Miền Nam Italy vừa chống dịch Covid-19, vừa chống mafia
Giới chức miền Nam Italy lo ngại các băng đảng mafia bất hảo sẽ lợi dụng cuộc khủng hoảng y tế trong khu vực để kích hoạt bất ổn, bạo loạn.
Cuối tuần trước, cảnh sát Italy được triển khai tới các con phố ở Palermo, thành phố miền Nam nước này, khi có thông tin các băng đảng đang sử dụng truyền thông xã hội để âm mưu tấn công các cửa hàng.
Một công ty bị phá sản ngừng cung cấp các dịch vụ tới hòn đảo này, bao gồm cả thực phẩm và thuốc men quan trọng. Khi tình trạng đang ngay càng căng thẳng ở Palermo và nhiều vùng khác ở miền Nam Italy, cảnh sát lo ngại mafia lợi dụng cơ hội này để làm loạn.
“Chúng ta cần phải hành động nhanh và nhanh hơn nữa. Căng thẳng có thể biến thành bạo lực”, Thị trưởng Palermo Leoluca Orlando cho hay.
Các binh sĩ Italy được triển khai tới nhà ga trung tâm thành phố Palermo trên đảo Sicily. (Ảnh: EPA-EFE)
“N găn chặn tình trạng bất ổn ở Mezzogiorno – khu vực phía Nam kém phát triển, bị tụt hậu so với miền Bắc giàu có trở thành ưu tiên hàng đầu của chính phủ“, Bloomberg dẫn lời một quan chức Italy giấu tên cho hay.
Khi lệnh phong tỏa bước sang tuần thứ 4, Bộ trưởng Y tế Italy Speranza cuối ngày 30/3 cho biết, chính phủ có thể sẽ gia hạn lệnh phong thành dự kiến hết hiệu lực vào 3/4 sang ngày 12/4.
Việc phong tỏa tại Italy khiến 3.7 triệu người dân làm việc trong nền “kinh tế ngầm” trở nên đặc biệt khó khăn vì họ không được nhận lương đều và gặp khó trong việc tiếp cận trợ cấp xã hội.
“ Ở miền Nam, nhiều người đang sống qua ngày, làm những công việc lặt vặt như bốc dỡ xe tải ở chợ và họ dễ nảy sinh mâu thuẫn. Chúng tôi cần cảnh giác xem liệu tội phạm có tổ chức đứng sau các bất ổn xã hội không“, Stefano Paoloni, một cảnh sát địa phương cho biết.
Lực lượng cảnh sát được triển khai tới bên ngoài các siêu thị ở Palermo, sau khi một nhóm cư dân lớn tiếng và từ chối trả tiền khi mua hàng.
Nhóm Facebook Cách mạng quốc gia với khoảng 2.600 thành viên kêu gọi những người khác có các hành động bày tỏ bất mãn như vậy. Trong bối cảnh đó, lực lượng an ninh Italy giám sát chặt chẽ các nền tảng xã hội, đặc biệt là WhatsApp.
Hôm 20/3, công ty phà đường thủy Tirrenia CIN quyết định tạm ngừng tất cả các chuyến đi tới vùng Sicily, Sardinia và các đảo nhỏ khác vì khó khăn tài chính. Để trấn an người dân, chính phủ đảm bảo hàng hóa quan trọng sẽ được cung cấp cho người dân.
Giuseppe Provenzano, người phụ trách khu vực miền Nam trong nội các Thủ tướng Conte cảnh báo rủi ro khi các băng đảng tội phạm có tổ chức sẽ ra mặt để cung cấp hỗ trợ cho những người có nhu cầu, nhằm lấp đầy khoảng trống và chính phủ để lại.
“ Chính phủ cần có các động thái mới mà không cần phải do dự. Rome cần làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân trong khu vực“, ông Provenzano nhấn mạnh.
Video: Nhân viên lò hỏa táng tại tâm dịch Covid-19 của Italy
Thủ tướng Conte đang xem xét gói kích thích kinh tế mới trị giá 33 tỷ USD sau gói ban đầu trị giá 27.4 tỷ USD. Ông Conte cũng đang tìm cách chuyển thêm các khoản viện trợ xuống miền Nam.
Cuối tuần trước, nhà lãnh đạo Italy yêu cầu tạm ứng trước 4,7 tỷ USD từ nguồn quỹ chính phủ cho các thành phố phía nam và 440 triệu USD khác cho các thị trưởng để chuyển đối thành phiếu giảm giá trong các cửa hàng tạp hóa.
“ Không ai bị bỏ lại phía sau“, Thủ tướng Conte khẳng định.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phía Nam đang kêu gọi nhiều hỗ trợ hơn nữa. Họ nói rằng, thiệt hại từ việc phong tỏa đang đẩy khu vực này tới bờ vực khủng hoảng.
Những lời kêu gọi này đặt thêm gánh nặng cho Thủ tướng Conte khi phải vật lộn đấu tranh ngăn chặn hệ thống y tế khỏi sụp đổ.
SONG HY
Trải nghiệm ba bước kiểm soát Covid-19 ở Hàn Quốc
Một người Anh và giáo sư Hàn nằm trong hàng nghìn người trải nghiệm ba bước "theo dấu, xét nghiệm, điều trị" của cuộc chiến chống Covid-19 ở Hàn Quốc.
Hàn Quốc ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên ngày 20/1, trong khi Italy báo cáo trường hợp dương tính đầu tiên sau đó 10 ngày. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại hai nước hiện đã khác hẳn nhau.
Italy đang là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 101.739 trường hợp dương tính nCoV, cũng là nước có số ca tử vong cao nhất với 10.559 người chết. Trong khi đó, Hàn Quốc mới báo cáo gần 9.800 người nhiễm bệnh, 162 người chết.
Chính sách kiểm soát dịch của Hàn Quốc có thể tóm gọn trong 3 bước gồm "theo dấu, xét nghiệm, điều trị". Hiệu quả từ nỗ lực này giúp Hàn Quốc được coi là một trong những quốc gia dẫn đầu nỗ lực chống Covid-19 và được nhiều nước học tập.
Một điểm xét nghiệm nCoV lưu động tại Hàn Quốc. Ảnh: AFP.
Ben Griffin, giáo viên ngoại ngữ ở thành phố Gyeongju, là một trong những người nước ngoài được trải nghiệm hiệu quả của hệ thống xét nghiệm diện rộng tại Hàn Quốc. Nước này đến nay đã xét nghiệm gần 400.000 người trên tổng dân số 51,5 triệu người.
Griffin đến bệnh viện Busan để kiểm tra sức khỏe định kỳ. Anh phải dừng tại bãi xe để kiểm tra thân nhiệt, khai báo sức khỏe và lịch trình đi lại nhằm xác định nguy cơ lây nhiễm nCoV. Thân nhiệt Griffin hơi cao hơn mức bình thường, khiến anh không được vào viện và được đề nghị xét nghiệm miễn phí. Giáo viên người Anh chọn cách dùng bảo hiểm y tế để khám sàng lọc với mức giá 99 USD.
"Tôi khai báo sức khỏe trong một căn lều lớn bên ngoài bệnh viện, sau đó được đưa vào khoang cách biệt. Những người bên trong đều mặc đồ bảo hộ chống độc", Griffin nhớ lại.
Quá trình lấy mẫu chỉ kéo dài 45 giây. Nhân viên y tế dùng bông tăm để lấy mẫu dịch trong khoang mũi và cổ họng Griffin.
"Nó khiến tôi chảy nước mắt và buồn nôn một chút. Xét nghiệm thực hiện lúc 4h chiều thứ sáu, tôi nhận kết quả âm tính vào trưa hôm sau", giáo viên này cho hay.
Xác minh lịch trình cũng là bước quan trọng trong chiến dịch ứng phó Covid-19 của Hàn Quốc. Griffin và vợ thường xuyên nhận tin nhắn tự động, thông báo nếu có người nhiễm nCoV gần nơi họ sống.
Tin nhắn được gửi dựa trên dữ liệu định vị của người dùng, cho biết chi tiết đi lại của bệnh nhân trong vòng 72 giờ gần nhất và hối thúc những người trong khu vực tới cơ sở y tế. Tên bệnh nhân được giữ bí mật, nhưng tuổi, nơi sinh sống và nghề nghiệp của họ được thông báo đầy đủ.
Binh sĩ Hàn Quốc khử trùng đường phố Seoul hôm 5/3. Ảnh: AFP.
"Có một ca dương tính trong tòa chung cư của chúng tôi. Không biết đó là ai, nhưng thông báo khẩn vẫn được gửi tới điện thoại và bảo vệ tòa nhà cũng cảnh báo người dân không ra ngoài", Griffin nói.
Giáo sư Hyun Park, người đang hồi phục sau khi mắc Covid-19, cho biết ông đã "tự tin một cách ngu ngốc" khi cho rằng mình luôn khỏe mạnh nhờ tập thể thao và rửa tay thường xuyên. Ban đầu ông chỉ hơi đau họng, ho khan và tức ngực. Giáo sư Park gọi vào đường dây nóng ứng phó dịch khi tình trạng xấu đi và được khuyến cáo đến bệnh viện xét nghiệm.
Kết quả được thông báo sau 24 giờ, xác nhận ông dương tính nCoV. Một nhân viên tòa thị chính gọi điện thoại để xác minh lịch trình và những người từng tiếp xúc với ông.
Quá trình điều trị bắt đầu ngay sau đó, giáo sư người Hàn Quốc được ưu tiên chuyển tới bệnh viện.
"Tôi được đưa vào phòng áp lực âm trong khu cách ly ở khoa chăm sóc tích cực. Họ chụp CT và X-quang, lấy mẫu máu và thực hiện nhiều xét nghiệm khác. Tôi nhanh chóng được cấp thuốc và thở oxy", ông Park nhớ lại.
Giáo sư Hàn Quốc cảm thấy dễ thở, nhưng vẫn như bị một tấm thép lớn đè lên ngực. "Ngực và bụng tôi như bị lửa đốt sau khi uống thuốc", ông nói thêm.
Bệnh nhân Covid-19 được đưa vào viện hồi giữa tháng 3. Ảnh: AFP.
Hàn Quốc đạt tỷ lệ 10,6 giường chăm sóc tích cực/100.000 dân, so với con số 6,6 của Anh. Các cơ sở y tế nước này ban đầu bị quá tải do số bệnh nhân quá lớn, đặc biệt là tại tâm dịch Daegu khi có tới hơn 5.000 người nhập viện vào đầu tháng 3.
Chính phủ Hàn Quốc giải quyết tình huống bằng cách chỉ tiếp nhận người cao tuổi hoặc người bệnh nặng, đồng thời cách ly người trẻ và bệnh nhân nhẹ trong các khu riêng biệt. Xét nghiệm diện rộng cũng giúp khoanh vùng, ngăn dịch lây lan và giảm áp lực cho hệ thống y tế.
Giáo sư Park nằm điều trị 9 ngày và được xuất viện sau khi có hai lần xét nghiệm âm tính nCoV. Ông được khuyến cáo tự cách ly tại nhà thêm hai tuần và bày tỏ sự biết ơn với những nhân viên y tế.
25 ngày sau khi ra viện, ông vẫn khó thở chỉ sau 5 phút đi bộ, nhưng luôn cố giữ tinh thần vui vẻ. "Còn sống là còn hy vọng", giáo sư Park nói.
Vũ Anh
Gần 800.000 người nhiễm nCoV toàn cầu Covid-19 tiếp tục lây lan nhanh trên toàn cầu, đặc biệt ở châu Âu và Mỹ, nâng số ca nhiễm lên gần 800.000, trong đó gần 38.000 người đã chết. Thế giới ghi nhận 782.034 ca nhiễm nCoV và 37.609 người chết tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Châu Âu chiếm khoảng 2/3 số ca tử vong với 26.674 người chết...