Miền Tây mùa nước nổi: Món quà của…lũ
Mùa nước nổi là mùa lũ lên, người dân miền Tây Nam bộ vẫn gọi là “tháng nước nổi”. Người dân mong ngóng mùa về, khi ấy phù sa và những đàn cá lớn cũng về. Mong ngóng, chờ đợi trong hồi hộp, thế nhưng giờ đây không ít chuyện bất thường xảy đến, có năm mùa nước nổi nhưng lại thiếu nước, hoặc rất ít cá. Song dẫu sao, nỗi mong ngóng ấy vẫn cứ thường trực, da diết và sướng vui.
Món quà của… lũ
Mỗi mùa nước nổi về, hàng vạn hộ dân nghèo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ lại được dịp làm ăn trên con nước mênh mông. Họ chuẩn bị đồ nghề từ hơn một tháng trước đó, chờ nước, chờ cá. Họ chờ như trẻ con chờ đợi mẹ đi chợ về. Mùa nước nổi, mang lại nguồn cá dồi dào và nhiều sản vật, những món quà của mùa lũ nơi đây.
Mùa nước nổi, mang lại nguồn cá đồng như cá linh dồi dào và nhiều sản vật, những món quà của mùa lũ nơi đây
Chúng tôi đã có dịp trải nghiệm ở mênh mang những cánh đồng Long An, Đồng Tháp, An Giang… và thấy sự run rẩy hồi hộp trong những nếp nhà, ngôi bếp. Các cụ xưa có kinh nghiệm, đi kiểm tra đời sống người dân cứ nhìn vào “má con nít, đít con trâu” là đoán ra đời sống của người dân no hay đói, không cần nhìn vào những bản báo cáo khô cứng được tô vẽ thêm thành tích.
Vâng. Người dân vùng “quê em mùa nước lũ” đã không còn nghèo như xưa, nhưng vẫn còn nhiều lắm những mái nhà tranh tạm bợ. Cuộc sống người dân còn khó khăn. Mỗi năm, nếu tháng nước nổi không cho nhiều sản vật cá tôm, thì hẳn những chú trâu, những đôi má trẻ con chẳng thể nào no căng cho được.
Người dân nơi đây có cuộc sống thật đặc biệt, có lẽ hiếm có nơi nào mỗi gia đình sắm hai loại phương tiện: xe máy vào mùa khô, ghe thuyền, ca nô vào mùa nước nổi. Một trong những điển hình là huyện Châu Phú (tỉnh An Giang). Cách đây hai năm, chúng tôi đến xã Ô Long Vĩ, trên cánh đồng Láng Linh, niềm vui thật sự hiện rõ trên khuôn mặt người dân.
Người lớn thì làm lưới, đặt trúm, trẻ em cũng lăng xăng đóng góp sức mình vào cuộc sống đầy giản dị nhưng cũng rất hào phóng này. Như hôm ấy, em Huỳnh Thị Phước, được bố mẹ phân công hái bông điên điển để nấu cá linh. Ông Sáu Tràm, bố của em nhắc con gái hái thêm cả rau để đãi khách. Bông điên điển nấu cá linh chua là món đặc sản của vùng đất này.
Xin nhớ là bông chứ không phải hoa. Bông điên điển được mệnh danh là “mai vàng của mùa lũ” có vị nhẫn, bùi, ngọt, ăn giòn nên hòa quyện với món nào cũng ngon. Năm nay trở lại, công việc vẫn được chuẩn bị kỹ, sốt sắng, bà con nở những nụ cười đón tiếp thật tươi.
Ông Sáu Tràm dẫn tôi ra mênh mông biển nước, nơi ghe thuyền tấp nập. Ông hướng dẫn cách đặt bẫy cua, cách đánh lưới, thả lờ… Chỉ ra phía xa kia, nơi những người nông dân sạm nắng vẫn đang căng mình làm công việc, ông Sáu Tràm bảo người dân giờ cũng đi tứ xứ, nhưng hễ mùa nước nổi là về để… thu hoạch. Cơ hội đến chớp nhoáng. Họ liên lạc liên tục với người thân còn sống nơi quê để biết đàng mà về. Bởi mùa nước nổi biết nhắc nhớ, có hấp lực mê dụ, nên người dân nơi đây nghiện mùa nước nổi như nghiện thuốc lào, nghiện rượu.
Mến yêu quê nhà
Video đang HOT
Mùa nước nổi ở miền Tây thường bắt đầu từ tháng 7 đến hết tháng 11 âm lịch. Cả vùng gồm các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, An Giang… dường như được đánh thức bởi muôn ngàn sinh kế của người dân. Năm nào “lũ nghèo”, tức ít cá thì người dân buồn lắm, đứng ngồi không yên. Còn bình thường, nếu được mùa, cá bán được giá, lên tới hơn 100 nghìn/kg, nhiều hộ kiếm được cả trăm triệu đồng.
Anh Trương Trí Hùng, một người yêu quê, yêu văn hóa ĐBSCL cho biết, công việc quan trọng nhất đầu mùa nước nổi đó là chuẩn bị cho vụ đánh bắt cá tôm. Khó có thể kể hết những nghề hạ bạc tháng nước. Lúc nước chụp lên người ta đặt lọp ếch, nhấp ếch, đặt trúm lươn, cắm câu cá lóc bằng mồi nhái, đặt lờ cá sặc, đặt xà di cá rô, giăng lưới… Nước bêu chút nữa thì giăng câu là chủ yếu. Giăng câu cá lóc bằng mồi cua con, giăng mồi trùn thì dính cá trê, cá trèn. Hoặc giăng mồi tép, mồi ốc, mồi cá linh non, mồi kiến đều được. Dớn thì đặt suốt mùa nước, từ khi nước mới chạy đồng cho tới khi nước rút cạn. Dớn có thể bắt được nhiều loại cá tôm, nhưng chủ yếu là cá linh.
Anh Hùng cũng cho biết, trong tất cả các nghề đánh bắt cá mùa nước nổi thì đặt đáy là đánh bắt được nhiều nhất. Đáy đặt ở vàm kinh hay vàm sông, bao nhiêu cá tôm từ đồng trôi ra là vô đáy hết. Cá nhiều đến mức người ta phải dùng mấy cánh tay đòn bằng tre để nâng cá lên, rồi đổ vào ghe. Cỡ cá từ đồng ra nhiều mỗi lần đổ đáy được cả ghe cá.
Mà đổ xong rồi quay lại đổ liền, chứ chỉ chậm trễ một chút là cá đầy bầu không cất lên nổi. Có năm tôi làm mướn cho đáy ông Tư Li đặt ở vàm rạch Trà Bông. Cỡ nước kém cá ra nhiều, cả chục nhân công làm không xuể, đèn đuốc thắp sáng đêm như hội chợ.
Ở mảnh đất này, đặc biệt ở các huyện Châu Phú, An Phú, Tân Châu… quang cảnh khiến chúng tôi “đã mắt” là được tận mắt ngắm nhìn những đồng bãi bạt ngàn bông điên điển và những kênh rạch dọc ngang tấp nập xuồng ghe khai thác cá linh. Cá linh và điên điển trở thành hình ảnh hòa quyện tuyệt đẹp, khiến dân yêu, dân nhớ và khách đến lưu luyến.
Bởi thế, những năm qua, đã có biết bao đoàn khách vui với người dân, hồi hộp đón mùa cá linh cùng người dân ở ĐBSCL. Đắm chìm vào văn hóa sông nước, mỗi vị khách, trong đó có tôi đều nhận ra việc khai thác cá, không chỉ là việc mưu sinh đầy hấp dụ, mà là thứ tập quán văn hóa đã thấm đẫm vào máu thịt người dân. Có được mùa hay không, có được “trời cho” hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố thiên nhiên, bởi những năm gần đây thiên nhiên đã đổi thay.
Mùa nước nổi cũng có phần đổi thay. Nên các bậc cao niên sống ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu cũng đang thật sự lo lắng. Nói gì thì nói, con người quá bé nhỏ trước thiên nhiên, nhưng lại có thể tác động rất lớn vào thiên nhiên, như một người từng làm cán bộ thủy lợi ở An Giang cho biết.
Điều đó khiến mỗi người dân chúng ta phải suy nghĩ về những việc mình đã làm… Các cơ quan chức năng cũng đã cảnh báo, nhiều năm qua, bà con không nên khai thác tận diệt, mà hãy nghĩ đến chuyện đánh bắt lâu dài, an toàn và nghĩ cho những mùa sau.
Những năm gần đây, ngoài các tour du lịch truyền thống về Tràm Chim, Trà Sư… du khách đã về cùng với những người dân trực tiếp khai thác sản vật và tận hưởng cảm giác sảng khoái khi thưởng thức món ăn bình dị dân dã. Thực chất đây là kiểu du lịch không thụ động, mà là du lịch trải nghiệm. Khách được tham gia trực tiếp vào công việc đánh bắt và hái bông điên điển.
Ở xã Phú Hữu, huyện An Phú (An Giang) hiện có khoảng 400 người chuyên làm nghề hái bông điên điển, hái ban ngày không kịp giao cho thương lái, họ phải thức từ 2-3h sáng để ra đồng. Điều đó có nghĩa, đội ngũ thương lái đi lấy hàng vào mùa này cũng cực kỳ hùng hậu, đa dạng, để kịp thời chuyển các sản vật đến với các khu chợ, các thành phố.
Mùa nước nổi bao giờ cũng đem lại sự bình yên. Bởi mỗi khi nước rút đi đều để lại lớp phù sa tuyệt vời. Đó là lớp phù sa, sẽ lại tiếp tục nuôi nấng cho các loại cây trồng lớn lên, để cùng giúp cho những miệt quê, miệt đồng cuộc sống no ấm.
Theo Vũ Xuân (thoibaonganhang)
Lũ về, cùng cá linh, bông điên điển, nhớ cọng súng chấm mắm kho
Có một loài rau (mà cũng là một loài hoa) vô cùng mạnh mẽ. Đó là hoa súng. Hoa súng mạnh mẽ như cái tên của chính mình. Và, hoa súng cũng đầy dung dị, hiền hòa nên người người cứ thích gọi là bông. Trước con lũ về trắng đồng, bông súng vươn lên nở tràn mặt nước cặp kè cùng điên điển, cá linh tạo nên nhiều món ngon mùa nước nổi đồng bằng.
Lần đầu tiên tôi biết ăn bông súng là qua bàn tay chế biến của mẹ. Mẹ hái bông súng từ ao cạnh nhà, tước vỏ, rửa sạch đem chấm với nước cá kho.
Cái thứ rau gì lạ, giòn giòn, sột sột, mới ăn chẳng cảm nhận được gì đặc biệt, nhưng càng nhai càng thấm vị ngọt đặc trưng lẫn vị mặn mòi của cá khiến mỗi lần nhớ đến là cứ nghe bao tử cồn cào...
Bông súng luôn thường trực với món mắm kho.
Từ bông súng, ta có thể chế biến thành nhiều món ăn. Bông súng nấu canh chua, chấm mắm kho, bóp gỏi, nhúng lẩu. Món nào cũng ngon, cũng thấm vào từng thớ thịt.
Còn gì bằng giữa hơi lạnh bủa vây của cơn mưa dầm ta lại được thưởng thức tô canh chua bông súng cá rô đồng.
Hay những lúc về nhà thăm quê, chuyện vãn cùng cha một đỗi thế nào rồi từ bếp cũng dậy lên mùi bông súng mắm kho. Nghĩ cũng lạ, bông súng mùa nào cũng có.
Muốn nồi mắm kho, cứ bước ra chợ, nguyên liệu đầy. Vậy mà chỉ có bông súng mùa nước nổi ở mương nhà chấm mắm kho của mẹ là ngon nhất.
Nước lũ về dâng đến đâu, bông súng vươn cao đến đó, thân dài tròn ú, hoa nở rực, lá xanh mơn mởn. Ngắt từng đoạn bông súng, bóp nhẹ chấm vào tô mắm kho mà nghe sống lại cả trời thương nhớ.
Mùa nước nổi, nhiều nông dân Cần Thơ kiếm thêm thu nhập nhờ việc đi hái bông súng. Ảnh: Báo Cần Thơ.
Khi còn nhỏ, tôi cùng đám bạn thường đi nhổ bông súng ngoài đồng. Những đứa trẻ tóc vàng hoe, tay cắp rổ, bơi xuồng hái bông súng.
Tiếng gọi nhau í ới, tiếng cười đùa khúc khích hòa cùng tiếng té bùn vui như trẫy hội để bây giờ mỗi khi gặp lại chúng tôi luôn rôm rả nhắc về.
Bông súng giúp những gia đình nghèo (như tụi tôi ngày ấy) đổi lấy cơm gạo, tập viết. Mùa nước nổi, bữa ăn của gia đình luôn thường trực bông súng.
Nhiều địa phương vùng ĐBSCL, nông dân trồng bông súng để bán.
Chậm rãi ăn từng cọng bông súng mới biết được sự chắt chiu làm nên vị ngọt của phù sa sông nước ruộng đồng. Miền Tây yêu dấu quê tôi đã sản sinh ra con cá, con tôm, cọng rau, cọng cỏ đều nồng nàn, thấm đẫm hương vị đất trời.
Xin cảm ơn cọng bông súng đồng quê dân dã đã nuôi lớn biết bao tâm hồn như tôi. Và giờ đây, bông súng còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng. Đối với người ta:
"Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm".
Còn đối với tôi:
"Muốn ăn bông súng mắm kho
Về ngay quê mẹ chẳng lo phải thèm".
Theo Diễm Kiều (Báo Cần Thơ)
Cần Thơ: Giá cá linh đầu mùa lũ tăng cao tới 180.000 đồng/ký Hiện cá linh đầu mùa lũ bán tại vùng nước nổi đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp dao động từ 40.000- 60.000 đồng/kg. Giá cá linh tại Cần Thơ, tăng lên 180.000 đồng/kg. Năm nay lũ về tại ĐBSCL lớn, sớm hơn dự báo, người dân vùng đầu nguồn gặp nhiều khó khăn trong việc gặt lúa chạy lũ, nhưng bên cạnh...