Miền Trung khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, tiếp tục ứng phó với áp thấp nhiệt đới
Nhiều tỉnh miền Trung đang khẩn trương khắc phục hậu quả sau mưa lũ những ngày qua, đồng thời triển khai các biện pháp phòng, chống áp thấp có khả năng mạnh lên thành bão đang hướng vào vùng biển từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận.
Đất “no” nước gây nguy cơ cao
Cột mốc trên tuyến đường ven biển Hà Tĩnh (ĐT 547), đoạn qua xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên bị đất đá bồi lấp. Ảnh: Phan Quân/TTXVN
Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng, hiện nay, qua nhiều đợt mưa lớn, nước ngấm vào đất gây bão hòa, tình trạng sạt lở đất xảy ra là hết sức nguy hiểm nhất là đối với các khu vực miền núi. Mặt khác, tới thời điểm này, các hồ chứa đã cơ bản đầy nước. Vì vậy, các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương, chủ hồ chứa kiểm tra, rà soát, vận hành hồ chứa, phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, các đơn vị liên quan và các địa phương cần dừng hết tất cả các công trình đang thi công. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương theo dõi sát, chỉ đạo việc vận hành hồ chứa thủy điện kịp thời, đúng quy định.
Để chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới, bảo đảm an toàn tính mạng của người dân và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1426 /CĐ-TTg ngày 25/10 yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên khẩn trương rà soát, triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão; các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên – Huế tập trung khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ…
Theo thông báo mới gần nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 19 giờ ngày 25/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách Khánh Hòa khoảng 360 km, cách Ninh Thuận khoảng 340 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 – 50 km/giờ), giật cấp 8. Dự báo đến áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào vùng biển các tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 6-7 (40 – 60 km/giờ), giật cấp 9.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông đang đi xuống Trung Bộ, từ ngày 26 đến hết ngày 27/10, khu vực từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to. Dự báo lượng mưa: Từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bắc Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ ở mức 100 – 200mm, có nơi trên 200mm; từ Bình Định đến Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên ở mức 150 – 250mm, có nơi trên 300mm.
Chủ động thực hiện phương án ứng phó
Video đang HOT
Ngư dân thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) gia cố lại tàu thuyền để ứng phó với mưa lớn, gió mạnh. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN
Chiều 25/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục các sự cố sạt lở, sập cầu gây ách tắc giao thông trong những ngày qua; cơ quan chức năng hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để triển khai biện pháp phòng, chống mưa, lũ do áp thấp nhiệt đới gây ra; chuẩn bị đầy đủ phương tiện để kịp thời sơ tán người dân ở những khu vực có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét; kêu gọi tàu thuyền về tránh trú an toàn, không để phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế yêu cầu các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử lý khi có tình huống xảy ra; thường xuyên, liên tục thông báo các phương tiện đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; chủ động sơ tán người dân trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển; bảo vệ các tuyến kè biển đang thi công như kè Đà Diễn, Đà Nông, Xóm Rớ an toàn trước nguy cơ bị sóng biển tàn phá.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh lưu ý các địa phương sẵn sàng phương án “4 tại chỗ”, chuẩn bị phương án sơ tán dân gắn với đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời, theo dõi chặt diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão lũ cắt cử lực lượng chốt chặn các tràn, đập nước, có phương án di dời người và tài sản đến nơi an toàn, hạn chế thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
Đến chiều 25/10, tỉnh Phú Yên còn 239 tàu cá với 1.286 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó có 5 tàu cá nằm trong vùng nguy hiểm ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Các tàu cá đã được thông báo hướng di chuyển của áp thấp, bão; đang di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm vào nơi tránh trú an toàn.
Trước dự báo áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và đang hướng vào khu vực Nam Trung Bộ, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo đơn vị, địa phương trên địa bàn tiếp tục kêu gọi tàu, thuyền, kể cả các tàu du lịch, còn hoạt động trên biển khẩn trương trở vào bờ hoặc tìm chỗ tránh, trú bão an toàn; thông báo cho ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè, các tàu du lịch, các phương tiện đi lại trên biển biết thời gian phải ngưng các hoạt động đánh bắt, vận chuyển, lưu thông trên biển kể từ 18 giờ ngày 25/10 cho đến khi kết thúc bão; ngưng hoạt động cáp treo Vinperland qua vịnh biển Nha Trang kể từ 10 giờ ngày 26/10 cho đến khi tình hình thời tiết trở lại bình thường.
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương thực hiện sơ tán người dân trên các lồng bè đến nơi an toàn, công tác sơ tán dân trên biển hoàn thành trước 6 giờ ngày 26/10/2021; sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, khu vực nguy cơ lũ ống, lũ quét, trước 10 giờ ngày 26/10. Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đã lên phương án chuyển sang học trực tuyến cho học sinh trong hai ngày 26 và 27/10.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, đến sáng 25/10, vẫn còn trên 330 phương tiện với gần 1.980 ngư dân đang hoạt động trên biển, trong đó có 81 phương tiện với hơn 630 ngư dân hành nghề trên khu vực quần đảo Trường Sa. Các phương tiện đã nhận được thông tin về áp thấp nhiệt đới và chủ động phương án phòng tránh.
Từ 20 giờ ngày 25/10, tỉnh Ninh Thuận nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân. Hiện các đơn vị chức năng đang khẩn trương thông báo cho các chủ tàu, thuyền trưởng của 442 tàu thuyền đang hoạt động trên biển khẩn trương đưa phương tiện vào các cảng cá tránh trú; đồng thời, thông báo vị trí, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để các chủ tàu chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại khu vực miền Trung
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, đến 18 giờ ngày 24/10, mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại tại khu vực miền Trung.
Mưa gây ngập cục bộ ở một số điểm trên Quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi, ngày 24/10/2021. Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN
Cụ thể, khoảng 4 giờ ngày 24/10, 3 ngư dân chèo thúng bơi ra tàu cá QN90755 đang neo ven sông Trà Bồng, thuộc cửa biển Sa Cần, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) thì thúng bị chìm, địa phương đang tổ chức tìm kiếm. Ngày 23/10, anh Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 1980, trú tại xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) bị lũ cuốn trôi, đã tìm thấy thi thể.
Tại tỉnh Quảng Ngãi có 32 xã thuộc 5 huyện, thị trấn và thành phố Quảng Ngãi bị ngập lụt, mức ngập bình quân từ 0,2-1m, cục bộ có nơi ngập 1,5m (thị trấn Châu Ổ). Quốc lộ 24C bị ngập cục bộ đoạn qua xã Bình Chương (huyện Bình Sơn), chưa đi lại được.
Đường sắt Bắc Nam đoạn qua thôn Trị Bình, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị sạt 15m. Dự kiến đến 20 giờ ngày 24/10 sẽ xử lý xong.
Tỉnh Quảng Nam có 25 xã, phường, thuộc 5 huyện, thị trấn bị ngập lụt, mức ngập bình quân từ 0,1-0,8m, cục bộ có nơi ngập 1,2-2m (xã Tam Thành, huyện Phú Ninh). Đường Quốc lộ 1A đoạn qua xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, Quảng Nam ngập sâu 60cm, dài 3km. Quốc lộ 14 E bị ngập sâu 0,5m đoạn qua thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình.
Quốc lộ 14H ngập sâu 0,4m đoạn qua xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên và đoạn qua xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn bị ngập 1,2m gây ách tắc giao thông. Có 7 điểm ngập sâu từ 0,3-0,5m trên các tuyến đường tỉnh lộ ĐT612, ĐT613B, ĐT615, ĐT617.
Tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông, ngày 24/10/2021. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN
Sáng 24/10, tại làng Tắc Pỏ, thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã xảy ra sạt lở vào khu vực nhà bếp của 3 hộ dân, rất may là không gây thiệt hại về người. UBND huyện Nam Trà My đã tổ chức di dời 6 hộ với 23 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt lở 40m đường liên thôn ở Phong Mỹ, Phong Điền; sạt lở đường thôn Tân An, Lộc Bình, Phú Lộc; sạt lở 55m quốc lộ 1A tại K12 900.
Tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi đã tổ chức sơ tán 1.369 hộ với 4.805 nhân khẩu ở các khu vực bị ngập sâu và vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Các hộ sơ tán tại Huế đã trở về nhà.
Để tiếp tục ứng phó và khắc khục hậu quả mưa lũ tại khu vực miền Trung, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của mưa lũ theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa, lũ; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh.
Các địa phương thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 488/VPTT ngày 23/10/2021 của Văn phòng thường trực; kiểm tra, rà soát, vận hành hồ chứa, phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Mưa lũ chưa rút, miền Trung lại có cảnh báo đợt mưa lớn kéo dài gần 1 tuần Từ hôm nay (19-10), đợt mưa lớn ở các tỉnh miền Trung kết thúc. Dự báo từ ngày 22 đến 27-10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có khả năng xảy ra đợt mưa lớn tiếp theo. Dự báo từ ngày 22 đến 27-10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có khả năng xảy ra đợt mưa lớn tiếp...