Miền Tây đón lũ…
“Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ”, cách nói của người miền Tây về mùa nước nổi hằng năm. Con nước mang nặng phù sa từ thượng nguồn đổ về, ngập mênh mông cánh đồng vùng đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền qua huyện An Phú (An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp).
Mùa nước nổi cũng là mùa mưu sinh của người dân, với bao nguồn lợi thủy sản. Năm nay, nước lũ về muộn đến tận cuối tháng 8 (âm lịch). Dòng nước chan hòa vào kênh rạch, tràn vào những cánh đồng mênh mông…
Những ngày này, người dân các huyện An Phú của An Giang, Hồng Ngự của Đồng Tháp tất bật với việc chài lưới, đánh bắt tôm cá và khai thác sản vật của mùa lũ. Hơn 20 năm qua, mỗi mùa nước lũ, ông Nguyễn Văn Năm, ngụ khóm Cây Da (phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự) bơi xuồng men theo dòng kênh Trà Đư và cánh đồng Thường Lạc đặt lú, dớn, giăng lưới. Hơn một tháng trước, ông Năm và các con chuẩn bị ngư cụ đón mùa lũ. Năm nay lũ về muộn cả tháng.
“Tôi cứ nghĩ thất thu mùa lũ, may mà con nước lại về”, ông Năm nói. Lũ về dù muộn nhưng bà con ai nấy cũng phấn khởi. Mực nước lên chậm, cá tôm cũng không nhiều như trước nhưng người dân có thu nhập từ việc khai thác cá tôm…
Cánh đồng vùng đầu nguồn ngập nước, người dân tận dụng khai thác thủy sản mùa lũ.
Một đặc sản mùa nước nổi là cá linh non xuất hiện. Cá linh bắt đầu với con nước mùa lũ. Loài cá này xuôi theo dòng nước từ thượng nguồn đổ về các nhánh sông Tiền, sông Hậu, chan hòa vào kênh rạch, đồng ruộng. Các huyện đầu nguồn có cá linh sớm nhất, vì đây là nơi đầu tiên đón lũ. Anh Nguyễn Văn Kiên, ngụ xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, bày tỏ: “Lũ về muộn cả tháng, tưởng là không có cá linh nữa. Mấy bữa nay, mực nước lên liên tục lên.
Nước lũ về, nhiều loại cá cũng về theo. Mừng nhất là có cá linh mang ra chợ bán”, anh Kiên nói. Cá linh non thường hay làm các món chiên giòn, kho lạt, nấu canh chua ăn với bông súng, điên điển… Dọc theo nhánh sông Sở Thượng, bà con tập kết cá linh, cá đồng cua, lươn vừa thu hoạch được dưới sông, trên các cánh đồng mênh mông nước.
Giá cá linh tương đối ổn định. Tại nơi đánh bắt có giá từ 70.000 – 90.000 đồng/kg cá tươi; cá làm sẵn 100.000 – 120.000 đồng/kg. Cá linh được vận chuyển về các chợ trong và ngoài khu vực Đồng Tháp và An Giang với giá cao hơn. Bà Nguyễn Thị Liễn, ngụ xã Thường Thới Hậu A phấn khởi vì mỗi ngày đặt dớn bắt được từ 3-4kg. Hôm nào nhiều cũng bắt được 6-7kg cá linh.
Video đang HOT
Theo chủ vựa cá ở huyện Hồng Ngự, so với những năm trước, lượng cá linh giảm rất nhiều nhưng bù lại, giá bán cao hơn. Anh Trương Văn Hùng cho biết, mỗi ngày đặt 3-4 bốn cái dớn cũng đủ gia đình kiếm sống. Một nông dân khác là ông Đặng Văn Đoàn kể rằng, trước đây vào khoảng tháng sáu, tháng bảy (AL) là nước bắt đầu về và dâng lên chậm dần cho đến tháng mười mới rút. Tôm cá có thời gian sinh trưởng nên số lượng nhiều, khi nước rút trong đồng vẫn còn bắt được tôm cá.
Hồng Ngự là huyện đầu nguồn vùng lũ, cũng là địa phương xả lũ vào đồng lấy phù sa sớm của Đồng Tháp. Năm nay, hơn 8.500ha đất ruộng ở huyện Hồng Ngự đều được ngành nông nghiệp cho xả lũ vào đồng.
“Việc xả lũ vào các cánh đồng là điều mong muốn của các hộ dân. Xả lũ sớm để vệ sinh đất ruộng nhằm để đất nghỉ, tái tạo chất dinh dưỡng cho đất, hạn chế được nhiều loại dịch bệnh, chuột phá hại mùa màng, tạo thuận lợi cho nông dân trong canh tác những vụ mùa tới”, ông Nguyễn Hoàng Nhung – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự nói.
Năm nay, Đồng Tháp xả lũ hơn 90.200ha. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, việc xả lũ lấy phù sa được người dân thống nhất cao. Trong điều kiện đê bao chắc chắn, các huyện, thị xã, thành phố vẫn có thể tiến hành xả lũ có kiểm soát nhằm lấy phù sa, tiêu diệt sâu bệnh, hạt cỏ dại lưu tồn trong đất, giúp cây lúa phát triển tốt, giảm chi phí cải tạo đất.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long phân tích, mùa nước nổi năm nay về chậm, bà con nông dân nuôi trồng thủy sản như nuôi tôm càng xanh, cá lóc đang gặp khó khăn vì nước không tràn đồng. M
ùa lũ về muộn cũng sẽ làm cho nguồn thủy sản tự nhiên suy giảm, cuộc mưu sinh của người dân trông chờ vào đánh bắt thủy sản tự nhiên gặp khó. Các làng nghề làm ngư cụ cũng bị ảnh hưởng, nhiều người đã phải bỏ làng lên thành phố tìm việc làm.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng điều đáng lo nhất, nếu tình hình mưa ít thì sang khoảng tháng 3-2020, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ rất gay gắt, sẽ tiếnsâu vào đất liền, có thể ảnh hưởng đến cả nguồn nước sinh hoạt ở những nơi trước đây chưa từng bị ảnh hưởng. Một ảnh hưởng nữa, khi dòng chảy sông Mê Kông yếu thì lượng bùn cát về năm nay sẽ rất ít…
Văn Vĩnh
Theo CAND
Bán giá cao hơn 10.000 đồng/kg, trồng xoài rải vụ lãi 220 triệu/ha
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, việc trồng xoài rải vụ đã khắc phục được tình trạng rớt giá do sản lượng tập trung vào một thời điểm, giúp cho nhà vườn thu nhập cao hơn. Hiện, xoài rải vụ bán được giá cao hơn 10.000 đồng/kg so với xoài chính vụ.
Tỉnh Đồng Tháp có 9.648ha xoài, chiếm 18% diện tích xoài cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng 127.000 tấn/năm, đưa tổng giá trị sản xuất ngành hàng xoài cả năm ước đạt 1.500 tỷ đồng.
Đặc biệt Đồng Tháp trồng xoài rải vụ với diện tích hơn 6.300ha. Xoài rải vụ bán được giá cao hơn 10.000 đồng/kg so với xoài chính vụ.
Bình quân xoài chính vụ như xoài Cát Chu vào thàng 4 và 5/2019 bán với giá từ 10.000-12.000 đồng/kg, trong khi đó xoài rải vụ ở những tháng khác bán với giá từ 20.000-27.000 đồng/kg.
Giống xoài chủ lực của tỉnh Đồng Tháp là xoài cát Chu chiếm 70% diện tích, cát Hòa Lộc chiếm 20% diện tích.
Nông dân chăm sóc xoài. (Nguồn: TTXVN)
Xoài là một trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp.
Điển hình tỉnh Đồng Tháp xây dựng được 6 điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ đủ điều kiện an toàn ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh với tổng diện tích hơn 416ha.
Ông Nguyễn Văn Công, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết trồng xoài rải vụ đã khắc phục được tình trạng rớt giá do sản lượng tập trung vào một thời điểm, giúp cho nhà vườn thu nhập cao hơn.
Với giá cao hơn xoài thường từ hơn 10.000 đồng/kg, lãi từ xoài rải vụ lên tới 200-220 triệu đồng/ha, trong khi đó xoài chính vụ lãi từ 150-160 triệu đồng/ha.
Ông Đoàn Thanh Hiền, xã viên Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, là một trong những người tiên phong trong việc áp dụng theo quy trình sản xuất an toàn xoài rải vụ cho biết, mô hình trồng xoài rải vụ giúp điều tiết sản lượng xoài cung ứng trong năm nhằm cân bằng cán cân cung cầu, giúp nông dân trồng xoài thu được lợi nhuận cao hơn xoài chính vụ từ 1,5-2 lần.
Đồng Tháp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu "Xoài cát Chu Cao Lãnh và Xoài Cao Lãnh" với 301ha được cấp mã vùng trồng xoài.
Toàn tỉnh có 181ha xoài chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 43ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và 17ha chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, qua đó góp phần vào việc xuất khẩu xoài của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đưa ra nhiều giải pháp thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp là thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng các mô hình điển hình trên cây ăn trái, trong đó có mô hình trồng xoài rải vụ...
Sáu tháng đầu năm 2019, sản lượng xoài thu hoạch được 76.450 tấn.
Tỉnh tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành hàng xoài, hướng dẫn, tập huấn nhà vườn trồng xoài rải vụ, đảm bảo đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng để tham gia xuất khẩu.
Đến nay, trái xoài của Đồng Tháp đã thâm nhập được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và mới đây đã được xuất sang thị trường Mỹ.
Theo Nguyễn Văn Trí (TTXVN/Vietnam )
Cá tra Việt (bài 2): Trung Quốc tự nuôi, hết thời một mình, một chợ Hiện nhiều nước có thể tự sản xuất được cá tra nên áp lực cạnh tranh của con cá tra Việt ngày càng lớn. Để xuất khẩu có lời, người dân và doanh nghiệp phải giảm tối đa chi phí sản xuất, làm sao để cạnh tranh giá đầu vào, không cạnh tranh giá đầu ra. Nuôi ngoài quy hoạch rước lỗ Theo...