Miền Trung: Ngập tràn hàng rởm
Những ngày cận Tết Nhâm Thìn, hàng hóa ùn ùn đổ về nông thôn ở miền Trung, trong đó không hiếm là hàng giả, hàng kém chất lượng. Do tâm lý ham rẻ, rất nhiều khách hàng ở miền quê đã bị kẻ bán hàng kém chất lượng lừa.
Hàng “3 không”
Sáng 12.1, theo khảo sát của NTNN, tại hầu hết các chợ trung tâm huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) đều tràn ngập các loại bánh kẹo không nhãn mác, không xuất xứ, hạn sử dụng (3 không).
Dọc các tyến đường chính vào trung tâm huyện, đâu đâu cũng thấy các sạp hàng bày vỉa hè bán kính đeo mắt thời trang “đại hạ giá” chỉ từ 10.000 – 50.000 đồng/cái. Mũ bảo hiểm thời trang đủ màu sắc, kiểu dáng cũng tràn ngập các trung tâm mua bán với giá chỉ 35.000 – 40.000 đồng/cái. Quần áo kém chất lượng bán ngập chợ với giá 20.000 – 70.000 đồng mỗi món. Tất cả các loại hàng này đều không có nhãn mác xuất xứ hàng hóa.
Hàng trăm thùng omo giả bị cơ quan Công an Quảng Nam bắt giữ.
Tại chợ huyện miền núi Khánh Vĩnh, vợ chồng anh Cao Thắng, chị Cao Thị Mỹ Lệ và con trai vượt mấy chục cây số từ xã Khánh Phú về chợ huyện mua sắm tết. Đắn đo lựa chọn mãi, chị Lệ chọn mua 1 bịch nửa kg kẹo với giá 20.000 đồng, một bịch nửa kg bánh giá 35.000 đồng, một bịch bánh gai Trung Quốc giá 40.000 đồng và nửa kg hạt dưa giá 37.000 đồng… Tất cả những loại bánh kẹo, mứt đều “3 không”. Chị Lệ than thở: Giá cả năm nay cao hơn nhiều so với mọi năm. Cũng muốn mua hàng xịn về cho con nó ăn mấy ngày Tết nhưng đắt quá, đành chịu thôi, với mấy bánh mứt và 2kg nếp mà đã hết 300 nghìn rồi.
Tại chợ huyện Diên Khánh, ông Nguyễn Văn Thắng (Diên Điền, Diên Khánh) đang chọn chiếc cặp lồng inox giá chỉ bằng 2/3 so với giá ở siêu thị được bày bán dưới sàn chợ. Săm soi kỹ càng một lúc lâu, ông Thắng quyết định không mua dù giá khá “mềm” vì “sắt xi thì có chứ inox gì”…
Một cán bộ Đội QLTT Diên Khánh bộc bạch: Thực tế, hàng hóa kém chất lượng năm nào đến dịp Tết cũng tràn chợ, nhưng vì nhiều lý do không thể kiểm soát nổi. Người nhà quê thu nhập thấp, họ đành chấp nhận mua hàng kém chất lượng về dùng. Có cung, tất có cầu, làm sao dẹp hết được?
“Mùa” làm ăn
Tại Quảng Nam, ông Đặng Xuân Thanh – Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Quảng Nam – cho biết: Lực lượng quản lý thị trường rất vất vả dịp cận Tết này. Đây là “mùa” làm ăn của giới buôn bán không nghiêm túc, lợi dụng người nông thôn cần mua sắm để phục vụ tết lại có tâm lý ham rẻ vì đồng tiền eo hẹp để mà bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Video đang HOT
Theo ông Thanh, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam đã thành lập 13 đoàn, tiến hành kiểm tra ráo riết về chất lượng hàng hóa trước Tết. Tình trạng vi phạm phổ biến mà các đoàn phát hiện là kinh doanh hàng không có nhãn mác, hàng hết hạn sử dụng, hàng không đúng trọng lượng, hàng kém chất lượng…
Theo ông Đặng Xuân Thanh, do lực lượng mỏng nên khó kiểm soát được chất lượng hàng hóa tết đang tràn ngập từ chợ tỉnh đến chợ quê, từ kinh doanh cố định đến kinh doanh lưu động.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng khác cũng xử lý không xuể các vụ vi phạm hàng hóa khác đang diễn ra phức tạp những ngày cận Tết. Gần đây nhất, công an Quảng Nam đã bắt khẩn cấp Phạm Huy Tuyên (SN 1979, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) – Giám đốc DNTN Bảo Yên (ở TP.Tam Kỳ) về hành vi buôn bán hàng giả. Hai đối tượng này đã phối hợp để buôn bán các loại hàng giả với khối lượng lớn, giá rẻ cho người tiêu dùng, như bột giặt nhãn hiệu Omo, nước mắm Nam Ngư Đệ Nhị, thuốc lá đầu lọc hiệu White Horse…
Không chỉ có người Việt mà người nước ngoài cũng làm các lực lượng phải vất vả kiểm tra xử lý. Hiện Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Jin Hong Hui (SN 1969, trú ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) về hành vi kinh doanh hàng kém chất lượng. Đối tượng này đã đưa chén bát, soong nồi, bút bi, bàn chải đánh răng… kém chất lượng từ Trung Quốc qua các huyện miền núi Quảng Nam kinh doanh. Vụ việc bị phát hiện tại huyện miền núi Đông Giang.
Theo Dân Việt
Cuối năm, hàng dỏm tung hoành
Một cơ sở sản xuất bột cà ri nhái bị cơ quan chức năng tại TP.HCM phát hiện
Cuối năm, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng như thực phẩm khô, gia vị thực phẩm, hàng thời trang, vật liệu xây dựng, hóa mỹ phẩm... tăng vọt. Đây cũng là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc tung ra dồn dập...
Các nhà sản xuất hàng chính hãng trong nước đang đối mặt với hàng ngoại nhập ở hai cuộc chiến: cuộc chiến với hàng nhập khẩu chính ngạch (cùng chủng loại) và cuộc chiến với hàng dỏm, hàng giả nhập lậu. Doanh thu của một số doanh nghiệp trong nước đã bị sụt giảm nặng nề.
Chào bán giá rẻ
"Nước mắm NN thật được các nhân viên tiếp thị và phân phối chào bán giá sỉ 16.000 đồng/chai 750ml. Cũng kiểu dáng chai y chang, nhãn hiệu, địa chỉ công ty, các thông số về thành phần, chỉ tiêu chất lượng giống hệt trên nhãn của sản phẩm "xịn", nhưng do một nhóm tiếp thị khác vừa đến chào giá bán sỉ chỉ 11.000 đồng/chai" - chị Nguyễn Nga, chủ một tiệm tạp hóa ở khu phố 16, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM, cho biết.
Theo chị Nga, người chào hàng khẳng định không phải hàng thật nhưng họ dụ các tiệm tạp hóa bằng giá bán loại nước mắm này rẻ hơn hàng thật tới hơn 30% và còn đang có chiến dịch mua một thùng tặng một thùng!
Vỏ ngoại, ruột nội Những năm gần đây, bánh kẹo ngoại (chủ yếu là bánh hộp thiếc) dần mất ưu thế trên thị trường bởi giá cao. Tuy nhiên, tâm lý chuộng bánh ngoại dùng để biếu tặng cho sang vẫn tạo điều kiện cho những loại bánh hộp ngoại chất lượng phập phù có đất sống. Tình trạng làm giả nhiều nhất là vỏ ngoại, ruột nội với hộp thiếc đẹp, giá không rẻ nhưng lập lờ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng bánh kém. Tại khu vực chợ Bình Tây, chợ sỉ đường Lê Quang Sung (Q.6), từ đầu tháng 12 các mặt hàng bánh kẹo đã được trưng bày đầy ắp cửa hàng. Khi hỏi mua bánh hộp, người bán thường giới thiệu các loại bánh trong nước nhưng nếu thấy khách có nhu cầu lấy hàng nhiều, người bán lập tức tư vấn sang "nhập hàng ngoại, bán dễ lời hơn". Đa số bánh ngoại loại hộp thiếc trọng lượng 500-700gr được bày bán ở những khu vực này là hàng ghi xuất xứ Malaysia, Thái Lan. Tuy nhiên, không ít trong số đó là hộp bánh thương hiệu ngoại nhưng bên trong là bánh được nhập xá, đóng gói tại VN. Chưa kể để tăng lợi nhuận, người bán còn trộn cả hàng cơ sở trong nước vào do tem dán trên bao bì một số loại bánh ngoại chỉ là loại keo nilông, mở ra dán lại khá dễ dàng. Bánh ngoại được nhập dạng xá trong các thùng nhựa loại 20 lít, sau đó được chiết sang từng gói nhỏ và đóng hộp. Với công đoạn đóng và mở này, nếu không đảm bảo vệ sinh, bánh dễ bị xuống chất lượng và nhiễm khuẩn. Theo Cục Quản lý thị trường, hiện số vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã đạt đến con số 3.000-5.000 vụ/năm. Với kỹ thuật làm giả, nhái tinh vi, hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều và công khai bày bán tại các chợ, cửa hàng, thậm chí ở cả những trung tâm thương mại sang trọng. Tiêu dùng hàng gian, hàng giả là sự lãng phí ghê gớm tiền của và ảnh hưởng sức cạnh tranh của doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Cũng ở mặt hàng gia vị thực phẩm, Đội phòng ngừa đấu tranh và sở hữu trí tuệ thuộc Công an TP.HCM vừa tạm giữ 1.500 gói bột cà ri 20g, 2.700m2 bao bì đã in sẵn và năm ống đồng (khuôn mẫu in bao bì) của cơ sở sản xuất gia vị thực phẩm Thành Phát (khu phố 16, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân).
Cơ sở Thành Phát đã bị bắt quả tang đang sản xuất, buôn bán và in bao bì vi phạm nhãn hiệu, nhái sản phẩm bột cà ri của Công ty liên doanh sản xuất gia vị thực phẩm Việt Ấn (Vianco). Theo Vianco, tại TP.HCM đang có cả chục cơ sở sản xuất các loại sản phẩm gia vị thực phẩm nhái, giả sản phẩm của Vianco.
Đội phòng ngừa đấu tranh và sở hữu trí tuệ - Công an TP.HCM bắt quả tang công nhân cơ sở Thành Phát sản xuất bột cà ri nhái sản phẩm của Công ty liên doanh sản xuất gia vị thực phẩm Việt Ấn
Các cơ sở làm giả "đánh" hàng ồ ạt ra chợ Bình Tây, chiếm lĩnh khâu bán sỉ. Do đó hàng giả theo tiểu thương buôn hàng từ chợ Bình Tây đi khắp TP.HCM tiêu thụ, thậm chí công ty còn phát hiện hàng giả ở Bến Tre, An Giang...
Tại các tiệm tạp hóa ở những quận vùng ven như Tân Phú, Bình Tân... cũng xuất hiện các loại hóa mỹ phẩm giả. Một số tiệm tạp hóa khẳng định nước xả quần áo của thương hiệu C không rõ nguồn gốc đang được chào hàng với giá giao tận nơi khoảng 1.000 đồng/bịch, trong khi giá sỉ của hàng chính hãng là 1.350 đồng/bịch.
Vật liệu xây dựng cũng bị "dính" khi nhu cầu sửa, trang trí lại nhà cửa của người dân tăng vọt, khiến không ít nhà "sản xuất" giả mạo lao vào kiếm lời. Đội Quản lý thị trường Tân Phú vừa phạt gần 48 triệu đồng và tịch thu 168 bao (40kg/bao) bột trét tường cao cấp dùng cho sơn nước hiệu AB Duluxusa (giả mạo nhãn hiệu Dulux đã được đăng ký bảo hộ), 802 bao bì nhãn hiệu AB Duluxusa. Đơn vị vi phạm là chi nhánh Công ty TNHH thương mại sản xuất Tân An Bình (địa chỉ tại D12 Lê Thúc Hoạch, P.Tân Quý, Q.Tân Phú).
Ngoài ra, tại trụ sở công ty này ở P.Bình Hưng Hòa, Q,Bình Tân, lực lượng quản lý thị trường còn bắt giữ tới 996 bao bột trét tường giả mạo nhãn hiệu Dulux và Joton.
Phập phù nguồn gốc
Một thực tế tiếp tục tồn tại ở các chợ Bình Tây (Q.6), An Đông (Q.5), Bến Thành (Q.1)... là thực phẩm dỏm, nhái và không rõ nguồn gốc vẫn bày bán tràn lan. Mặt hàng phổ biến là bột ngọt, đường, thực phẩm khô và nhiều loại hạt, bánh kẹo tiêu thụ dịp tết. Năm ngoái, khi rộ lên thông tin hạt dưa có chứa hóa chất độc hại, nhiều điểm bán hạt dưa, hạt hướng dương, hạt bí đã được đóng gói với nhãn mác đầy đủ.
Nhưng năm nay thì ngược lại hoàn toàn. Tại chợ Bình Tây, các mặt hàng này được chứa trong những bao lớn, không có bất cứ thông tin nào về xuất xứ, nơi sản xuất. Chỉ khi người mua hỏi, các tiểu thương cho biết hàng nhập về từ Trung Quốc. Tại chợ Bến Thành, thậm chí người bán hàng còn không biết hàng xuất xứ từ đâu, dù giá các loại hạt này thấp nhất cũng phải 120.000 đồng/kg.
Tương tự, bột ngọt Trung Quốc cũng đang được bày bán với số lượng lớn do rẻ hơn 20% so với hàng có nguồn gốc xuất xứ đầy đủ. Chị Thúy Đào, tiểu thương chợ Bình Tây, cho biết thông thường mỗi ngày sạp chỉ bán khoảng hai bao (50kg/bao), nhưng đón sức mua dịp tết tăng, nguồn hàng chuẩn bị có thể đáp ứng 4-5 bao/ngày.
Theo quan sát, chỉ khi hàng còn đóng trong bao, người tiêu dùng mới có thể nhận biết xuất xứ qua vài chữ Trung Quốc viết trên bao. Nhưng khi hàng xẻ ra bán lẻ, loại hàng hóa này không hề có bất cứ thông tin nào về xuất xứ, chất lượng... cho người sử dụng.
Tình trạng thông tin nhãn mác phập phù còn phổ biến ở các loại hàng nông sản ngoại nhập. Đội quản lý thị trường 4A đã kiểm tra ba sạp tại chợ đầu mối nông sản Tam Bình (Q.Thủ Đức) và niêm phong 2.700 thùng cà rốt (10kg/thùng) do Trung Quốc sản xuất không có nhãn tiếng Việt, không hóa đơn chứng từ.
Kiểm tra ba sạp trái cây ở chợ Tam Bình, lực lượng quản lý thị trường cũng niêm phong giao chủ hàng bảo quản 212 thùng táo xuất xứ Trung Quốc nhập lậu và 1.212 thùng táo Trung Quốc không có nhãn tiếng Việt.
Tại trung tâm thương mại Saigon Square, chợ Bến Thành và một số điểm bán thời trang trên phố, nhiều mặt hàng quần áo, túi xách,...cũng không ghi xuất xứ. Trong số đó nhiều mặt hàng là hàng giả mạo thương hiệu. Tuần trước, chỉ riêng nhóm hàng thời trang, đội quản lý thị trường 3A đã phát hiện trên 10 vụ hàng giả, không thông tin xuất xứ. Qua kiểm tra cho thấy đa số là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Doanh nghiệp khốn đốn
Ông Châu Thịnh Lân, tổng giám đốc Vianco, cho biết không chỉ sản phẩm bột cà ri mà cả bột ngũ vị hương, bột vani... của công ty đều bị làm giả. Do đã thâu tóm được đầu mối phân phối, trung chuyển hàng tại chợ Bình Tây nên các cơ sở làm giả, nhái sản phẩm của công ty đang đẩy mạnh đưa hàng ra thị trường khiến doanh số của hầu hết sản phẩm của Vianco giảm trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chúng tôi phải liên tục thay đổi bao bì nhưng các cơ sở làm giả cũng nhanh chóng thay theo. "Nhà sản xuất chân chính phải bỏ ra nhiều tỉ đồng để quảng bá, làm thương hiệu nhưng người hưởng thành quả lại là những đối tượng làm giả với giá rẻ hơn. Doanh nghiệp không thể tự xoay xở được" - ông Lân bức xúc. Theo ông Lân, hiện công ty đang làm loại bao bì có in tem chống hàng giả trực tiếp lên bao bì với hi vọng các cơ sở nhỏ lẻ khó có thể nhái được mẫu mới này.
Theo ông Hoàng Nhâm Nam - phó trưởng phòng kế hoạch thị trường Công ty cổ phần đường Biên Hòa, khi phát hiện sản phẩm đường tinh luyện Biên Hòa bị làm giả trên thị trường, ngay lập tức công ty đã phối hợp cùng cơ quan chức năng làm rõ vụ việc. "Hàng giả đã sử dụng đường nhập khẩu từ Thái Lan (không có thương hiệu), sau đó sang chiết đóng gói thành loại 0,5kg và 1kg, sử dụng thương hiệu của đường Biên Hòa để bán ra ngoài thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp" - ông Nam nói.
Hà Nội: hàng không rõ nguồn gốc vẫn tràn ngập Dạo quanh các phố Hàng Buồm, Nguyễn Siêu, Hàng Giấy... hay một số địa điểm kinh doanh bán lẻ dễ nhận thấy hàng hóa ở đây chủ yếu là hàng không rõ nguồn gốc. Phần lớn những mặt hàng bánh kẹo là của Trung Quốc, ngoài vỏ bao là tiếng Trung nhưng không ghi rõ nơi xuất xứ bằng tiếng Việt. Một vài sản phẩm như hạt bí, hạt hướng dương, hạt dẻ cười hay các loại ô mai... ghi địa chỉ nơi xuất xứ nhưng không cụ thể, hàng của Trung Quốc chỉ ghi tên sản phẩm. Chủ một kiôt chuyên buôn bán ô mai, mứt các loại đặc sản ở chợ Đồng Xuân cho biết phần lớn mặt hàng ở đây được nhập chủ yếu từ Trung Quốc nên không ghi nhãn mác, nếu có cũng chỉ do các chủ cửa hàng tự ghi và thường không ghi cụ thể. Hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán phổ biến tại các chợ ở Hà Nội
Theo Tuổi trẻ