những trường hợp không tiên lượng con nặng đến vậy, còn không khuyến khích đẻ thường những trường hợp này vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Ảnh minh họa
Tỷ lệ mổ đẻ ở viện ông là bao nhiêu? Sau các ca tai biến này, có nhiều sản phụ xin mổ đẻ không thưa ông?
Tại viện tôi, tỷ lệ mổ đẻ là gần 50%. Nói nôm na ở Hà Nội, cứ hai người phụ nữ thì một người có vết mổ đẻ.
Tâm lý vào viện, sản phụ nào đau đẻ cũng xin mổ. Viện tôi cũng vậy, nhưng không phải ca nào xin cũng mổ vì mổ đâu có an toàn hơn đẻ thường, mổ cũng có tai biến của nó. Nhưng có điều, tai biến do mổ ít bị người nhà sản phụ "thắc mắc", kiện cao hơn các tai biến do đẻ thường.
Tỷ lệ mổ đẻ tại viện tôi là rất cao, dù Ban giám đốc luôn cố gắng siết chặt tỷ lệ này. Thời gian này, số ca mổ đẻ có vẻ tăng 1 - 2% ở những đối tượng lo lắng quá, ở những người thai to trên 3,5kg.
Còn hiện tại, do tâm lý, lượng thai phụ từ các tỉnh từ Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... lên thẳng tuyến trên khám đông hơn. Vì thế tỷ lệ xin mổ cũng tăng nhưng khi có ca xin mổ, chúng tôi luôn có bác sĩ kiên trì giải thích, tư vấn để sản phụ yên tâm theo dõi, nếu có vấn đề gì sẽ mổ ngay. Chúng tôi giải thích thì đa phần người bệnh nghe vì viện chúng tôi có uy tín, có phương tiện, máy móc theo dõi, đánh giá, tiên lượng... nếu đau đã có phương pháp giảm đau.
Thai phụ cũng không nên quá lo lắng tới các tai biến và cần theo dõi quá trình mang thai ở các cơ sở y tế chuyên khoa. Sau những sự việc xảy ra đã cảnh báo cho các bệnh viện, các cơ sở y tế cần quan tâm đến bệnh nhân. Vì thế bệnh nhân không nên quá lo lắng đổ xô lên trung ương khám, ào ào xin mổ đẻ. Vì không gì tốt nhất bằng đẻ thường.
Là bệnh viện tuyến đầu ngành, là Trung tâm đào tạo, ông có nhắn nhủ gì tới các bác sĩ sản tại viện cũng như tuyến cơ sở?
Đã là bác sĩ luôn phải trao dồi chuyên môn, tự rút kinh nghiệm cho bản thân sau mỗi trường hợp và phải luôn đọc sách, nâng cao năng lực chuyên môn. Không bác sĩ nào có thể tự nói mình giỏi vì nghề y rất đặc thù, mỗi bệnh nhân là mỗi hoàn cảnh, bệnh lý khác nhau. Vì thế, bác sĩ phải luôn luôn tự học, tự rút kinh nghiệm qua chính những bệnh nhân mình đã khám, chữa cho họ mới có thể nâng cao trình độ của mình.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Hải (thực hiện)
Theo Dân trí
Sẩy thai do nhiễm khuẩn âm đạo Nhiễm khuẩn âm đạo đã từ lâu đã được cho là có liên quan đến nguyên nhân sẩy thai ở phụ nữ. Nhưng điều này có thực sự đúng không? Mang thai đôi khi có thể là một điều khá khó khăn với một số phụ nữ. Nếu như với nhiều chị em, việc mang thai và sinh con là điều đương nhiên...