Miệt mài làm việc này, không ngờ có ngày đất cằn trả ơn “vàng”
Ở thôn Vật Yên, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, bà Phùng Thị Thơ được nhiều người biết đến là người phụ nữ giỏi và kiên cường. Với sự nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, đến nay bà đã làm chủ trang trại 12ha với mô hình nông nghiệp vườn – ao – chuồng khoa học, khép kín…
Sỏi đá cũng thành cơm
Sinh năm 1960, trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Vật Lại (huyện Ba Vì). Năm 1978, theo tiếng gọi của Tổ quốc, bà Phùng Thị Thơ lên đường nhập ngũ. Năm 1982, sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương, bà lập gia đình sinh sống tại thôn Vật Yên bằng nghề nông nghiệp.
Năm 1997, xã Vật Lại co chu trương khuyến khích phat triển kinh tế hộ gia đình, phủ xanh đất trống đồi trọc, bà Thơ đã mạnh dạn động viên gia đình nhận 12ha đất đồi troc cằn cỗi theo hình thức khoán 50 năm với suy nghĩ “người yêu đất, đất không phụ người”.
Bà Phùng Thị Thơ – hội viên Hội ND xã Vật Lại (huyện Ba Vì) là tấm gương tiêu biểu cho hội viên nông dân dám nghĩ, dám làm, làm giàu bằng trang trại VAC tại địa phương. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Có đất trong tay, cùng với nguồn vốn ít ỏi cùng sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, bà cùng gia đình bắt tay xây dựng mô hình kinh tế theo hướng trang trại vườn – ao – chuồng. Tuy vậy, bước đầu khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như nguồn vốn có hạn, giá cả thị trường biến động không ngừng, nhiều lúc bản thân bà nản chí muốn bỏ cuộc. Nhưng được sự động viên của tập thể Chi hội Nông dân thôn Vật Yên đã tạo điều kiện cho bà tham gia các lớp tập huấn khoa học – kỹ thuật, tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu bà đã tìm ra được hướng đi phù hợp với mình.
“Ban đầu gia đình tôi trồng đậu xanh, rồi lại trồng củ đậu để lấy tiền trả cho nhân công, lấy tiền chăm bưởi, nhãn… Từ hình thức lấy cây ngắn ngày nuôi cây dài ngày mà chúng tôi mới phát triển vườn cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP như ngày hôm nay”- bà Thơ cho biết.
Video đang HOT
Bà Thơ nhớ lại những ngày đầu tiên vào dựng trại nơi hoang vu, điện, đường đều không có, chồng đi vắng, con thì còn nhỏ… không ít người đã nói ra nói vào nhưng bằng quyết tâm, cố gắng bà vẫn cần mẫn lao động sản xuất. Sau 20 năm, mảnh đất đồi cằn cỗi trước kia đã được thay thế bằng những vườn cây đang đơm hoa, kết trái, bù đắp cho những nỗ lực của bà Thơ. Hiện, mô hình trang trại của gia đình bà Thơ đã đạt quy mô trên 12ha, trong đó có 11ha vườn trồng bưởi Diễn và dứa, kết hợp với chăn nuôi 10.000 con gà ri thả đồi, hơn 100 con lợn rừng và 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Trung bình mỗi năm, trang trại cho doanh thu từ 8-10 tỷ đồng.
Hỗ trợ hộ nghèo
Bên cạnh việc duy trì phát triển kinh tế gia đình, với vai trò là hội viên Hội ND, bà Thơ luôn ý thức và tích cực tham gia các cuộc vận động từ thiện nhân đạo. Đồng thời, tạo mọi điều kiện giúp bà con địa phương về vốn, vật tư để sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập ổn định từ 4-6 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, đối với những hộ gia đình nghèo, ngoài việc vận động hội viên trong Chi hội giúp đỡ, hàng năm gia đình bà Thơ còn chủ động nhận giúp đỡ từ 5 đến 7 hộ nghèo về vốn, việc làm… để phát triển sản xuất, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo.
Bà Nguyễn Thị Hà (thôn Vật Yên) cho biết: “Tôi làm ở đây hơn 10 năm rồi, làm bình thường thì 4-6 triệu đồng/tháng, còn vào vụ nhiều việc hơn thì được 8-9 triệu đồng/tháng. Được bà Thơ tạo công ăn việc làm nên ngoài làm ruộng, tôi có thêm thu nhập để lo việc học hành cho con cái”.
Đi tham quan một vòng trang trại, chúng tôi càng khâm phục hơn bởi cách tổ chức trang trại sản xuất tập trung khép kín rất khoa học, đa dạng và hiệu quả. Được biết, để có được những điều này, bà Thơ cùng gia đình thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như đầu tư hệ thống phun, tưới nước tự động để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cây sinh trưởng, xử lý chất thải vật nuôi bằng chế phẩm vi sinh nên không gây ảnh ảnh tiêu cực đến môi trường.
Sau nhiều năm cố gắng, nhờ sự nỗ lực, cần cù, gia đình bà Thơ đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, từng bước vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá giả tại địa phương. Các loại quả của vườn nhà bà Thơ như bưởi Diễn, nhãn Hương Chi, dứa có giống từ Suối Hai đã được cung ứng đến thị trường Hà Nội trong các kỳ hội chợ xúc tiến nông sản…
Phó Chủ tịch UBND xã Vật Lại Phùng Huy Kiên đánh giá, trang trại của gia đình bà Thơ là mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nông thôn mới. Xã Vật Lại đang tập trung cho nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng nhân rộng các điển hình giỏi trong sản xuất như trường hợp của bà Thơ nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.
Theo Danviet
Tỷ phú cá tra hiến 1.000m2 đất, góp 500 triệu làm nghĩa trang
Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Ngô Văn Đậu (tên thường gọi Tám Đậu, SN 1963, ngụ ở ấp Phú Thượng, xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) còn là người nổi tiếng trong việc làm từ thiện, giúp đỡ người dân gặp khó khăn.
Thu tiền tỷ từ cá tra
Sau rất nhiều lần hẹn, phóng viên Báo NTNN mới gặp được ông Đậu. Theo chân ông, phóng viên được tham quan khu nuôi cá tra rộng đến 12ha. Khu vực này được thiết kế bài bản với nhiều ao nuôi, khu vực thoát và trữ nước, nhà để thức ăn cho cá, cùng với đó là hàng chục lao động phụ giúp.
Mô hình nuôi cá tra cho thu tiền tỷ mỗi năm của ông Đậu. Ảnh: H.X
"Khu vực nuôi cá tra này rộng nhất ở địa phương, tôi đã mất hàng chục năm để xây dựng. Nó giúp tôi thu hoạch trên 2.000 tấn cá thương phẩm/năm, đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 18 lao động địa phương với mức lương hơn 5 triệu đồng/người/tháng, cùng với hàng trăm lao động thời vụ trong mỗi năm" - ông Đậu nói.
Ông Đậu nuôi cá tra không sợ thua lỗ vì chi phí nuôi đạt đến mức thấp nhất. Ông cho biết, ông mua thức ăn cho cá trực tiếp từ doanh nghiệp như một đại lý cấp 1 với số lượng từ 5.000 - 6.000 tấn/năm. Doanh nghiệp bán thức ăn này cũng là đơn vị thu mua cá khi thu hoạch. Những hộ dân cùng địa phương có nhu cầu mua thức ăn, ông Đậu cũng "chia lại" với số lượng từ 500 - 700 tấn/năm. Để tránh hao hụt trong quá trình nuôi và ít tốn kém chi phí, ông Đậu cũng tự mình sản xuất cá giống.
Ông Đậu nói: "Do chi phí sản xuất thấp nên nhiều năm qua, mặc dù giá cá bán ra bấp bênh, tôi vẫn duy trì được, có năm thu lợi vài tỷ đồng. Do tôi làm ăn uy tín nên doanh nghiệp rất tin tưởng, các ngân hàng cũng ưu tiên hỗ trợ vốn nếu cần".
Để có kinh tế ổn định như ngày hôm nay, ông phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Trước đây, ông xuất thân trong một gia đình nghèo, sống bằng nghề làm thuê làm mướn. Sau khi lập gia đình ở Cà Mau, vợ chồng ông trở về ấp Phú Thượng sinh sống và chịu khó tích góp từng chút để mua đất, nuôi cá. Từ 1.000m2 đất, vợ chồng ông dần mở rộng diện tích nuôi cá đến 12ha hôm nay. Ngoài nuôi cá, từ năm 2011, ông còn gom tiền mua 4ha đất ruộng trồng lúa, đến năm 2017 mua thêm 5ha nữa.
Tiền kiếm được dùng để làm từ thiện
Ông Đậu không chỉ thành công trong mô hình sản xuất nông nghiệp mà ông còn là tấm gương vì cộng đồng, hoạt động xã hội từ thiện từ hàng chục năm nay để giúp đỡ bà con những lúc khó khăn.
Năm 2009, khi kinh tế gia đình bắt đầu ổn định, ông cùng 2 người anh của mình góp tiền mua chiếc xe chuyên chở bệnh nhân miễn phí cho xã Phú Thành.
Đến năm 2017, ông tiếp tục tích lũy mua thêm chiếc xe cứu thương mới. Khi cả hai xe cứu thương đều bận, ông Tám Đậu sẵn lòng dùng xe ôtô 7 chỗ của gia đình mình để giúp chuyển người bệnh miễn phí.
"Hiện nay, ngoài thời gian nuôi cá, tôi dành thời gian để chở bà con đến bệnh viện" - ông Đậu kể. Được biết, gia đình ông Đậu cho thuê hết 9ha đất ruộng với số tiền khoảng 300 triệu đồng/năm. Toàn bộ số tiền cho thuê này, gia đình ông dành riêng cho việc thực hiện công tác từ thiện.
Mới đây, ông Đậu còn bỏ ra 890 triệu đồng để UBND xã Phú Thành xây cây cầu nông thôn (dài 44m, rộng 5m). Đây là cây cầu huyết mạch của xã, giúp người dân giao thương hàng hoá liên xã được thuận tiện. Ông còn hỗ trợ thêm kiến 60 triệu đồng để xây dựng tuyến đường nhựa nối từ vị trí cây cầu trên ra con đường lớn gần đó.
Ông Đậu cũng vừa hiến hơn 1.000m2 đất và 500 triệu đồng để nâng cấp hoàn chỉnh nghĩa trang của địa phương.
Bà Trần Thị Nguyệt - vợ ông Đậu thì cho biết: "Suốt đời chồng tôi có 3 nguyện vọng là làm việc có tiền để giúp người nghèo, mua xe chuyển bệnh nhân miễn phí và làm nghĩa trang cho người nghèo, để khi nằm xuống những người nghèo có chỗ yên nghỉ".
Với những đóng góp cho cộng đồng, ông Ngô Văn Đậu đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và nhiều bằng khen của tỉnh An Giang về thành tích sản xuất - kinh doanh giỏi, học tập và làm theo gương Bác Hồ.
Theo Danviet
Đồng bào các DTTS đoàn kết, chung tay xây dựng Thủ đô giàu đẹp Theo định hướng phát triển của TP Hà Nội, đến năm 2025, vùng DTTS và miền núi của Thủ đô sẽ có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt, thậm chí về đích trước thời hạn bởi sự chung sức, đồng lòng của đồng bào các DTTS và sự nỗ lực, quyết tâm của...