Mổ đẻ, bác sĩ ‘quên’ kim trong bụng bệnh nhân 9 năm
Trong suốt nhiều năm kể từ sau lần mổ đẻ tại BVĐK huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), chị Hòa thường bị đau đầu, bụng, huyết áp cao.
Trong một lần đi chụp X-quang, chị Hòa choáng váng khi biết, dưới vết mổ cũ trong bụng có 1 chiếc kim khâu mà bác sĩ để “quên” 9 năm nay.
BVĐK huyện Can Lộc – nơi các bác sĩ để “quên” kim khâu trong bụng bệnh nhân.
Gia đình càng bức xúc hơn bởi khi phát hiện ra sai sót, phía BVĐK huyện Can Lộc đã “chữa cháy” một cách rất vô tâm, đưa chị Hòa vào mổ để lấy kim ra mà chẳng hề cần một thủ tục nào. Không bệnh án, không cam kết mổ, không giấy ra viện…
9 năm “sống chung” với kim khâu
Hình ảnh chiếc kim khâu cong vút từ phim chụp X-quang của chị Hòa.
Vừa qua, chúng tôi nhận được phản ánh của anh Đậu Quốc Tiến (SN 1974, trú tại xóm Mỹ Yên, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) về sự tắc trách của các y, bác sĩ tại BVĐK huyện Can Lộc khi chữa bệnh cho vợ của anh là chị Nguyễn Thị Hòa (SN 1980).
Theo anh Tiến, vào khoảng tháng 10/2005, lúc này chị Hòa có bầu được 6 tháng thì đột nhiên bị vỡ tử cung rồi được đưa vào BVĐK huyện Can Lộc để cấp cứu.
Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ đã tiến hành mổ cho sản phụ. Kíp mổ chính gồm: ông Nguyễn Đức Ngọc – Phó GĐ BV, bác sĩ CKI; ông Nguyễn Phước Chung, trưởng khoa Sản cùng một vài nhận viên phụ giúp. Kết thúc ca mổ, chị Hòa được cứu sống còn cái thai thì không giữ được.
Được mọi người động viên, an ủi, sau một thời gian nằm điều trị, thấy chị Hòa đã ổn định, BV đồng ý để gia đình đưa chị về nhà cho tiện việc chăm sóc.
Tuy nhiên, từ sau khi vết mổ liền da, suốt nhiều năm qua, chị Hòa thường xuyên cảm thấy đau nhức trong người: đau đầu, đau bụng, đau lưng, kèm theo đó là huyết áp cao.
Video đang HOT
“Rất nhiều lần đang đi làm đồng, vì quá đau trong người nên tôi đành phải bỏ dở việc để về nhà nằm. Những ngày sau đó, cơn đau cứ kéo dài, tôi chẳng làm được việc gì”, chị Hòa cho biết.
Thấy vợ bị các cơn đau hành hạnh liên tục, anh Tiến đã vay mượn tiền bạc rồi đưa vợ đi thăm khám khắp nơi. Từ bác sĩ tại các bệnh viện, phòng khám hay tới các thầy lang, từ thuốc tây tới thuốc bắc, châm cứu nhưng chỉ đỡ được vài ba ngày, bệnh lại tái phát.
Cơn đau kéo dài suốt 9 năm, từ một người phụ nữ khỏe mạnh, sức khỏe của chị Hòa yếu đi nhiều và thường xuyên phải “làm bạn” với những viên thuốc.
Không cần thủ tục, BV vẫn tự ý mổ
Chị Nguyễn Thị Hòa miêu tả khi nhìn thấy chiếc kim khâu mà bác sĩ cho xem.
Dù đã tới khám nhiều nơi nhưng vẫn không phát hiện được nguyên nhân chính gây ra những cơn đau cho vợ, ngày 4/11/2014, anh Tiến đã đưa chị Hòa vào BVĐK huyện Can Lộc để chụp X-quang.
Anh Tiến thông tin, khi nhận kết quả, bác sĩ phòng chụp nói hình như còn cái kim khâu trong bụng bệnh nhân, để chụp nghiêng mới kết luận chính xác được. Gia đình đã rất lo lắng.
Thế nhưng, để chắc chắn, ngày 5/11, anh Tiến lại đưa vợ ra BVĐK Cửa Đông (TP Vinh, Nghệ An) kiểm tra. Nhận kết quả phim chụp từ tay bác sĩ, anh Tiến và chị Hòa không tin vào mắt mình, hình ảnh một chiếc kim cong vút nằm ở vùng bụng chị Hòa.
“Tôi thực sự không biết vì sao chiếc kim khâu lại nằm trong bụng mình. Hơn nữa nó lại nằm ở chỗ vết thương mà trước đây các bác sĩ tại BVĐK Can Lộc tiến hành mổ. Nhìn phim chụp mà tôi sởn gai ốc”, chị Nguyễn Thị Hòa nhớ lại.
Tới ngày 7/11, anh Tiến cùng với vợ đưa phim chụp lên BVĐK huyện Can Lộc hỏi lại. Sau khi trao đổi, bác sĩ Chung và bác sĩ Ngọc đã yêu cầu chị Hòa lên bàn mổ để tiến hành lấy chiếc kim mà các bác sĩ đã để “quên” suốt 9 năm qua trong bụng bệnh nhân.
Tuy nhiên, khi gia đình hỏi để làm thủ tục thì nhận được câu trả lời “Đây là mổ dịch vụ nên không cần thủ tục và cũng không… tốn tiền”.
Lúc mổ, chị Hòa chỉ bị gây tê ở phần giữa người (nơi tiến hành mổ – trùng với vết mổ cũ) nên hầu hết các khi hành động của kíp trực chị vẫn biết. Và khi lấy chiếc kim – người bạn “bất đắc dĩ” với mình đã 9 năm ra ngoài, các bác sĩ vẫn cho chị Hòa nhìn thấy.
Anh Đậu Quốc Tiến – chồng chị Hòa phản ánh sự việc với PV.
“Chiếc kim đó cong cong như lưỡi câu cá, có độ dài chừng 3- 5 cm. Nghĩ tới đó thôi là cả người tôi ớn lạnh”, chị Hòa rùng mình nói.
Sau khi lấy chiếc kim ra, bác sĩ Ngọc cho biết, chị Hòa chỉ cần uống thuốc kháng sinh thì sau một ngày có thể xuất viện. Tuy nhiên, vì người nhà không đồng ý nên BV đã để chị Hòa điều trị tại khoa Ngoại thêm 1 tuần. Trong thời gian này, chị Hòa được tiêm thuốc kháng sinh và truyền thêm 2 chai đạm.
Tới ngày thứ 7, khi bác sĩ cho chị Hòa xuất viện với lý do đã hết “phác đồ điều trị”, gia đình đã xin BV giấy giám định sức khỏe với ý định về địa phương làm thủ tục hỗ trợ cho đối tượng mất sức lao động, thế nhưng phía BV nhất quyết không cho.
Cũng theo phản ánh của gia đình, kể từ khi mổ, lúc điều trị tới khi ra viện của chị Hòa, BV không làm bất kỳ một thủ tục, giấy tờ nào.
Chuyện kíp mổ của BVĐK huyện Can Lộc làm việc tắc trách khi để “quên” kim trong bụng bệnh nhân Nguyễn Thị Hòa suốt 9 năm là không thể chấp nhận được. Và nay, họ lại thêm 1 lần tắc trách khi “chữa cháy” một cách vô nguyên tắc.
Lãnh đạo BV ĐK Can Lộc đã thừa nhận những sai sót từ ca mổ 9 năm trước và việc chữa cháy ngày hôm nay không có hồ sơ là bởi “nghĩ đơn giản?!”
Theo Ngoisao.vn
7 lưu ý về phục hồi sau sinh mổ các mẹ nên biết
Mổ đẻ được thực hiện vì những lý do khác nhau, đôi khi được lên kế hoạch trước, đôi khi lại là kết quả của một tình huống khẩn cấp. Với những mẹ đang hồi phục sau sinh mổ, 7 lưu ý dưới đây chính những thông tin hữu ích.
1. Việc di chuyển là mấu chốt
Việc di chuyển sau mổ đẻ là lưu ý quan trọng nhất trong thời gian đang phục hồi này. Bạn thường cần nằm yên nhiều giờ sau khi mổ, và bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách thức đi lại, vận động như thế nào. Việc được hướng dẫn di chuyển ra sao là rất quan trọng, nếu bạn không dần dần đi lại thì những cơn đau và nhức mỏi thậm chí còn trở nên tệ hơn.
2. Coi chừng những cơn đau ợ hơi
Những cơn đau do ợ hơi xảy ra khá phổ biến và có thể là phần tồi tệ nhất của việc sinh mổ. Nhiều bà mẹ cho biết cơn đau ợ hơi có thể đau bằng, thậm chí tồi tệ hơn với vết mổ. Tuy nhiên, không phải ai cũng vậy vì cơ địa mỗi người là khác nhau. Có một vài lựa chọn giúp bạn vượt qua rắc rối này, nhưng chủ yếu bạn nên cho phép cơ thể mình được ợ hơi một cách tự nhiên.
3. Bạn vừa trải qua một ca đại phẫu
Bạn nên biết sinh mổ là ca đại phẫu quan trọng. Bạn sinh con sau khi trải qua một quá trình phẫu thuật lớn để thành công, vì vậy không nên đánh giá thấp những gì bạn đã trải qua. Và nhớ cho cơ thể mình một khoảng thời gian cần thiết để thực sự phục hồi sau phẫu thuật.
4. Bạn có thể cảm thấy bị lừa dối
Bạn có thể cảm thấy bị lừa dối khi phải nhờ đến phẫu thuật thì mới sinh được con. Đây là một cảm xúc rất bình thường với một bà mẹ thấy sau khi sinh mổ. Bạn nên tham gia các lớp học tiền sản để chuẩn bị kiến thức cho việc vượt cạn, cũng như cảm thấy yên tâm hơn. Hãy cố gắng suy nghĩ rằng có con trên đời quan trọng hơn làm thế nào hay bằng cách nào con đến với mình, bạn nhé!
5. Bạn sẽ phục hồi chậm hơn
Nếu bạn mong đợi việc phục hồi sau mổ nhanh chóng như các bà mẹ sinh thường khác thì đừng thực hiện việc sinh mổ. Việc mổ đẻ sẽ phục hồi chậm hơn và thường gây đau đớn so hơn với sinh thường. Tất nhiên, cũng giống như với các phẫu thuật khác, cơ thể bạn vẫn sẽ phục hồi trở lại nhưng có thể sẽ mất thời gian lâu hơn. Tốt nhất bạn không nên vội vàng với quá trình phục hồi và để cho cơ thể làm công việc của mình.
So với các bà mẹ sinh thường, những mẹ sinh mổ có thể nhờ mọi người trợ giúp nhiều hơn trong quá trình phục hồi. (Ảnh minh họa)
6. Vết sẹo mổ có thể ngứa và tê
Vết sẹo mổ của bạn sẽ trải qua các giai đoạn khác nhau trong quá trình hồi phục. Bạn sẽ thấy đau ở chỗ bị rạch của mình. Khi vết mổ bắt đầu lành lại, cảm thấy ngứa ở vết mổ. hoặc cảm thấy bị tê trong một khoảng thời gian dài, có lẽ vài tháng, là hiện tượng thông thường sẽ xảy ra.
7. Bạn cần được giúp đỡ khi trở về nhà
So với các bà mẹ sinh thường, những mẹ sinh mổ có thể nhờ mọi người trợ giúp nhiều hơn trong quá trình phục hồi. Tốt nhất bạn nên lập kế hoạch để chồng mình ở nhà chăm sóc vợ con, hoặc một vài thành viên gia đình sắp xếp trông nom bạn cho đến khi bạn thấy khỏe hơn. Không chỉ vậy, sau này bạn sẽ thấy thật may mắn nếu có ai đó đưa ra đề nghị giúp đỡ nấu ăn hoặc giúp đỡ việc vặt. Ngoài ra, nếu có cơ hội, bạn có thể làm điều tương tự cho các bà mẹ sinh mổ khác.
Theo Trí Thức Trẻ
Những lớp học 30 ngày trên vùng cao Mù Cang Chải Sau 30 buổi học, vốn tiếng Việt của các em được nâng lên đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của toàn huyện. Trẻ em dân tộc thiểu số, nhất là trẻ em dân tộc Mông ở huyện miền núi Mù Cang Chải (Yên Bái) dù chuẩn bị vào lớp một nhưng vẫn có vốn từ tiếng Việt rất ít....