Minh oan cho người chết rất khó!
“ Minh oan cho người bị oan trong trại tạm giam đã khó, minh oan cho người chết oan trong đó còn khó hơn nhiều. Pháp luật cần quy định cụ thể cơ chế giải oan cho người đã mất, để thân nhân của họ phần nào nguôi đi đau khổ”, đại biểu Lê Minh Hiền nói.
Sáng 9/11, thảo luật tại hội trường dự án Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, một số đại biểu kiến nghị đưa hệ thống cơ sở tạm giữ, tạm giam về Bộ Tư pháp hoặc Tổng cục Thi hành án hình sự quản lý để đảm bảo tính độc lập với hoạt động điều tra. Việc này còn đảm bảo người bị tạm giữ, tạm giam không bị bức cung, nhục hình.
Các đại biểu còn đề xuất cơ chế minh oan cho người bị chết oan trong nhà tạm giữ, trại tạm giam.
Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng), không ít vụ việc bức cung, nhục hình đã xảy ra trong quá trình điều tra, nhất là giai đoạn tiền khởi tố đối với người bị tạm giữ, tạm giam. “Dù bức cung, nhục hình xảy ra không phải do người quản lý nhà tạm giữ, tạm giam thực hiện, nhưng để vụ việc xảy, phần nào đó họ vẫn có lỗi”, đại biểu Vinh nói.
Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh không ít vụ bức cung, nhục hình trong quá trình tạm giam
Do vậy, vị đại biểu đoàn Hải Phòng đề xuất tách việc quản lý nhà tạm giam, tạm giữ ra khỏi cơ quan điều tra hình sự, cơ quan Công an cấp tỉnh, cấp huyện để bảo đảm khách quan. Điều này còn để tránh các cơ quan này lạm dụng bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra. Công tác tổ chức, quản lý giam giữ nên cho Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ.
Từ thực tế, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) đánh giá có nhiều vụ bức cung nhục hình nhưng nạn nhân không tố cáo vì sợ hoặc cam kết không khiếu nại sau khi được trả tự do. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được đại biểu cho là nhà tạm giữ, tạm giam vẫn còn quá “gần gũi” với cơ quan điều tra.
Đại biểu Lê Minh Hiền (đoàn Khánh Hòa) lo ngại tình trạng chết người trong nhà tạm giữ, trại tạm giam. Theo đại biểu, Quốc hội đã yêu cầu Bộ Công an không để xảy ra chết do tự sát, chết do can phạm đánh nhau tại cơ sở giam giữ và làm rõ trách nhiệm của cán bộ liên quan. Tuy nhiên, thời gian gần đây vẫn xảy ra nhiều vụ việc người bị tạm giữ, tạm giam tự sát hoặc bị đánh chết.
Video đang HOT
Đại biểu Lê Minh Hiền lo ngại tình trạng chết người trong quá trình tạm giam, tạm giữ
Theo nữ đại biểu, để không ảnh hưởng đến quyền con người, luật cần quy định không được giam bị can, bị cáo cùng với những đối tượng đã bị kết án.
Đại biểu Hiền còn đề xuất Quốc hội khi xem xét thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự, cần có quy định minh oan cho người chết trong giai đoạn điều tra. “Minh oan cho người bị oan trong trại tạm giam đã khó, minh oan cho người chết oan trong đó còn khó hơn nhiều”, nữ đại biểu đoàn Khánh Hòa nói.
Theo bà Hiền, pháp luật tố tụng hình sự cần quy định cụ thể để giải oan cho người bị buộc tội oan, cho người đã mất, để người thân của họ phần nào nguôi đi đau khổ. Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành và dự thảo sửa đổi mới còn thiếu quy định minh oan cho người chết trong giai đoạn điều tra, truy tố.
“Trường hợp đó, luật hiện hành chỉ nêu đình chỉ vụ án với lý do người thực hiện hành vi nguy hiểm đã chết mà không tiếp tục điều tra để kết luận người bị buộc tội đó có bị oan hay không để giải quyết bồi thường oan sai”, đại biểu Lê Minh Hiền nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) cũng chỉ rõ, tình trạng chết trong quá trình tạm giam, tạm giữ khá nhiều do nhiều nguyên nhân, trong đó do tâm lý hoang mang của người bị tạm giam, tạm giữ và việc làm không đúng của cán bộ quản lý hay nhiều trường hợp bị… “đại bàng” đánh.
Do đó, đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho rằng, dự thảo cần tách quyền của người bị tạm giữ và người bị tạm giam để có chế độ giam giữ tương ứng, để hạn chế tình trạng tự sát trong quá trình tạm giam, tạm giữ.
“Quốc hội cần xem xét quy định minh oan cho người chết trong giai đoạn điều tra, truy tố”, đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) nói. Theo đại biểu Nam, người bị tạm giam, tạm giữ chưa được coi là có tội và nếu họ bị oan thì cũng không tự minh oan sau khi chết trong quá trình tạm giam, tạm giữ mà chỉ được coi là điều kiện chấm dứt quá trình tố tụng hình sự.
Để tránh những nghi ngờ không đáng có trong trường hợp người bị tạm giam, tạm giữ chết, đại biểu Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam) đề nghị, phải để người thân của họ chứng kiến việc giám định tử thi. Còn đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) yêu cầu quy định rõ trách nhiệm của người ký quyết định tạm giam, tạm giữ để xác định trách nhiệm khi có sự cố xảy ra trong buồng giam chung.
Quang Phong
Theo Dantri
Vụ Huỳnh Văn Nén: Vi phạm nghiêm trọng các quy định
"Qua giám sát cho thấy quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thu thập chứng cứ và chứng minh", ĐBQH Lê Thị Nga trao đổi với phóng viên Tiền Phong về vụ Huỳnh Văn Nén.
ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp. Ảnh: H.Long
Phải sớm đình chỉ
ĐBQH Lê Thị Nga cho biết, báo cáo về kết quả giám sát oan, sai trong tố tụng hình sự đã chỉ rõ quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thu thập chứng cứ và chứng minh.
Cụ thể, vụ ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án chung thân về tội giết người và tội cướp tài sản. Quá trình điều tra đã không có nhân chứng, không thu thập được dấu vết, vật chứng khẳng định chính xác do ông Nén để lại tại hiện trường. Ông Nén được xác định dùng dây thừng siết cổ bà Bông, nhưng sợi dây mà cơ quan điều tra thu giữ được lại là sợi dây khác.
Bên cạnh đó, hai dấu vết chân có kích thước khác nhau thu được tại hiện trường, giám định không trùng với kích thước dấu chân của ông Nén. Các lời khai của ông Huỳnh Văn Nén cũng mâu thuẫn, lúc nhận tội, lúc không nhận tội, trong khi đó, ông Nén khai bị mớm cung, nhục hình ngay từ khi bị bắt. Phạm nhân Nguyễn Phúc Thành có đơn tố giác người khác phạm tội trong vụ án này từ năm 2000 nhưng không được xem xét, giải quyết. Vụ án này năm 2014 đã phải giám đốc thẩm, hủy án để điều tra lại từ đầu.
"Nếu bỏ lọt tội phạm là sai một lần thì làm oan đã nhân gấp đôi số lần sai vì đã vừa bỏ lọt tội phạm, vừa làm oan. Cho nên cơ quan tố tụng phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc suy đoán vô tội và trách nhiệm chứng minh".Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị NgaVới căn cứ và những dấu hiệu như vậy, ĐB Nga đề nghị: "Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát Bình Thuận khẩn trương kết thúc điều tra, nếu không đủ chứng cứ chứng minh Huỳnh Văn Nén phạm tội thì phải đình chỉ ngay và xác định việc bồi thường, không phụ thuộc vào việc có tìm ra được thủ phạm giết bà Bông hay không theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội và yêu cầu của Nghị quyết 96 ngày 26/6/2015 của Quốc hội".
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, các vụ án oan vừa qua thường các cơ quan tố tụng có tâm lý phải tìm ra được thủ phạm khác mới tiến hành đình chỉ cho người bị oan, điển hình như vụ 7 thanh niên bị oan ở Sóc Trăng, vụ Nguyễn Thanh Chấn,... rồi bây giờ đến vụ Huỳnh Văn Nén. Đại biểu Nga khẳng định điều này hoàn toàn không đúng với nguyên tắc suy đoán vô tội và trách nhiệm chứng minh trong tố tụng hình sự.
"Qua giám sát một vụ giết người khác ở Bắc Giang, khi kiểm tra biên bản phiên tòa chúng tôi thấy Hội đồng xét xử hỏi: "Bị cáo khai mình không giết bà..., vậy nếu không phải là bị cáo thì là ai?". Đây là một trường hợp vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc trách nhiệm chứng minh của cơ quan tiến hành tố tụng. Nghi can có quyền chứng minh mình không phạm tội nhưng họ không có trách nhiệm chứng minh ai là người thực hiện tội phạm.
Giữa việc ông Nén không giết bà Bông với việc ai giết bà Bông là hai việc hoàn toàn khác nhau. Ai giết bà Bông, ông Nén không cần biết và ông cũng không thể chứng minh được, ông ấy chỉ biết được mình không giết. Ông ấy không phải nhà điều tra. Trọng án giết người, có thể 10 năm, hay 20 năm sau vẫn chưa tìm ra thủ phạm, nhưng người bị cơ quan tố tụng tình nghi bị oan thì vẫn là oán", bà Nga nói.
Cần phải xem có bức cung, nhục hình không?
Trở lại vụ Huỳnh Văn Nén, ĐB Nga cho hay, năm 1998 khởi tố điều tra ông Nén. Bằng cách nào không rõ, nhưng ông Nén đã lập công chuộc tội bằng cách khai ra vụ cách đó 5 năm là giết bà Dương Thị Mỹ (chết năm 1993 chưa tìm ra thủ phạm) và thừa nhận, ông cùng 8 - 9 người trong gia đình nhà vợ giết bà Dương Thị Mỹ. Sau đó cơ quan chức năng đã khởi tố một loạt anh em trong gia đình nhà vợ ông Nén. Đánh giá mức độ vụ việc "rất nghiêm trọng", bà Nga cho rằng, phải đặt ra cả vấn đề oan trong hai vụ.
"Đã có lần tôi từng đặt ra câu hỏi, tại sao khi đình chỉ vụ án giết bà Dương Thị Mỹ lại không xác định bồi thường oan cho ông Nén? Tôi được biết, qua báo chí, lý do được đưa ra vì ông ấy khai báo sai sự thật, làm cho cơ quan tố tụng làm sai. Việc phụ thuộc lời khai như thế là sai luật hoàn toàn. Tôi cũng đã yêu cầu cơ quan có trách nhiệm làm rõ vấn đề này".
Theo ĐB Nga, sau khi đình chỉ vụ án, việc đầu tiên cần làm là phải khắc phục ngay quyền lợi cho ông Huỳnh Văn Nén. Sau đó cần phải xác định rõ trách nhiệm. "Một vấn đề rất quan trọng khác cũng phải điều tra xem có bức cung nhục hình không như ông Nén khai nhiều lần và khai cả khi đoàn chúng tôi vào gặp hỏi trực tiếp ông trại Trại tạm giam T17. Ông tỏ ra rất phẫn nộ khi tố cáo với Đoàn giám sát việc bị điều tra viên Cao Văn Hùng nhục hình", bà Nga nói.
Theo Dũng Nguyễn (Tiền Phong)
Kỷ luật 2 thủ trưởng cơ quan điều tra để xảy ra bức cung nhục hình "Năm 2015, lực lượng công an đã xử lý 26 điều tra viên vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, trong đó có 2 điều tra viên bị truy tố; xử lý kỷ luật 2 thủ trưởng cơ quan điều tra để xảy ra bức cung nhục hình", Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an nói. Sáng...