Mở cửa vào đời với… 1 ngón tay
Chưa từng được đến trường lớp nào nhưng cô gái khuyết tật Trần Trà My (quê Đông Hà, Quảng Trị) đã tự mở cánh cửa tri thức cho đời mình chỉ bằng 1 ngón tay.
Sau hai tập truyện “Giấc mơ đôi chân thiên thần” và “Chúng ta chính là mùa xuân”, nhà văn Trần Trà My vừa ra mắt cuốn “Yêu… trên từng ngón tay”. Những tác phẩm của cô được viết nên bởi 1 ngón tay gõ trên bàn phím. Đáng ngạc nhiên hơn, nhà văn 8X này chưa từng đến trường học chữ.
Khát vọng từ những con chữ “học lỏm”
“Tôi đã nghĩ đến cái chết khi nghe được sự thật về bệnh tật của mình” – đó là cảm xúc chân thật của một cô gái khi nhận biết rõ về cơ thể mình sau một cuộc phẫu thuật chân khi chỉ mới vài tháng tuổi. Tính mạng được giữ lại nhưng đôi chân bị liệt hoàn toàn, đôi tay dần bị co rút, cô cũng không thể phát âm tròn trĩnh mà chỉ có thể ú a ú ớ.
Di chuyển hết sức nặng nhọc với khung sắt, khó khăn trong giao tiếp, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có sự hỗ trợ của người thân, Trà My không thể đến trường, cuộc sống bị trói buộc trong căn phòng với những khát vọng cháy bỏng trong suy nghĩ về thế giới bên ngoài.
Trần Trà My – tác giả của 3 tập truyện ngắn.
Chưa hiểu hết học chữ để làm gì nhưng thấy em gái học bài, Trà My cũng âm thầm học theo từng chữ cái, nặng nhọc đánh vấn tên tuổi, màu sắc hay rồi viết nghệch ngoạc trên giấy … Cuộc sống bên ngoài đến với My qua những nét chữ, tờ báo, trang sách cũng là lúc cô thấy căn phòng “giam giữ” mình bấy lâu thật sự bức bí, ngột ngạt.
Từ những con chữ nặng nhọc đó, cô bắt đầu viết như để bày tỏ suy nghĩ của mình, để được hóa thân vào các nhân vật, số phận… Bài thơ đầu tiên năm 16 tuổi đến những bài viết được đọc qua đài phát thanh tỉnh và khi “Giấc mơ đôi chân thiên thần” – cuốn sách đầu tiên ra mắt thì khát khao “thoát khỏi vùng an toàn của gia đình” trong Trà My thêm bùng cháy. Nhất là khi cô làm quen với chiếc máy tính được tặng, tập gõ chữ với 1 ngón tay không hề dễ dàng nhưng với My đó là khi cuộc sống như được mở ra.
Khi đó My từng chia sẻ, em viết không phải để thành nhà văn mà trước hết để thay đổi chính mình, viết để được nói, được giải tỏa và để hướng đến một cuộc sống khác.
Cô quyết tâm vào Sài Gòn lập nghiệp, mở ra cánh cửa cho mình vào đời với hành trang duy nhất là niềm tin và khát vọng.
Chấp nhận chính mình
Trà My từng sống và điều trị giọng nói tại Làng trẻ em Hòa Bình (bệnh viện Từ Dũ, TPHCM) và cô đối diện với sự thật bệnh của mình không thể chữa. Tuy nhiên, nhờ việc tự tập luyện đến nay Trà My đã có thể nói chuyện dù vẫn còn khó nghe.
Video đang HOT
Bên cạnh việc viết văn, Trà My học về truyền thông và hiện đang gắn bó với công việc này, đồng thời tham gia nhiều hoạt động xã hội, các hoạt động vì người khuyết tật. Hơn 5 năm ở Sài Gòn, My trải qua cuộc sống với bao lo toan như bất kỳ người sống xa quê nào.
My ít khi kể ra những khó khăn trong cuộc sống nhưng nếu gặp cô, nhìn My di duyển khó khăn với chiếc xe sắt bốn chân, đôi bàn tay co rút, người đối diện sẽ khó hình dung nổi cuộc sống hàng ngày của My phải trải qua như thế nào. Nhất là ở Sài Gòn, My thường xuyên phải chuyển chỗ trọ, có những thời điểm cô sống một mình.
“Tại sao trong hoàn cảnh đó My vẫn có thể làm việc, vẫn có thể viết truyện, viết sách và lạc quan đến vậy” là câu hỏi mà nhiều người tự đặt ra cho mình khi tiếp xúc với My.
Trà My ký tặng bạn đọc trong ngày ra mắt tập sách “Yêu… trên từng ngón tay” tại TPHCM.
Cuốn sách thứ 3 của Trà My với 11 truyện ngắn vừa ra mắt đánh dấu 10 năm cô viết văn. Truyện ngắn “Yêu… trên từng ngón tay” được lấy làm tựa sách kể về chuyện tình của một đôi nam nữ cũng là hình ảnh của chính tác giả. Bởi tình yêu của cô dành cho cuộc sống thông qua những con chữ viết trong bao nhiêu năm qua được gõ chỉ với… 1 ngón tay.
Ngón tay duy nhất có thể gõ bàn phím đó của Trà My có nhiều hôm mỏi, đau nhức không cử động được sau những đêm cô thức viết truyện.
Viết đã góp phần hiện thực hóa ước mơ của cô gái khuyết tật và đó chính là sức mạnh để cô đặt ra mục tiêu tìm học bổng du học về ngành truyền thông. Cho dù những khiếm khuyết về cơ thể, sức khỏe, cô gái đang tiếp tục vươn lên như để xóa bỏ những giới hạn.
Khi được hỏi, động lực nào để Trà My có thể sống lạc quan, để theo đuổi ước mơ và mục tiêu, cô gái cười cho biết khi cô chấp nhận thực tế, chấp nhận chính mình thì mọi việc trở nên nhẹ nhàng hơn. Chấp nhận đó không phải là sự đầu hàng mà để cô dám hướng tới, dám bước qua những rào cản, tạo cho mình niềm tin để hướng đến cuộc sống giá trị hơn.
Trần Trà My sinh năm 1986, là tác giả của 3 tập truyện ngắn: Giấc mơ đôi chân thiên thần, Chúng ta chính là mùa xuân và Yêu… trên từng ngón tay. Cô là một trong những gương mặt người khuyết tật tiêu biểu Việt Nam trong tập sách ảnh “Họ đã sống như thế” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.
Theo 24h
'Yêu trên từng ngón tay'
Phụ trách truyền thông tập đoàn lớn, là nhà văn, nhà hoạt động xã hội, khó tin đó là một cô gái nhiễm dioxin, không thể tự đi, chưa từng đi học.
Cô gái Trần Trà My luôn lạc quan trong cuộc sống
Tôi biết Trà My cách đây năm năm, khi My vừa từ Quảng Trị vào sống tại làng Hoà Bình (bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) để điều trị giọng nói.
Một cô gái nhiễm dioxin, 21 tuổi nhưng chưa từng được đi học, rất rụt rè, không thể tự bước đi và chỉ giao tiếp bằng cách viết ra giấy hoặc qua tin nhắn điện thoại.
Năm năm sau, tôi nhận được một thông cáo báo chí mời tham gia lớp tập huấn dành cho người khuyết tật mà người gửi là nhà văn Trần Trà My.
Gặp My, tôi bất ngờ vì cô không còn cần dùng đến giấy bút và điện thoại để trò chuyện.
Mẹ My kể, ba tháng sau ngày ra đời, My phải nhập viện cho một ca đại phẫu. Em không đủ sức đi hết ca mổ. Khi chuẩn bị đưa em về chôn cất thì My bất ngờ cất tiếng khóc yếu ớt.
Lần chết đi sống lại ấy đã khiến não của My tôn thương, ảnh hưởng đến hê thân kinh vân đông, người em mềm oặt và chỉ nằm một chỗ, em chỉ phát âm những tiếng ú ớ.
Không thể đi lại, không thể nói cười như những đứa trẻ khác, My vẫn tin rằng sẽ có ngày em được bà tiên ban tặng những điều ước.
Những năm đó, thu nhập từ nghề lái xe của ba không đủ nuôi sống gia đình với đứa con gái đau ốm quanh năm.
Mẹ vừa dạy dỗ, chăm sóc các con, vừa mua sắn dây để chờ hết mùa đem bán.
Cứ vậy, My chờ mãi mà vẫn không thấy phép mầu nào đến với mình. Sáu tuổi, ba làm cho My chiếc 'xe' có khung bằng mây để em bắt đầu tập đi.
Chín tuổi, em gái và những đứa bạn trong xóm đều đi học My vẫn quanh quẩn trong nhà. Thấy em học bài, My bò đến bên em ngồi học lỏm và bảo em bày cho mình tập viết.
Những con chữ cong queo đầu tiên mở ra cho My một cuộc đời mới.
Năm 2007, My vào Sài Gòn điều trị giọng nói, được nhận vào sống tại làng Hoà Bình (Từ Dũ).
Thế nhưng, không có phương pháp nào điều trị cho tật bệnh của em.
My tâm sự: 'Khi ý thức được sự khiếm khuyết của bản thân, không muốn mình trở thành gánh nặng của gia đình, đã nhiều lần My tự tử. Nhờ ba mẹ phát hiện kịp thời mà My còn sống đến hôm nay.
Vì thế, My trân quý cuộc sống mình đang có và sẽ cố vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống'.
Vài năm trở lại đây, My đã có thể tự tin trò chuyện bằng giọng mình, tuy còn khó nghe. Bất ngờ nhất là My cho biết em đã tự tập nói.
Một người quen dạy cho em cách tập khí công, My kiên trì tập hít thở, tập phát âm và tập hát. My cười thật tươi: 'Em thích hát lắm và cứ hát suốt ngày!'
Quyết định ở lại TP.HCM và tìm một công việc để sống, My dành nhiều thời gian đi học, đi làm, tham gia các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật và viết văn.
'Chúng ta chính là mùa xuân' và 'Giấc mơ đôi chân thiên thần' là tập hợp những tản văn, truyện ngắn của My được đăng trên các báo, tạp chí.
My khoe bìa quyển sách có tên 'Yêu trên từng ngón tay' mà em đang dành dụm tiền để mang đi in. Đó là câu chuyện tình yêu của My với một đôi bàn tay đã nắm lấy tay em ba năm qua.
My học khoá đào tạo về truyền thông chuyên nghiệp, hiện nay, em đang làm việc cho Interdist Group với vai trò phụ trách truyền thông, có thể tự trang trải cuộc sống.
Tuy việc đi lại vẫn cần có người giúp đỡ nhưng Trà My đã có thể tự chăm sóc bản thân. Trà My hiện sống một mình trong căn phòng thuê ở quận Tân Phú, TP.HCM, tự nấu ăn, tự giặt giũ...
'Vài ngày trước, My đã viết trên trang cá nhân của mình về mục tiêu phải làm trong hai năm tới: Trau dồi tiếng Anh để tìm một học bổng du học, được đào tạo chuyên nghiệp về truyền thông...
Tôi gọi đó là ước mơ, còn My thì bảo đó là mục tiêu. My giải thích: 'Nếu là ước mơ, có khi người ta không thực hiện được, còn là mục tiêu thì đó là mốc để người ta phấn đấu!'
Theo Tinngan
Bắt khẩn cấp 6 nghi phạm liên quan vụ xác chết trôi trên sông Ngày 9/6, Công an TP.Đông Hà (Quảng Trị) cho biết, vừa bắt khẩn cấp 6 nghi phạm thuộc 2 băng nhóm tổ chức đánh chém, giải quyết mâu thuẫn vào đêm 2/6, làm một người chết. Nạn nhân bị chết được xác định là Vũ Thành Trung (28 tuổi, trú phường 5, TP. Đông Hà). Thi thể anh Vũ Thành Trung được người...