Mở cửa tàu Cát Linh – Hà Đông cho người dân tham quan từ ngày mai
Ban Quản lý dự án Đường sắt – Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, bắt đầu từ sáng mai (20.5), đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông đầu tiên sẽ được mở bạt phủ tại điểm ga La Khê để phục vụ người dân tham quan và góp ý. Thời gian đón khách tham quan kéo dài trong vòng 1 tháng
Lễ mở bạt đoàn tàu và mở cửa tham quan nhà ga La Khê, Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông diễn ra lúc 7h sáng, đến 9h cùng ngày người dân sẽ bắt đầu được lên ga trên cao để tham quan, tìm hiểu về Dự án.
Tàu Cát Linh – Hà Đông hiện vẫn đang phủ bạt trong nhà ga La Khê
Thời gian mở cửa (miễn phí) vào thứ 3, thứ 4, thứ 6 và thứ 7; các ngày còn lại trong tuần đơn vị quản lý sẽ tiến hành dọn dẹp, vệ sinh. Thời gian tham quan, buổi sáng từ 9h – 11h, buổi chiều từ 14h – 16h, ngày thứ 7 từ 9h – 15h.
Sơ đồ tuyến đường sắt trên cao tại điểm ga La Khê
Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết, đến nay công tác hoàn thiện kiến trúc nhà ga La Khê thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông đã cơ bản hoàn thành hiện trường xây dựng, còn 2 lối lên xuống nhà ga đang tiếp tục được hoàn thiện và đang chuẩn bị triển khai lắp đặt thiết bị, đủ điều kiện để đón người dân đến tham quan, tìm hiểu về Dự án.
Video đang HOT
Hồi trung tuần tháng 2, đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông đầu tiên đã được phía Trung Quốc bàn giao, hiện đoàn tàu đang được đặt tại điểm ga La Khê – Hà Đông, thuộc sự quản lý kỹ thuật của phía Tổng thầu Trung Quốc và được kiểm tra đều đặn mỗi ngày. Trong khi đó, 12 đoàn tàu còn lại dự kiến sẽ được phía Trung Quốc vận chuyển về Việt Nam vào khoảng từ tháng 6 – 7 năm nay.
Thiết kế đoàn tàu chạy trên cao gồm loại 4 toa trong giai đoạn đầu và 6 toa ở giai đoạn sau. Mỗi đoàn tàu 4 toa có sức chở hơn 1.200 hành khách, tốc độ tối đa 80 km/h. Tàu có thời gian khai thác hàng ngày từ 5h sáng đến 23h đêm (18 tiếng, với tần suất tối đa 2 phút/chuyến). Năng lực vận chuyển tối đa 28.000 hành khách/giờ.
Bên trong nhà ga La Khê đã hoàn tất việc trang trí cảnh quan
Về hạ tầng nhà ga La Khê, theo ghi nhận của PV đến nay đã cơ bản hoàn thiện phần kết cấu và trang trí cảnh quan bên trong, bên ngoài. Nhà ga có thiết kế mái vòm giúp cho không gian nhiều ánh sáng và mát mẻ.
Trang trí cảnh quan trong nhà ga có hình ảnh hoa sen và Khuê Văn Các với gam màu trắng sáng được gắn nổi tại các ô cửa của nhà ga. Nhà ga có 2 lối lên-xuống, ứng với 2 cầu thang bộ, 2 thang cuốn tự động và 2 thang máy dành riêng cho người khuyết tật.
Lối cầu thang bộ đi lên nhà ga trên cao La Khê
Một điểm đáng chú ý khác là trong thời điểm vận hành thử nghiệm nhà ga mẫu, người dân sẽ nhìn thấy bên trong nhà ga các các chỉ dẫn được ghi bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, đơn vị thực hiện dự án cho biết sau khi dự án được đưa vào vận hành, khai thác, phần tiếng Trung Quốc sẽ được bỏ.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được khởi công tháng 10.2011, sử dụng vốn vay của Trung Quốc với tổng mức đầu tư trên 18.000 tỷ đồng. Tuyến đường dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao.
Theo kế hoạch, tháng 10.2017 dự án sẽ chạy thử liên động toàn hệ thống. Dự kiến, quý II.2018 dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.
Theo Châu Như Quỳnh (Dân Trí)
12 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ về cảng Hải Phòng
Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đầu tiên đã cập cảng Hải Phòng, đang làm các thủ tục thông quan để đưa về công trình. Còn 12 đoàn tàu sẽ chia làm 3 đợt tiếp tục vận chuyển về cảng Hải Phòng trong thời gian tới.
Tại cuộc họp về tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chiều 16/2, ông Đường Hồng, Giám đốc điều hành dự án (Tổng thầu EPC Trung Quốc) cho biết, dự án đã hoàn thành cơ bản kết cấu chính của các nhà ga, thi công được 80% kết cấu thép khu Depot.
Để phục vụ cho dự án, nhà thầu sẽ mua sắm 13 đoàn tàu trong đó đoàn tàu đầu tiên đã vận chuyển đến cảng Hải Phòng ngày 12/2, đang làm các thủ tục hải quan để nhập cảnh, đưa về công trình; 12 đoàn tàu sẽ chia làm 3 đợt tiếp tục vận chuyển về cảng Hải Phòng trong thời gian tới.
2 toa đầu máy và 2 toa khách đang làm thủ tục thông quan tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Giang Chinh
Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt Lê Kim Thành cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay ảnh hưởng đến tiến độ dự án vẫn là vốn. Nguồn vốn đã có nhưng giải ngân có những khó khăn trong việc tiến hành thủ tục tài chính liên quan giữa các Bộ và China Eximbank.
"Việc ký kết gia hạn Hiệp định vay vốn tín dụng ưu đãi và ký kết Hiệp định vay vốn bổ sung cần được tiến hành khẩn trương, đồng thời bổ sung kế hoạch vốn năm 2017 để đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện dự án", ông Thành kiến nghị.
Giá trị thanh toán của dự án trong năm 2016 là 88 triệu USD, giá trị giải ngân là 82 triệu USD. Hiện Tổng thầu đang nợ nhà thầu phụ, nhà thầu cung cấp vật tư Việt Nam khoảng 310 tỷ đồng.
Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt tích cực làm việc với các bộ, ngành liên quan để giải quyết thủ tục tài chính, không để ảnh hưởng đến tiến độ dự án; khẩn trương thẩm tra, thẩm định quy trình vận hành khai thác đoàn tàu để tập huấn cho cán bộ, công nhân; Tổng thầu phải tiến hành giải ngân, thanh toán cho nhà thầu phụ kịp thời.
"Tổng thầu cần động viên các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, phát động các đợt thi đua mới sát với thực tế. Hơn nữa, không để xảy ra sự cố về mất an toàn, nhất là an toàn lao động cho đến khi kết thúc dự án", Thứ trưởng nói.
Đoàn Loan
Theo VNE
2 đầu máy đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông cập cảng Hải Phòng Ngày 12/2, 2 đầu máy và 2 toa chở khách thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được đối tác Trung Quốc vận chuyển bằng tàu biển, cập cảng Hải Phòng. 14h chiều 12/2, tàu Tian Wang Xing quốc tịch Trung Quốc chở 2 đầu máy và 2 toa chở khách đầu tiên của đoàn tàu...