Mình nhìn nhau, không còn cảm thấy đau lòng nữa…
Phải té ngã vài lần như thế! Thậm chí phải đánh đổi rất nhiều thứ, đó là cái giá phải trả cho sự thành công và hạnh phúc.
Thế mới biết kỷ niệm là thứ mà người ta chẳng thể giấu đi cũng không có cách nào vứt bỏ. (Ảnh minh họa)
Nghe nhạc giúp nàng dễ đi vào giấc ngủ hơn. Đó là thói quen của nàng nhưng gần đây thói quen này đã không còn được duy trì nữa. Đêm nay cao hứng, nàng mở youtube cho phát những bản nhạc một cách rất ngẫu nhiên… đoạn phát tới bài CÓ KHI NÀO RỜI XA, ca từ bài hát này trước đây đã từng lấy đi rất nhiều nước mắt của nàng… dù lúc nó nàng chưa từng biết qua cái cảm giác khi phải RỜI XA người mình thương, nó sẽ da diết như thế nào? Đau khổ ra làm sao ?…
Nghĩ cũng ngộ, lúc chưa trải nghiệm, cảm xúc chưa trải qua nhưng cứ mỗi lần bất chợt nghe được ở đâu đó ca khúc này vang lên nàng lại cúi mặt che đậy, khéo léo gạt đi giọt nước mắt của mình. Đến khi chính mình là người trong cuộc, trải qua rồi nàng lại bình thản đến lạ… không còn khóc nữa, nàng tự “khuyến mãi” cho mình – một nụ cười nở trên môi. Thầm cám ơn đời vì phần số mình cũng còn may mắn lắm! May mắn vì một cái duyên đến không sớm cũng chẳng muộn để cho nàng biết đến tên ca khúc này, nàng cảm thấy mình thật may mắn vì đây cũng không phải là lần đầu nàng nằm lắng nghe ca từ lẫn giai điệu của nó…
Thế mới biết kỷ niệm là thứ mà người ta chẳng thể giấu đi cũng không có cách nào vứt bỏ. Nhưng đến một lúc nào đó khi bạn đủ bình tĩnh để nghĩ về nó, bạn sẽ mỉm cười hạnh phúc chứ chẳng phải khóc lóc trách thương….
Cảm xúc mà…
Chợt đến chợt đi trong vô thức mà đôi khi chính chủ nhân của nó cũng không tài nào điều khiển được. Phàm ở đời, nỗi buồn và nỗi đau thường khiến con người ta khắc sâu in đậm hơn niềm vui để lại. Có lẽ vì thế mà chàng nghiễm nhiên ở lại trong trái tim nàng dù chàng đã rời tay dời chân bước đi lâu rồi, xa lắm! Nàng sợ cái cảm giác mà mỗi khi nhớ về chàng, trong tim ngập tràn nỗi xót xa… Tình yêu của nàng sau khi đã nếm qua đủ các vị mặn, đắng, cay, ngọt, bùi nay “được dịp” nếm thêm thứ vị chua, chát nó khiến nàng nghẹn họng, nước mắt ứ đọng nhưng vì cái tôi của bản thân nàng không cho phép nó tự do thoải mái tuông ra được…
Rõ ràng là kí ức vẫn ở đó, và ngay lúc này đây, khi đang nằm nghe bài hát này, nàng nhớ về nó như một cuốn phim mà cảnh quay trong phim thật chậm, còn có đoạn tua đi tua lại nhắc nhớ nàng – người làm đau mình, người nàng hãy còn rất thương nhưng đã không còn ở cạnh bên… Thế nhưng nàng vẫn không thể chối từ, giả lã xem như mình chưa từng cùng chàng tạo ra kí ức…
Đó là một cuốn phim buồn mà số phận phần đời của nhân vật như thể đã được định mệnh đặt sẵn rồi – ĐỜI đặt để cho nó một kết thúc không có hậu. Không giống như trong phim truyện mà chúng ta hay xem kiểu như người hiền lành dù cho có bị áp bứt, khổ nhục, bao lần bị tình ngay lý gian thì họ vẫn kiên trì, nhẫn nại, bao dung và vẫn luôn đối xử tốt với tất cả mọi người (kể cả người làm hại mình) trải qua bao thăng trầm sóng gió, đi đến kết phim – họ sẽ được đền bù xứng đáng.
Video đang HOT
Đối với những ai có dã tâm, chuyên tìm cách hại người, chỉ làm những việc có lợi cho bản thân mà bất chấp luân thường đạo lý nhưng một khi hối hận biết quay đầu – kết phim họ vẫn nhận được sự bao dung, thứ tha từ vai chính diện, còn những kẻ ác toàn tập – kết phim cũng là kết thúc phần đời của nhân vật. Đạo diễn luôn chọn một cái kết có hậu để khép lại một truyện phim với mục đích rất rõ ràng là để truyền tải những thông điệp mang tính nhân văn như là cuộc sống có vay có trả, có luật nhân quả để hướng con người tiến đến lòng thiện nhân.
Đó là một cuốn phim buồn mà số phận phần đời của nhân vật như thể đã được định mệnh đặt sẵn rồi – ĐỜI đặt để cho nó một kết thúc không có hậu. (Ảnh minh họa)
Nhưng thực tế, sống trên đời lại khác. Đời cho ta trải nghiệm nhiều thứ lắm, vui, buồn, hạnh phúc, đau thương, lẫn mất mác mà không phải sự trả giá nào cũng mang lại cái kết xứng đáng. Không cam tâm? không đành lòng? Có ngoan cố đâm đơn đi kiện chắc cũng phải đợi trải qua nhiều đời nhiều kiếp chứ không như trong phim dù có dài hàng trăm tập rồi cũng sẽ đóng máy, hết phim. Nhưng Đời chỉ thực sự kết thúc khi ta không còn tồn tại.
Cứ đi hết những vui cùng buồn như thể bất luận là nhân sinh nào sống trên ĐỜI đều buộc phải thế! Phải bôn ba như thế! Phải té ngã vài lần như thế! Thậm chí phải đánh đổi rất nhiều thứ, đó là cái giá phải trả cho sự thành công và hạnh phúc. Có thể xứng đáng, có thể không nhưng ít ra ta còn được quyền làm những điều mà ta thích, ta muốn, ta đam mê, ta tình nguyện thì cho dù kết quả có không như mong đợi cũng không hối hận phải không? Có người nói với nàng “quá trình không quan trọng, kết quả quan trọng hơn”.
Không khẳng định, không phủ định nàng cười thầm tỏ vẻ hoài nghi… Khoan vội phân tích đúng sai, ta thử nghĩ trên một phương diện, dưới gốc độ trong công việc làm ăn kinh doanh chẳng hạn. Những nhà “cầm đầu” “cầm lính” trong tay, họ không cần biết quá trình bạn làm việc như thế nào? vướng mắc những khó khăn ra sao? Họ chỉ đợi kết quả sau cùng là thành phẩm làm ra của bạn có hiệu quả hay không? Có đạt chỉ tiêu, chất lượng hay không? Mang lại lợi nhuận nhiều hay ít?
Thực ra, nàng rất ngưỡng mộ những người này, họ hẳn là người có đầu óc cực kì lý trí, sự quyết đoán (đôi khi nhẫn tâm một chút) nhưng mang lại kết quả đa phần đều như mong muốn của họ. Thử Suy nghĩ thêm Ở một khía cạnh khác, tình cảm chẳng hạn. Không ít những cuộc tình có duyên không nợ, mà người ra đi chẳng biết có day dứt hay không chỉ thấy nước mắt của người ở lại trực trào khi nhận trên tay tấm thiệp hồng báo tin vui mà sao lòng chẳng thể cười nổi…
Chỉ có người ở lại là triền miên nỗi nhớ thương xen lẫn uất hận tự chất vấn bản thân “Mười năm yêu không bằng chỉ vỏn vẹn một năm người quen, tìm hiểu, yêu, và cưới người khác hay sao?” Không biết có phải vì yêu quá hóa bất chấp hay không mà họ luôn tìm cách để biện minh dùm cho người ra đi và rất biết cách tự an ủi bản thân “Mười năm lựng mà, đâu phải cứ muốn quên là quên được đâu, phải không?” Người ở lại luôn tin rằng người ra đi nhất định sẽ không quên mình, chỉ cần vậy thôi là đủ. Đối với họ mà nói “Kết quả không quan trọng bằng quá trình mình thực hiện nó”.
Điều mãi mãi không thay đổi được đó chính là quá khứ, dù sao cũng không thể chối từ, cũng không thể phủ bỏ cả một đoạn đường mình đã đi qua… là tự mình muốn đi mà? Là mình cam tâm, tình nguyện đi mà… có ai hối thúc, ép uổng gì đâu mà trách móc người ta? Có nhiều lắm, sự lựa chọn cho đến cuối cùng vẫn không mang lại kết quả, nhưng tuyệt nhiên họ luôn mỉm cười và hài lòng với những gì mình đã làm.
Việc lặp lại một bản nhạc trong giây phút này đây đối với nàng đã bình thản hơn rất nhiều… Vẫn là những ca từ đó, vẫn giai điệu đó – vang vọng giữa một đêm khuya thanh vắng nghe rõ tiếng ca sĩ nghẹn ngào trong từng câu ca từ… Nước mắt đã ngưng rơi, nàng đã thôi ngừng rung động, thôi bớt thổn thức, điềm nhiên thưởng thức trọn vẹn bản nhạc với tâm tình lắng đọng. Thật, rất lắng đọng… Làm gì có khái niệm quên đi? Chỉ có khái niệm Mình nhìn nhau, không còn cảm thấy đau lòng nữa mà thôi!
Bình yên đối với nàng là khi nghe lại một bản nhạc đã từng lấy đi không ít nước mắt của mình, rồi lại lắng nghe tim mình vẫn đang nhịp trầm ổn, tâm trạng đã thôi bớt những xốn xang….
Theo Tin Tức
Nữ sinh Kinh tế "kể khổ" chuyện lấy chồng xa
"Đời không như là mơ, không nghe lời người lớn nhất là bố mẹ mình là một sai lầm phải trả giá bằng rất nhiều thứ, nhất là nước mắt".
Mới đây, lời tâm sự của một tài khoản Facebook có tên Thảo Nguyễn về chuyện "lỡ bước" lấy chồng xa đã thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Những lời than thở của bà mẹ trẻ cũng chính là "tiếng lòng" của rất nhiều cô gái rơi vào cảnh "chồng Nam, vợ Bắc" để rồi phải rơi biết bao nhiêu nước mắt mỗi khi nhớ đến quê nhà.
Bỏ qua lời "đe dọa chua chát" của cha mẹ: "Lấy chồng xa sau này vất vả thì đừng kêu ai nhá", cô gái trẻ vẫn quyết định đi theo tiếng gọi của trái tim lấy chồng cách hơn 100 cây số. Dẫu hy vọng lấy người mình yêu sẽ được hạnh phúc, nhưng "đời không như là mơ", cô đã phải trải qua biết bao cay đắng chỉ vì bỏ gia đình "xách vali" về nơi đất khách quê người.
Con gái lấy chồng xa dù mạnh mẽ đến mấy cũng sẽ có lúc yếu lòng vì nhớ cha mẹ, quê nhà (ảnh minh họa)
Cô gái trẻ thừa nhận: "Không nghe lời người lớn, nhất là bố mẹ mình là một sai lầm mà sai lầm đó phải trả giá bằng nhiều thứ, nhất là nước mắt". Sống ở một thành phố xa lạ, không anh em, bạn bè, thân thích chẳng phải là điều dễ dàng gì. Hằng ngày luẩn quẩn trong 4 bức tường chờ đợi chồng đi làm về khiến cô gái chán đến "phát rồi" và từ Tấm biến thành Cám lúc nào không hay.
Nhưng dù gì, được chồng yêu và chiều vẫn giúp cô gái "tạm hài lòng" với cuộc sống luẩn quẩn này. Chỉ đến khi sinh nở, phải một mình vượt qua khoảnh khắc "gái chửa cửa mả", cô gái trẻ mới thấm hết nỗi khổ sở của việc lấy chồng xa.
"Và đỉnh điểm của cái sự lấy chồng xa là việc đi đẻ một mình. Đau đẻ thì biết rồi đấy vậy mà vẫn phải xách giỏ lên taxi vào cái lúc mưa bão, đau chết đi sống lại vẫn không kêu lấy nửa lời. Vẫn bình tĩnh nói tròn vành rõ chữ hoàn cảnh, cơ sự cho từ anh taxi đến anh bác sĩ làm thủ tục hộ... đến khi gặp được chồng thì nước mắt rơi không biết bao nhiêu cho kể, không phải vì đau mà vì tủi thân", đó là nỗi lòng của bà mẹ trẻ đi đẻ một mình khi mẹ chưa kịp đến vì quá xa.
Rồi cả những tháng ngày chăm con một mình, những dịp lễ, Tết ngong ngóng về với mẹ nhưng rồi lại bất lực vì con đường xa tít tắp cũng khiến cô gái trẻ xót lòng. "Vậy nên, cá không ăn muối cá ươn" chính là điều cô bấm bụng thừa nhận khi đã trải qua đủ cung bậc cảm xúc của cảnh lấy chồng xa.
Dòng tâm sự dài của Thảo Nguyễn đã nói hộ nỗi lòng của nhiều cô gái lấy chồng xa. Rất nhiều cư dân mạng khi đọc xong lời tâm sự đã để lại những dòng bình luận đồng cảm và chia sẻ câu chuyện của mình.
Không chỉ vậy, cô gái trẻ còn đặt ra một chủ đề khiến nhiều người tranh cãi giữa việc lấy chồng gần, chồng xa và lấy người mình yêu. Hiện tại, dòng trạng thái này vẫn đang được chia sẻ rộng rãi.
Trích dẫn dòng trạng thái dài đang được cư dân mạng chia sẻ rộng rãi:
Lấy chồng xa... Ngày quyết định lấy chồng mẹ bảo: "Lấy chồng xa sau này vất vả thì đừng kêu ai nhá". Ngày trẻ nghĩ đơn giản lắm, chỉ là hơn 100km, 3 tiếng ô tô chứ mấy, nghĩ hạnh phúc là phải lấy người mình yêu. Ảo tưởng sức mạnh, nghĩ bỏ tất cả gia đình, bạn bè thậm chí công việc nhiều người mơ không được, đi theo tiếng gọi của con tim là anh hùng, sẽ được tung hô thán phục, chồng mình sẽ vì thế mà yêu thương trân trọng mình hơn. Cơ mà đời ứ phải là mơ. Không nghe lời người lớn nhất là bố mẹ mình là một sai lầm, mà cái sai lầm này phải trả bằng rất nhiều thứ nhất là nước mắt. Cái hào hứng của cuộc sống hôn nhân mới bắt đầu không lâu đã vội tắt ngóm. À thì ra sống ở 1 thành phố xa lạ chẳng phải điều dễ dàng gì. Không anh em, họ hàng thân thích, không bạn bè, không tất cả. Hoá ra mấy câu sến sẩm kiểu: "Em chỉ cần anh thôi, được ở bên anh em thấy hạnh phúc rồi" hay "Cuộc sống của e chỉ có a là đủ rồi" đều là sách vở cả. Bỏ việc để rồi thất nghiệp, suốt ngày quẩn trong 4 bức tường nhà đợi chồng về.
Nói vui nhưng xót hết cả lòng, "nếu dỗi chồng thì chỉ có chơi một mình". Chả biết chồng có chán không chứ bản thân mình thì chán tới tận cổ, chán đến phát rồ người và Tấm biến thành Cám lúc nào chả hay nữa. Có những lúc nhớ nhà, nhớ bạn bè muốn được tụ tập đi đâu đó hay đơn giản là muốn có người nói chuyện đến quay quắt. Có những lúc, ngồi hàng giờ trong nhà chỉ nhìn ra ngoài đường, nước mắt rơi chẳng kìm lại được. Đấy là còn được chồng chiều. Chứ không chắc bỏ đi hết để làm lại từ đầu quá. Ai hiểu? Ai thấu? Hôm nào được chồng rủ đi ăn với anh em bạn bè thì mừng như chết đuối vớ phải cọc vì lý do đơn giản là được mặc đẹp, được trang điểm nhẹ nhàng, được thấy mình "sống". Và đỉnh điểm của "cái sự lấy chồng xa" là việc đi đẻ một mình. Vâng là một mình. Đau đẻ thì biết rồi đấy vậy mà phải một mình xách giỏ lên taxi vào cái lúc mưa bão. Đau chết đi sống lại vẫn không kêu lấy nửa lời. Vẫn bình tĩnh nói tròn vành rõ chữ hoàn cảnh, cơ sự cho từ anh lái xe taxi đến anh bác sĩ làm thủ tục hộ, từ chị y tá chạy ra hành lang hỏi: "Người nhà của Thảo đâu nhỉ" cho đến bác sĩ khám. Nổi tiếng khắp mấy phòng đẻ hôm ấy.
Ai cũng ngó xem mặt mũi đứa đó thế nào mà liều thế. Đến khi gọi được cho chồng, nhìn thấy chồng chỉ khóc, nước mắt rơi không biết bao nhiêu cho kể, không phải do đau mà do tủi, tủi thân đến cực độ. Trong phòng chờ ai cũng có mẹ đi cùng, người nhà ra vào như đi chợ. Mình trong cái đêm trời trở lạnh vẫn váy bầu mùa hè, lạnh quá phải mượn áo bác đi trông con đẻ, bụng đói cồn cào ngửi mùi phở chỉ muốn ra xin ăn tạm vài thìa. Chồng trông vợ thì lăn ra ngủ như chết vì tối mới đi uống tiếp khách. Đến giờ vẫn không hiểu mình lỡ làm gì mà lại có thời điểm bi thảm đến vậy. Cái đêm hôm đấy dài hơn 1 thế kỷ, à không nhiều thế kỷ. Rồi đến lúc đau đẻ lần 2 cũng không có ai bên cạnh ngoài chị hàng xóm, chồng bảo lúc đấy đang xoắn đủ việc chả nghe thấy tiếng con khóc. Vậy là cái sai lầm của mình kéo theo cả con cái cũng thiệt thòi. Đẻ con xong xuôi ông bà nội, ngoại mới xuống đến nơi. Nhìn thấy mẹ lại khóc, chỉ muốn hét lên: "Mẹ ơi con chừa rồi, con không lấy chồng xa nữa đâu"... nhưng muộn rồi con ạ. Những ngày tháng sau này tự tay loay hoay cùng chồng chăm con thật chẳng đơn giản chút nào. Có những lúc muốn tống hết mọi thứ vào vali để đi về "nhà"; muốn có bố mẹ ở cạnh, bế con qua nhờ ông bà trông cháu cho chốc lát để làm việc này việc kia, đi chỗ này chỗ kia, muốn rất nhiều thứ... Nhưng xét cho cùng đó là lựa chọn của mình nên phải cố gắng mà làm, cố gắng mà chịu đựng không dám than vãn lấy nửa lời như đã từng mạnh mồm hứa. Rồi gần cả năm trời chả về chơi thăm bố mẹ được 1 lần. Ông bà nhớ cháu hàng tháng lại tay nải, nén đồ đạc mang xuống cho con, cho con cho cháu. Xuống ăn được bữa cơm trưa, nói được vài ba câu chuyện, cháu vừa quen ông bà thì lại đi về. Cười thì cười vậy thôi chứ bố mẹ về lại chui vào nhà tắm khóc.
Cái cảm giác xót xa chẳng thể tả bằng lời. Lúc ốm đau chồng không có nhà lại thui thủi một mình, sốt đùng đùng vẫn phải làm hết mọi việc như chưa ốm. Con vẫn phải chăm sóc, rồi con lây mẹ, mẹ con cùng ốm. Lúc ốm là lúc yếu đuối nhất nhưng 1 giọt nước mắt cũng không để rơi vì nếu không mạnh mẽ thì yếu đuối diễn ai xem? Ai hay, ai biết, ai xót, ai thương???? Xét ra, cuộc sống hôn nhân hạnh phúc thì không sao chứ nếu lại theo mốt bây giờ, lấy nhau về ba bảy hai mốt ngày rồi bỏ thì chả hiểu lúc đó mặt đâu mà nhìn bố mẹ. Nhiều lúc tức bảo mẹ: "Hay con bỏ về ở với mẹ thôi". Mẹ lại thở dài: "Chúng mày bây giờ sống hiện đại quá, cứ thích là kêu bỏ, sống vì mình nhiều quá. Chả nghĩ cho con cái, bố mẹ. Thích là làm, ra sao thì ra, cái tôi của đứa nào cũng lớn chả nhường nhau bao giờ. Cãi nhau dăm ba câu cũng kêu bỏ, cứ coi cưới xin như trò đùa". Rồi mẹ lại khuyên: "Vợ chồng lấy nhau về, sống được với nhau mới khó chứ bỏ thì đơn giản, ký phát là xong. Chúng mày còn trẻ thì khổ gì đâu, chỉ con cái thơ dại, bố mẹ già là khổ thôi. Gì gì thì gia đình có êm ấm cũng là do đàn bà vun vén mà ra, mình đàn bà nhịn đi một tí". Đắng... à mà thôi... Vậy nên muôn đời "cá không ăn muối cá ươn".
Theo Dân Việt