Miền Tây đón mùa lũ mới: Lại nhộn nhịp làm mắm cá mè vinh thơm nức
Hương vị mặn mà, thơm ngon của mắm cá mè vinh xứ lụa Tân Châu (An Giang) đã phải lòng biết bao lữ khách. Giờ đây, sản phẩm đặc trưng ấy trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp vùng. Một mùa lũ mới đang được người miền Tây chờ đón với cảnh nhộn nhịp làm mắm cá mè vinh thơm nức tiếng.
Nắm bắt quy luật này, mùa nước nổi về là bà con ở đây tất bật chuẩn bị ngư cụ, lu, khạp để khai thác cá đồng làm khô, mắm.
Ngoài cá lóc, cá trèn, cá sặc, cá chốt… thì cá mè vinh được bà con nghèo nghĩ ra cách làm mắm ăn rất ngon.
Những lão cao niên ở đây cho biết, ngày ấy mỗi lần đến thời điểm cuối mùa nước lên, người dân thi nhau thả lưới dưới các dòng kênh để bắt cá mè vinh nhộn nhịp như ngày hội. mỗi gia đình giăng lưới dính hàng trăm ký cá mè vinh trong suốt mùa cá ra là chuyện bình thường…
Quê lụa Tân Châu là vùng đất nằm ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, được thiên nhiên phóng khoáng ban tặng nguồn lợi thủy sản rất phong phú. Và món mắm cá mè vinh là đặc sản nổi tiếng ở vùng đất này.
Nhờ vậy, mới có nguồn cá mè vinh làm mắm cung ứng cho các chợ đầu mối.
Trưa tháng 7, ghé chợ Tân Châu, không khí buôn bán ở đây nhộn nhịp. Họ đến rồi lặng lẽ đi trong buổi xế trưa.
Gặp chị Phạm Thị Kim Ngọc (48 tuổi) đang ngồi chễm chệ trên sạp mắm cá mè vinh mời chào khách rôm rả, chúng tôi ghé lại mua mắm.
Chị kể, ngày trước má chị là bà Sáu, một trong những “cao thủ” mần mắm ngon nức tiếng không chỉ ở xứ lụa Tân Châu, mà những sạp mắm nổi tiếng ở Châu Đốc cũng không sánh bằng.
“Má tui là dân chính gốc vùng sông nước nên hiểu được truyền thống ăn mắm của bà con mình. Do đó, má tui mần mắm ngon đáo để.
Con mắm cá mè vinh được má tui làm khác hơn người ta. Dạo trước má tui chỉ mua cá mè vinh đồng để mần mắm.
Bà kỹ lưỡng đến nổi, phải thức đêm chong đèn dầu ra tận bến sông chọn lựa từng con cá mè vinh to, tươi ngon.
Cá mè vinh khai thác ngoài tự nhiên ở miền Tây mùa lũ. Ảnh: IT
Video đang HOT
Cá mua về, bà đem đánh vảy, rửa sạch để ráo nước, rồi mới đem ướp muối cho vào khạp đậy kín. Sau 1 tháng ủ, lấy mắm ra rửa sạch, phơi cho thật ráo nước.
Bước kế tiếp, dùng gạo rang cho vàng óng có mùi thơm, rồi đem xoay nhuyễn thành thính. Cho cá trở lại khạp, phủ đều thính lên cá, ép chặt, đậy kín nắp, ủ thêm khoảng 1 tháng nữa.
Sau đó, cho đường mía vào nồi cùng với một ít nước, nấu đường tan ra màu, đảo đến khi hơi sệt lại là được. Phết hỗn hợp nước đường vào bụng mắm, lưng mắm cho đều (hay còn gọi là chao mắm).
Chao xong cho vào lu, khạp, ép chặt, đậy kín nắp, thi thoảng trở mắm cho đều. Khoảng 1 tháng sau khi mắm cá mè vinh chuyển qua màu đỏ sẫm, thơm mùi đường là có thể lấy ra dùng được”- chị Ngọc nói về “bí quyết” làm mắm các mè vinh.
Những con mắm cá mè vinh to bằng bàn tay người lớn phảng phất hương thơm của thính. Nếu ai là “tín đồ” ăn mắm sẽ khó có thể cưỡng lại.
Thấy chúng tôi thắc mắc, tại sao mùa này lại có những con cá mè vinh to để làm mắm? Chị Ngọc trần tình: “Bây giờ cá mè vinh to bằng bàn tay hiếm lắm chú ơi.
Ngày nay ở nhiều tỉnh miền Tây như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang…nhiều hộ nuôi cá mè vinh trong bè trên sông khiến nguồn cung loài cá này thêm dồi dào.
Đồng ruộng bị đắp đê ngăn lũ lấy đâu ra nhiều cá mè vinh như vậy để mần mắm. Để đảm bảo nguồn mắm bán quanh năm, tui phải dùng đến cá nuôi bè. Mà cũng lạ, cá mè vinh nuôi bè to, ú làm mắm lại ăn ngon đáo để”.
Mắm của chị Ngọc sản xuất ra đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là tiêu chí hàng đầu để thương hiệu mắm cá mè vinh Bà Sáu khẳng định được “chỗ đứng” của mình trên thị trường. Mỗi năm, sạp mắm của chị Ngọc bán từ 1-2 tấn mắm cá mè vinh.
Không dừng lại ở đó, thương hiệu mắm cá mè vinh Bà Sáu đã được Ban Tổ chức Chương trình khảo sát Vietnam Trust Food 2014 cấp chứng nhận đạt chuẩn.
Buôn bán lâu năm, nên cung cách của chị Ngọc vẫn giữ được sự mộc mạc, chân chất của những chị bạn hàng quê chánh gốc.
Chị không nói thách, cũng không gạt gẫm người khác về nguồn cá mà mình làm mắm. Hôm ghé mua, biết chúng tôi làm nghề báo, chị Ngọc gửi tặng 1 con to bằng bàn tay để thưởng thức hương vị mắm cá mè vinh.
Chị Ngọc chỉ thêm cách chế biến mắm cá vinh: mắm này chưng hoặc chiên đều ngon. Nếu chiên thì bắt chảo lên bếp đổ nước xăm xấp, rồi cho con mắm vào vặn lửa liu riu.
Trong quá trình chiên phải canh lửa và trở đều để tránh cá khét. Kế tiếp lấy nước chao mắm, thêm gia vị, tóp mỡ, tỏi… cho vào nồi vặn lửa vừa phải.
Chờ khi nào thấy nước mắm trong chảo sánh sệt lại, sau đó rắc tiêu xoay nhuyễn vào là dùng được. “Thật tình mà nói, con mắm cá mè vinh chiên ăn kèm với cà tím, dưa leo, chuối chát, rau sống đều tuyệt vời”- chị Ngọc tâm đắc.
Mỗi khi có dịp ghé chợ Tân Châu, thử mua mắm cá mè vinh mang về thưởng thức mới tận hưởng hết cái hương vị đồng đất ở xứ lụa mỹ miều này.
Theo Thành Chinh (TTMT)
"Thủy quái" Vàm Nao cùng giai thoại cá sấu 5 chân thành tinh
Miền Tây có hàng ngàn con sông, rạch, trong đó có những dòng sông rất lớn như sông Tiền, sông Hậu, Mê Kông, Vàm Cỏ... Nhưng, có một con sông chỉ dài chưa đến 7km, lại rất nổi tiếng. Ở con sông ấy có hầu hết những loài cá "khủng" đã trở thành huyền thoại như cá hô, cá nược, cá đuối, cá tra dầu, cá bông lau...
Đó là sông Vàm Nao ở An Giang.
Giai thoại cá sấu 5 chân thành tinh
Theo chân ngư dân trẻ Hồng Sơn, chúng tôi tìm đến nhà lão ngư Hai Lý, ở xóm chài Bình Thủy, huyện Phú Tân, An Giang. Năm nay đã ngót 80 tuổi, gần trọn đời gắn bó với dòng Vàm Nao, lão ngư Hai Lý kể: "Sông Vàm Nao có nhiều chỗ sâu đến mấy sợi dây thừng, tức khoảng 30m, nhiều đoạn nước xoáy, đủ sức nhấn chìm một chiếc ghe lớn. Dòng nước chảy xiết, đáy sông sâu với nhiều hang hốc nên Vàm Nao đã kéo theo các loài cá "khủng", nặng hàng trăm ký từ sông Mê Kông tìm về trú ẩn như cá hô, cá tra dầu, cá vồ cờ, cá nược, cá đuối, cá đao, cá mập, cá sấu".
Con cá tra dầu "khủng" ngư dân bắt được trên sông Vàm Nao
Lão ngư Hai Lý kể tiếp: "Ông bà tôi kể, gọi sông là Vàm Nao vì khi mùa lũ qua, ngã ba sông này nhìn nước chảy như thác cuộn, ghe tàu nào cũng khiếp, sợ bị lật nên nao lòng, thối chí, bởi thế mới có câu "Đố ai ve được con đò Vàm Nao". Thời nhà Nguyễn, thấy tên gọi nghe buồn quá nên đã đổi tên sông là Thuận Giang, nhưng dù gọi thế nào nó vẫn mãi là sông tử thần. Những năm lũ lớn, ghe tàu qua ngã ba sông Vàm Nao hay bị sóng lưỡi búa đánh chìm, cứ cách vài ngày lại nghe văng vẳng tiếng khóc, kêu cứu".
Con cá đuối "khủng" bắt được trên sông Vàm Nao
Nói một hồi, ông Hai Lý nhỏ giọng, nét mặt tỏ vẻ nghiêm trọng: "Vàm Nao là con sông linh nhất miền Tây, có "ông" muôn đời trầm mình, trấn yểm đáy sông. Những người ăn ở ác, chạy ghe qua đây, "ông" chỉ cần ngoác cái miệng ra là nước xoáy mạnh, thuyền ghe lớn cỡ nào cũng chìm".
Tôi ngạc nhiên: "Ông là ai chú?", ông Hai Lý tiếp tục nhỏ giọng: "Đó là con cá sấu 5 chân thành tinh, không bao giờ chết, do một người tên là Đình Tây ở vùng Thất Sơn nuôi. Sau đó "ông" thoát ra ngoài, bơi đến vùng sông Vàm Nao. Thân hình "ông" lớn đến mức nằm lấp hết cả đáy sông. Người ta không dám gọi thẳng tên ông mà gọi là ông Năm Chèo. Hồi còn nhỏ xíu, mỗi khi chú làm gì sai là ông bà nội lại "hù": "Không ngoan là coi chừng "ông" Năm Chèo bắt đi đó". Lúc đó, biết "ông" Năm Chèo là ai đâu. Lớn lên, mỗi lần có ghe chìm, người ta lại bảo, bị "ông" bắt vì ở ác".
Do nước chảy xiết nên bên bờ sông Vàm Nao thường xảy ra những trận lở kinh hoàng. Mỗi lúc như vậy, người ta lại đồn rằng do "ông" cựa mình, quẫy đuôi. Còn nguyên nhân khiến dòng chảy xiết là do ông Năm Chèo... thở mạnh tạo ra, ngã ba Vàm Nao dữ tợn bởi nằm ngay cửa họng ông Năm Chèo. Cũng có người cho rằng nhìn bản đồ sông Vàm Nao có hình thù như cá sấu. Cũng có chuyện kể rằng có nhóm thợ săn sấu từ miệt U Minh ỷ tài lên Vàm Nao bắt Năm Chèo lấy tiếng nhưng rốt cuộc kẻ mất mạng, người chạy trối chết... Cũng có người cho rằng đó chỉ là những câu chuyện dân gian đồn thổi nhưng ghe thương hồ hay ngư dân mỗi khi đi ngang Vàm Nao, đều phải thắp hương khấn vái kính cẩn.
Con cá cây vàng
Cách đây 2 - 3 chục năm, ngư dân ở làng chài Bình Thuỷ có nhiều triệu phú nhờ nghề săn bắt cá hô, loài cá "tiến vua". Lão ngư Sáu Viên, 74 tuổi, ở xóm chài này là một trong số đó. Ông là một trong những ngư dân giữ "kỷ lục" về số lượng cá hô bắt được với hơn 50 con, trong đó nhiều nặng trên 1 tạ. Ông đã bỏ nghề săn cá hô nhưng ký ức về loài cá khủng này vẫn đầy ắp.
Đã lâu những tấm lưới cá hô này không ướt nước sông Vàm Nam
Ông Sáu Viên bảo, Vàm Nao ngoài cá mập, cá sấu, còn một loài cá khác hung tợn không kém, đó là cá bông gấm. Loài cá có sắc bông vằn vện như con báo gấm, nhìn rất đẹp, to như súc gỗ dài khoảng 2m. Cá bông gấm đi săn mồi thành bầy ngót chục con. Trâu bò bơi qua sông bị cá cắn lôi xuống sông. Còn người bơi hay tắm sông hoặc bị đắm tàu xuồng thì chúng lao tới xâu xé. Hồi đó, do bị cá ăn thịt hoài nên người ta đi tìm thầy trị, sau được một ông thầy ở miệt Kiên Giang chỉ cách dùng trái bí đao già luộc chung với dây thuốc cá rồi liệng xuống sông. Ruột bí đao giữ nhiệt lâu, cá sấu, cá mập nuốt phải, vừa bỏng ruột, vừa ngấm độc, chết. Cá bông gấm bu lại xâu xé xác cá cũng bị trúng độc chết theo.
"Riêng cá hô, mặc dù rất to, có khi nặng cả ngót 2 tạ, nhưng lại rất hiền, chỉ ăn rong rêu, tép cá. Đặc biệt là chúng rất mạnh. Một cú quẫy đuôi có thể làm nước chảy xoắn lại ào ào. Vì thế, các loài cá dữ chẳng con nào lại gần chúng được. Cá hô lạ lắm. Thấy nó lội đó nhưng không phải ngư dân nào quăng chài, bủa lưới là bắt được. Bởi thế, phải có cái duyên, và phải tuân theo "luật" riêng của ngư dân. Một trong những tục đó là người nào mới vào nghề, con cá hô đầu tiên bắt được dù lớn hay nhỏ phải khao cả xóm", ông Sáu kể.
Ông Sáu cho biết, thời hoàng kim của nghề săn cá hô, chỉ riêng việc đầu tư lưới đã hết mấy cây vàng. Không phải ngư dân nào cũng có bạc sắm lưới cá hô được. Ông nói tiếp: "Nhưng nếu là tay sát cá thì chỉ cần một mùa bắt được 2 con là dư sức huề vốn. Một con cá bán xong mua được mấy cây vàng, một mùa bắt được vài con cá coi như có bạc triệu xài rủng rỉnh năm này qua năm kia. Còn nếu xui không bắt được con nào thì nợ chồng nợ, phải bán lưới trả nợ. Mà chuyện này lại hay xảy ra trên đất cù lao này. Lắm ngư dân thấy bắt cá hô tưởng dễ nên vay tiền, hỏi mượn vàng cây mua lưới. Tới ngày thả lưới, ruột gan héo hon khi lưới bên dính cá hô khổng lồ, còn lưới mình nhẹ tênh".
Cá bông lau đuôi vàng, một trong những loài cá đặc sản của sông Vàm Nao
Ông Sáu kể, con cá hô to nhất ông săn được cách đây hơn 30 năm, nặng 170kg. "Lần đó, vợ chồng tôi kéo lưới, thấy mặt nước phun bong bóng lên như nồi nước sôi lớn, rộng một khoảnh cả chục mét. Kéo lưới không nhúc nhích, vợ chồng tôi xanh mặt, tưởng bị "ông" quở phạt gì, giữ lưới lại, nên vội vàng khấn vái. Sau đó tiếp tục kéo thì được, nhưng quá nặng, phải gọi thêm mấy ghe bạn đến kéo phụ. Bất ngờ từ dưới nước vọt lên con cá hô lớn cỡ chiếc xuồng. Tôi la lên cho người ta tới tiếp ứng... cả tiếng sau mới không chế được con cá khủng. Lần đó, sau khi bán cá, gửi quà cáp cho những người phụ mình, còn để dành được 2 cây vàng", ông Sáu kể.
Theo chân ngư dân Hồng Sơn ra sông Vàm Nao khi xóm chài đã lên đèn, mặt nước yên ả, lặng như tờ. Ánh đèn từ những ngôi nhà bên bờ hắt xuống mặt nước lung linh. Ngọn gió quất vào mặt mát lạnh. Anh Sơn bảo: "Mùa này nước yên lắm. Nhưng người ta bảo, vì cá khủng hết rồi nên sông cũng bớt sóng lớn".
Ngư dân Hồng Sơn và con cá mè Vinh mới câu được trên sông Vàm Nao.
Bây giờ, Vàm Nao đã vắng bóng nhiều loài cá khủng như bông gấm, cá nược, cá mập, cá sấu, riêng cá hô vẫn còn, lâu lâu mới có người may mắn bắt được. Những tay "sát thủ" cá hô một thời như Sáu Viên, Hai Lý, Năm Thứ, Tư Hung, Bảy Thạnh... đã gác lưới cá hô.
Lão ngư Sáu Viên bảo, đã theo nghề săn cá hô là phải sống với loài cá này, nó như một lời nguyền. Còn nếu chán nản vì bắt không được cá mà bán lưới cá hô, mua lại lưới cá khác thì sẽ không đánh bắt được con nào. Vì lời nguyền đeo đẳng ấy mà nhiều ngư dân nhìn thấy bạn trong nghề giàu lên với nghề bắt cá hô nhưng không dám theo con cá khổng lồ vì sợ vướng lời nguyền.
Theo Khương Hồng Thủy (Nông nghiệp Việt Nam)
Cận cảnh những "quái ngư" khủng từng bị tóm gọn ở miền Tây "Quái ngư" là tên nhiều người gọi những con cá "khủng" như tra dầu, cá hô, cá đuối, cá chình, cá rồng từng bị các lão ngư lão luyện tóm gọn ở miền Tây. Mỗi con "quái ngư" nặng hàng chục, thậm chí hàng trăm kg đã mang lại thu nhập cao cho những người đánh bắt cá trên sông Tiền, sông Hậu......