Miên man sóng vàng
Mù Cang Chải đã vào mùa lúa chín, tôi lại khăn gói lên đường. Đã bao nhiêu lần đến đây mà lòng vẫn đầy háo hức, xốn xang như đi khám phá miền đất lạ.
Sang thu, nắng vàng, gió mát.
Đường lên Mù Cang Chải không có ổ trâu, ổ gà, xe cứ thế bon bon. Từ đèo Khau Phạ (một trong tứ đại đỉnh đèo cùng với Pha Đin, Ô Quý Hồ, Mã Pí Lèng) nhìn sang bên trái, những nương ngô, nương thảo quả đang bật lên xanh mướt; bên phải, những mảnh ruộng bậc thang đang độ chín vàng xếp nối, hun hút, mênh mông. Tiếng Thái, khau là sừng, phạ là trời, Khau Phạ là sừng trời.
Trước mắt chúng tôi, đỉnh Khau Phạ như một chiếc sừng khổng lồ nhô lên trên mây. Trên chiếc sừng khổng lồ ấy có những cái chòi cao, hàng mấy trăm người đang tụ lại bên những chiếc dù lượn. Bạn đồng hành cùng tôi reo lên: “Festival dù lượn Bay trên mùa vàng phải không”. “Ừ! Năm nay Mù Cang Chải tổ chức hai sự kiện dù lượn là Bay trên mùa nước đổ vào tháng 5 và Bay trên mùa vàng vào tháng 9″. Anh bạn tôi mải mê chụp ảnh bên những biệt đội bay, lâu quá, tôi giục: “Đi thôi! Còn nhiều điều thú vị đang chờ ta phía trước!”.
Chúng tôi lại lên xe, vượt qua đỉnh đèo hun hút gió. Hết đèo, mây sà xuống thấp, sương tan dần, những thửa ruộng bậc thang đang độ chín, lớp lớp gối lên nhau, rực rỡ, lộng lẫy như dàn sóng nhạc đang ngân lên bản tình ca của núi rừng.
Đi được một đoạn, anh bạn tôi lại vỗ vai: “Dừng lại một tí đi! Chỗ này đẹp quá!”. Chúng tôi cứ thế bị hút hồn, mải mê cùng những thảm ruộng bậc thang mà vẻ đẹp của nó được các nghệ sỹ nhiếp ảnh đặt bằng những cái tên thật mỹ miều như: “Sóng vàng”, “Những nấc thang vàng”, “Mâm xôi vàng”… vẫn chưa thể lột tả được hết vẻ đẹp. Cùng núi rừng kỳ vỹ, trên những triền lúa đổ vàng, thấp thoáng bóng áo chàm, váy hoa của người Mông đi gặt, tiếng đập lúa vào thùng gỗ ngân vang. Dù còn nhiều vất vả nhưng họ vẫn ánh lên những nụ cười.
Tôi chọn một chỗ đứng cao, tranh thủ chụp mấy tấm ảnh. Phóng mắt ra, mọi góc nhìn đều thấy mới mẻ, đều toát lên vẻ đẹp riêng. Mù Cang Chải mùa này đang khoác trên mình bộ cánh áo mới. Trời mây như trong xanh hơn, cảnh sắc như bừng tỉnh. Không chút bụi bặm, ồn ào, ta như thấy bình yên tràn ngập cả lòng mình.
Cũng như mọi năm, thời điểm này, du khách trong nước và ngoài nước tụ hội về đây, cùng ra tận ruộng, chiêm ngưỡng và trải nghiệm.
Trên ruộng, ven đường, rất nhiều tốp người mải mê chụp ảnh. Đây đó, các chị, các cô người Mông xúng xính, rực rỡ váy áo đi hội. Có người gùi theo nhiều bộ váy áo đẹp cho du khách thuê chụp ảnh; có người nhận làm người mẫu cho các tay máy; có người gùi theo đặc sản như sơn tra, rau cải mèo, ổi… bày bán ngay dọc đường.
Anh bạn Ngô Bá Hòa vỗ vai tôi bảo: “Người Mông Mù Cang Chải biết làm du lịch rồi đấy! Có khác gì Sa Pa đâu”. “Ừ. Kia nữa!”. Ở những đoạn đường rẽ vào khu ruộng danh thắng, xe ô tô không đi được, đã có hẳn một “biệt đội xe ôm” là đàn ông, thanh niên Mông, chờ đón, phục vụ khách, sẵn sàng đưa du khách đến khu ruộng xa nhất, cao nhất, đẹp nhất.
Video đang HOT
Anh Lý A Tu ở bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn cho tôi biết, Mù Cang Chải thời điểm này có trên 200 xe ôm như anh. Xe chạy 60.000 đồng một chuyến cả đi cả về từ đường quốc lộ đến khu ruộng khách yêu cầu. Mỗi xe ôm túc tắc một ngày cũng chạy được từ 4 đến 10 chuyến. Như vậy có thể nói, người Mông Mù Cang Chải đã bắt đầu làm du lịch và du lịch đã đem lại nguồn thu nhập thêm kha khá. Đó là tín hiệu vui từ người dân.
Còn nói về du lịch Mù Cang Chải, hiện nay đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ tỉnh và huyện. Có sự chỉ đạo đồng bộ từ khâu tuyên truyền, quản lý Nhà nước về du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ môi trường du lịch, các hoạt động lữ hành, lưu trú, việc đầu tư xây dựng các công trình phục vụ công tác du lịch. Mù Cang Chải đang khai thác rất hiệu quả hai loại hình du lịch là du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.
Du lịch sinh thái gắn với các hoạt động: chinh phục đỉnh núi Púng Luông, khảo sát bãi đá cổ xã Lao Chải, khám phá rừng nguyên sinh Chế Tạo, Thác Mơ 3 tầng, suối nước nóng và hang động ở Nậm Khắt, rừng chè cổ thụ La Pán Tẩn. Du lịch cộng đồng (homestay) gắn với tìm hiểu giá trị văn hóa dân tộc ở các bản Nậm Kim, bản La Pán Tẩn, bản Làng Sang.
Du khách đến với Mù Cang Chải sẽ được cùng ăn, nghỉ trong các gia đình người Mông, Thái; tìm hiểu những nét đặc trưng trong sinh hoạt, lao động; thưởng thức các món ăn dân tộc, tham gia các nghề truyền thống như nấu rượu thóc, nghề rèn sắt, dệt thổ cẩm… Không chỉ được thưởng thức bức tranh ruộng bậc thang, mỗi bước đường, mỗi điểm du khách đến đây là một trải nghiệm, khám phá về văn hóa độc đáo vẫn còn được gìn giữ, bảo tồn của người Mù Cang Chải.
Tôi miên man đi giữa những triền ruộng bậc thang, hít thật căng mùi thơm lúa mới. Thỏa sức ngắm, ngắm rồi cảm phục bàn tay, khối óc của những người dân vật lộn với thiên nhiên, cần cù, sáng tạo làm nên một kiệt tác tồn tại hàng mấy trăm năm nay.
Tôi nghe trong hương lúa như có vị nồng nồng đất đai, mùi mồ hôi của biết bao thế hệ người Mông nối tiếp nhau khai khẩn đồi núi thành những thửa ruộng bậc thang. Những thửa ruộng không chỉ cho lúa gạo mà còn cho giá trị thẩm mỹ, nhân văn. Với diện tích khoảng 3.500 ha; trong đó, 500 ha phân bố tại ba xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình đã được công nhận Danh thắng cấp quốc gia (năm 2007). Cái tên ruộng bậc thang Mù Cang Chải được gắn một dấu sao trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Tôi cùng Ngô Bá Hòa leo lên La Pán Tẩn, nơi nổi tiếng với những thửa ruộng như vân tay của trời. Đường đất, lên dốc, lại nhiều khúc cua, đi khó nhưng khi lên đến nơi mới thấy công sức mình bỏ ra hoàn toàn xứng đáng. La Pán Tẩn, sắc vàng của lúa chín trải rộng mênh mông, nối lên vời vợi mây trời. Lòng cứ như say, như mơ, như lạc vào cõi mộng.
Đêm Mù Cang Chải. Ngồi ở nhà du lịch cộng đồng của anh Giàng A Tu, tôi mở hết cửa sổ, sương giăng nhè nhẹ, lất phất mưa, không khí se lạnh vây quanh. Anh bạn tôi ngạc nhiên: “Ở đây khí hậu một ngày cũng có bốn mùa như ở Đà Lạt vậy!”.
Tôi nhìn ra đường, thị trấn đã khác nhiều so với mấy năm về trước. Những ngôi nhà xây, nhà cao tầng mọc lên nhiều hơn. Điện sáng lung linh. Khách du lịch thong thả dạo bộ, thả tâm hồn mình cùng núi rừng, hít thở bầu không khí trong lành, mát mẻ; ngồi nhâm nhi bắp ngô nếp dẻo thơm, ngọt ngào vị sữa. Tiếng cười nói thân thiện hòa tiếng suối Nậm Kim rì rầm. Ta nhận ra sự mến khách, vẻ đẹp trong tâm hồn của người Mù Cang Chải, càng thấy thêm yêu con người, mảnh đất vùng cao này.
Đêm muộn, tôi giục bạn đồng hành: “Ngủ thôi! Ngày mai vẫn còn nhiều điều thú vị đang chờ đấy”. Buông màn, nhắm mắt lại, những đợt sóng vàng lại tràn về rực rỡ, êm ái, miên man.
Mê hồn vẻ đẹp của tứ đại đỉnh đèo nổi danh Tây Bắc
Được mệnh danh là tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc, đèo Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ, Pha Đin và Khau Phạ đã trở thành huyền thoại đối với những ai từng đặt chân đến với mảnh đất Tây Bắc.
Đèo Mã Pí Lèng, Hà Giang
Đèo Mã Pí Lèng là cung đường đèo hiểm trở, xuất phát từ núi Mã Pí Lèng nối Mèo Vạc tới Đồng Văn, đoạn đường đèo uốn lượn dài khoảng 20km này được ví như một con rắn vắt mình từ ngọn núi này sang núi khác.
Trong tiếng Quan Hỏa, Mã Pí Lèng có nghĩa là "sống mũi của con ngựa"nhưng theo nghĩa bóng thì ám chỉ sự hiểm trở của đường đi, nơi có những con dốc cao, những khúc cua góc cạnh.
Từ năm 2009, núi Mã Pí Lèng đã được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Đặc biệt, đỉnh đèo Mã Pí Lèng còn là một trong những điểm quan sát toàn cảnh núi rừng Tây Bắc đẹp nhất tại Việt Nam.
Đèo Ô Quy Hồ, Sapa
Là con đèo duy nhất giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc với gần 50km đường đèo, Ô Quy Hồ là một trong số những cung đường đèo hiểm trở và hùng vĩ nhất ở nước ta.
Tên gọi Ô Quy Hồ xuất phát từ tiếng kêu da diết, nhói lòng của một loài chim gắn liền với câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Ngoài tên gọi Ô Quy Hồ, con đèo này còn được biết đến với tên gọi đèo Hoàng Liên (do vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn) hay đèo Mây.
Với những cung đường uốn lượn quanh co, đèo Ô Quy Hồ còn được mệnh danh là vua đèo của núi rừng Tây Bắc, cũng như là địa điểm check-in nổi tiếng của giới trẻ.
Đèo Pha Đin
Đèo Pha Đin hay dốc Pha Đin, là nơi nối liền biên giới hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Với độ dài 32km, nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, với điểm cao nhất là 1.648 m.
Tên gọi Pha Đin bắt nguồn từ tiếng Thái có nghĩa là "trời và đất" nhằm hàm ý chỉ đây chính nơi tiếp giáp giữa trời và đất.
Nổi tiếng là cung đường đèo hiểm trở, nguy hiểm, nhưng đèo Pha Đin lại có cảnh đẹp đến mê hồn. Dưới chân núi là những làng bản của người Thái sinh sống, lưng chừng đèo mây phủ mịt mờ. Trên đỉnh đèo, một màu trắng xóa của mây quyện với màu trời xanh đã tạo nên cảnh sắc tuyệt mỹ nơi đây.
Đèo Khau Phạ, Yên Bái
Là cung đường dài nhất trên tuyến quốc lộ 32. Đã từ lâu, đèo Khau Phạ được biết đến với những con đường đèo quanh co và dốc thẳng đứng bậc nhất Việt Nam. Đèo Khau Phạ nằm giáp giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái.
Theo tiếng Thái, đèo Khau Phạ có nghĩa là "Sừng Trời" để ám chỉ những đỉnh núi cao chọc trời xuyên thẳng lên giữa biển mây trắng xóa.
Ngoài những cung đường đèo hiểm trở, đèo Khau Phạ còn là một trong những địa điểm check-in tuyệt đẹp với những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng óng.
Đi ngang Tú Lệ Ngược xuôi vùng Tây Bắc, qua biết bao đỉnh đèo, làng bản đẹp như tranh vẽ nhưng vẫn không sánh bằng đi ngang qua Tú Lệ. Ở đó, có một con đèo cao vút, núi non và thoảng mùi hương lúa non cùng với âm thanh cùm cum giã nếp làm cốm. Ngang qua Tú Lệ mùa này, đôi chân như bị hương...