Mộ cổ trăm tuổi lăn lóc giữa đường
Hàng chục khối đá, to nhỏ với nhiều hình thù dị dạng nằm yên trên lề đường dẫn vào khu Văn miếu Trấn Biên (TP.Biên Hòa – Đồng Nai) từ hơn một năm nay.
Những phiến đá vô tri nhưng không vô hồn đã làm quặn thắt cõi lòng những người dân Biên Hòa.
Nhạt nhòa cổ mộ
Chúng tôi có mặt nơi đây vào một buổi trưa nắng gắt. Cách giao lộ đường vào Văn Miếu – đường Huỳnh Văn Nghệ chừng 300m, hai bên đường, trên lề ngổn ngang những khối đá với những hoa văn lạ lẫm. Có khối hình chữ nhật, có khối hình tròn, có cả một mảng với tấm bia mờ nhạt chữ.
Nhìn thấy chúng tôi, một người đàn ông đứng tuổi từ bên trong nghĩa trang gia tộc Võ Hà bước ra cho biết : “Mộ cổ Cầu Xéo đó. Cách đây hơn một năm không biết từ đâu họ chở về rồi bỏ xuống đây. Từ đó đến nay không một ai đoái hoài tới”.
Ngôi mộ khi chưa khai quật
Đây là ngôi mộ cổ được phát hiện và khai quật vào ngày 16/9/2011 tại khu vực Cầu Xéo (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) khi dự án đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây khởi công. Báo chí lúc bấy giờ đã tốn khá nhiều giấy mực để chuyển tải những thông tin liên quan đến ngôi mộ này.
Được biết, qua điều tra khảo cổ học đã xác định niên đại của ngôi mộ này đã có trên 200 năm. Cấu tạo ngôi mộ là một loại hợp chất có kết cấu khép kín hình chữ nhật.
Diện tích ngôi mộ rộng khoảng 40m2 với tường thành bao bọc chung quanh. Trên bức tường thành có nhiều hoa văn, họa tiết thể hiện: Long, Lân, Quy, Phụng. Mộ có bình phong tiền, hậu. Nhiều văn bia chữ Hán đã hoen mờ nhưng còn có khả năng giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về công cuộc khẩn hoang vùng đất Đồng Nai.
Video đang HOT
Thi hài bên trong ngôi mộ có giới tính nữ và chỉ còn lại bộ xương được bọc trong lớp vải bên trên phủ lá sen. Qua các vật tùy táng tìm thấy được cho thấy người chết có thể là một quý tộc.
Nói về kết cấu ngôi mộ hiện nay chỉ mới xác định là một hợp chất rất rắn chắc. Trước đây, khi dự án chưa triển khai, ngôi mộ đã nhiều lần bị đạo tặc đào trộm nhưng không lần nào thành công bởi kết cấu quá vững chắc. Đơn vị giải tỏa mặt bằng tiến hành bốc mộ theo cách thông thường cũng đã thất bại. Phải đến khi sở VHTTDL Đồng Nai vào cuộc khai quật bằng nhiều thiết bị cơ giới thì bí mật trong ngôi mộ mới được hé mở.
Dự kiến thi hài được đem về Bảo tàng Đồng Nai và toàn bộ ngôi mộ sẽ được phục dựng nguyên vẹn tại khu Văn miếu Trấn Biên để giúp giới khoa học và khảo cổ nghiên cứu lịch sử, văn hóa thời điểm khai phá vùng đất mới Đồng Nai.
Vậy mà, hơn một năm nay, những khối đá, kết cấu của ngôi mộ, vẫn còn lăn lóc nằm phơi mưa, nắng.
Mộ cổ chờ quyết định
Con đường vào khu Văn miếu Trấn Biên vốn là một con đường đẹp. Càng vào sâu bên trong, khung cảnh càng trầm mặc. Sự hiện diện của những khối đá ngổn ngang trên lề đường đã phá hỏng cảnh quan nơi đây. Nhiều người dân đã bày tỏ không đồng tình trước sự việc trên và mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm đưa những khối đá vào nơi quy định hay chí ít cũng được xếp gọn vào một nơi kín đáo hơn.
Tiếp xúc với H – một giáo viên đến thăm khu Văn Miếu, anh cho biết, giá trị của những khối đá kia là vô giá. Từ những khối đá này nếu được những người nặng lòng với tiền nhân, họ sẽ tìm ra được dấu chân của cha ông ngày trước một lòng mở cõi phương Nam.
Mặt trước ngôi mộ với tấm bia chữ Hán đã mờ.
Có thể nói đến nay, ngôi cổ mộ này được xem như vắng chủ. Khi cần di dời giải tỏa, những người có trách nhiệm không thể khai quật lên rồi vứt lăn lóc trên lề đường. Cách làm này không phù hợp với đạo đức và tâm linh của người Việt.
Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Đồng Nai thừa nhận những khối đá được đặt để một cách hỗn loạn trên lề đường chính là ngôi mộ cổ ở Cầu Xéo. Bước đầu sở VHTTDL dự kiến sẽ đưa về phục dụng bên trong khuôn viên nghĩa trang gia tộc Võ Hà bởi đã có sự đồng thuận của những người quản lý nghĩa trang. Tuy nhiên, khi đưa về đến đây thì những người có trách nhiệm tại nghĩa trang này từ chối. Vì thế đành phải bỏ lăn lóc trên lề đường.
Ông Dũng cho biết thêm, sắp tới sẽ có quy hoạch nghĩa trang Võ Hà thành khu kiến trúc nghĩa trang mộ cổ và mộ cổ Cầu Xéo sẽ được đưa vào đây, cùng với những ngôi mộ sẵn có thành một quần thể mộ cổ độc đáo, riêng có ở Biên Hòa.
“ Hơn một năm nay, ban quản lý di tích danh thắng đã 2 lần làm văn bản trình UBND tỉnh về việc phục dựng nhưng vẫn chưa có kết quả. Chúng tôi cũng cảm thấy xấu hổ và sốt ruột lắm” – ông Dũng giải bày với chúng tôi.
Như vậy, ngày khôi phục lại ngôi cổ mộ hãy còn quá xa vời.
Theo Dantri
TPHCM mở rộng khu trung tâm
Theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội TPHCM đến năm 2020, ngoài khu vực trung tâm hiện hữu rộng 930 ha, TPHCM mở rộng trung tâm tổng hợp chính sang khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) rộng 737 ha.
Trung tâm thành phố bao gồm cả Thủ Thiêm
Trước đây, trung tâm thành phố chỉ bao gồm một phần quận 1, quận 3. Đến đầu năm 2013, UBND TP chính thức phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm thành phố mở rộng thêm 1 phần quận 4 và Bình Thạnh với quy mô 930 ha. Và mới đây, dự án Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 vừa được HĐND TP thống nhất thông qua định hướng sẽ mở rộng khu trung tâm tổng hợp chính của thành phố bao gồm cả khu trung tâm 930 ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm rộng 737 ha.
Như vậy, nếu quy hoạch này được Chính phủ thông qua thì đã có thể xác định khu trung tâm tổng hợp chính mới của TPHCM sẽ rộng đến 1.667 ha với khu trung tâm hiện hữu 930ha nằm ở bờ Tây sông Sài Gòn và KĐT Thủ Thiêm nằm ở bờ Đông sông Sài Gòn. Hai khu này sẽ kết nối với nhau bằng nhiều cầu và đường hầm vượt sông. Quy mô dân số khu trung tâm tổng hợp chính này đến năm 2020 là gần 400.000 người; trong đó, khu trung tâm hiện hữu 930 ha là 250.000 người và KĐT Thủ Thiêm gần 150.000 người.
Trung tâm tổng hợp chính của thành phố sẽ gồm trung tâm cũ ở phía Tây sông Sài Gòn và trung tâm mới ở phía Đông sông Sài Gòn
Về quy hoạch không gian, khu trung tâm hiện hữu 930 ha sẽ được chia thành 5 phân khu chức năng, bao gồm: Phân khu 1 là khu lõi Trung tâm Thương mại - Tài Chính; Phân khu 2 là khu Trung tâm Văn hóa - Lịch sử; Phân khu 3 là khu bờ Tây sông Sài Gòn; Phân khu 4 là khu thấp tầng; Phân khu 5 là khu lân cận lõi trung tâm. Định hướng chung ở khu này là tạo sự cân bằng giữa bảo tồn những giá trị cảnh quan lịch sử với phát triển chức năng đô thị mới, phát triển không gian ngầm và mảng xanh, xây dựng hệ thống đường đi bộ...
Còn KĐT Thủ Thiêm sẽ là khu trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của trung tâm tổng hợp chính. Khu này sẽ phát triển các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và có vị trí quốc tế; là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí; đảm nhiệm một số chức năng mà khu trung tâm 930 ha còn thiếu và hạn chế phát triển.
Phát triển đô thị vệ tinh về 4 hướng
Trong quy hoạch tổng thể đến năm 2020 của thành phố còn xác định mô hình phát triển không gian lãnh thổ của thành phố là tập trung - đa cực. Thành phố sẽ được phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp chính ở giữa và 4 trung tâm cấp thành phố tại 4 hướng phát triển.
Cụ thể, phía Đông trung tâm sẽ đặt tại phường Long Trường, quận 9; Phía Nam trung tâm sẽ đặt tại khu A của đô thị mới Nam Thành Phố; Phía Bắc trung tâm sẽ là khu đô thị Tây Bắc; Phía Tây thì trung tâm là khu vực giáp quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh.
Trong 4 hướng phát triển thì hướng Đông và hướng Nam ra biển là 2 hướng chính; hướng Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam là 2 hướng phụ. Hướng chính phía Đông sẽ phát triển đô thị theo hàng lang cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và xa lộ Hà Nội. Hướng chính phía Nam sẽ phát triển theo tuyến Nguyễn Hữu Thọ. Hướng phụ phía Tây - Bắc phát triển theo quốc lộ 22. Hướng phụ phía Tây, Tây - Nam sẽ phát triển dọc tuyến Nguyễn Văn Linh.
Ngoài hệ thống trung tâm đô thị, thành phố còn quy hoạch hệ thống các trung tâm chuyên ngành như Trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học tại khu ĐH Quốc gia TPHCM và trung tâm các hướng phát triển; Hệ thống bệnh viện và trung tâm y tế tại các cửa ngõ; Trung tâm văn hóa, thể thao tại các khu vùng ven như Khu Lịch sử - Văn hóa - Dân tộc (quận 9), Vườn thú (Củ Chi), Trung tâm thể dục thể thao Rạch Chiếc (quận 2)...
Thành phố cũng xác định các khu vực bảo tồn và cấm xây dựng là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; rừng phòng hộ và rừng đặc dụng ở Củ Chi, Bình Chánh; các khu vành đai bảo vệ an toàn cho sân bay Tân Sơn Nhất...
Theo Dantri
Thiếu nữ đi xe biển "siêu khủng" toàn số 8 Chiếc xe đạp điện của thiếu nữ được đeo biển kiểm soát màu xanh, dãy số "siêu khủng": 80B8-8888. Chiếc xe biển 80B8-8888 tại Hà Nội... Ngày 27/3, trên tuyến giao thông từ phố Văn Miếu về phố Cát Linh (Hà Nội) xuất hiện một cô gái còn trẻ tuổi, đi một chiếc xe đạp điện đeo BKS 80B-8888 (toàn phát), gây sự...