Mi-14, sát thủ săn ngầm mang bom hạt nhân của Liên Xô
Trực thăng săn ngầm Mi-14 có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân tiêu diệt toàn bộ tàu ngầm trong bán kính 1.000 m.
Trực thăng săn ngầm Mi-14 được gia cố lớp vỏ phần dưới của Liên Xô. Ảnh:Sputnik
Hồi giữa tháng 5, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov tuyên bố nước này đang có kế hoạch tái sản xuất loại trực thăng chống ngầm có khả năng mang bom hạt nhân Mi-14, theo Sputnik.
Các chuyên gia quân sự của Aviations Militaires cho rằng đây có thể là một động thái đối phó với kế hoạch cải tiến và nâng cao số lượng tàu ngầm tấn công lớp Virginia hiện đại được Washing ton triển khai nhằm bảo đảm duy trì sự thống trị dưới nước của hải quân nước này.
Mi-14 (NATO định danh là Haze) được phát triển dựa trên cơ sở mẫu trực thăng săn ngầm Mi-8 nổi tiếng của hải quân Liên Xô trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh, khi Moscow và Washington liên tục chạy đua phát triển các loại thiết bị tinh vi nhằm săn đuổi, tiêu diệt tàu ngầm đối phương tại các vùng biển sâu.
Nguyên mẫu đầu tiên của Mi-14 có tên V-14, bay chuyến thử nghiệm đầu tiên vào ngày 1/8/1967.
Cải tiến quan trọng nhất của Mi-14 so với Mi-8 là thiết kế khung thân. Nhằm thu hẹp tối đa khoảng cách trong việc săn đuổi tàu ngầm, các kỹ sư quân sự Liên Xô đã biến chiếc Mi-14 thành một trực thăng “lưỡng cư” đặc biệt với lớp vỏ hình chiếc thuyền được gia cố phần dưới thân giúp nó có thể hạ cánh dễ dàng trên mặt nước và chịu được gió bão cấp 4.
Các phi công Liên Xô rất ưa chuộng loại máy bay này bởi thiết kế cabin rộng rãi kết hợp với công nghệ hạn chế rung, giúp phi hành đoàn thoải mái trong các chuyến tuần tra kéo dài nhiều giờ vào ban đêm. Mi-14 có khả năng chuyên chở 32 binh sĩ và 12 cáng thương.
Video đang HOT
Mi-14 đậu trên mặt nước. Ảnh: History
Được mệnh danh là “sát thủ tàu ngầm”, Mi-14 có khả năng tác chiến xa bờ 300 km, hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết; bay được liên tiếp 5,5 giờ với quãng đường lên tới 1100 km. Do đó, nó có thể tìm kiếm tàu ngầm đối phương trong khoảng thời gian dài mà không phải hạ cánh trên tàu khu trục như các loại trực thăng K-27 hoặc K-28.
Về khả năng tác chiến điện tử, Mi-14 được trang bị hệ thống thủy âm sonar Oka-2 hoạt động tương đối ổn định, hệ thống phao âm Bakou với 36 phao dự phòng, trong đó 18 phao có khả năng giám sát cùng lúc. Ngoài ra, Mi-14 còn được lắp đặt hệ phát hiện điểm từ trường bất thường MAD và hệ thống dò tìm tàu ngầm bằng sóng âm VGS hiện đại.
Radar Initziativa-2M của Mi-14 có khả năng phát hiện mục tiêu trong phạm vi 220 km, được lắp đặt phía dưới mũi của máy bay để tăng khả năng tìm kiếm và độ nhạy.
Về vũ khí, Mi-14 được trang bị nhiều loại ngư lôi và bom chống ngầm khác nhau do Liên Xô phát triển như AT-1, APR-2 có trọng lượng lên đến 250 kg. Năm 1983 các kỹ sư Liên Xô đã lắp đặt tên lửa AS-7 Karen lên Mi-14, tuy nhiên quá trình bắn thử nghiệm đã thất bại.
Đặc biệt, Mi-14 có khả năng mang theo một quả bom hạt nhân chống tàu ngầm “Scalp”. Loại bom này có sức công phá tương đương với 1.000 kg thuốc nổ TNT, sức công phá mà vụ nổ tạo ra có thể tiêu diệt hoặc đánh dạt tàu ngầm đối phương trong phạm vi 1000 m.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ và Nga ký kết thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân và thông thường, Mi-14 tạm thời bị loại bỏ khỏi biên chế quân đội Nga. Tuy nhiên, việc Nga khởi động dự án hồi sinh trực thăng chống ngầm Mi-14 có thể khiến Mỹ và các đồng minh không khỏi lo ngại.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Mỹ cải tiến tàu ngầm tấn công đối phó Nga
Lâu Năm Góc đang lên kế hoạch không để Nga vượt mặt về sức mạnh lực lượng tàu ngầm.
Một tàu ngầm tấn công lớp Virginia của Mỹ. Ảnh: Bluebird
Bất chấp việc Nga đang tích cực triển khai lớp tàu ngầm tấn công thuộc Dự án 885M Yasen, được đánh giá là có nhiều ưu điểm vượt trội, hải quân Mỹ vẫn quyết tâm duy trì vị thế thống trị đáy biển bằng cách cải tạo lại các tàu ngầm tấn công thuộc lớp Virginia hiện đại nhất của nước này, theo National Interest.
Bên cạnh việc lắp đặt thêm một hệ thống tăng tải trọng giúp tàu có khả năng mang tới 40 tên lửa hành trình Tomahawk, các kỹ sư quân sự Mỹ đã tích cực cải tiến hệ thống công nghệ thủy âm (bao gồm công nghệ định vị thủy âm để phát hiện tàu ngầm đối phương, cũng như các kỹ thuật giảm thiểu tiếng ồn khi chạy của tàu), yếu tố tiên quyết cho sức mạnh tác chiến của mọi loại tàu ngầm.
"Chúng tôi đang thực hiện một kế hoạch mũi nhọn có thể bảo đảm duy trì ưu thế về công nghệ thủy âm cho hạm đội tàu ngầm của mình. Đây sẽ là nội dung trọng tâm trong mọi chương trình phát triển của hải quân Mỹ", đại tá Mike Stevens, chỉ huy trưởng hạm đội tàu ngầm lớp Virginia cho biết.
Đây mới chỉ là hai cải tiến lớn nhất và được công khai, bởi tàu ngầm tấn công lớp Virginia còn được sửa đổi nhiều chi tiết khác để có thể duy trì sức mạnh tác chiến trước các tàu ngầm tấn công "đáng sợ" của Nga.
Theo ông Stevens, kế hoạch này là chưa đủ để chế tạo những chiếc tàu ngầm hoàn hảo, nhưng hoàn toàn có thể bảo đảm khả năng vượt trội cho các tàu ngầm Mỹ trong 10-20 năm tới.
Ngoài ra, nhiều công nghệ về tên lửa đạn đạo tiên tiến cũng được hải quân tích cực triển khai để trang bị cho các tàu thuộc lớp Virginia phiên bản mới nhất có tên Block V.
Tàu ngầm tên lửa hạt nhân Severodvinsk lớp Yasen của Nga. Ảnh: Reddit
Tàu ngầm Virginia Block V dự kiến được đóng bắt đầu từ năm 2019. Cải tiến quan trọng của tàu là việc được lắp thêm một khoang dài 21 m chứa 4 hệ thống ống phóng tên lửa Tomahawk (gọi là VPM), mỗi hệ thống ống phóng chứa 7 tên lửa phóng thẳng đứng, nâng tổng số tên lửa Tomahawk mà tàu ngầm Virginia mang được từ 12 hiện tại lên 40.
Về lâu dài, lớp tàu ngầm Virginia chắc chắn sẽ được hải quân Mỹ thay thế bằng một lớp tàu ngầm tấn công nhanh khác uy lực hơn.
"Thiết kế tàu ngầm hiện đại là một quá trình tiến hóa. Đây là quy trình đã được duy trì qua nhiều thập kỷ. Các tàu ngầm lớp Virginia được thừa hưởng rất nhiều công nghệ từ quá trình cải tiến tàu ngầm thế hệ trước nó là Los Angeles. Chúng tôi sẽ thực hiện tuần tự công việc này để thiết kế một lớp tàu ngầm tương lai thay thế Virginia", đại tá Stevens khẳng định.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hồi đầu tháng hai cũng cho biết Lầu Năm Góc sẽ dành 8,1 tỷ USD đầu tư cho các phương tiện tác chiến dưới nước trong năm 2017 và hơn 40 tỷ USD trong 5 năm tới. Mục tiêu là xây dựng lực lượng tàu ngầm mạnh nhất thế giới với kế hoạch đóng mới thêm 9 tàu ngầm tấn công lớp Virginia.
Đồng thời, hải quân Mỹ đã bắt đầu thiết kế và chế tạo một mẫu tàu ngầm tên lửa hạt nhân thế hệ mới thay thế tàu ngầm lớp Ohio (ORP) để duy trì khả năng răn đe hạt nhân chiến lược.
Tàu ngầm răn đe hạt nhân thế hệ mới này dự kiến bắt đầu được chế tạo vào năm 2021. Công tác chuẩn bị, chi tiết kỹ thuật và đóng nguyên mẫu ban đầu đã được tiến hành ở nhà máy đóng tàu General Dynamics Electric Boat.
Loại tàu ngầm mới này sẽ có chiều dài 170,6 m, trang bị 16 tên lửa đạn đạo Trident II D5. ORP sẽ được thiết kế tàng hình, có khả năng răn đe hạt nhân công nghệ cao để lặng lẽ tuần tra dưới lòng đại dương trên toàn thế giới.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Ấn - Mỹ bắt tay đối phó tàu ngầm Trung Quốc Ân Đô và Mỹ đang đàm phán hợp tác trong viêc chia sẻ thông tin, theo dõi tàu ngâm khi Trung Quôc ngày càng tăng cường các hoạt đông của đôi tàu ngâm nước này trong khu vực. Tau ngâm Trung Quôc thương đươc phat hiên hoat đông tai Ân Đô DươngReuters Cả Ấn Độ và Mỹ đều lo ngại về sức mạnh...