Minh Hóa, Quảng Bình: Nhà vệ sinh trường học xuống cấp, cần được đầu tư
Khó khăn nhất của ngành giáo dục Minh Hóa là khu nhà vệ sinh của các trường học xuống cấp và quá tải nhưng chưa có kinh phí để sửa chữa và xây dựng.
Khu nhà vệ sinh ở Trường Tiểu học và THCS xã Hóa Phúc đã xuống cấp.
Khu vệ sinh xuống cấp, quá tải
Nhiều trường học, trên địa bàn huyện Minh Hóa, cơ sở vật chất đã xuống cấp, nhất là khu nhà vệ sinh chung. Thầy cô giáo và học sinh đang phải cố gắng giữ vệ sinh nhằm bảo đảm công tác dạy và học cũng như môi trường.
Thầy Phạm Quang Hưng – Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hóa Phúc cho biết: Trường có 112 học sinh với 23 giáo viên nhưng đang sử dụng chung một khu nhà vệ sinh.
Trước đây, trường có 2 khu nhà vệ sinh, một cho giáo viên và một cho học sinh. Nhưng một khu đã xây dựng từ lâu, cùng với ảnh hưởng của mưa bão nên xuống cấp trầm trọng, nhiều hạng mục như hệ thống bồn vệ sinh, mái che tôn, hệ thống xả nước, tường bao… đã hư hỏng.
Nhà trường đã nhiều lần khắc phục nhưng đến hiện tại không sử dụng được. Khu nhà vệ sinh dùng chung cũng đã xuống cấp. Hơn nữa, thiết kế trước đây có ít phòng vệ sinh và thiếu bồn, chỗ rửa tay, hệ thống vòi xịt… nên việc sử dụng còn nhiều bất cập và quá tải.
“Mong muốn của nhà trường là có thêm một khu vệ sinh dành riêng cho giáo viên nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như công tác dạy và học”, thầy Hưng cho biết thêm.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền (Trường Trung học cơ sở Yên Hóa) chia sẽ: “Trường – với 294 em học sinh và 22 cán bộ, giáo viên – có khu vệ sinh nhưng xây dựng đã lâu. Do ảnh hưởng của bão, lũ nên khu nhà vệ sinh của học sinh đã xuống cấp trầm trọng. Vừa rồi bị hư hỏng phần mái, nhà trường đã xin huyện hỗ trợ tôn để khắc phục và dùng vôi quét lại tường để sử dụng tạm.
Video đang HOT
Ngoài ra cửa nhà vệ sinh bị hư hỏng nặng, các bồn vệ sinh bị tắc nghẽn, nhà trường đã tiến hành sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn không thể khắc phục triệt để được. Bên cạnh đó, số lượng học sinh đông mà khu nhà vệ sinh còn hạn chế nên nhiều khi cũng dẫn đến tình trạng quá tải”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết thêm, giờ giải lao, nhu cầu sử dụng của học sinh cao, nên nhiều khi phải đứng đợi nhau, một số em nam bí quá phải đi ra ngoài. Biết là ảnh hưởng đến môi trường và hình thành thói quen không tốt nhưng không còn cách khác.
Số học sinh đông nhưng khu nhà vệ sinh dành cho các em mới chỉ có 3 bồn cho nam, 3 bồn cho nữ. Để đáp ứng được nhu cầu, nhà trường cần thêm ít nhất 5 phòng nữa.
Khu vệ sinh Trường THCS xã Yên Hóa đã nhiều lần sửa chữa nhưng vẫn không đảm bảo vì thiết bị xuống câp.
Nhiều trường học, điểm trường trên địa bàn huyện cũng trong cảnh tương tự: khu vệ sinh xây dựng từ lâu nên xuống cấp trầm trọng, không thể sửa chữa, khắc phục được.
Một số trường do học sinh đông dẫn đến nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh quá tải như: Trường Tiểu học số 1 Trung Hóa, Trường Tiểu học Thị Trấn Quy Đạt, Trường Mầm non số 1 Trọng Hóa… gây khó khăn trong việc sinh hoạt của giáo viên và học sinh, ảnh hưởng ít nhiều đến công tác dạy và học của nhà trường.
Giải pháp tạm thời và mong ước của thầy trò !
Ông Đinh Tuấn Anh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Minh Hóa, cho biết: “Trên địa bàn huyện có 49 trường học, 134 điểm trường. Nhiều trường học đã được xây dựng đầy đủ cơ sở vật chất, bao gồm cả khu nhà vệ sinh cho học sinh và giáo viên.
Tuy nhiên, bên cạnh đó khu nhà vệ sinh của nhiều trường, điểm trường còn chưa đáp ứng yêu cầu. Có nơi quá tải vì học sinh đông mà nhà vệ sinh ít. Có nơi thì nhà vệ sinh đã xây dựng từ lâu, hiện tại xuống cấp trầm trọng, dẫn đến không sử dụng được. Cho dù, giáo viên và học sinh đã rất ý thức và cố gắng để giữ gìn vệ sinh chung, nhưng vì các công trình xuống cấp nên rất khó khắc phục”.
Để xây dựng thêm khu nhà vệ sinh, các nhà trường cũng đã bố trí dành riêng một diện tích đất phù hợp. Tuy nhiên, kinh phí xây dựng những công trình này lại cực kỳ khó khăn.
Nhà vệ sinh của Trường THCS xã Yên Hóa.
Theo ông Anh, vấn đề thiếu nhà vệ sinh trường học có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc ngân sách đầu tư cho giáo dục, cơ sở vật chất trường học còn nhiều khó khăn.
Cùng với đó, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các nguồn lực khác không dễ dàng.
Để giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà vệ sinh tại các trường học, ngành giáo dục địa phương đã và đang huy động cả giáo viên, học sinh giữ gìn vệ sinh chung. Ngành cũng đề nghị các nhà trường cố gắng ổn định nguồn nước sinh hoạt để tẩy rửa nhà vệ sinh thường xuyên, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, cách làm này cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, rất cần sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước cũng như sự chung tay giúp đỡ của các đơn vị, nhà hảo tâm để các trường, điểm trường miền núi huyện Minh Hóa, Quảng Bình có được những khu nhà vệ sinh đáp ứng đủ tiêu chuẩn, góp phần giúp cán bộ, giáo viên và các em học sinh yên tâm công tác dạy và học.
Quảng Bình: Xã nghèo xây trường tiền tỷ rồi bỏ hoang
Một địa phương còn nhiều khó khăn như xã Hồng Hóa, việc đề xuất xin xây dựng điểm trường không phải chuyện dễ dàng. Thế nhưng khi xây dựng xong lại không sử dụng làm lãng phí ngân sách của địa phương, gây bức xúc cho người dân.
Điểm trường mầm non Cầu Ròong, Trường Mầm non xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách địa phương với tổng mức đầu tư 1,7 tỷ đồng, trong đó 2 phòng học được đầu tư 1,5 tỷ và công trình nước sạch là khoảng 200 triệu đồng.
Ngôi trường tiền tỷ bỏ hoang gần 2 năm nay.
Công trình này đã được bàn giao từ cuối năm 2018, thế nhưng hơn 2 năm qua vẫn bỏ hoang, gây lãng phí. Được biết, xã Hồng Hóa là xã nghèo của huyện miền núi Minh Hóa, điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương này còn nhiều khó khăn.
Mục sở thị, điểm trường này gồm 2 phòng học, có đủ hệ thống điện sáng, quạt, công trình vệ sinh. Sau thời gian dài không sử dụng, không được vệ sinh những căn phòng ở đây trở nên nhếch nhác.
Những vật dụng được trang bị đầy đủ lâu không sử dụng đã bám lớp bụi dày.
Một số người dân khi được hỏi tỏ ra bức xúc bởi công trình tiền tỷ được xây dựng khang trang rồi bỏ hoang. Ông Cao Duy Cần (SN 1978) trú xã Hồng Hóa cho biết: "Xã đầu tư xây điểm trường này mấy năm rồi, thế nhưng từ đó đến nay không sử dụng. Chúng tôi cũng không biết tại sao, một công trình đẹp như thế mà lại bỏ hoang thì quá lãng phí, nếu không sử dụng thì đừng nên xây lên như vậy".
Một số người dân tại thôn Cầu Roòng cho biết thêm, công trình này từng bị phản ánh không đảm bảo chất lượng, sau khi xây thì xuất hiện nhiều vết nứt khiến phụ huynh lo lắng, không muốn cho con đến học vì không đảm bảo an toàn. Sau đó, phía nhà thầu đã khắc phục, sửa chữa, thế nhưng đến nay 2 phòng học này vẫn được không sử dụng như mục đích đề ra.
Hình ảnh nhếch nhác trong phòng học.
Lý giải nguyên nhân trường học được xây lên rồi bỏ hoang, một lãnh đạo Trường Mầm non Hồng Hóa cho biết, vì học sinh tại khu vực điểm trường Cầu Ròong quá ít, không đủ mở lớp nên trường này không sử dụng. Những em học sinh tại đây đã được vận động về học tại điểm trường chính. Người này phủ nhận thông tin phản ánh vì công trình không đảm bảo nên bỏ hoang, nguyên nhân chính không sử dụng là thiếu học sinh học.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thơ, Chủ tịch UBND xã Hồng Hóa cho biết, công trình này sau khi trường đề xuất thì phía chính quyền cũng đã họp bàn, xin ý kiến để đầu tư xây dựng.
"Nhà trường báo cáo thiếu điểm trường, có nhu cầu mới đầu tư xây dựng. Sắp tới xã cũng sẽ trao đổi lại với nhà trường và báo cáo cấp trên để có phương án chứ không để lãng phí như vậy được. Nếu năm tới mà đủ học sinh thì phải vận động học ngoài đó" - bà Nguyễn Thị Thơ khẳng định.
Quảng Bình: Va chạm xe đầu kéo, 2 thanh niên tử vong tại chổ Cú va chạm mạnh với xe đầu kéo đi ngược chiều đã khiến hai thanh niên ở Quảng Bình đi xe máy tử vong tại chỗ. Trưa 23-2, lãnh đạo UBND xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết khoảng 10 giờ cùng ngày, trên Quốc lộ 12A qua địa bàn xã vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm...