Miền Trung dè dặt đón khách
Dù các điểm du lịch biển tại miền Trung đã có thể mở cửa đón khách, nhà chức trách vẫn chưa cho phép hoạt động tắm biển.
14h chiều 29/4, nhà ga Đà Nẵng chật kín khách rời Đà Nẵng lên tàu SE2. Đây là chuyến tàu hành trình từ Nam ra Bắc. Khách chủ yếu về các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá… Nhiều người chen nhau làm tờ khai y tế để được lên tàu, dẫn đến cảnh nhốn nháo.
Tuy nhiên, nhiều gia đình rời Đà Nẵng nhưng không phải để đi du lịch. Anh Thanh Hiếu (30 tuổi), hành khách đi trên toa 9, cho biết hầu hết các toa đều không còn ghế hay giường trống. Kỳ nghỉ lễ dài ngày, anh ra Nghệ An thăm người thân vì ở lại thành phố không có nhiều hoạt động vui chơi, du lịch như năm trước, biển hạn chế người tắm.
Trong khi đó gia đình anh Thành, chị Trang mua vé tàu SE2 về Hà Tĩnh để đón con trai vào đi học trở lại sau 3 tháng gửi ông bà chăm. Vợ chồng chị Trang dự kiến sẽ ở đó hết bốn ngày nghỉ lễ mới trở lại Đà Nẵng.
Nhiều người rời Đà Nẵng bằng đường sắt trước kỳ nghỉ lễ. Ảnh: Thanh Hiếu.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch, cho biết kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay tổng lượng khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng ước đạt 5.800 lượt, giảm 98,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 650 lượt, giảm 99,5%, khách nội địa ước đạt 5.150 lượt, giảm 98%.
Sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, người dân có xu hướng tham quan, nghỉ dưỡng ở những nơi an toàn, chưa có tâm lý muốn đi xa. Do đó, ông Bình nhận định lượng khách đến thành phố chủ yếu từ các địa phương lân cận.
Video đang HOT
“Thực ra, để khôi phục lại điểm đến cần có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Bình nhận định. Theo ông, hiện nay các đơn vị lữ hành phần lớn vẫn chưa hoạt động trở lại, chỉ một số cung cấp dịch vụ lẻ như vé máy bay, phòng khách sạn, song số lượng không đáng kể.
Lãnh đạo này cho biết thành phố cũng không tổ chức hoạt động thu hút du khách, vì Covid-19 mới chỉ được kiểm soát bước đầu. Thành phố vừa nới cách ly một phần, chưa cho phép tổ chức các sự kiện tập trung đông người; quán bar, vũ trường… tạm đóng cửa.
Đại nội Huế sẽ mở cửa từ ngày 30/4. Ảnh: Võ Thạnh.
Nằm cách Đà Nẵng hơn 100 km, thành phố Huế đáng lẽ vừa đón thêm hàng trăm nghìn lượt khách, nếu tổ chức Festival Huế theo dự kiến vào đầu tháng 4. Tuy nhiên, lễ hội thường niên này lùi ngày khai mạc đến cuối tháng 8 vì Covid-19.
Do đó, khi lệnh cách ly được nới lỏng, thành phố triển khai ngay những biện pháp kích cầu để khởi động lại thị trường du lịch trong kỳ nghỉ 30/4-1/5. Cụ thể, Đại nội (thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế) được phép đón khách từ ngày 30/4, sau gần hai tháng đóng cửa chống dịch. Du khách nội địa sẽ được miễn phí vé vào cổng trong tuần đầu tiên, nhằm thu hút khách trở lại các điểm tham quan sau thời gian dài cách ly xã hội.
Bên cạnh đó, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, thống nhất phương án giảm 50% giá vé tham quan các điểm di tích từ tháng 6 đến cuối tháng 8 – thời điểm diễn ra Festival Huế. Doanh nghiệp lưu trú cũng triển khai chương trình ngủ 3 đêm tính tiền 2. Song hoạt động tắm biển và một số dịch vụ khác vẫn chưa được cho phép.
Tương tự, tại Hà Tĩnh, ông Hoàng Xuân Hướng, Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, cho biết: “Năm ngoái, vào thời điểm này đã có hàng nghìn du khách đặt phòng tại các khách sạn, nhà nghỉ ở Thiên Cầm, song năm nay do ảnh hưởng Covid-19 nên lượng khách giảm khoảng 60%”, ông Hướng nói.
Để đảm bảo sức khoẻ cộng đồng, ông Bùi Xuân Thập, Giám đốc Sở VHTTDL, đã yêu cầu các điểm du lịch, chủ khách sạn trên địa bàn kiểm tra thân nhiệt, xịt nước rửa tay kháng khuẩn cho du khách. Cán bộ Sở sẽ đi kiểm tra, giám sát và xử lý những cơ sở không thực hiện đúng quy trình, để xảy ra sự cố.
Trong khi đó, Nghệ An đã cho phép các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, khu di tích, danh lam thắng cảnh… hoạt động trở lại từ ngày 26/4, nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Bà Nguyễn Thị Thành An, Phó giám đốc Sở Du lịch Nghệ An nói, việc chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, bãi biển, các khu lưu trú để đón khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 đã được các địa phương triển khai những ngày qua. Tuy nhiên lượng khách du lịch dự kiến không thể bằng những năm trước.
Nhà hàng ven biển Sầm Sơn dọn dẹp đón khách trở lại. Ảnh: Lê Hoàng.
Còn ở Thanh Hoá, UBND tỉnh đánh giá, năm nay lượng khách du lịch giảm đến 98% so với cùng kỳ, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chiều 29/4, đường phố và dọc các bãi biển ở thành phố Sầm Sơn vắng vẻ. Các nhà hàng, cơ sở lưu trú mở cửa song lác đác vài nhóm khách.
“Chúng tôi dọn dẹp nhà hàng bốn năm ngày nay để phục vụ khách nhưng hầu như chưa đón được đoàn nào quá 10 người”, chị Lan Hương, chủ một cửa hàng ăn uống ở đường Hồ Xuân Hương, nói.
Dù các khu du lịch biển như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hoà đã có thể mở cửa đón khách, nhà chức trách vẫn chưa cho phép hoạt động tắm biển tại các bãi tắm công cộng.
Ông Bùi Văn Đạt, Phó chủ tịch UBND TP Sầm Sơn nói, thành phố có gần 600 cơ sở lưu trú nhưng do ảnh hưởng của Covid-19 nên hiện mới 1/3 trong số này dọn dẹp, chuẩn bị đón khách, số khác đều đóng cửa hoặc chưa sẵn sàng. Thành phố đã vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng để chuẩn bị mở cửa biển trở lại, song cũng không tổ chức lễ hội du lịch biển như hàng năm.
Các khu di tích, danh lam, thắng cảnh, các khu du lịch biển ở Thanh Hóa được phép mở cửa đón khách nội tỉnh và những địa phương nguy cơ thấp với Covid-19, từ ngày 29/4. Du khách quốc tế và từ các địa phương có nguy cơ cao vẫn bị từ chối phục vụ.
Một số điểm di tích Huế mở cửa và miễn phí vé tham quan trong dịp 30/4
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định mở cửa trở lại một số điểm di tích và miễn phí vé tham quan cho du khách trong dịp nghỉ lễ 30/4.
Mới đây, tại cuộc họp với các sở, ban ngành để bàn giải pháp phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định mở cửa trở lại một số điểm di tích và miễn phí vé tham quan cho du khách trong dịp nghỉ lễ 30/4.
Vệ sinh khu vực trước Đại Nội Huế chuẩn bị đón khách.
Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ mở cửa đón khách tham quan khu vực Đại Nội và một sổ điểm lăng tẩm, sau đó dần mở cửa trở lại các điểm di tích khác. Khách tham quan sẽ được miễn phí vé 1 tuần, kể từ ngày mở cửa di tích. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang khẩn trương chuẩn bị các phương án để đón khách trở lại trong dịp nghỉ lễ.
Trước đó, ngày 14/3, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định tạm thời đóng cửa các di tích, danh thắng trên địa bàn để chủ động phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định trong giai đoạn hiện nay, chủ yếu tập trung vào thị trường khách nội địa. Từ tháng 5 đến cuối năm 2020, tỉnh sẽ thực hiện nhiều đợt giảm sâu giá vé tham quan các điểm di tích nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch đến với Cố đô Huế.
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: "Dự kiến chúng tôi sẽ mở cửa khoảng 3 đến 4 điểm ban đầu như những điểm Đại Nội và một số lăng mà du khách quan tâm đi nhiều còn các điểm còn lại sẽ mở cửa sau đó một vài ngày. Thời gian đầu, vẫn sẽ hạn chế tối đa tập trung đông người, du khách vào tham quan, chúng tôi sẽ hướng dẫn tách ra, theo từng nhóm, từng khu vực"./.
Lê Hiếu
Có một miền Trung thân thương và chậm rãi như thế Miền Trung luôn đầy ắp nắng vàng, dang tay ôm vào lòng những bờ biển xanh ngát, những bãi cát trải dài và cả núi rừng trùng điệp. Miền Trung đẹp một cách thân quen mà cũng hùng vĩ. Nhắc đến Quảng Nam, người ta luôn nghĩ tới Hội An - nơi vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp của sự bình dị, thân thương...