Minnesota có thể xét nghiệm nCoV toàn bộ người biểu tình
Thống đốc bang Minnesota Walz đề nghị tất cả những người tham gia biểu tình sau cái chết của George Floyd đều phải được làm xét nghiệm nCoV.
“Bất cứ ai tham gia tuần hành đều nên xét nghiệm nCoV. Nếu bạn nghĩ mình có nguy cơ, hãy tiến hành xét nghiệm 5 ngày sau sự kiện này. Nếu kết quả là âm tính, hãy tiếp tục xét nghiệm lại 14 ngày sau sự kiện”, Thống đốc Minnesota Tim Walz đăng trên Twitter hôm 4/6.
Walz cũng đăng kèm thông tin từ cơ quan y tế bang Minnesota về cách người dân tại đây có thể đăng ký làm xét nghiệm nCoV.
Tuyên bố của Thống đốc Walz được đưa ra vài ngày sau khi Vệ binh Quốc gia Minnesota phát hiện một thành viên nhiễm nCoV và 9 người có triệu chứng nhiễm virus khi tham gia ứng phó các cuộc biểu tình.
Video đang HOT
Thống đốc Minnesota Tim Walz trong cuộc họp báo ở thành phố St. Paul hôm 29/5. Ảnh: CNN.
Lực lượng này đã triển khai gần 7.000 thành viên để hỗ trợ cảnh sát đối phó với các cuộc biểu tình sau cái chết của Floyd và đang phải lên kế hoạch xét nghiệm nCoV cho tất cả binh sĩ làm nhiệm vụ. Hiện chưa rõ thời gian vệ binh nhiễm nCoV được xác nhận dương tính và mức độ tương tác của người này với đồng nghiệp và người dân.
Tiến sĩ David Eisenman, giám đốc Trung tâm Sức khỏe Cộng đồng và Thảm họa tại Đại học California, Los Angeles, cho biết xét nghiệm diện rộng tất cả những người đã tham gia biểu tình sẽ là chìa khóa để đảm bảo nCoV không lây lan sang các cộng đồng mới.
Theo dữ liệu từ Covid Tracking Project, bang Minnesota đã thực hiện khoảng 258.747 xét nghiệm nCoV kể từ 6/3.
Nhà dịch tễ học Bob Bednarchot tại Đại học Emory, bang Georgia, cho biết các hoạt động như la hét, hô hoán trong các cuộc biểu tình có thể khiến nCoV lây lan trầm trọng hơn. Ông cũng lo ngại việc xịt hơi cay vào người biểu tình có thể khiến họ ho sặc và tạo điều kiện cho virus lan nhanh hơn nữa.
Các cuộc biểu tình sau cái chết của Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì chết, đã nâng lên thành biểu tình đòi công lý cho cộng đồng người da màu và lan tới ít nhất 140 thành phố ở Mỹ.
Bạo loạn ở Mỹ giảm nhiệt
Người biểu tình phớt lờ lệnh giới nghiêm ở nhiều nơi nhưng các vụ bạo lực và cướp phá xảy ra ít hơn các đêm trước.
Ngày 2/6 đánh dấu đêm thứ 8 liên tiếp xảy ra các cuộc biểu tình sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd. Giới chức ở New York và thủ đô Washington đã siết chặt lệnh giới nghiêm, bắt đầu yêu cầu người dân về nhà khi vẫn còn là ban ngày.
Người biểu tình đối mặt lực lượng an ninh ở New York trong thời gian áp lệnh giới nghiêm tối 2/6. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, tại New York, hàng trăm người không chịu về nhà sau khi lệnh giới nghiêm đi vào hiệu lực từ 20h. Thay vào đó, họ hô khẩu hiệu và diễu hành trên đường phố ở Manhattan và Brooklyn. Một số vụ hôi của vẫn diễn ra ở thành phố New York nhưng tình hình đã cải thiện rõ rệt so với bất ổn những đêm trước.
Vài giờ sau khi lệnh giới nghiêm bắt đầu, thị trưởng Bill de Blasio nói rằng "tình hình rất ôn hòa", một ngày sau khi một số cửa hàng sang trọng ở Manhattan bị cướp phá. "Các lệnh giới nghiêm chắc chắn có hiệu quả, dựa trên những gì tôi thấy ở Brooklyn và Manhattan trong ba giờ qua", ông viết trên Twitter tối 2/6.
Một số người biểu tình gần Nhà Trắng cũng không ra về sau giờ giới nghiêm 19h của thủ đô Washington, mặc dù lực lượng hành pháp cảnh báo họ có thể phản ứng mạnh mẽ. Đám đông nhìn chung bình tĩnh và lịch sự, họ la ó phản đối khi một người biểu tình leo lên cột đèn tháo biển báo giao thông. Họ hô khẩu hiệu "biểu tình ôn hòa!".
Các cuộc biểu tình cũng tiếp diễn ở Los Angeles, Miami, St. Paul, Minnesota, Columbia, Bắc Carolina và Houston, nơi cảnh sát trưởng nói chuyện với những người biểu tình ôn hòa, hứa hẹn sẽ đưa ra các cải cách.
Phong trào biểu tình kêu gọi công lý cho người da màu George Floyd khởi phát ở Minneapolis, sau đó lan tới ít nhất 140 thành phố của Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Tại Mỹ, một số phần tử quá khích và cơ hội vài ngày qua lợi dụng biểu tình để cướp bóc, đập phá các cửa hàng, đốt xe và các tòa nhà.
Ít nhất 40 thành phố của Mỹ áp lệnh giới nghiêm để đối phó với các vụ bạo động. Hơn 20.000 lính Vệ binh Quốc gia được triển khai để hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật ở Washington D.C. và 28 bang.
Vợ Thủ tướng Singapore đăng tranh biếm họa về Trump Hà Tinh, vợ của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, gây tranh cãi khi chia sẻ tranh biếm họa so sánh cách phản ứng của Trump với biểu tình tại Mỹ và Hong Kong. Bà Hà ngày 1/6 đăng trên Facebook tranh biếm họa của họa sĩ Singapore Heng Kim Song. Tranh này thể hiện Trump bình luận hành vi người biểu tình...