MH370 ở đâu suốt hai năm qua?
Chuyến bay MH370, bí ẩn lớn nhất hàng không thế giới chưa có lời giải đáp, dù đội tìm kiếm đã lùng sục khu vực rộng 85.000 km2 trên Ấn Độ Dương suốt hai năm qua.
MH370 vẫn là một bí ẩn lớn của hàng không thế giới. Ảnh: Reuters
Việc tìm thấy mảnh đuôi của máy bay Boeing 777 ở bờ biển Mozambique tuần trước gợi lại mối quan tâm của thế giới đối với sự mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370. Phát hiện trùng thời điểm cả thế giới tưởng niệm tròn 2 năm máy bay Malaysia Airlines cùng 239 người biến mất không dấu vết.
Chuyện gì xảy ra 2 năm trước?
Máy bay số hiệu MH370 rời sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia, lúc 0h41 ngày 8/3/2014 và dự kiến tới Bắc Kinh, Trung Quốc, lúc 6h30 giờ địa phương. Phi cơ chở 12 thành viên phi hành đoàn và 227 hành khách, gồm 153 công dân Trung Quốc, 38 hành khách Malaysia, những người còn lại tới từ Mỹ, Canada, Iran, Indonesia, Australia, Ấn Độ, Pháp, New Zealand, Ukraine, Nga, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc) và Hà Lan.
Máy bay Boeing 777 cất cánh lúc 0h41 ngày 8/3/2014 từ sân bay quốc tế ở Kuala Lumpur với 239 hành khách và phi hành đoàn. Theo kế hoạch, máy bay sẽ đáp xuống Bắc Kinh, Trung Quốc sau 6 giờ di chuyển. Ảnh: CNN
Lúc 1h07 (giờ địa phương), máy bay lần cuối cùng gửi tín hiệu về Hệ thống sử dụng vệ tinh để truyền thông tin về mặt đất (ACARS). Lúc 1h09, cơ trưởng hoặc cơ phó nói: “Chúc ngủ ngon Malaysia ba bảy không”. Ban đầu, các nhà điều tra cho biết cụm từ cuối cùng được nghe thấy từ máy bay là: “Được rồi, ngủ ngon”. Sự đính chính từ ngữ khiến một số người nghi ngờ quá trình điều tra của Malaysia, theo IB Times.
Vài phút sau, hệ thống nhận và phát tín hiệu của máy bay mất liên lạc khi nó di chuyển từ không phận của Malaysia vào vùng kiểm soát giao thông hàng không của Việt Nam trên Biển Đông. Cơ quan Hàng không dân dụng Việt Nam cho biết máy bay đã không kết nối với đài không lưu tại thành phố Hồ Chí Minh lúc 1h21.
Lúc 2h28, một vệ tinh ở Ấn Độ Dương phát hiện tiếng “ping” đầu tiên trong 7 lần phát ra theo chu kỳ từ máy bay. Tiếng “ping”, được cho là xuất phát từ hộp đen, kêu lần cuối lúc 8h11. Theo tính toán dựa trên các tiếng “ping” và tốc độ máy bay, giới điều tra nhận định phi cơ đã bay thêm 7 hoặc 8 tiếng kể từ lúc mất liên lạc.
Ngày 15/3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho hay, dựa theo các bằng chứng, ai đó trên phi cơ đã cố tình chuyển hướng bay so với dự kiến. Ông thông báo nước này ngừng tìm MH370 ở Biển Đông bởi máy bay đã quay trở lại Malaysia rồi di chuyển về phía tây bắc sang Ấn Độ Dương.
Ngày 24/3, Thủ tướng Malaysia chính thức thông báo MH370 có thể đã rơi ở Ấn Độ Dương, theo phân tích từ dữ liệu vệ tinh.
29/1/2015, chính phủ Malaysia tuyên bố toàn bộ 239 hành khách và phi hành đoàn trên MH370 được xem như “đã thiệt mạng”. Đây là thông tin gây sốc với toàn bộ thân nhân những người gặp nạn. Nó dập tắt hy vọng các nạn nhân có thể còn sống
Video đang HOT
MH370 đang được tìm ở đâu?
Đội tìm kiếm đã sử dụng máy dò sonar lùng sục khắp đáy biển Ấn Độ Dương, cách Australia 1.600 m về phía tây, sau khi phân tích phạm vi và tốc độ tối đa của phi cơ mất tích.
Tháng 9/2015, giới chức Malaysia và công tố viên Pháp xác nhận, cánh tà máy bay Boeing 777 dạt vào đảo Reunion ở Ấn Độ Dương “chắc chắn” thuộc về MH370. Dựa theo các dòng hải lưu, phát hiện trên đảo Reunion giúp đội tìm kiếm tập trung vào khu vực bên phải Ấn Độ Dương, theo Daniel O’Malley, phát ngôn viên Cục An toàn giao thông vận tải Australia (ATSB). “Chúng tôi vẫn lạc quan rằng sẽ tìm thấy máy bay”, ông nói.
Cho tới nay, đội tìm kiếm đã quét khu vực rộng khoảng 85.000 km2, tương đương diện tích của bang South Carolina (Mỹ), trên Ấn Độ Dương, nhưng không phát hiện bất kỳ dấu vết của máy bay.
Có những manh mối quan trọng nào?
Giới điều tra không phát hiện bất kỳ dấu vết nào của phi cơ mất tích cho tới khi người dân trên đảo Reunion thuộc Pháp tìm thấy cánh tà 2 m của máy bay hồi tháng 7/2015. Các nhà điều tra Pháp xác nhận mảnh vỡ thuộc về MH370 sau khi một kỹ thuật viên của Cơ quan Quốc phòng và Không gian thuộc hãng Airbus ở Tây Ban Nha, đơn vị sản xuất bộ phận này, xác nhận một trong 3 số in trên cánh tà. Mảnh vỡ nằm cách khu vực tìm kiếm hiện nay khoảng 3.700 km.
Nhân viên điều tra di dời cánh tà máy bay được phát hiện trên đảo Reunion hồi tháng 7/2015. Ảnh: Reuters
Tháng 2/2016, khách du lịch người Mỹ Blaine Gibson tìm thấy một mảnh vỡ khoảng 1 mét, có thể là một phần của bộ phận thăng bằng nằm ngang được gắn ở đuôi phi cơ, trên bờ biển Mozambique. Bộ trưởng giao thông Malaysia cho biết, “nhiều khả năng” nó thuộc về một chiếc Boeing 777. Nó đã được gửi tới Australia, nơi chính phủ và giới điều tra sẽ nghiên cứu xem liệu nó có khớp với phi cơ Boeing 777-200ER mất tích hay không. Theo phía Australia, vị trí tìm thấy vật thể phù hợp dòng chảy có thể mang theo các mảnh vỡ của máy bay.
Tuần trước, người dân trên đảo Reunion tiếp tục phát hiện được thêm một vật thể có khối vuông, kích thước khoảng 40×40 cm nghi của MH370.
Các nhà điều tra cũng đang xâu chuỗi xem liệu vấn đề cơ khí hoặc lỗi phi công có thể là nguyên nhân gây ra tai nạn hay không. Điều này có thể giải đáp một số câu hỏi, làm vơi bớt nỗi hoài nghi của gia đình các nạn nhân, và ngăn các lỗi tương tự trong tương lai. Dòng phi cơ mất tích thường được dùng để phục vụ các chuyến bay đường dài, với tổng cộng 1.200 chiếc trên toàn thế giới.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Cuộc tìm kiếm với chi phí 133 triệu USD ở vùng biển Ấn Độ Dương sẽ kết thúc vào khoảng tháng 7 nếu các mảnh vỡ, đặc biệt là máy ghi âm buồng lái (CVR) và thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (FDR), không được tìm thấy dưới đáy đại dương. Khi ấy, gia đình 239 người trên chuyến bay có lẽ sẽ tiếp tục sống trong nỗi băn khoăn, day dứt về số phận của những người thân yêu.
Đội tìm kiếm hy vọng hoàn tất khu vực tìm kiếm có kích thước tương đương bang Maryland trong vài tháng tới. Tổng diện tích tìm kiếm của cả quá trình là khoảng 120.000 km2. Sau đó, cuộc truy dấu sẽ dừng. “Trong trường hợp thông tin đáng tin cậy không được tìm ra nhằm xác định vị trí cụ thể của máy bay, chính phủ các nước nhất trí không mở rộng khu vực truy dấu”, đội tìm kiếm cho biết.
Trong khi đó, Dave Gallo, nhân viên Đài quan sát Trái đất Lamont Doherty tại Đại học Columbia (Mỹ), cho rằng quá trình tìm kiếm MH370 cần được tiếp tục. “Các bạn không thể để chuyện này rơi vào quên lãng khi mỗi ngày hàng nghìn máy bay với hàng trăm nghìn hành khách di chuyển khắp đại dương. Chúng tôi cần biết điều gì đã xảy ra”, ông nói. Ông Gallo từng giúp đội tìm kiếm phát hiện ra phi cơ số hiệu 447 của Air France ở đáy Đại Tây Dương, 2 năm sau nó gặp nạn.
Hai năm chờ đợi câu trả lời
Ngày 6/3, trong buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân MH370 ở một trung tâm thương mại tại Kuala Lumpur, hàng trăm người yêu cầu giới chức “điều tra, đánh giá và bắt đầu lại cuộc tìm kiếm”. Họ chưa bao giờ nguôi hy vọng gặp lại người thân và không thể yên lòng khi các câu hỏi về bí ẩn hàng không lớn nhất thế kỷ 21 vẫn chưa có lời giải đáp.
Dù rất đau khổ, nhiều gia đình vẫn sống trong chờ đợi và hy vọng khi nhiều câu hỏi về MH370 vẫn chưa được giải đáp. Ảnh: DPA
“Ba mẹ vẫn hy vọng con trở về”, “Bố thân yêu, hãy về nhà yên bình nhé” là hai trong số rất nhiều lời nhắn mà gia đình nạn nhân muốn gửi tới người thân mất tích.
Kỷ niệm hai năm MH370 gặp nạn cũng là hạn chót để các gia đình của 293 người kiện Malaysia Airlines. Ngày 7/3, gia đình 12 nạn nhân Trung Quốc kiện Malaysia Airlines lên tòa án Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhiều gia đình Trung Quốc vẫn tin người thân của họ còn sống và phải đấu tranh “dữ dội” trước khi quyết định kiện Malaysia Airlines. Kiện hãng hàng không cùng chính phủ Malaysia đồng nghĩa việc họ thừa nhận những người thân yêu đã chết. Đây là điều họ không hề muốn.
“Họ nghĩ rằng sau khi chấp nhận bồi thường, công ty có thể thoái thác trách nhiệm và công chúng sẽ dần quên những chuyện đã xảy ra”, dẫn lời luật sư Zhang Qihuai, đại diện cho gia đình 12 nạn nhân MH370, giải thích.
Thân nhân 239 người trên máy bay cũng yêu cầu giới chức tiếp tục quá trình truy dấu MH370. “Họ có thể dừng tìm kiếm nhưng làm sao chúng tôi ngừng nỗi nhớ người thân”, Jacquita Gonzales, vợ của thành viên phi hành đoàn Patrick Gomes, nói.
Nhóm hỗ trợ các thân nhân Voice 370, kêu gọi các nhà chức trách cân nhắc lại việc dừng quá trình tìm kiếm máy bay mất tích. “Họ không nên từ bỏ, chấm dứt vụ việc và chỉ đơn giản coi đây là một bí ẩn không thể giải quyết”, Voice 370 cho hay.
Theo nhóm này, gia đình và bạn bè những hành khách trên MH370 đã phải chịu đựng hai năm dài để đợi các thông tin xác thực về vị trí của MH370 và số phận những người thân yêu. Họ vẫn muốn tìm ra câu trả lời cuối cùng và không ngừng hy vọng.
Hải Anh
Theo Zing News
Hai năm sau vụ MH370: Mẹ vẫn chờ gặp con
Đã hai năm trôi qua kể từ khi chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia mất tích và cho tới nay số phận của 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn vẫn là điều bí ẩn.
Tuy nhiên, người nhà của họ vẫn không từ bỏ hy vọng và luôn mong mỏi những người thân yêu sẽ trở về.
Người nhà nạn nhân trên chuyến bay MH370 vẫn luôn cầu nguyện điều kỳ diệu sẽ xảy ra khi số phận chiếc máy bay mất tích vẫn là điều bí ẩn. (Ảnh: Mirror)
Một trong số đó là bà Lai Chew Lai (84 tuổi), người đã không ngừng cầu nguyện một ngày nào đó chiếc MH370 sẽ hạ cánh và đưa con trai bà là anh Tan Ah Meng (46 tuổi) về nhà.
"Tôi nhớ con trai tôi và tới giờ tôi vẫn hy vọng rằng tôi sẽ được gặp con lần nữa", bà Lai chia sẻ với phóng viên báo Bernama tại nhà riêng ở Taman Kantan Baru, Chemor.
"Thực ra, tôi thường mơ tới việc con trở về", bà nói thêm.
Anh Tan đã cùng vợ người Đài Loan là chị Huang Hsiu Leng (48 tuổi) và con trai Tan Wei Chen (19 tuổi) đã lên chuyến bay MH370 trước khi nó biến mất khỏi màn hình kiểm soát không lưu vào hôm 8/3/2014 trong khi đang đi từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh.
Mong nhớ và khắc khoải chờ đợi cũng chính là tâm trạng của Maria Elizabeth (20 tuổi), con cả của tiếp viên trưởng Andrew Nari trên chuyến MH370, trong suốt hai năm qua.
"Có thể bố sẽ quay lại, cũng có thể không. Cho dù họ đang ở đâu chăng nữa, tôi vẫn không ngừng cầu nguyện Chúa sẽ che chở cho họ...Một ngày nào đó, chúng tôi sẽ gặp tất cả mọi người".
Elizabeth cũng chia sẻ rằng cô rất nhớ cha, đặc biệt là trong những ngày kỷ niệm, lễ, Tết.
"Bạn có thể thấy chúng tôi cười nhưng chỉ có Chúa mới biết chúng tôi đang cảm thấy ra sao", Elizabeth nói.
Trong khi đó, Grace Subathirai Nathan (28 tuổi), người có mẹ cũng là một hành khách trên chuyến MH370 nói rằng cả gia đình cô vẫn hy vọng nhưng lại lo ngại rằng những nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích sẽ chấm dứt vào tháng 6/2016.
"Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức có thể để công việc tìm kiếm tiếp tục diễn ra. Chúng tôi cần câu trả lời".
Sầm Hoa
Theo_VietNamNet
Gia đình hành khách MH370 nộp đơn kiện vì "sốc thần kinh" Vợ và các con trai của một hành khách bị mất tích trên chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines vừa đâm đơn kiện hãng này vì "cú sốc thần kinh" sau vụ việc. Bà Yen Li Chong cùng các con trai là Justin Jia Tian Tan và Javier Jia He Tan, sống ở Australia, đã nộp đơn kiện tại bang...