Miền Tây nước chưa nhảy, cá linh đỏ mắt tìm không ra
“Tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ”, ông bà mình đã đúc kết như vậy. Tháng Bảy như mọi năm là đã có một đặc sản vùng sông nước mỗi khi lụt lên, lũ về. Đó là con cá linh non. Ấy vậy mà năm nay, tháng Bảy đến rồi, nước hổng thấy đâu và cá linh cũng chưa thấy về.
Người ta nói năm nay nước sẽ không cao như mọi năm nữa, nguyên nhân là “thiên tai” cộng hưởng với “nhân tai”, biến đổi khí hậu, mưa gió thất thường và hệ quả của các đập thuỷ điện ở thượng nguồn.
“Nước không chưn sao gọi nước đứng. Cá không thờ sao gọi cá linh”. Người Đồng Tháp xa quê cũng nhớ, mà người Sen hồng ở lại càng nhớ, nỗi nhớ mùa cá linh non, một loài cá nhỏ xíu xuôi theo dòng Mê-Kông đổ về xứ mình, lớn dần theo từng con nước, rồi bỗng dưng mất hút…
Cá linh chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi ở miền Tây, nhiều nhất là vùng đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp. Ảnh minh họa. Ảnh: D.Út.
Người thèm hương vị con cá linh đầu mùa thấy buồn buồn, thiếu thiếu. Nhưng có lẽ buồn nhứt là bà con nông dân. Hết “sống chung với lũ”, giờ chắc phải chịu cảnh “sống chung với hạn”?!? Nhớ mấy năm trước còn tận dụng mùa nước về để nuôi tôm nuôi cá, rồi giờ sao đây? Rồi nào nghề đóng xuồng ghe, đan lờ đan lọp, dệt chày dệt lưới, giờ thì sao đây?
Nhớ ngày nào quay kín đê bao để làm lúa ba vụ, giờ làm sao đây? Quê mình mà hổng có lũ về theo quy luật bao đời thì còn gì là một vùng đất nước ngọt quanh năm tưới khắp ruộng đồng, còn gì là phù sa để có biển lúa vàng, có những khu vườn quanh năm cây xanh, trái ngọt. Trách trời hay trách đất đây? Mà ngồi than thân trách phận thì có thay đổi được không hay chính mình phải thay đổi để thích ứng?
Câu chuyện biến đổi khí hậu, chuyện tác động của các đập thuỷ điện thượng nguồn chặn dòng nước và phù sa thì đã và đang nói mãi rồi. Hay là, mình phải tự cứu mình thôi, hổng lẽ ngồi “bó tay, bó chân?”. Trời không “chìu” con người thì con người phải “chìu” theo ông trời chớ biết sao bây giờ? Thuận thiên mà!
Mà đâu phải tới bây giờ mới không còn hình ảnh một Đồng bằng “trên tôm dưới cá” đâu! Con người sinh ra ngày càng đông, mà thiên nhiên hình như đâu có nở nồi theo kịp, thậm chí, chính bàn tay của con người góp phần làm cạn kiệt tài nguyên. Vậy, muốn tồn tại con người phải có cách nghĩ khác, cách làm khác.
Phù sa không nhiều thì thay đổi quy trình sản xuất để phục hồi chất dinh dưỡng trong đất. Người ta dùng phương pháp tưới nhỏ giọt mà làm xanh ngát cả cánh đồng giữa sa mạc khô cằn. Người ta còn tạo ra những giá thể để nuôi lớn từng luống hoa, khóm cây trong điều kiện khan hiếm nước ngọt.
Nói là nói vậy, nhưng thay đổi đâu là việc dễ dàng với hàng triệu nông dân quanh năm suốt tháng có khi không ra khỏi được thửa ruộng, miếng vườn. Còn những khoảng trống mênh mông giữa cách làm ngắn hạn mùa vụ với kế hoạch chuyển đổi dài hạn, giữa những lý thuyết hàn lâm và thực tế hàng ngày trên ruộng vườn.
Thắt thỏm ăn đong từng mùa, vụ này chưa thu hoạch xong là đã phải chuẩn bị gối đầu vụ mới rồi. Rồi trong một ô bao, người muốn chuyển đổi người thì không. Vườn trong ruộng, rau màu vây quanh đồng lúa. Lại xuất hiện xung đột lợi ích do xung đột cách làm.
Video đang HOT
“Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa” mà! Mỗi lần thay đổi là biết bao câu hỏi đặt ra. Hỏi thì dễ, nhưng tìm ra câu trả lời mới khó. Chuyển đổi sang trồng cây khác, vật nuôi khác không khó nhưng có bảo đảm đầu ra không gặp rủi ro không, hay “tránh vỏ dưa lại gặp phải vỏ dừa”?
Nếu đúng theo những gì các chuyên gia dự báo và khuyến cáo thì đây lại là một bước ngoặc lớn cho Đồng bằng. Có anh nông dân thốt lên: “Nếu không thay đổi là chết, tôi không thể khoanh tay mà chờ chết”! Đúng rồi, nhưng đúng hơn nữa là cả hệ thống phải thay đổi để dẫn dắt hàng triệu nông dân cùng thay đổi theo. Phải có kế hoạch đồng bộ và chính sách khả thi kèm theo.
Người nông dân phải được huấn luyện để có đủ kỹ năng ứng phó và thích nghi với sự thay đổi của biến đổi khí hậu và xu thế của thị trường. Nhiều kiến giải tâm huyết rồi, nhiều nghị quyết, chủ trương rồi, nhưng người nông dân phải “mắt thấy, tai nghe”, phải chứng minh cho bà con bằng những mô hình kèm theo những con số có thể định lượng được.
Nước không tràn đồng thì tôm cá sẽ ít đi, những ngành nghề sinh kế từ mùa nước nổi, như: đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, đóng xuồng ghe, làm ngư cụ sẽ có thể mai một dần. Vậy là, phải có kế hoạch chuyển đổi, phải tạo ra ngành nghề mới, dạy nghề mới và hỗ trợ kinh phí để thực hiện. Trăm nổi lo!
“Canh chua điên điển, cá linh. Ăn chỉ một mình nên chẳng biết ngon”! Bông điên điển vẫn trổ vàng như đã hẹn ước dọc theo các dòng kInh, nhưng con cá linh non vẫn chưa thấy về!
Theo Xích Lô (Báo Đồng Tháp)
Lũ không về, miền Tây mất mùa đặc sản cá linh, treo vó mà buồn
Đến hẹn nhưng nước lũ vẫn chưa tràn về vùng hạ lưu châu thổ, nước không về nên loài cá linh được mệnh danh đặc sản của đồng bằng mấy ngày này cũng biến mất tăm mất tích.
Mùa nước nổi, mùa cá linh
Thông thường tháng 7 nước lũ đã tràn về An Giang, Đồng Tháp, có năm lũ nhỏ, có năm lũ lớn nhưng hôm nay còn nước phù sa vẫn biền biệt. Các ngư dân ở đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền than thở, mấy chục năm mưu sinh trên sông nước nhưng chưa bao giờ chứng kiến mùa lũ kỳ quặc như thế này.
Những năm trước, mùa này, nước đã ngập cánh đồng xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang mang theo cuộc sống đa dạng cho cư dân vùng này. Khi đó, buổi chiều tối, người dân ra đồng đặt lợp, giăng lưới bắt ếch, cua đồng, cá đồng rồi về nhà nghỉ ngơi chờ sáng hôm sau ra vỡ lợp, thăm lưới.
Một ngày như vậy trúng mánh dính vài chục ký cua, cá, ếch là kiếm được gần mấy triệu đồng, công việc nhàn hạ nên mùa lũ cánh thanh niên, đàn ông đi làm thuê xa hay trở về quê nhà để thảnh thơi kiếm bộn tiền từ cá tôm.
Năm 2018, thời điểm này ông Dũng đã bắt được nhiều cá linh, còn bây giờ ông đã treo vó vì không có cá.
Lũ về tràn vào cánh đồng mang theo các cá bố mẹ, những đùm trứng cá li ti, trứng cá nở thành cá con, chúng ấn náu trong đồng rộng kiếm ăn rồi khi trưởng thành lại ào ra sông bơi ngược về thượng nguồn. Trong các loài cá xuất hiện trong nước lũ, cá linh đình đám nhất, chiếm nhiều nhất và nó là con cá gắn liền với mùa nước nổi hay còn gọi mùa nước lũ nên mệnh danh đặc sản mùa nước nổi.
Cá linh lạ lắm, chỉ xuất hiện nhiều ở vùng An Giang, Đồng Tháp, còn xuống hạ lưu sông thuộc địa phận TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang có nhưng rất ít. Người dân bắt cá để ủ làm nước mắm, các nhà hàng, hàng quán mua cá chế biến các món ngon phục vụ du khách gần xa cho biết hướng vị đậm đà của đặc sản trời cho chỉ có trong mùa nước lũ.
Nhưng bây giờ cánh đồng xã Nhơn Hưng nói riêng và những cánh đồng An Giang nói chung đang xơ xác ngóng đợi con nước phù sa. Tháng 7, những cánh đồng trơ đất cỏ, trâu bò thong thả đi gặm cỏ không né lũ như trước kia.
Những cánh đồng cạn mùa nước lũ trên vùng Tịnh Biên.
Ông Phan Văn Dũng, 55 tuổi, hơn 30 năm bằng nghề kéo vó cá bắt cá linh ở xã Nhơn Hưng hồi tưởng lại, lúc trước mùa này ngư dân vui lắm, một ngày đánh bắt cá linh có thể kiếm được cả chục ký. Ngay thời điểm có giá, cá linh 80.000 đồng/ ký, còn lúc thường giá cá vùng này đem ra chợ Châu Đốc bán từ 30.000 đồng/ký.
Vậy nên, mùa lũ ai cũng sống khỏe từ cá linh, không phải tốn tiền đi chợ như các mùa khác, ngoài cá linh còn bắt được các loài cá khác như cá lóc, cá dãnh, cá heo, cá rô phi, tôm tép... Một mùa lũ trôi qua, ngư dân siêng năng có thể dư giả vài chục triệu đồng từ loài cá trời cho.
Nhưng bây giờ, người đàn ông sống đời hạ bạc này nhìn trời xa xăm, đồng trơ cạn nước lấy đâu cá về. Nước lũ về dâng ngập các cánh đồng, đường quê kéo dài trong ba tháng mới rút hết nước ra sông ra biển lớn để lại phù sa cho đồng ruộng, làm màu mỡ đất. Nước lũ tiêu diệt sâu rầy, chuột bọ nên mùa sau nhà nông bớt vất vả đi diệt cỏ dại, tiền mua phân bón cho đất...
Nhớ lũ
Mùa lũ có hai loài đặc trưng, đó là cây điên điển và cá linh. Mùa này, ra các chợ An Giang có thể mua bông điên điển bất cứ lúc nào. Cây điên điển cũng như cá linh, chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi, khi nước rút đi, chúng héo khô rồi chết dần để đến lũ sau tái sinh cùng cá linh.
Nhưng cây điên điển bây giờ người dân An Giang đã trồng được, còn cá linh thì chưa nuôi thả lồng bè, hầm như bao loài cá khác. Vì bởi chúng là loài cá ngang dọc sông nước ít chịu đùn chân trong một chốn riêng nên có nuôi được hiệu quả kinh tế cũng chưa cao, đó là chưa kể cá linh nuôi hầm có nhược điểm hôi rong nên ăn không ngon như cá tự nhiên.
Mùa này, những năm trước ra các chợ đã thấy cá linh con bằng đầu đũa nhảy xôi xối trong các thau chậu của các bà bán cá. Cá linh đầu mùa giá cao lắm, từ 120.000 đồng đến 170.000 đồng/ký. Đến lúc cao điểm cá nhiều hay cá trưởng thành bằng ngón cái thì giá cá mới giảm dần từ 30.000 đồng đến 70.000 đồng/kg.
Những lúc cá linh non hút hàng, nhiều người bán cá "gian trá" bán cá trôi Ấn Độ có hình dáng hao hao như cá linh nhưng không ngon bằng. Còn bây giờ, ra chợ tìm mua cá linh đỏ cả mắt, ngay cả cá linh "giả" cũng không có mà bán vì lũ không về cá linh "giả" cũng không về theo.
Cá linh đã giúp người dân vùng lũ có thêm thu nhập.
Mùa lũ năm rồi, anh Nguyễn Văn Ngà, 39 tuổi, ngụ xã Phước Hưng, huyện An Phú tất bật thả lợp bắt cá linh ngày kiếm được cả chục ký nên sống khỏe trong mùa nước lũ. Cá nhiều, lợp cá hút hàng nên anh Ngà làm lợp liên tục để bán cho mối quen với giá từ 60.000 đồng đến 70.000 đồng cái.
Như bao cảnh đời sống mùa nước lũ, Ngà thích mùa lũ dù lũ gây ngập lụt, lũ dâng ngập các tuyến lộ nên người dân đi lại khó khăn nhưng bù lại trong ba tháng ngập nước, cá tôm rồi rau dại bông súng, điên điển, rau nhút mọc lềnh khênh trên các đồng, mạnh sức mà hái về ăn hay đem ra chợ bán.
Nói về mùa lũ này, ông Nguyễn Văn Kiệt, 51 tuổi sống bằng nghề đáy cá linh trên các dòng sông ở An Giang, Đồng Tháp than, năm nay ông bỏ nghề đáy cá linh dù đã hơn 30 năm sống bằng nghề đánh bắt cá linh. Ông Kiệt nói, chưa năm nào thấy nước lũ quái lạ như năm nay, vào mùa lũ mực nước các dòng sông vẫn thấp như mùa khô nên tôm cá không vào đồng, vào kinh rạch đẻ được.
Dân gian có câu, tháng 7 nước nhảy khỏi bờ, trong đó con nước rằm tháng 7 âm lịch nước luôn nhảy dâng cao. Nhưng hôm nay là ngày mùng 2 âm lịch (ngày 2-8), tức là còn 12 ngày nữa nên ông Kiệt le lói chút hy vọng khi đó nước về mang theo tôm cá. Ông nói: "14 âm lịch này nước không tràn về xem như năm nay mất trắng mùa cá linh, không có cá linh ngư dân khổ thêm vì nguồn lợi từ loài cá này lớn lắm...".
Cá linh là loài cá trong nhóm cá trắng, con lớn nhất bằng to bằng con chân cái. Ngày xưa cá, tôm nhiều nên ngư dân đánh bắt cá linh chủ yếu ủ làm nước mắm để ăn hay để bán dù cá linh chế biến các món ăn rất ngon.
Ngày trước ít ai ăn cá linh, nhưng từ năm 2004 trở lại đây cá linh được nhiều người biết đến nên chúng trở thành món ăn hấp dẫn. Món ăn từ cá linh chế biến phong phú như cá linh kho tộ, linh kho quẹt, cá linh chiên bột, canh chua cá linh, chả cá linh, lẩu cá linh... Dân thành thị ở TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và các tỉnh thành khách khi đi du lịch An Giang, Đồng Tháp trong mùa nước nổi đều tìm cách đặt ăn phần ăn có cá linh để thưởng thức cho biết hương vị đặc sản chỉ có trong mùa nước nổi tại An Giang và Đồng Tháp.
Theo Thanh Dũng (Báo Nhân Dân)
Bữa trưa cùng doanh nhân tại REX Sài Gòn Bữa trưa có vai trò rất cần thiết, bổ sung năng lượng cho hoạt động trong ngày. Buổi trưa là thời gian giải lao để chúng ta lấy lại năng lượng. Với mong muốn mang đến sự đổi mới cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo một bữa trưa nhanh gọn, đầy đủ chất dinh dưỡng, nhà hàng Cung Đình thuộc tầng trệt...