Mía chưa chặt, chính quyền đã phải họp 2 lần tìm kế “giải cứu”
Dự kiến đến giữa tháng 9-2018, niên vụ mía 2018-2019 ở ĐBSCL mới bắt đầu thu hoạch. Thế nhưng, tại Hậu Giang, địa phương có diện tích mía lớn nhất vùng, chính quyền đã hai lần triệu tập họp để tìm cách “giải cứu” ngành mía đường.
Phát biểu tại buổi làm việc của UBND tỉnh Hậu Giang với Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cùng các doanh nghiệp mía đường ở ĐBSCL diễn ra mới đây, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, cũng như Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, ngành hàng này của tỉnh Hậu Giang cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Nông dân trồng mía ĐBSCL đang rất lo lắng khi giá thu mua mía tươi đang ở mức thấp. Ảnh: I.T
“Từ đầu năm đến nay, Hậu Giang chúng tôi đã tổ chức họp hai lần, mà cụ thể trước đó vào tháng 6-2018 đã tổ chức một lần”, ông dẫn chứng và cho biết mục đích họp nhằm tìm kiếm giải pháp tiêu thụ mía để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, nhất là doanh nghiệp và người nông dân.
Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, niên vụ mía 2018-2019 địa phương xuống giống hơn 10.500 héc ta, giảm trên 150 héc ta so với niên vụ trước đó.
Dù diện tích xuống giống giảm, nhưng theo ông Đời, tính đến nay, chỉ có 5.680 héc ta, tương đương khoảng 50% diện tích mía của nông dân Hậu Giang được bao tiêu, trong khi mọi năm toàn bộ 100% diện tích đã được bao tiêu.
Video đang HOT
Không chỉ giảm về diện tích bao tiêu, mà mức giá cũng giảm, chỉ 800 đồng/kg đối với loại mía đạt 10 chữ đường (CCS), tại cầu cảng nhà máy. Với mức giá này, theo ông Đời, nông dân sẽ không thể có lãi.
Ông Nguyễn Văn Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường Sóc Trăng “hứa”, sẽ hỗ trợ Hậu Giang tiêu thụ khoảng 60.000-80.000 tấn mía nguyên liệu trong niên vụ 2018-2019.
Tuy nhiên, theo ông Bình, vụ mía trước, việc tiêu thụ ở tỉnh Sóc Trăng phải kéo dài đến cuối tháng 6-2018 mới kết thúc, cho nên, công tác bảo trì, sửa chữa máy móc cũng kéo dài và dự kiến đến cuối tháng 9-2018 mới hoàn thành, đưa nhà máy vào vận hành trở lại.
Chưa chính thức vào vụ thu hoạch đã lo “giải cứu” ngành mía đường. Nông dân thu hoạch mía. Ảnh: Trung Chánh
Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Công ty cổ phần mía đường, cồn Long Mỹ Phát cho biết, hiện ngành mía đường đang rất là khó khăn do giá đường xuống thấp, tiêu thụ chậm. “Đặc biệt, ở ĐBSCL, trước đây có 10 nhà máy đường hoạt động, thì bây giờ còn khoảng 5-6 nhà máy, tình hình này rất khó cho ngành mía đường”, ông dẫn chứng và nói rằng Long Mỹ Phát cũng không tránh khỏi khó khăn chung đó.
Theo ông Chính, cuối tháng 8-2018, nhà máy của đơn vị này bảo trì xong và đến giữa tháng 9-2018 sẵn sáng đi vào hoạt động, nếu tình hình mía tốt. “Còn ngược lại, thì khó khăn sẽ chồng chất khó khăn do nhà máy đường đang khó khăn về vốn vì giá đường thấp, không bán ra được”, ông cho biết.
Lý giải việc chưa thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu mía cho nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, ông Chính cho rằng, đơn vị này có kế hoạch bao tiêu từ tháng 2-2018, nhưng đầu năm giá đường xuống thấp, trong khi Hậu Giang vào vụ trồng mới, “cho nên, nếu ký bao tiêu giá thấp sợ dân không trồng nên kéo dài”, ông giải thích.
Theo ông Chính, đến tháng 7-2018, lẽ ra đơn vị này đã ký hợp đồng bao tiêu cho nông dân, nhưng lo sợ đường bán không được, thiếu vốn tồn trữ, trong khi không thể nợ tiền mía của dân nên các hợp đồng bao tiêu không thực hiện được. “Chúng tôi sợ cái chuyện đó nên hơi rối”, ông nói và cho rằng lãnh đạo công ty đang kiến nghị gặp riêng các ngân hàng, nhờ can thiệp cho vay vốn tồn trữ đường để duy trì sản xuất hết vụ.
Trong khi đó, ông Phạm Quang Vinh, Phó chủ tịch VSSA cho biết, đường nhập lậu qua biên giới cũng như việc nhập khẩu đường lỏng chiết xuất từ tinh bột bắp là những nguyên nhân khiến ngành mía đường trong nước gặp khó khăn.
Chính vì vậy, theo đề nghị của ông Vinh, thứ nhất, các địa phương cần kiểm soát tốt việc nhập lậu đường qua biên giới để bảo vệ ngành mía đường nội địa; thứ hai, Chính phủ cần có giải pháp điều tra áp thuế chống bán phá giá đường lỏng được nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng tăng cao như thời gian qua.
Theo Trung Chánh (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm hàng trăm tỉ ở Hậu Giang
Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm về môi trường, đất đai và đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang với số tiền hơn 230 tỉ đồng.
Ngày 8-8, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã công bố kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về môi trường, đất đai và đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Theo đó, kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều sai sót trong công tác quản lý đất đai ở Hậu Giang khi chuyển đổi mục đích không đúng quy hoạch, tự phát khoảng 5.755 ha từ đất lúa sang đất trồng cây lâu năm và đất ở.
Nhiều trường hợp nhận chuyển nhượng đất để thực hiện dự án nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính, không làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng mà được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và triển khai thực hiện dự án; các tổ chức, cá nhân được thuê, giao đất nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất... dẫn đến số tiền sai phạm 230 tỉ đồng.
Trụ sở UBND tỉnh Hậu Giang.
Trên cơ sở Kết luận số 344/KL-TTCP ngày 14-3-2018, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hậu Giang thu hồi số tiền sai phạm và thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp sai quy định đã cấp cho các tổ chức, cá nhân. Đồng thời xem xét cụ thể trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm.
Ngoài ra, thanh tra còn yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường; đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường. Đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm đối với gám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan đến đoàn kiểm tra theo Quyết định số 114/QĐ-STNMT ngày 22-3-2013, Quyết định 89/QĐ-STNMT ngày 7-3-2016.
Trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Hậu Giang chấn chỉnh việc đấu thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn, tăng cường giám sát chất lượng công trình...
Theo Hải Dương
Pháp luật TPHCM
Trả lại tên cho... điện bã mía! Sản lượng mía nguyên liệu đầu vào toàn ngành sản xuất đường Việt Nam là hơn 15 triệu tấn, lượng bã mía thải ra vô cùng lớn. Nếu toàn bộ lượng bã mía này được dùng sản xuất điện, sẽ cho 15 tỷ kWh điện mỗi năm. Có thể sản xuất 15 tỷ kWh điện/năm Theo ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch...