Miền quê cổ tích
Đường lên xã Hòa Bắc (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bằng thuyền, bắt đầu từ cửa sông Cu Đê chảy ra biển Nam Ô, thuộc địa phận Q. Liên Chiểu.
Phía bờ nam cửa sông Cu Đê, tức là phía bắc làng Nam Ô có hai hòn núi. Hóa Ổ (tục gọi là động Suối Đá) mùa hè tiếng ve râm ran, người địa phương bắt ăn rất ngon miệng và bổ dưỡng với các món ve nướng, ve luộc, ve tái hay ve tẩm đường.
Làng biển đẹp như cổ tích.
Núi ở đây lô nhô, thấp và nhỏ, cây gỗ tạp mọc um tùm. Mùa thu và mùa đông cầu vồng hiện ở phía Nam, theo kinh nghiệm dân gian dự báo trời sẽ mưa lụt lớn.
Núi Xuân Dương khi xưa đã bị tàn phá để làm đường xe lửa và Quốc lộ 1 thời Pháp, giữa hai núi Xuân Dương và ghềnh Nam Ô là một quần thể tháp Chàm, nay đã không còn. Đây là cửa quan Cu Đê, do Bồng Nga Sa (tướng Chiêm Thành) trấn giữ hồi thế kỷ XV. Là tấn biển Cu Đê thời nhà Nguyễn thế kỷ XIX, Nguyễn Phúc Ánh là con thứ tư của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, thế kỷ XVII đã chọn địa thế tự nhiên này để lập lũy Cu Đê.
Nay là nơi đóng quân của Đồn Biên phòng Hải Vân 244. Hiện nay vẫn còn một di tích cổ được cho là xây từ thời Tự Đức gọi là miễu Ông Gốc. Di tích này, các cụ trong làng kể: Hồi xưa, cửa sông Cu Đê “ăn” đến chân hai núi, chia cửa sông thành hai dòng Hiền, Dữ; tàu thuyền ra vào theo dòng Hiền lặng sóng.
Sau một cơn bão, nhiều gốc cổ thụ đã xuôi theo dòng nước lũ trôi xuống, trong đó có một gốc lớn nhất mắc vào bờ chắn ngang dòng Hiền, cản trở ghe thuyền vào ra. Dân làng bèn lập đàn cầu khẩn. Năm sau, một cơn lụt khác đã cuốn cây cổ thụ kia ra biển, trả lại dòng Hiền cho dân làng. Từ đó người ta lập đền thờ, gọi là miễu Ông Gốc. Di tích cho biết cửa sông Cu Đê thời cổ rộng hơn hiện nay nhiều lần.
Làng Nam Ô hiện nay chính là làng Cu Đê xa xưa. Trong câu hát dân gian: “Thanh Khê – Hà Khê, Cu Đê – Hóa Ổ, phỉnh dỗ ta về, để bù (bọ) chét cắn”. Ở đây đã giữ lại nhiều giếng đá vuông của người Chăm, là nơi bảo lưu tục thờ cúng cá Ông và nghề làm nước mắm có yếu tố giao thoa văn hóa Chăm- Việt trên đất Cu Đê ngày xưa.
Nơi đây phong cảnh hữu tình, khí hậu ôn hòa mát mẻ, khi đến ta được chạm tay vào các tầng văn hóa, lịch sử và nhớ về một thời oanh liệt, thuở cha ông mở nước!.
Ở đây cũng có một điều rất lạ, núi Xuân Sơn làng Xuân Thiều thì nằm giữa làng Nam Ô còn rừng Bần Giá của làng Nam Ô lại nằm trên đất làng Xuân Thiều. Người xưa lý giải, đầu triều Gia Long, ba làng Nam Ô, Xuân Thiều và Xuân Dương ngày nay đều cùng chung một làng tên là Cu Đê, dân cư thưa thớt, làm nghề biển và nghề nông.
Video đang HOT
Đến đầu triều Minh Mệnh, do số dân phát triển, việc chia làng thuận theo nghề nông, nghề biển được đặt ra. Làng thuận nông là Xuân Sơn, được chia đất làm ruộng, trồng trọt hoa màu, có cả Bàu Tràm rộng, nước đầy. Làng thuận biển tên là Hoa Ổ, được chia theo sông nhiều tôm cá, có ghềnh đá, rạn ngầm, cả mặt biển trước làng dồi dào hải sản. Từ ngày mang tên mới làm lòng dân luôn đau đáu một nỗi, bởi Xuân Sơn là tên núi ở giữa làng Hoa Ổ (sau này vì kỵ tên húy một người nhà Chúa Nguyễn mà đổi từ Hoa ra Hóa) mà làng mình cứ phải mang tên, nên có một dịp người dân và chính quyền sở tại đồng lòng đổi luôn thành làng Xuân Thiều.
Một góc Nam Ô ngày nay.
Chuyện xưa kể, Nam Ô cũng là nơi vua tôi Trần Anh Tông tiễn em gái là công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để lấy hai châu Ô và Lý và cũng là nơi công chúa Huyền Trân chính thức xuống thuyền ở Lỗ Hạc (tứ ghềnh đá Nam Ô) về cố quốc an toàn sau khi Chế Mân chết, trong khi vị tướng Trần Khắc
Chung theo lệnh vua dẫn quân vào cứu công chúa anh dũng hy sinh. Người dân hỗn cư Chàm- Việt nơi đây đã chôn cất tử tế vị tướng dưới chân Tháp Chàm Trà Bì (tức tháp chàm Xuân Dương), bên bờ nam cửa sông Cu Đê thời bấy giờ…
Người Chiêm tức giận, cử binh đánh phá Châu Hóa, đòi lại đất hồi môn. Bốn năm sau, vua Trần Anh Tông thân chinh cử binh chinh phạt, lấy toàn bộ vùng đất từ nam Hải Vân đến bờ bắc sông Thu Bồn và sáp nhập vào Châu Hóa. Vua đã sắc phong thần vị cho vị tướng công và các thuộc hạ đã hy sinh bốn năm về trước.
Chuyện hư thực chưa tỏ, chỉ biết vị tướng này và thuộc hạ được thờ tại đình làng với bài vị có sắc tứ cổ kính là: “Tiền hiền Triệu Cơ chư Tiên linh Thần vị”. Các cụ dịch là Tiền hiền mở cõi.
Lịch sử qua đi, để lại những trang sử hùng tráng nhưng cũng không lấp được những nỗi lòng khắc khoải qua cảm xúc dân gian, giữa tình riêng và thù nước của vị tiền hiền mở cõi, được khắc họa sâu sắc ở hai câu trong bài văn tế ngài vào lễ tế Tiền hiền 24 tháng 6 âm lịch hằng năm tại đình làng Nam Ô: “Cổ vân lôi ư, tam cấp vũ môn, ninh kiến hà trừng thiên lý/ Chiêm phong lãng ư, kỷ trùng hoàng hải, vĩnh khang thốn tức thôn kình”.
Các cụ phỏng dịch: “Mây sấm xưa hừ, qua mấy màn mưa, lặng nhìn thấy đâu ngoài thiên lý/ Sóng gió Chàm hừ, lòng chồn nhớ nước, vẫn kiên gan chờ nuốt kình ngư”.
Huỳnh Viết Tư
Theo cadn.com.vn
Mũi Vi Rồng - Tuyệt tác chốn nhân gian của Bình Định
Nằm cách thị trấn Phù Mỹ, Bình Định khoảng 20 km về hướng Đông, Mũi Vi Rồng, hay còn gọi là: Mũi Rồng, là ngọn núi có hình dáng trông như một con rồng khổng lồ được thiên nhiên chạm trổ và điêu khắc. Với vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ mà gần gũi.
Mang trên mình những hình thù kì lạ của những khối đá, Mũi Vi Rồng cũng từ đó mà gắn liền với những truyền thuyết được truyền tai từ đời này sang đời khác. Theo những gì được kể lại thì trước đây, Mũi Vi Rồng từng là một khối hình có hình dáng giống vi cá chép. Vào đời nhà Đường, khi viên tướng Cao Biền đi tìm những nơi đất có vượng khí để trấn yểm, thấy Mũi Vi Rồng có phong thủy khá tốt, linh khí kết tụ bèn phù phép chém đứt để trừ hậu họa. Long mạch bị chém đứt, vảy rồng rơi, máu rồng đọng lại tạo thành những hòn đá son nhỏ nằm lẫn trong cát.
Tương truyền rằng, loại đá son này rất cứng. Khi mài với nước thì ra màu thắm đỏ, khi cầm không dính tay nên được xem là loại son trời cho. Ngày xưa, học trò khắp nơi về đây để lấy loại đá về làm son cho thầy chấm bài. Ngày nay, đến khám phá Mũi Vi Rồng nếu tinh ý bạn vẫn có thể tìm thấy những hòn son màu đỏ nằm lẫn trong cát biển.
Khi quan sát từ xa hay nhìn từ trên cao, bạn sẽ thấy Mũi Vi Rồng Quy Nhơn nhô ra biển là một tảng đá rất hiên ngang, bất khuất giữa sóng nước đại dương bao la. Dáng rồng vươn ra, rướn mình về phía biển, những con sóng bạc xô vào ghềnh đá tung bọt trắng xóa giống như miệng rồng đang phun nước vậy.
Bạn sẽ thấy đã mắt khi ngắm khung cảnh ấy và muốn có một cái máy ảnh để có thi ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã chạm trổ và điêu khắc rất kì công.
Khi đến với du lịch Bình Định khám phá Mũi Vi Rồng, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một quần thể bãi đá như bãi An Bàng, bãi Đá Dựng bao quanh cũng nhô lên với muôn hình vạn trạng đầy kì thú, trông giống như một con rồng đang cất mình bay ra biển lớn, tạo thành một khung cảnh giao hòa hùng vĩ của núi đá, sóng biển tạo thành. Đặc biệt, giữa lòng núi đá và một hang động hùng vĩ nằm xuyên ra biển vô cùng độc đáo và hấp dẫn.
Hang động hùng vĩ nằm xuyên ra biển vô cùng độc đáo và hấp dẫn.
Bạn sẽ không bao giờ quên khung cảnh tuyệt vời của thiên nhiên khi ngồi trên những ghềnh đá, lắng nghe tiếng sóng vỗ rì rào, ngắm núi, ngắm biển và ngắm nhìn những bọt sóng đánh vào ghềnh đá trắng xóa, nghe tiếng gió biển mang đậm vị nồng đượm của biển hay chìm trong khung cảnh bình yên của những chiếc thuyền đánh cá đang thấp toáng ngoài khơi xa.
Ghềnh đá - Mũi Vi Rồng tuyệt đẹp lúc hoàng hôn
Ngoài việc trải nghiệm khung cảnh nên thơ, tắm biển và dạo quanh những bãi tắm nhỏ nhắn với cát trắng phau, dòng nước mát rượi thì khi đến du lịch ở Mũi Vi Rồng, có một địa chỉ bạn không thể bỏ qua, đó là khám phá chợ thôn Tân Phụng.
Ghe thuyền tấp nập tại mũi Vi Rồng
Khu chợ này là nơi tập trung của các ghe thuyền đánh cá mỗi sáng. Bởi thế, khi đến chợ Tân Phụng, bạn sẽ thỏa sức mua bán những loại hải sản tươi ngon như cá, mực, đặc biệt là tôm hùm.
Mũi Vi Rồng là nơi lướt ván lý tưởng của những người thích trò chơi mạo hiểm
Một điều đặc biệt nữa là vào mùa Đông, Mũi Vi Rồng chính là địa điểm lướt ván lý tưởng có một không hai tại Việt Nam. Có lẽ vì thế mà hằng năm số lượng khách ghé đến nơi này càng đông, đặc biệt là khách nước ngoài đến đây để trải nghiệm môn thể thao mạo hiểm này.
Nguyên Vy t/h
Theo tapchicongthuong.vn
Kho ảnh khổng lồ về Việt Nam 1991-1993: Mộc mạc Hội An Hội An đầu những năm 1990 hầu như chưa xuất hiện trên bản đồ du lịch thế giới. Cách đây hơn 20 năm, Hội An vẫn còn chưa bị thương mại hóa bởi làn sóng du lịch. Những dãy phố ở nơi đây toát lên vẻ mộc mạc. Những nét kiến trúc cổ kính khiến con người như quay lại quá khứ. Nhịp...