Miếng đánh vờn trước khi vào trận
“Thỏa thuận Geneva” về việc giải quyết khủng hoảng Ukraine đạt được hôm 17/4 làm cả thế giới bất ngờ và được miêu tả như một bước đi lịch sử nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng ở Ukraine. Tuy nhiên, việc thực hiện không dễ dàng, phụ thuộc rất nhiều vào việc Moscow có thuyết phục được lực lượng ủng hộ Nga ở Ukraine hay không.
Sau khi khủng hoảng Ukraine bùng nổ, lần đầu tiên hai phe ở thế đối chọi gay gắt là Nga và phương Tây ngồi vào bàn đàm phán tại Geneva vào hôm 17/4. Sau 7 giờ đấu tranh căng thẳng, 4 bên tham gia đàm phán gồm Nga, Mỹ, liên minh châu Âu (EU) và Ukraine đã đạt được thỏa thuận giải giáp vũ trang các tổ chức phi pháp, triệt thoái các phần từ phi pháp chiếm giữ trụ sở chính quyền, đặc xá cho những người chiếm giữ chủ động giao nộp vũ khí và rút khỏi trụ sở chính quyền, sửa đổi Hiến pháp… (dưới đây gọi tắt là “Thỏa thuận Geneva”).
Người biểu tình miền đông-nam Ukraine ủng hộ liên bang hóa hóa vẫn chưa cho thấy dấu hiệu lùi bước. Ảnh: AFP/TTXVN
Hi vọng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine kéo dài nhiều tháng qua lóe lên, nhưng ngay sau đó đã trở nên mờ mịt bởi các phần tử vũ trang chiếm giữ trụ sở chính quyền ở hơn 10 thị trấn thuộc miền Đông Ukraine từ chối rút đi. Người phát ngôn tự phong của cái gọi là “Nước Cộng hòa Donetsk” chỉ trích những người nắm quyền ở Kiev hiện nay đã giành lấy chính quyền bằng chính biến, đó là hành động phi pháp, cho nên, họ chỉ rút đi sau khi chính phủ lâm thời ở Kiev bị giải tán.
Nếu các phần tử vũ trang Donetsk không tự động rút khỏi những nơi đang chiếm giữ, chính phủ lâm thời ở Kiev cũng không biết phải làm sao. Bởi trước đó khi họ trống giong cờ mở thực hiện “chiến dịch chống khủng bố toàn diện chưa từng có”, nhưng gì diễn ra tiếp theo đã trở thành trò cười, lực lượng chính quy cả đi trấn áp “phần tử khủng bố” rốt cuộc lại để hàng loạt xe bọc thép rơi vào tay kẻ địch. Rõ ràng, đến trang bị vũ khí của mình còn không bảo vệ được thì đâu có thể nói tới việc hoàn thành nhiệm vụ. Vì chuyện này, chính phủ lâm thời ở Kiev được một phen hú hồn, tin rằng sau này không dám khinh suất trong việc xuất quân trấn áp nữa và sẽ phải đặt hi vọng vào việc “phần tử khủng bố” ở Donetsk nghe theo &’lời khuyên” của Nga.
Tuy nhiên, người biểu tình ở Donetsk mà Kiev gọi là “phần tử khủng bố” đã tuyên bố rằng họ chỉ rút khỏi các trụ sở chính quyền và hạ vũ khí khi Kiev phóng thích tất cả tù nhân chính trị và thực hiện các bước để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về hệ thống chính trị của Ukraine. Việc này có thể trở thành cái cớ để Mỹ trách cứ Nga không thuyết phục được phái ủng hộ Nga ở miền Đông Ukraine. Nhưng Moskva hoàn toàn có thể mỉm cười và trả lời rằng ở những nơi bị chiếm giữ phi pháp hoàn toàn không phải chỉ có mình phần tử vũ trang Đông Ukraine, các phần tử cánh hữu, thân phương Tây lật đổ Tổng thống lưu vong Viktor Yanukovych cũng làm điều tương tự ở Kiev. Những điều khoản trong “Thỏa thuận Geneva” có phạm vi bao phủ toàn Ukraine chứ không phải chỉ bó hẹp ở khu vực miền Đông Ukraine.
Nói tóm lại, “Thỏa thuận Geneva” đạt được, nhưng việc thực thi nó còn là một câu hỏi. Chính Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tỏ ý hoài nghi về tương lai của “Thỏa thuận Geneva” khi nói rằng “Chúng tôi sẽ không tính đến thỏa thuận, nếu chưa nhìn thấy nó được thực thi”. Washington cũng đe dọa sẽ tăng mức trừng phạt với Moscow nếu khủng hoảng tại Ukraine tiếp diễn. Nhưng nếu “cây gậy” vẫn treo lơ lửng, cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ khó lòng chấm dứt bởi nếu tình hình loạn lạc ở Ukraine tiếp tục, Nga càng có thêm thời gian và không gian để xoay xở.
Khi “Thỏa thuận Geneva” biến thành mớ giấy lộn, người ta sẽ phải tính tới việc đàm phán cho ra đời một thỏa thuận mới và có thể phương Tây sẽ rơi vào thế trận “đánh lấn” mà Nga bày ra. Vì thế, “Thỏa thuận Geneva” có thể chỉ là “miếng đánh vờn” trước khi các “đô vật” vào trận.
Video đang HOT
Theo Huyền Linh
Baotintuc.vn
Nga rắn giọng cảnh báo Kiev
Nga hôm nay (8/4) đã lên tiếng cảnh báo Kiev rằng, bất kỳ hành động sử dụng vũ lực nào ở phía đông Ukraine đều có thể đẩy quốc gia Đông Âu này vào một cuộc nội chiến. Khu vực phía đông Ukraine đang chứng kiến làn sóng biểu tình rầm rộ chống chính quyền lâm thời ở Kiev và nhiều người đã xông vào chiếm giữ các trụ sở chính quyền.
Ảnh minh họa
"Chúng tôi kêu gọi ngừng ngay lập tức bất kỳ hành động chuẩn bị quân sự nào bởi điều đó chứa đựng nguy cơ bùng phát một cuộc nội chiến", Bộ Ngoại gia Nga cho biết trong một tuyên bố.
Lời cảnh báo trên được đưa ra sau khi các nhà hoạt động ủng hộ Nga chiếm đóng trụ sở chính quyền ở một loạt thành phố phía đông Ukraine như Kharkiv, Lugansk và Donetsk . Các khu vực này đã tuyên bố độc lập và thề sẽ bỏ phiếu sáp nhập vào Nga.
Lời cảnh báo của Moscow cũng được đưa ra sau khi Tổng thống tạm quyền Ukraine vừa tuyên bố, ông này sẽ đối xử với những người đòi ly khai và đang chiếm đóng trụ sở chính quyền như những "phần tử khủng bố" và sẽ truy tố họ bằng sức mạnh cao nhất của luật pháp.
"Chính quyền sẽ đối xử với những phần tử ly khai và khủng bố cầm vũ khí tự động và chiếm trụ sở chính quyền theo hiến pháp và pháp luật. Họ sẽ bị coi như tội phạm và những kẻ khủng bố", quyền Tổng thống Ukraine Oleksandr Turchynov đã nói như vậy tại cuộc họp Quốc hội.
Kiev cáo buộc Nga đã gây ra tình trạng bất ổn ở khu vực phía đông nước này trong khi Washington cảnh báo điện Kremlin ngừng ngay những nỗ lực "gây bất ổn ở Ukraine ". Đây là những cáo buộc mà Moscow nhanh chóng bác bỏ.
Bộ Ngoại giao Nga hôm nay cho biết, họ nhận được thông tin về việc Ukraine đang cử lực lượng an ninh nội địa và những người tình nguyện từ Lực lượng Bảo vệ Quốc gia trong đó có cả những chiến binh đến từ nhóm Cánh Hữu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đến phía đông nam Ukraine, bao gồm cả Donetsk.
Moscow cũng cáo buộc Ukraine đang triển khai các điệp viên an ninh tư nhân của Mỹ trong quân phục của lực lượng đặc nhiệm Ukraine . Theo Bộ Ngoại giao Nga, đó là những tên lính đánh thuê đến từ công ty an ninh Greystone Ltd.
Theo Bộ Ngoại giao Nga , Ukraine đã giao cho các lực lượng trên nhiệm vụ "dùng vũ lực đàn áp người dân ở khu vực phía đông nam đất nước - những người đang chống lại các chính sách của chính quyền lâm thời ở Kiev hiện nay".
"Những người tổ chức và tham gia vào hành động khiêu khích đó sẽ phải chịu trách nhiệm to lớn về việc đã gây ra một mối đe dọa đối với nền tự do, các quyền và cuộc sống của công dân Ukraine cũng như đối với sự ổn định của đất nước Ukraine", Moscow cảnh báo.
Bộ Ngoại giao Nga cũng đưa ra một tuyên bố trên website của cơ quan này vào chiều muộn ngày hôm qua (7/4) sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Andriy Deshchytsya. Theo đó, tuyên bố này cho biết, ông Lavrov đã nhấn mạnh "sự cần thiết phải có thái độ tôn trọng đối với nguyện vọng của người dân ở đông nam Ukraine ".
Ông Lavrov cảnh báo, Kiev không được để "xảy ra hành động dùng vũ lực để phản ứng với những đòi hỏi hợp pháp của người dân về quyền ngôn ngữ, văn hóa và kinh tế-xã hội". Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cũng kêu gọi Kiev áp dụng "các biện pháp khẩn cấp" để tổ chức một cuộc đối thoại dân tộc, nói rằng Nga sẵn sàng "ủng hộ tiến trình này cùng với Liên minh Châu Âu và Mỹ".
Kiev phát động chiến dịch ở Kharkiv
Chính quyền lâm thời mới ở Kiev hôm nay (8/4) đã phát động chiến dịch lớn ở khu vực Kharkiv - nơi hàng ngàn người hôm qua đã đổ ra đường biểu tình và chiếm đóng trụ sở chính quyền. Theo Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền của Ukraine - ông Arsen Avakov cho biết, trung tâm thành phố Kharkiv hiện đã bị họ phong tỏa.
"Chiến dịch chống khủng bố ở Kharkiv đã bắt đầu, trung tâm thành phố đã bị phong tỏa. Các khu vực sân ga cũng bị phong tỏa. Không có gì phải lo ngại. Tòa nhà Chính quyền Khu vực Kharkiv cũng đã sạch bóng người biểu tình. Chúng tôi không cần dùng đến vũ khí trong chiến dịch của mình", ông Avakov cho biết trên trang Facebook.
Bộ trưởng Nội vụ lâm thời Ukraine cho hay, 70 người đã bị bắt giữ.
Những người biểu tình ủng hộ Nga đã tràn ra khắp các đường phố ở khu vực phía đông và đông nam Ukraine kể từ sau khi phe đối lập tiến vào thủ đô, lật đổ chính quyền của Tổng thống Yanukovych và lên cầm quyền.
Quyền Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deschytsia hôm qua tuyên bố, nếu tình hình ở các khu vực trên tiếp tục leo thang, chính phủ lâm thời mới ở Kiev sẽ áp dụng những "biện pháp mạnh tay hơn" ở Crimea .
Giới chức lâm thời ở Kiev thề sẽ áp dụng các biện pháp chống ly khai ở khu vực phía đông và phía nam Ukraine - nơi cộng đồng người nói tiếng Nga chiếm đa số.
Trong khi Ukraine đổ lỗi cho Moscow về tình trạng hỗn loạn ở khu vực phía đông nước này thì Nga thẳng thừng chỉ ra rằng chính những thành phần theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Ukraine với những phát biểu hung hăng phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng ở nước này và đó cũng là nguyên nhân khiến Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng trước.
Moscow tin rằng, việc thiết lập một chính phủ liên bang ở Ukraine là cách duy nhất để quốc gia Đông Âu có thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng hiện nay. Ukraine hiện tại đã bị chia rẽ sâu sắc giữa khu vực phía tây nói tiếng Ukraine thân Liên minh Châu Âu với khu vực phía đông và nam nói tiếng Nga.
Vân Linh
Theo_VnMedia
Máy bay Malaysia có thể bị tấn công khủng bố kiểu 11/9 Bằng chứng về một âm mưu của các phần tử Hồi giáo cực đoan Malaysia nhằm cướp máy bay chở khách trong một vụ tấn công kiểu 11/9 đang được điều tra liên quan tới vụ mất tích của chuyến bay MH370, tờ Telegraph của Anh đưa tin. Phần tử khủng bố Saajid Badat. Một kẻ chỉ điểm của mạng lưới khủng bố...