Miền Tây mùa nước nổi: Cá linh mùa lũ, nhưng có mấy loại cá linh?
Hầu như ai về miền Tây mùa nước nổi thì đều đã từng thưởng thức các món ăn được chế biến từ cá linh. Cá linh như là một phần máu thịt không thể thiếu của mùa nước nổi ở miền Tây. Nhưng rất nhiều người không biết rằng, cũng là cá linh-sản vật mùa nước nổi nhưng có mấy loại cá linh?
Cá linh-sản vật mùa nước nổi ở miền Tây. Ảnh: IT.
Cá linh mùa nước nổi ở miền Tây được nhắc đến thường có 2 loại. Đó là cá linh ống và cá linh rìa. Nhiều nơi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn nhắc tới thêm 1 loại cá linh nữa-đó là cá linh cám. Tuy nhiên, các tài liệu và hình ảnh về loại cá linh cám này rất sơ sài và loại cá linh cám thường được nói tới đối với những người làm nghề “hạ bạc”-nghề đánh bắt thủy sản mùa nước nổi ở miền Tây.
Cá linh ống-loại cá linh phổ biến nhất ở miền Tây mùa nước nổi. Ảnh: IT.
Có một điều thú vị, dù chia ra làm mấy loại cá linh, nhưng đầu mùa lũ (bắt đầu từ rằm tháng 7 âm lịch) khi lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông qua biên giới Việt Nam-Campuchia tràn về miền Tây theo các ngã sông đầu nguồn tỉnh An Giang, Đồng Tháp mang theo từng đàn cá linh thì lúc này không phân biệt được loại cá linh nào với cá linh nào. Lúc này, người dân bắt cá linh đều gọi chung các loại cá linh là cá linh non.
Khi theo dòng nước lũ từ sông Mê Kông qua biên giới Việt Nam-Campuchia về tới các huyện đầu nguồn tỉnh An Giang, Đồng Tháp thì tất cả các loại cá linh đều gọi chung là cá linh non. Ảnh: VTV.
Người dân vùng đầu nguồn như ở An Giang, Đồng Tháp nói, trong hành trình theo nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông về đến miền Tây cá linh vừa đi vừa đẻ, vừa đi vừa lớn. Cá linh đầu mùa về đến các tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp có kích thước như cái đầu đũa. Nước tràn, cá linh từ sông vào đồng và lớn rất nhanh. Lúc này mới phân biệt được đâu là cá linh rìa, đâu là cá linh ống.
Cá linh rìa thường hiếm gặp, ít phổ biến hơn trong mùa lũ ở miền Tây. Ảnh: IT
Video đang HOT
Mùa nước nổi ở miền Tây thường chỉ đánh bắt được nhiều loại cá linh ống, bởi loại cá linh này chiếm tỷ lệ “áp đảo” so với loại cá linh rìa. Và khi nói tới đặc sản cá linh thì hiển nhiên là đang nói tới cá linh ống. Các đàn cá linh từ thượng nguồn sông Mê Kông theo nước lũ về miền Tây cũng phần lớn là cá linh ống. Những hình ảnh về cá linh trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng phần lớn đều là cá linh ống.
Cá linh đi theo đàn và kiếm ăn ngầm nên để bắt loài cá này có nhiều cách, trong đó có đặt dớn, đăng…Ảnh: Danviet.
…hoặc có thể dùng chài để quăng bắt cá linh trên đồng nước nổi. Ảnh: IT
Còn cá linh rìa hiếm gặp hơn, tỷ lệ ít hơn có thân hình hơi dẹp, 2 bên hông có lằn vảy màu sậm đen. Cả 2 loại cá linh ống, cá linh rìa đều lớn lên theo con nước. Năm nào miền Tây lũ về sớm, nước lớn thì cá linh cũng về nhiều. Cả 2 loại cá linh ống, cá linh rìa đều có tập tính sống và đi theo thành đàn. Thức ăn của cả 2 loại cá linh trong nước lũ chính là rong rêu ngầm. Cũng vì tập tính này mà những dân làm nghề “hạ bạc” ở miền Tây bao đời nay chuyên bắt cá linh bằng đăng đó, giăng lưới, đặt dớn, cất vó hay là đóng đáy giữa sông.
Cùng với cá linh, bông điển điển mùa lũ là những sản vật mùa nước nổi ở miền Tây. Ảnh: Danviet.
Cùng với bông điên điển nở vàng ruộm ở những cánh đồng tràn nước, bông súng ma, các loại thủy sản mùa lũ, cá linh rất dân dã, nhưng là một phần không thể thiếu của mùa nước nổi ở miền Tây.
Theo Danviet
Loài cá đặc sản trứ danh chỉ có ở miền Tây mùa nước nổi
Cá linh kho tiêu và lẩu cá linh ăn kèm hoa điên điển là hai món đặc sản đậm chất Tây Nam bộ. Đặc sản trứ danh cá linh chỉ có trong mùa nước nổi miền Tây.
Mùa nước nổi Nam bộ bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Mùa này thường xuất hiện rất nhiều cá linh. Đầu mùa chính là thời điểm cá ngon nhất của năm, bởi cá chưa quá lớn nên xương chưa cứng, bụng cá lại có mỡ nên ăn rất béo. Loại cá này được xem là đặc sản của mùa nước nổi miền Tây.
Cá linh, bông điên điển là đặc sản trứ danh mùa nước nổi ở miền Tây, trong đó có tỉnh đầu nguồn An Giang. Ảnh (Danviet).
Nhắc đến cá linh người ta cũng không thể không nhắc đến loại hoa cũng gắn liền với mùa nước nổi - hoa điên điển, loài hoa nở vàng khoe sắc khắp cả mé sông, đầm lầy, ruộng nước. Hoa cho hương vị rất đặc biệt, giòn, thơm, bùi, béo lại nồng đượm hương, mang "hương đồng cỏ nội" được người dân Nam Bộ chế biến thành nhiều món ăn đặc sản bổ dưỡng.
Thông thường, đầu mùa lũ, cá linh non ở An Giang xuất hiện nhiều, có giá cao. Ngành chức năng tỉnh An Giang luôn khuyến cáo và quản lý chặt việc đánh bắt cá linh non với kích cỡ quá nhỏ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Vào đầu mùa nước nổi, cá linh non sẽ xuất hiện ở các nơi đầu nguồn như An Phú, Tân Châu, Hồng Ngự (Đồng Tháp), hay Thốt Nốt (Cần Thơ), có giá chỉ từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng một kg. Càng về sau cuối mùa, loại cá này càng rẻ. Cá cuối mùa nước đã trưởng thành được người dân dùng làm mắm. Mắm cá linh vùng Đồng Tháp, Long An, An Giang, Cần Thơ rất có tiếng. Tại Sài Gòn, thi thoảng cá linh sống vẫn được đưa từ miền Tây lên bán tại chợ với giá vài chục nghìn đồng một kg.
Cá linh và bông điên điển được xem là đặc sản trứ danh, dân dã ở miền Tây mùa nước nổi.
Nhiều người thưởng thức qua loại cá này chỉ một lần vẫn vương vấn mãi bởi thịt tươi và cái mùi vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Cá linh hầu như ăn được nguyên con, không cần đánh vảy. Bạn chỉ cần cắt ngang rốn cá một đoạn nhỏ rồi nặng hết ruột bên trong ra cho sạch. Cắt đuôi, sau đó rửa sạch và mang chế biến. Cá càng non thì thịt càng ngọt, hầu như không có xương, béo ngậy. Thịt loại cá này rất mềm và mau chín.
Cá linh đầu mùa hay cuối mùa chế biến theo cách nào cũng ngon và hấp dẫn như: cá linh tẩm bột chiên giòn, cá linh kho mắm ruốc, kho mía, kho khóm, canh chua cá linh... Những con cá linh mập ú, bụng đầy mỡ, người ta mang nướng trên bếp than ửng hồng, thịt cá vừa ngọt vừa béo và cũng lại cho hương thơm phương phức. Lẩu cá linh nấu chua ăn cùng hoa điên điển và cá linh kho tiêu là hai món ăn rất phổ biến.
Cá linh nấu lẩu chua
Vì cá linh rất mềm và mau chín, nên trước khi ăn mới trút nhẹ cá linh vào nồi. Vừa ăn, vừa nhúng bông điên điển để giữ độ giòn và ngọt.
Cách làm món canh chua cá linh, cá linh nấu canh chua: Trước hết phải chọn cá linh tươi mang về móc ruột, làm sạch, để vào rổ thưa cho ráo nước, xong ướp với tỏi, ớt, đường, chút muối khoảng 10 phút.
Chặt một trái dừa tươi đổ vào nồi để nấu, dằn vài muỗng nước mắm ngon, đường, ít me dầm lấy nước chua rồi nêm nếm sao cho vừa ăn. Sau đó cho tỏi phi thơm, thêm ít tóp mỡ, rau ngò gai và nấu cho sôi riu lên. Cá linh rất mềm và mau chín, nên trước khi ăn mới trút nhẹ cá vào nồi. Vừa ăn, vừa nhúng hoa điên điển để giữ độ giòn và ngọt từ hoa.
Cái ngon độc đáo của món ăn này là nhờ vị chua chua, ngòn ngọt, thơm thơm kèm thêm hương vị từ hoa điên điển. Ăn kèm với món có thể là bún tươi hoặc cơm nóng, không thể thiếu một ít nước mắm ngon và ớt để chấm cá.
Cá linh kho tiêu
Trước khi kho cá linh, cho nước mắm vào nồi kho chung với cá, giữ lửa liu riu độ 15-20 phút để màu cá sắc màu lại.
Cách làm món các linh kho tiêu. Cá linh làm sạch để ráo rồi nêm ít đường, muối, bột ngọt, tiêu, nước màu cho thấm khoảng 10 phút. Món cá kho tiêu này nên nêm nếm sao cho hợp khẩu vị của từng nhà, bởi có người thích kho thật mặn, nhưng lại cũng có người thích vừa mặn, vừa ngọt.
Sau đó cho cá vào một cái nồi đất, thêm ít nước lã. Nước mắm kho cá phải là nước mắm ngon. Trước khi kho, cho nước mắm vào nồi kho chung với cá, giữ lửa liu riu độ 15-20 phút để nồi cá sắc màu lại. Cho ít hành và ớt lên trên cho có mùi thơm và chút cay nhẹ.
Món này dùng với cơm nóng hay nguội đều ngon. Ăn kèm là bông súng, bắp chuối bào, hoa điên điển ngâm chua, rau muống ngâm chua ngọt, hoặc ăn với rau lang, rau trai luộc, đọt nhãn lồng... đều ngon.
Theo Danviet
Miền Tây mùa nước nổi: Món quà của...lũ Mùa nước nổi là mùa lũ lên, người dân miền Tây Nam bộ vẫn gọi là "tháng nước nổi". Người dân mong ngóng mùa về, khi ấy phù sa và những đàn cá lớn cũng về. Mong ngóng, chờ đợi trong hồi hộp, thế nhưng giờ đây không ít chuyện bất thường xảy đến, có năm mùa nước nổi nhưng lại thiếu nước,...