Mít non trộn gỏi, đậm đà hương vị miền Trung
Món ăn không cầu kỳ, đơn giản với mít non, tôm thịt nhưng lại đem đến một hương vị đậm đà của một vùng quê.
Gỏi mít non dễ làm, là món ăn mộc mạc, bình dị của người miền Trung.
Mít non là một trái cây quen thuộc trong ẩm thực của người miền Trung, người dân ở đây đã chế biến thành rất nhiều món ăn ngon như mít non nấu canh, kho với cá, bóp gỏi… Đa phần là những món ăn nhà nghèo, trong đó gỏi mít ăn kèm với bánh tráng là món ăn thay cơm của nhiều gia đình trong những thời điểm khó khăn.
Món gỏi mít truyền thống của người miền Trung chỉ có mít non, lạc, các loại rau thơm, nhưng ngày nay, khi đời sống không còn khó khăn, khi chế biến món này, người ta đã cho thêm rất nhiều nguyên liệu như: tôm, thịt, mực… làm cho món gỏi mít thêm đa đạng, phong phú và ngon miệng.
Ở Sài Gòn, bạn có thể ghé chợ Bà Hoa, quận Tân Bình để mua mít non.
Người miền Trung mộc mạc, không cầu kỳ nên món ăn cũng mang tính cách của họ. Gỏi mít rất dễ làm và không mất nhiều thời gian. Người dân ở đây thường lựa chọn những trái mít gai mịn đều, da nhẵn, bổ trái mít ra thành nhiều phần nhỏ, gọt vỏ, bỏ cùi, ngâm vào nước lạnh để mít ra bớt mủ và không bị thâm vì gió.
Gỏi mít non truyền thường trộn chung với đậu phụng.
Sau khi ngâm, mít được rửa sạch, đem luộc cho vừa chín tới, vớt ra để ráo và thái thành từng sợi nhỏ vừa ăn theo thớ mít. Tôm rửa sạch, bỏ vỏ, ướp với một ít gia vị sau đó xào nhanh cho tôm chín. Thịt ba chỉ rửa sạch, luộc chín và thái sợi vừa ăn. Cho mít non, tôm, thịt vào thố trộn chung với rau răm, húng quế, húng lủi, lạc giã dập, nêm gia vị vừa ăn.
Video đang HOT
Hiện nay, món ăn được biến tấu với nhiều nguyên liệu như tôm, thịt, cá…
Ăn gỏi mít non không thề thiếu bánh tráng nướng cùng chén nước mắm chanh tỏi ớt. Bẻ miếng bánh tráng, xúc một ít gỏi, chấm vào chén nước mắm và thưởng thức, món ăn thơm ngon, bánh tráng giòn rụm, mít non ngọt, bùi như thịt gà, các vị cay, mặn, ngọt hòa lẫn vào nhau làm cho món ăn thêm phần đậm đà và thi vị.
Khi ăn gỏi mít non thì không thể thiếu bánh tráng.
Những sản vật tưởng chừng rất bình dị, dân dã của miền Trung nắng gió khi kết hợp với nhau tạo nên món ăn mộc mạc nhưng lại hấp dẫn và khó quên. Ở Sài Gòn, bạn có thể ghé đến quán Fai Fo – 139 Lê Thị Hồng Gấm, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 hoặc quán Đo Đo, 10/14 Lương Hữu Khánh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM. Mỗi dĩa gỏi mít non có giá khoảng 45.000 đồng.
Huấn Phan
Theo ngôi sao
Vị đậm đà trong tô bún nước lèo Sóc Trăng
Tô bún nước lèo nóng hổi, hòa lẫn mùi thơm của sả với ngải bún, vị mặn ngọt của mắm, mùi hăng của các loại rau mùi cùng với vị cay cay của ớt...
Món ăn thơm ngon đậm đà nhờ kết hợp nhiều loại gia vị trong quá trình nấu nước lèo.
Ở các tỉnh miền Tây Nam bộ có nhiều món ăn ngon từ bún, có thể kể đến bún nước lèo Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh... nhưng ngon và nổi tiếng phải nhắc tới bún nước lèo Sóc Trăng. Món ăn đặc trưng giàu đạm, ăn kèm các loại rau như húng lủi, rau thơm... nên có nhiều chất xơ. Đây còn được xem là một đặc sản ẩm thực có xuất xứ từ người Khmer, bởi vì yếu tố đặc sắc của món bún này là mắm. Món mắm này xuất phát từ người Khmer, Campuchia và nó đã trở thành gia vị làm nên món ăn ngon của vùng Sóc Trăng.
Để nấu món này, trong thành phần gia vị nên có cây ngải bún vì đây là gia vị khử mùi tanh của mắm và làm thơm nước lèo. Nét đặc biệt của nước lèo Sóc Trăng là không lợn cợn mà trong veo, bởi nó được nấu bằng một công thức khá lạ. Chị Ngọc Liên, chủ quán bún nước lèo Sóc Trăng, cho biết, khi nấu nước lèo người Sóc Trăng không cho trực tiếp các nguyên liệu vào nồi như thông thường, mà chứa tất cả vào một chiếc túi lọc rồi nấu đến khi cốt tan ra. Đặc biệt, nước lèo được nấu cùng nước dừa tươi nên có vị ngọt thanh tự nhiên. Chính vì thế mà nước lèo mới trong, ngọt thanh, rất ngon.
Chị Liên còn cho rằng, món ăn sẽ trở nên ngon hơn nhờ vào cọng bún, bởi cọng bún nước lèo Sóc Trăng được làm từ loại gạo dẻo, tốt nhất là gạo mùa, ngâm nước qua đêm rồi xay trong cối đá dạng bột nước. Bột lại được nhồi thật dẻo và nắm thành từng cục, sau đó cho vào khuôn bún và vặn để bột tạo sợi qua khuôn. Các sợi bún rơi xuống nồi nước sôi và được làm chín tại đây. Người làm bún vớt bún đã chín trong nồi nước sang một nồi nước thật trong, pha âm ấm, sau đó bắt thành từng con bún để lên thúng tre đã lót lá chuối tươi.
Nước lèo được nấu bằng xương ống, xương sườn lợn, tôm thẻ ninh nhỏ lửa trong nước, hớt bọt để lấy nước dùng trong, ngọt hoặc có thể nấu từ củ cải trắng và thêm nước dừa tươi cho có độ ngọt thanh. Sau đó gia thêm mắm bằng cách: mắm cá sặc nấu với nước, sôi hớt bọt kỹ, lọc bỏ xương lấy nước. Cho nước mắm vào nấu chung với nước hầm xương, cá, nước dừa xiêm và thêm nước lã. Kế đến mới cho ngải bún, sả cây vào nấu sôi. Đây là giai đoạn quan trọng phải hớt bọt thật kỹ thì nồi nước lèo mới trong. Nêm nếm lại cho vừa ăn là dùng được.
Bún nước lèo còn được ăn kèm chung với một số loại thực phẩm khác như thịt lợn quay, cá, thịt, tôm tươi và các loại rau... Cá thì dùng thịt cá lóc đã xử lý hết xương, tôm tươi lột vỏ, thịt lợn quay cắt vừa ăn... Rau sống thì có rau muống bào, hoa chuối thái mỏng, giá hẹ, rau húng quế, chanh và ớt. Đặc biệt, chính nước chấm được nấu từ me, nước mắm ngon, hòa cùng đường tạo nên hỗn hợp nước chấm ngon và hấp dẫn.
Cho bún đã chần vào tô, xếp cá đã gỡ bỏ xương, thịt quay cắt miếng vừa ăn, tôm tươi, cho thêm hẹ cắt khúc và vài lá rau thơm lên trên mặt. Sau đó, bạn nhẹ nhàng múc nước lèo sôi cho vào tô ăn kèm với rau ghém, chanh, ớt và nước chấm mắm me.
Vị mằn mặn thơm phức của mắm, thơm giòn của thịt quay, ngọt dai của tôm tươi, thêm vài miếng cá lóc phi lê mềm tan, mùi thơm đặc trưng của ngải bún hòa quyện trong bát nước lèo trong veo đã làm nên một món ăn đậm chất Tây Nam bộ.
Trong quá trình giao thoa văn hóa giữa các dân tộc Việt, Hoa và Khmer, bún nước lèo trở thành món ăn không chỉ của riêng người dân Sóc Trăng, mà còn là món ăn phổ biến của các dân tộc miền Nam.
Ở Sài Gòn, bạn có thể ghé ngay lòng chợ Bàn Cờ, quận 3 để tìm đến và thưởng thức món ăn ngon này. Giá một tô bún chỉ có 20.000 đồng.
Tô bún nước lèo Sóc Trăng gồm có tôm tươi, lợn quay, thịt cá hấp...
Các nguyên liệu tươi sẽ góp phần làm cho món ăn thêm ngon hơn.
Đầu cá hấp nếu như bạn có nhu cầu dùng thêm.
Rau dùng bún gồm rau muống, hoa chuối, giá, hẹ...
Nước chấm được nấu từ nước mắm ngon, đường và me chua.
Thư Kỳ
Theo ngôi sao
[Chế biến]-Lòng non luộc chấm với mắm ruốc Đối với người miền Bắc, mắm tôm là món ăn đặc trưng chấm kèm thì người miền Trung lại có mắm ruốc. Mắm ruốc có thể làm gia vị khi nấu canh, hoặc ăn kèm với lòng non làm món nhắm rất ngon. Nguyên liệu: - 1 bộ lòng non (300g) - 2 thìa canh mắm ruốc - 1 nhánh gừng - Giấm,...