“Mirai: Em Gái Đến Từ Tương Lai” – Hài hước, dễ thương nhưng đầy tiếc nuối
“ Mirai: Em Gái Đến Từ Tương Lai” mang không khí dễ chịu và đáng yêu giữa hai anh em Kun và Mirai.
Mirai: Em Gái Đến Từ Tương Lai là bộ phim mới nhất của đạo diễn Mamoru Hosoda – cái tên đứng sau những tác phẩm nổi tiếng như Wolf Children (2012), The Girl Who Leapt Through Time (2006) và The Boy and the Beast (2015). Dù là fan hay non-fan của anime, chắc hẳn bạn cũng từng ít nhất một lần nghe đến những tựa phim trên rồi đúng không?
“Mirai: Em Gái Đến Từ Tương Lai”.
Điều này vô cùng dễ hiểu, vì Mamoru Hosoda là một trong số khá ít những đạo diễn anime thành công ở cả thị trường nội địa lẫn quốc tế. Không giống như nhiều đồng nghiệp của ông, để đưa tên tuổi của mình vượt ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản, Hosoda đã sử dụng chiến thuật làm phim khá rõ ràng: Kết hợp phần hình ảnh đậm chất Nhật Bản (để khơi gợi sự tò mò, thích thú), cùng phần câu chuyện mang tính toàn cầu (để kích thích sự đồng cảm, dễ tiếp thu). Ông thường giữ cho câu chuyện phát triển ở một mức hẹp; xoay quanh những mối quan hệ gia đình, tình bạn, tình yêu tuổi trẻ…; đặt trong bối cảnh hiện thực và “rắc nhẹ” yếu tố kỳ ảo đương đại. Điều này giúp lôi kéo một lượng lớn khán giả đi xem phim với nhu cầu giải trí, bởi họ thấy trong phim ông vấn đề của mình và có thể tạm thời giải quyết nó bằng một cách kỳ ảo nào đó. Do đó, phim của Hosoda thường được đón nhận vô cùng rộng rãi và mang lại thành công lớn về mặt thương mại.
Tuy nhiên, cách làm phim “yêu chiều” công chúng này của Hosoda đã khiến nhiều người hâm mộ anime lo lắng. Hosoda được tôn trọng vì ông là một trong số ít ỏi những nhà làm phim hoạt hình còn lại vẫn còn chú ý đến tính nghệ thuật của thể loại hoạt hình vẽ tay. Song, vì cố gắng cân bằng giữa mặt nghệ thuật và thương mại, Hosoda vẫn chưa có một bộ phim nào đặc biệt để “lưu danh hậu thế”. Cộng đồng người hâm mộ anime vẫn chờ đợi ông, và với Mirai lần này, ông đã khiến không ít người cảm thấy vô cùng thất vọng. Bộ phim mới nhất của ông tiếp tục cố gắng cân đối giữa nghệ thuật và thương mại, nhưng thế cân bằng ông vốn giữ được trong những phim trước đã bắt đầu chòng chành. Và nếu Hosoda không sửa đổi, không chắc ông còn làm được phim hay nữa không.
Ý tưởng tốt, nhưng không phát triển tốt
Câu chuyện của Mirai xoay quanh một cậu bé 4 tuổi tên Kun. Kun đột ngột “lên chức” anh trai sau khi mẹ cậu hạ sinh một bé gái đặt tên là Mirai (Mirai có nghĩa là tương lai). Mọi chú ý của cha mẹ đổ dồn vào Mirai khiến Kun trở nên ghen tị. Mỗi lần cơn ghen bùng lên, cậu lại mếu máo chạy ra sân, và bỗng trong chớp mắt, cậu bị lạc vào những thế giới khác nhau từ tương lai đến quá khứ. Cậu lần lượt gặp gỡ những người thân trong gia đình mình như: em gái Mirai, mẹ, ông cố,… và thậm chí là chính bản thân mình. Qua mỗi lần phiêu lưu “xuyên không” như thế, cậu lại học được một bài học mới để trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn hơn.
Về chủ đề, Hosoda không có gì để chê. Ông vẫn phát triển chủ đề gia đình quen thuộc, đặc biệt là một gia đình với những thế hệ gắn bó với nhau và gắn bó với những giá trị truyền thống của dân tộc. Ông cũng không quên sở thích làm ngược lại một định kiến nào đó, mà trong Mirai, ông lựa chọn miêu tả hình ảnh một gia đình Nhật Bản có chồng ở nhà chăm con cho vợ đi làm.
Hosoda là một người nhạy cảm, điều vốn đã được thể hiện trong mọi bộ phim của ông. Ông có đề cập đến những cảm xúc tiêu cực như nỗi buồn, lòng giận dữ, sự cô đơn,… nhưng bọc nó vào những lớp mềm mại tình yêu giữa người với người. Trong Mirai, sự nhạy cảm của ông còn được nâng lên một bậc, khi miêu tả nỗi buồn của một đứa trẻ 4 tuổi bình thường. Thật hiếm có, vì khi miêu tả nỗi buồn của con trẻ, thường người ta sẽ chọn một đứa trẻ lớn hơn, và một nỗi buồn cũng lớn hơn (ví dụ như bị bỏ rơi, nghèo đói…). Ít ai lại nghĩ đến chuyện làm hẳn một bộ phim chỉ để xoay quanh chuyện một đứa bé ghen tị với đứa em mới sinh của mình. Phim ngắn thì được, nhưng phim dài thì là một thử thách quá khó khăn.
Hosoda chấp nhận thử thách đó. Và kết cục là, Mirai trở thành… một tập hợp những bộ phim ngắn. Nhược điểm “chết người” của Hosoda từ những bộ phim trước là câu chuyện bị phân tán, không tập trung, và đôi khi người xem còn bối rối không biết nhân vật chính là ai. Ông vẫn mắc lỗi này trong Mirai, và lần này còn khiến người xem dễ nản hơn vì câu chuyện không đủ kịch tính để bù đắp như những phim trước.
Lựa chọn nhân vật chính là một đứa trẻ ở độ tuổi không thể ngồi yên, Hosoda cũng “khai tử” những khuôn hình tĩnh tại mà ông đã sử dụng thành công ở những phim trước. Ông vẫn giữ phương thức cắt cảnh liên tục bằng màn hình đen, nhưng ở đây có lẽ là cho mục đích gây cười. Đó là còn chưa kể việc xen kỹ thuật 3D vào để miêu tả cấu trúc ngôi nhà và các đoàn tàu hỏa khiến vẻ đẹp thị giác của bộ phim bị giảm đi nhiều. Mirai quả là một bước lùi thật đáng tiếc của Hosoda.
Có được công chúng, đánh mất chính mình
Như đã nói ở trên, người viết cho rằng Hosoda là một người tinh tế. Tuy nhiên, có lẽ vì việc cố làm hài lòng tất cả mọi người, đặc biệt là người xem quốc tế, ông đã khiến Mirai trở thành một sản phẩm nửa vời, “chân nọ chân kia”.
Người viết chú ý đến sự tinh tế của Hosoda từ những cảnh quay chỉ dành để miêu tả chuyển động của những con bọ mùa hè trong The Girl Who Leapt Through Time. Trong Mirai, khán giả cũng bắt gặp lại một lần sự tinh tế này – khi bé Kun đưa tay hứng lấy những bông tuyết được đặc tả vẻ nhỏ bé và mong manh. Song, Hosoda cũng không buồn phát triển tiếp cái nhỏ bé và mong manh này nữa. Ông chỉ nối sự xuất hiện của bé Mirai ở cảnh sau, qua đó cho thấy được điểm chung của giữa tuyết và bé Mirai; nhưng ấn tượng nó tạo ra khá nhạt nhẽo khi đặt trong tổng thể bộ phim.
Không chỉ tuyết, nhiều chi tiết khác cũng thể hiện sự tinh tế của Hosoda nhưng đều bị ông bỏ lửng. Ví dụ như những trò chơi trẻ con (chỉ thể hiện rõ hai trò là “Ong chích” và “Bước trộm”), thế giới cổ tích của trẻ con (chỉ thể hiện rõ hai truyện là “Hansel và Gretel” và “Quỷ Bà Bà”)… Nhiều nhân vật xuất hiện chỉ mang tính “cho có” như ông bà bé Kun, cậu của bé Kun… – ngoài mục đích thể hiện một gia đình lớn thì chẳng còn mục đích nào khác. Đây là những thứ đáng lẽ cần được phát triển thì lại bị “chiếm sóng” bởi những thứ lan man nhằm cố gắng giải thích cho người nước ngoài hiểu được truyền thống Nhật Bản (như đoạn nói về tục lệ trưng bày búp bê trong ngày bé gái).
Hai hình ảnh được Hosoda tập trung phát triển nhất có lẽ là những chiếc tàu siêu tốc và cây sồi.
Những chiếc tàu siêu tốc – những chiếc tàu siêu tốc đồ chơi và những chiếc tàu siêu tốc trong thế giới kỳ ảo của bé Kun – có lẽ ám chỉ sự chuyển động của thời gian. Phim cũng có một đoạn miêu tả sự thay đổi mà thời gian gây ra, thông qua hình ảnh của các phương tiện giao thông như: ngựa, xe máy, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay… (có lẽ lấy cảm hứng từ trường đoạn nổi tiếng trong Millennium Actress của Satoshi Kon). Thế nhưng cách xếp đặt những đối tượng này quá rời rạc để nó có thể tạo ra cảm giác về một dòng thời gian liên tục trôi nhanh.
Ngược với những chiếc tàu siêu tốc, cây sồi là biểu tượng cho một thứ “bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Người viết cho rằng trường đoạn gần cuối là trường đoạn tốt nhất của phim, khi thể hiện cây sồi với vai trò cột mốc mà con người dùng để đánh dấu vị trí của mình trong dòng thời gian. Những người con của gia đình, ở bất cứ thời đại nào, khi thấy mình lạc lối trong xã hội nhiễu loạn thì chỉ cần tìm được nó, đứng dưới cái “cây cao bóng cả” ấy, là có thể nhận ra mình là ai.
Chốt lại, Mirai là một sản phẩm giải trí tốt, vì nó rất dễ thương và vui nhộn. Nó cũng đề cập đến nhiều vấn đề mà bạn có thể quan tâm như tâm lý trẻ con, khó khăn của các ông bố bà mẹ trẻ khi chăm sóc con thơ… Tuy nhiên, nó không thể hiện bất cứ sự tiến bộ nào của đạo diễn Mamoru Hosoda trong nghệ thuật kể chuyện; và con đường trở thành tác gia điện ảnh của ông đã bắt đầu lộ rõ lối mòn.
Trailer “Mirai: Em Gái Đến Từ Tương Lai”
Mirai: Em Gái Đến Từ Tương Lai khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 3/8.
Theo Trí Thức Trẻ
Đi tìm "kho báu không bao giờ cạn" cùng mèo máy và nhóm bạn trong "Phim Doraemon: Nobita Và Đảo Giấu Vàng"
Mèo máy Doraemon và nhóm bạn thân đã trở lại Việt Nam trong phim anime mới "Phim Doraemon: Nobita Và Đảo Giấu Vàng". Lần này, lấy đề tài cướp biển và các chuyến săn tìm kho báu, nhóm bạn sẽ truyền tải một câu chuyện về tình cảm gia đình khiến nhiều khán giả không khỏi xúc động.
Trong phần phim thứ 38 của series, mèo máy Doraemon và nhóm bạn thân đã sẵn sàng căng buồm ra khơi thực hiện chuyến phiêu lưu và các bài học mới trong Phim Doraemon: Nobita Và Đảo Giấu Vàng (Doraemon The Movie: Nobita's Treasure Island).
Poster phim điện ảnh thứ 38 của Doraemon tại Việt Nam
Câu chuyện mới, thử thách mới
Phim Doraemon: Nobita Và Đảo Giấu Vàng chưa từng xuất hiện trong các sản phẩm trước đây của series Doraemon. Câu chuyện bắt đầu khi Nobita thuyết phục được Doraemon giúp cậu thực hiện ước mơ khám phá hòn đảo lạ vừa xuất hiện giữa biển Thái Bình Dương. Sau một số biến cố "nhè nhẹ", nhóm bạn Doraemon, Nobita, Shizuka, Suneo, Gian và thủy thủ đoàn Doramini đã yên vị trên chiếc thuyền buồm hoành tráng mang tên "Vầng hào quang Nobita". Nhóm thủy thủ nhi đồng của chúng ta thẳng tiến đến hòn đảo lạ.
Chuyến hải trình gặp hạn ngay từ chuyến đi đầu tiên
Tuy nhiên khi đến gần, một sự thật động trời được hé lộ: Hòn đảo này thật ra là một chiếc tàu hải tặc khổng lồ. Nhóm bạn Nobita đã chạm trán với nhóm hải tặc hung hãn và Shizuka bị bọn chúng bắt cóc lên đảo, ngay sau đó "hòn đảo" đã khởi động và biến mất dạng.
Shizuka lại bị bắt cóc nữa rồi!
Shizuka ở nơi xa lạ đã được cô bé tên Sarah che chở và bảo vệ. Còn nhóm bạn Nobita sau đó gặp được cậu bé tóc vàng tên Flock. Nhờ vào tay nghề sửa tàu thượng hạng của Flock, "Vầng hào quang Nobita" hồi sinh và nhóm bạn bắt đầu một chuyến phiêu lưu mới mạo hiểm hơn bội phần: Đuổi theo "hòn đảo di động" và giải cứu Shizuka!
Câu chuyện về những đứa con trong gia đình
Điểm đặc biệt nhất về phim điện ảnh thứ 38 của Doraemon chính là cách nhà làm phim giữ kín tiếng về chủ đề thật sự của tác phẩm. Dù đã tìm hiểu từ trước, tất cả ấn tượng ban đầu của khán giả đều đổ dồn vào đề tài phiêu lưu trên biển và việc săn tìm kho báu.
Mãi cho đến khi diễn biến của câu chuyện khơi mào bằng một trận giáo huấn ra trò của ông bà Nobi dành cho cậu quý tử. Và rồi Nobita hét lên "Bố mẹ chẳng hiểu cho con!", cậu bé chạy ù ra khỏi căn nhà trong lúc nức nở, tất cả chúng ta mới ồ à cả lên.
Cứ như vậy, tuyến nhân vật mới xuất hiện càng củng cố thêm ý đồ thật sự của tác phẩm: Phim Doraemon thứ 38 là một phim gia đình thực thụ.
Sarah - cô bé che chở cho Shizuka trên chiếc thuyền hải tặc
Cậu bé Flock thông minh, lanh lợi và cũng là anh trai của Sarah
Tuyến nhân vật mới của phần phim này làm khá tốt vai trò gợi mở mạch truyện. Cô bé Sarah tâm sự với Shizuka về mái ấm phân tán của mình với người mẹ mất sớm, người bố mải làm việc đến quên mất việc ghé thăm con mình, còn anh trai ruột Flock thì bất đồng quan điểm với bố nên bỏ nhà ra đi. Từng mảnh ghép khi tập hợp đã vẽ nên một bức tranh gia đình đầy cảm xúc trong phim mới của Doraemon.
Các nhà làm phim một lần nữa đã vay mượn các đề tài gây tò mò để truyền tải một cách dễ hiểu và đáng yêu nhất có thể những bài học sống có ích. Âu chỉ là lần này, kịch bản của phim được "phù phép" bởi Genki Kawamura, nhà sản xuất của bom tấn Your Name, khiến cho cách dẫn dắt trở nên khéo léo và thuyết phục bội phần.
Dù bạn bao nhiêu tuổi, trái tim bạn vẫn có thể bị lay động bởi câu chuyện gia đình được thể hiện trong phim. Có người trưởng thành nào chưa từng xem qua Doraemon? Có người con nào lớn lên mà chưa từng ấm ức trước những lời khuyên răn từ bố mẹ? Chúng ta hành xử ra sao và sau đó đã phải hối hận đến thế nào?
Nobita tiếp tục trở thành người hùng của chuyến phiêu lưu lần này
Nobita, Flock và cả cô bé Sarah trong phim đều có những trường đoạn chạm đến tâm can người làm con cái trong gia đình. Nếu bạn đã có một tuổi thơ đẹp đẽ cùng mèo máy Doraemon, bạn khó mà kiềm được cảm xúc cứ dâng lên cuộn trào khi xem phần phim này.
Nếu bạn có con nhỏ, đừng ngần ngại dắt các bé đến xem cùng. Các bạn nhỏ chắc chắn sẽ thích thú trước màn trình diễn của sắc màu, tiếng cười và bài học cuộc sống được lồng ghép khéo léo. Đứa trẻ nào cũng nên hiểu về công lao trời bể của bố mẹ.
Còn phần bạn, liệu bạn có thấy thấm thía hơn khi gặp lại những nhân vật của tuổi thơ trong tầm vóc của thời điểm hiện tại? Nobita vẫn mãi là cậu bé lớp 3 mê ngủ ngày, nhưng giờ đây bạn đã trưởng thành và cách bạn nhìn nhận về câu chuyện trong phim cũng không đơn thuần là giải trí nữa. Bạn sẽ nhận ra tuổi thơ mình đẹp đẽ đến thế nào khi biết đến một tựa phim giàu ý nghĩa như Doraemon.
Doraemon và "kho báu không bao giờ cạn"
Không bao giờ quá lời khi nói "Doraemon là một kho báu đào mãi không hết". Ngay từ series truyện tranh gốc của tác giả Fujiko F. Fujio ra mắt năm 1969, trải qua bao thế hệ tác giả kế thừa, câu chuyện về chú mèo máy đến từ tương lai vẫn chưa có dấu hiệu cạn ý tưởng. Không có gì khó hiểu khi Phim Doraemon: Nobita Và Đảo Giấu Vàng tiếp tục phá kỷ lục của hành trình 38 năm phát hành của series trên màn ảnh rộng. Vẫn y nguyên đó công thức về một chuyến phiêu lưu kỳ lạ được hỗ trợ bởi bảo bối của Doraemon, Nobita và nhóm bạn đã trải qua ngót nghét 38 kịch bản phim điện ảnh mà mùa sau luôn xô đổ kỷ lục doanh thu của mùa trước.
Doraemon chính là kho ý tưởng vô giá của ngành công nghiệp anime Nhật Bản
Theo số liệu của nhà phát hành Toho, Phim Doraemon: Nobita Và Đảo Giấu Vàng được nhìn nhận là một bom tấn phòng vé ở thị trường nội địa. Phim điện ảnh của chú mèo máy màu xanh khi ra mắt đã đứng đầu bảng xếp hàng phòng vé suốt 3 tuần liên tiếp của tháng 3 vừa qua. Chuyến hải trình đến Đảo Giấu Vàng của Nobita chính thức trở thành phim ăn khách nhất trong số 38 phim đã phát hành từ năm 1980 cho đến nay.
Qua 3 tháng công chiếu, phim thu về hơn 5 tỉ Yên (khoảng 1086 tỉ Đồng) và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng khi phim bắt đầu phát hành ở thị trường nước ngoài, bao gồm cả Việt Nam.
Dù bạn là ai, ở độ tuổi nào, bạn vẫn có thể tự tin mua tấm vé để xem Doraemon và hài lòng với 109 phút trở về tuổi thơ cùng những người bạn 2D trên màn ảnh rộng. Phim Doraemon: Nobita Và Đảo Giấu Vàng chiếu rộng rãi tại các rạp ở Việt Nam từ ngày 25/5/2018.
Biệt đội thủy thủ nhi đồng hẹn gặp lại các bạn tại rạp chiếu!
Theo Trí Thức Trẻ
Nâng tầm ý nghĩa của nguyên tác, "Inuyashiki" gây ấn tượng mạnh nhờ loạt cải biến hợp lý Không chỉ thể hiện trọn vẹn tinh thần của bộ manga cùng tên, nhờ vào sức mạnh diệu kì của ngôn ngữ điện ảnh, "Inuyashiki" phiên bản live-action còn khiến câu chuyện về ông lão siêu nhân trở nên gần gũi và thú vị hơn rất nhiều. (Bài viết có tiết lộ nội dung phim) Đối với các nhà làm phim, việc chuyển...