Microsoft, bao giờ trở lại?
Năm 2010, Apple chính thức giành mất vị trí của Microsoft trong bảng xếp hạng các hãng công nghệ hùng mạnh nhất thế giới.
Gần đây, IBM đang bám rất sát để giành vị trí thứ 2 từ tay Microsoft. Trong 1 năm qua, Microsoft đã gần như nổi điên và mọi biện pháp đã được hãng này áp dụng nhằm lấy lại ngôi vương đã mất. Bao giờ Microsoft quay lại?
Thất bại báo trước
Nhìn lại bảng xếp hạng vị trí các hãng công nghệ trong thời điểm hiện tại, một xu thế có thể thấy rõ là Microsoft dường như đang đi vào giai đoạn khủng hoảng và suy trầm nghiêm trọng.
Theo kết quả thống kê mới nhất trên Google Finance thì Apple đang chiếm vị trí đầu bảng với mức tổng giá trị cổ phiếu lên tới 308,98 tỉ USD trong khi đứng thứ hai là Microsoft hiện nằm ở mức 207,87 tỉ USD. Bám sát nút ngay phía sau đó chính là hãng công nghệ IBM – chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất các siêu máy tính mạnh nhất thế giới với tổng giá trị vốn hóa quy ra cổ phiếu đạt 206,25 tỉ USD. Vị trí thứ tư của Google vốn luôn có mức tăng trưởng hàng năm rất ấn tượng hiện đang ở giá trị 167,57 tỉ USD. Hãng sản xuất bán dẫn và chip vi xử lý cho máy tính lớn nhất thế giới Intel tiếp tục giữ vững vị trí thứ năm với giá trị vốn hoá thị trường đạt 125,66 tỉ USD.
Có thể thấy rõ việc Microsoft rơi xuống vị trí thứ 3 bảng xếp hạng chỉ còn là vấn đề thời gian. Theo các chuyên gia về kinh tế, thị trường hiện đánh giá cổ phiếu của Microsoft rất… kém hấp dẫn khi định giá cho nó chỉ ở mức 24,64 USD/cổ phiếu – tức chỉ hơn giá trị cổ phiếu của Intel (23,71 USD/cổ phiếu) chưa tới 1 USD trong khi Intel đứng ở vị trí thứ 5 bảng xếp hạng còn Microsoft chễm chệ ở vị trí thứ hai với lượng tài sản nhiều hơn 82 tỉ USD. Trong khi đó, các hãng như IBM, Apple hay Google lại được các nhà đầu tư ưu ái rất nhiều khi nâng giá trị của chúng lên tới mức 169,12 USD/cổ phiếu (IBM), 335,41 USD/cổ phiếu (Apple) hay 520,03 USD/cổ phiếu (Google). “Điều này cho thấy, thị trường kỳ vọng nhiều vào sự phát triển của Google, Apple hay IBM trong tương lai hơn là sự phát triển của Microsoft” – một nhà phân tích khẳng định.
Trước thời điểm Microsoft mất ngôi, trong khoảng 5 năm trước đó, hãng công nghệ tiên phong này đã chứng tỏ mình không còn muốn đi… tiên phong nữa. Trong những mổ xẻ truy tìm nguyên nhân được tiến hành gần đây và trong năm 2010, người ta thấy Microsoft có vẻ đã quá già trong thế giới công nghệ và dường như bộ máy của nó có vẻ không muốn tiếp tục tiến vào những môi trường mới vốn đang được đánh giá rất cao trong khoảng thời gian gần đây. Sự tự tin với những gì mình đang có cùng với niềm tin vào một thế giới công nghệ trong nhãn quan lạc hậu khiến Microsoft tự đánh mất nhiều cơ hội quý giá để giúp mình phát triển hơn nữa trong tương lai. “Microsoft đã tự giết chết chính mình vì sự tự tin quá lố” – Wall Street Journal thừa nhận.
Bỏ rơi Search engine
Nếu nhìn vào sự phát triển của Google trong quá khứ và ngay cả thời điểm hiện tại, chắc chắn đây là nỗi đau lớn nhất của chính Microsoft. Ngay sau khi ra đời, khi còn chân ướt chân ráo gia nhập thị trường công nghệ, lúc đó – Google chỉ là một cái tên quá nhỏ bé so với Microsoft và “môi trường” mà Google chọn để “hành tẩu” lại chính là thế giới tìm kiếm – không gian mà Microsoft vốn rất xem thường. “Trong thời điểm ấy, công cụ tìm kiếm trên thế giới chỉ nổi danh với hai bộ máy MSN của Microsoft và Yahoo search của Yahoo trong đó Yahoo search được đánh giá ưu việt hơn hẳn so với MSN của Microsoft. Rất tiếc, lời cảnh báo sớm này đã không được Microsoft nhận ra, họ bỏ mặc cho Yahoo thống trị thế giới ấy trong khi gần như không có bất kỳ động thái nào để “tăng lực” cho công cụ tìm kiếm của mình. Ngay đến khi Google search chính thức vượt qua Yahoo search thì Microsoft vẫn… mỉm cười khoát tay bỏ qua. Microsoft đã không nhận ra được những tiềm năng thật sự mà một công cụ tìm kiếm mang lại” – các nhà quan sát cho biết.
Mãi cho tới năm 2009, khi Google Search gần như đã trở thành bộ máy tìm kiếm thống trị toàn thế giới với mức lợi nhuận mang lại cho Google (nhờ quảng cáo) lên tới vài chục tỉ USD thì hãng công nghệ Microsoft mới giật mình tỉnh giấc. Tuy thế, có vẻ các chiến lược gia của Microsoft vẫn đang… mộng du. Thay cho việc phát triển một công cụ tìm kiếm mạnh hơn Google Search thì Microsoft lại quay qua đi mua lại… Yahoo để có được công cụ tìm kiếm Yahoo Search – vốn chỉ chiếm thị phần bằng một chiếc… móng tay so với Google Search. Theo các nhà phân tích, rất may là Yahoo đã “ngu” khi từ chối Microsoft trong việc bán mình, nếu không, với trên 50 tỉ USD bỏ ra, Microsoft sẽ tự động rước thêm một “của nợ” Yahoo về với mình và sẽ tốn thêm hàng đống tiền để xử lý lượng nhân viên khổng lồ mà Yahoo đang có trong khi chưa chắc ván bài Yahoo Search có thể thay đổi thế quân bình mà Microsoft hi vọng sẽ tạo được với Google.
“Sự thực đã xảy ra đúng như vậy, ngay cả khi Microsoft và Yahoo lập liên minh Search Engine chia sẻ thông tin tìm kiếm với nhau thì nó vẫn không bằng một góc so với với Google Search (vốn đang chiếm tới 90,29%)” – BusinessWeek kết luận. Microsoft ngay sau đó đã tiến hành cải tổ lại bộ phận phát triển công nghệ tìm kiếm với lời tuyên bố Bing search (công cụ tìm kiếm mới của Microsoft) sử dụng tới hàng ngàn thuật toán cực mạnh và sẽ tạo nên tiền đề mạnh cho sự phát triển của nó trong tương lai. Sau một năm chính thức “xuống núi”, Bing vẫn chỉ được có 3% người sử dụng. CEO của Google, trong một bài phát biểu đã chọc tức Microsoft khi tuyên bố Bing Search quả thực là một đối thủ rất … đáng gờm của Google Search. Theo các chuyên gia, trên lĩnh vực tìm kiếm, có thể sẽ mất một thời gian rất lâu nữa để Microsoft có thể “làm được trò trống gì ra hồn” trên lĩnh vực tìm kiếm. Còn trong thời điểm hiện tại, Search Engine có vẻ là một chiến trường thất bại nặng nề mà Microsoft chắc chắn không bao giờ muốn nhắc tới mặc dù vẫn không ngừng đầu tư cho lĩnh vực này.
Hệ điều hành Smartphone
Là một nhà phát triển hệ điều hành hàng đầu trên thế giới – yếu tố vốn đưa Microsoft vươn lên trở thành hãng công nghệ hùng mạnh nhất hành tinh, tuy thế – Microsoft lại không nhận ra được vị thế của mình trong lĩnh vực sản xuất nền tảng cho di động. Vào thời mà Symbian già cỗi đang làm chủ, hệ điều hành Windows Mobile mà Microsoft phát triển thậm chí cũng không thực sự tạo được ấn tượng cho người sử dụng và nó cũng không thể vươn lên vị trí thống trị giống như Windows PC đang làm trên máy tính. “Có vẻ sự thất bại của Microsoft Windows Mobile phần nhiều do vấn đề kỹ thuật mà ra” – MarketWatch nhận định. Để có thể thống trị, bắt buộc anh phải tốt nhất, như vậy, nghĩa là, khi anh không tốt nhất thì anh sẽ không thể thống trị. Các hệ điều hành cho di động của Microsoft, từ trước tới nay – chưa bao giờ tạo được vị thế tầm cỡ giống như người anh em trên máy tính của nó đã làm được.
“Điều quan trọng là Microsoft cho rằng, điện thoại chính là một chiếc máy tính thu nhỏ, vì thế – họ cố gắng đưa mọi thứ trong hệ điều hành máy tính vào trong hệ điều hành điện thoại. Việc này khiến máy đòi hỏi cấu hình phần cứng cao mới chạy được trong khi đó vấn đề giá lại là động lực thách thức lớn cho yêu cầu ngặt nghèo về cấu hình”. Hướng đi này có vẻ tiếp tục trở thành lối mòn của Microsoft khi một loạt các hệ điều hành mới, hiện đại ra đời như Android, BlackBerry, iOS,… Những hệ điều hành trên liên tục được cải tiến theo hướng đơn giản, gọn nhẹ và nhiều tính năng hơn trong khi hỗ trợ tốt cho các máy cấu hình không mạnh, còn Microsoft lại tiếp tục phát triển Windows Phone 7 mà trong những sản phẩm thử nghiệm ra mắt vừa qua, các chuyên gia đánh giá nó sẽ chạy thực sự tốt nếu máy có cấu hình… rất mạnh. Các nhà sản xuất điện thoại lại cảm thấy khó thở nếu bán ra những máy cấu hình mạnh trong khi giá lại không thể cao. Còn người tiêu dùng thì chắc chắn chẳng có lý do gì phải bỏ nhiều tiền hơn cho một chiếc điện thoại giá quá cao cài Windows Phone 7 trong khi lại có thể tìm được những “ông kẹ” tốt hơn đang chạy Android hay BlackBerry.
Có vẻ sự việc trên tiếp tục đẩy Microsoft vào một nước cờ liều lĩnh khi tuyên bố bỏ ra 100 tỉ USD để có thể mua… đứt Nokia – nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới. Lẽ dĩ nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng sự hợp tác Microsoft – Nokia sẽ tạo ra một liên minh hùng mạnh có khả năng đe dọa các đối thủ trực tiếp đang lên như Apple, Google hay BlackBerry nhưng nhiều nhà phân tích lại cho rằng, sự kết hợp trên chẳng thể ra ngô ra khoai. Theo các phân tích của luồng ý kiến này, Nokia được xem là hãng chuyên bán điện thoại trong phân khúc thị trường giá rẻ với phần nhiều những chiếc máy có cấu hình thấp – ngay cả những smartphone mạnh nhất của Nokia cũng có cấu hình không thật sự mạnh nếu đem so với iPhone hay nhiều máy dùng Android khác của Samsung hoặc Motorola,… Trong khi đó, Windows Phone 7 – “giai nhân” mà Microsoft muốn đem gả cho Nokia lại là một cô nàng quý tộc “son phấn” đầy mình và chỉ có thể “sống tốt” nếu đem vào một “tòa cung điện xa hoa”. Như thế, nếu đem Windows Phone 7 gắn vào trong một chiếc Nokia cấu hình tầm trung thì chẳng khác gắn tên lửa cho xe đạp – sẽ khó có thể phát huy được sức mạnh của cả hai, Fox News kết luận.
Video đang HOT
Ngay cả Google cũng khẳng định liên minh Microsoft – Nokia sẽ chẳng thể làm được gì và sớm muộn thì Nokia cũng sẽ quay lại với Google để dùng Android. Nokia có vẻ cũng thấy rõ được yếu tố “chơi dại” này khi bắt Microsoft chung trước 1 tỉ để hãng sản xuất điện thoại dùng Windows Phone 7. “Nokia có vẻ không muốn mạo hiểm và việc này có vẻ giống như Microsoft thuê Nokia sản xuất điện thoại dùng Windows Phone 7 cho mình chứ không phải Nokia thực tâm muốn làm việc ấy”. Tuy vậy, theo phần đông các nhà quan sát, Microsoft có thể cải biến Windows Phone 7 xuống các mức tầm thấp hơn nữa để giúp nó chạy tốt trên các điện thoại cấu hình không cao của Nokia và thậm chí là những dòng máy tính bảng sau này. Điều này chắc chắn sẽ là động lực giúp Microsoft lấy lại sức mạnh cho mình trong tương lai – đưa ra kết luận cuối cùng.
Rớt hạng và lên hạng?
Theo các nhà quan sát, chắc chắn Microsoft sẽ rớt xuống hạng 3 chỉ trong một thời gian ngắn nữa bởi IBM đang có những bước phát triển bền vững trong khi Microsoft thì liên tục gặp thất bại với nhiều dự án mới của mình. “Chỉ cần một thất bại nữa là Microsoft sẽ xuống hạng. Microsoft đang xuống dốc không phanh giống như tình trạng Nokia trước kia. Tuy thế, nếu như Nokia còn có Microsoft hay Google đưa chân ra đỡ lại thì rất khó để kiếm được ai đó ghì được Microsoft không xuống dốc trừ khi chính hãng công nghệ này phải tự nỗ lực bò ngược lên dốc trở lại sau khi đã lao xuống đó” – một nhà phân tích nhấn mạnh.
Trước mắt, với các sản phẩm đang làm mưa, làm gió trên thị trường như iPhone, iPad,… Apple chắc chắn sẽ tiếp tục giữ vững vị thế của mình ít nhất trong 2 năm nữa. Liên minh Nokia – Microsoft, theo như thông báo của Nokia thì mãi đến cuối năm nay (2011) hoặc đầu năm 2012 mới có thể tung ra được các sản phẩm dùng Windows Phone 7. Như vậy, cần ít nhất 1 năm để những sản phẩm trên mang lại được doanh thu thực sự cho cả hai. Tuy vậy, trong tình trạng “tứ bề thọ địch” mạnh như hiện nay, Microsoft khó lòng tìm lại được hào quang như xưa hay gần như chắc chắn là đã đánh mất nó hoàn toàn – điều mà đồng minh Nokia của họ đã bị.
“Bao giờ Microsoft quay lại?”. Nếu nhìn vào 3 nguồn sức mạnh chính của hãng công nghệ này là hệ điều hành cho máy tính vốn gần như tăng trưởng tương đối chậm, hệ điều hành cho điện thoại vốn đang gặp trở ngại trong việc tìm hướng ra và lĩnh vực game vốn cũng gặp các đối thủ cực kỳ nặng ký thì có vẻ, Microsoft sẽ khó lòng mà quay lại được, Mobile Burn đúc kết.
Theo Bưu Điện VN
Windows Phone Mango - thông minh hơn, dễ sử dụng hơn
Người khổng lồ trong lĩnh vực phần mềm đã công bố phiên bản cập nhật tiếp theo cho Windows Phone (WP) với cái tên Mango đi cùng một loạt tính năng mới trong một sự kiện diễn ra vào tối qua (24/5).
Chủ tịch của bộ phận Mobile Communication Business tại Microsft đã nói rằng: "Bảy tháng trước, chúng tôi bắt đầu thực hiện một nhiệm vụ là tạo ra những chiếc điện thoại ngày càng thông minh và dễ sử dụng hơn cho mọi người. Với bản cập nhật Mango mới, HĐH Windows Phone sẽ có một bước tiến quan trọng trong việc định nghĩa lại cách mọi người giao tiếp, sử dụng các ứng dụng và mạng Internet, cung cấp một kết quả tốt trong khi cần ít sự cố gắng hơn".
Bản cập nhật Mango (hay còn được gọi là Windows Phone 7.1 chứ không phải 7.5) sẽ được cung cấp cho tất cả các thiết bị dùng Windows Phone 7 vào mùa thu năm này. Sau đây là các điểm nổi bật mà Microsoft đã đưa ra trong sự kiện này.
Giao tiếp: dễ dàng kết nối và chia sẻ
Đoạn hội thoại tổng hợp: Dễ dàng chuyển đổi giữa các tin nhắn văn bản, trò chuyện trên Facebook và Windows Live Mesenger trong cùng một đoạn hội thoại.
Nhóm thông minh: các thông tin cập nhật về nhóm liên lạc có thể được đưa ra màn hình chính trên các Live Title để người dùng có thể nắm bắt và nhanh chóng gửi tin nhắn, email hay tin nhắn tức thời cho cả nhóm.
Tích hợp thêm các mạng xã hội: bên cạnh Facebook, danh sách liên lạc trên điện thoại WP sẽ được bổ sung thêm từ Twitter và LinkedIn bên cạnh tính năng check-in của Facebook và phần mềm nhận diện khuôn mặt mới khiến người dùng dễ dàng đánh dấu các bức ảnh và gửi lên web.
Hòm thư liên kết: Nhiều tài khoản email được tích hợp trong một hòm thư duy nhất cùng khả năng tổ chức thư theo kiểu hội thoại giúp người dùng có thể truy cập dễ dàng tới những bức thư mới nhất.
Nhắn tin rảnh tay: người dùng có thể nhắn tin hay trò chuyện rảnh tay với việc hỗ trợ công nghệ chuyển đổi từ tiếng nói thành văn bản và ngược lại.
Ứng dụng: tiếp cận thông minh hơn
Kết nối ứng dụng: các ứng dụng được liên kết với kết quả tìm kiếm và tăng cường tích hợp với các Hub của điện thoại (như Hub âm nhạc, trò chơi, video và hình ảnh) nên người dùng có thể truy cập bất cứ khi nào cần đến.
Cải thiện Live Tiles: những "hình vuông động" ngoài màn hình chính sẽ cung cấp thông tin cập nhật về ứng dụng theo thời gian thực mà không đòi hòi mở trực tiếp chúng.
Đa nhiệm: nhanh chóng chuyển đổi giữa các ứng dụng và cho phép các ứng dụng của bên thứ 3 có thể chạy ở chế độ nền trong khi vẫn đảm bảo hiệu năng và thời lượng sử dụng.
Internet: hơn cả một trình duyệt
Internet Explorer 9: một trình duyệt mạnh mẽ dựa trên phiên bản Internet Explorer 9 trên máy tính với khả năng hỗ trợ HTML 5 và hỗ trợ tăng tốc bằng phần cứng.
Tìm kiếm địa điểm: cung cấp kết quả tìm kiếm đi kèm những đề nghị về các cửa hàng, quán ăn, rạp chiếu phim...gần đó giúp người dùng tiết kiệm thời gian hơn.
Tìm kiếm với Bing: không chỉ tìm kiếm trên web, người dùng còn có thể tìm kiếm qua hình ảnh (Bing Vision), âm thanh (Bing Audio).
Thẻ tóm tắt: khi tìm kiếm một sản phẩm, một bộ phim hay một địa điểm, người dùng có thể nhận được một bản tóm tắt ngắn gọn và nhanh chóng các thông tin có liên quan (bao gồm cả ứng dụng).
Hệ sinh thái
Hệ sinh thái của Windows Phone đã không ngừng phát triển từ khi HĐH này ra mắt tháng 10 năm ngoái. 3 đối tác mới sẽ tham gia sản xuất điện thoại WP gồm Acer (Đài Loan), Fujitsu (Nhật Bản) và ZTE (Trung Quốc). Cùng với Samsung, HTC, LG và tất nhiên là Nokia, các đối tác của Microsoft cam kết sẽ cung cấp điện thoại WP trên quy mô toàn cầu vào cuối năm nay. Sẽ có thêm nhiều ngôn ngữ được hỗ trợ (Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Séc, Đan Mạch, Hi Lạp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, ...) cũng như mở rộng danh sách các nước mà người dùng được truy cập chợ ứng dụng Windows Phone Makerplace.
Trong số những đối tác tham gia sản xuất điện thoại WP, chúng ta thấy thiếu vắng một cái tên - Dell. Đại diện của Microsoft đã không hề giải thích về vấn đề này mà chỉ bảo rằng hãy chờ đợi thêm. Điều gi đã xảy ra, theo một bài báo của Wall Street Journal thì Dell đang có ý định giảm bớt sự hiện diện của mình trong thị trường tiêu dùng thông thường để tập trung vào lĩnh vực thế mạnh là thị trường doanh nghiệp. Phải chăng việc không tham gia làm đối tác của Microsoft là một trong số những bước đi thực hiện ý định trên.
Microsoft đã chính thức xác nhận chiếc điện thoại di động đầu tiên dùng WP của Nokia sẽ được phát hành đi kèm cùng bản cập nhật Mango. Thêm vào đó, công ty này cũng cho biết thêm các kĩ sư đang làm việc trong phòng thí nghiệm với những thiết bị Nokia chạy Mango đầu tiên.
Những mẫu Nokia W7 (W8) đang được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm
Mặc dù trước đây đã có thông tin điện thoại dùng WP của Nokia sẽ được trang bị VXL ST-Ericsson nhưng chính Qualcomm - hãng hiện đang cung cấp VXL cho các điện thoại WP rằng Microsoft sẽ tiếp tục lựa chọn dòng VXL Snapdragon thế hệ thứ 2 cho các mẫu WP trong tương lai.
Bộ công cụ phát triển mới dành cho bản cập nhật Mango
Bộ công cụ phát triển các ứng dụng dành cho bản cập nhật Mango sẽ được cung cấp vào thứ 4 (25/5), một ngày sau khi sự kiện diễn ra. Các nhà phát triển có thể sử dụng bộ công cụ mới này để giả lập môi trường hoạt động đa nhiệm cho các ứng dụng của mình, từ đó tối ưu khả năng hoạt động và tương thích với các tính năng mới của bản cập nhật Mango. Bản cập nhật dự kiến sẽ được cung cấp sau đây một tháng cho các nhà thử nghiệm trên điện thoại của mình.
Người dùng sẽ phải chờ đến mùa thu để có được bản cập nhật Mango
Joe Belfiore trình diễn các tính năng mới của bản cập nhật Mango.
Mặc dù vẫn còn thiếu những tính năng quan trọng (như chia sẻ kết nối mạng) nhưng với những gì Microsoft đã trình diễn cho thấy công ty đã có một chủ trương đúng - tạo sự đơn giản mà hiệu quả cho người dùng. Sẽ có thêm nhiều tính năng khác được bổ sung vào bản cập nhật cho đến lúc phát hành (như ứng dụng Skype) và nếu Microsoft giữ vững kế hoạch phát triển như đã đưa ra thì chúng ta có thể hi vọng vào sự thành công trong tương lai của HĐH Windows Phone trước sự cạnh tranh gay gắt của iOS cũng như Android.
Theo Bưu Điện VN
Thấy gì từ vụ hợp tác thế kỷ giữa Bing và Facebook? Toàn cảnh vụ hợp tác giữa Bing và Facebook nhằm chống lại Google sẽ được diễn giải đầy đủ nhất. Tuần vừa rồi, quân bài chiến lược của gã khổng lồ Microsoft - Bing đã có một vài thay đổi quan trọng liên quan đến sự tương tác giữa công cụ này đối với mạng xã hội Facebook. Trong đó đáng kể nhất...