Mexico và Trung Quốc mở tuyến vận tải hàng hải mới
Ngày 19/7, Mexico và Trung Quốc đã khai trương tuyến vận tải hàng hải trực tiếp mới, góp phần giảm thời gian vận chuyển hàng hóa giữa hai nước tới 10 ngày.
Tàu chở hàng hóa cập cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 18/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Tuyến vận tải mới trên khởi hành từ cảng Đại Liên ở phía Đông Bắc Trung Quốc và do Tập đoàn China COSCO Shipping Corporation Limited điều hành. Doanh nghiệp này lên kế hoạch thuê 8 tàu chở hàng với sức tải từ 6.000 đến 8.000 container loại 20 feet (TEU) để cung cấp dịch vụ vận tải trực tiếp hàng tuần đến các cảng Mexico gồm Ensenada, Manzanillo và Lázaro Cárdenas nằm ở khu vực duyên hải Thái Bình Dương của quốc gia Mỹ Latinh này.
Phát biểu với báo giới, Tổng giám đốc bến container cảng Đại Liên Lý Tiểu Quang cho biết hàng hóa được vận chuyển qua tuyến thương mại hàng hải trên giữa hai nước sẽ bao gồm ngũ cốc, sản phẩm hóa chất, khoáng sản, phụ tùng ô tô và máy móc.
Theo đó, các công ty ở phía Đông Bắc Trung Quốc muốn thâm nhập vào các thị trường mới nổi ở Mỹ Latinh sẽ được đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa một cách hiệu quả.
Được thành lập vào năm 1899, cảng Đại Liên nằm ở phía Nam của bán đảo Liêu Đông, tỉnh Liêu Ninh và là cửa ngõ duy nhất phía Bắc Trung Quốc. Cảng này hiện quản lý gần một trăm tuyến đường hàng hải, bao gồm các tuyến kết nối với châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
Mexico là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc ở Mỹ Latinh. Theo số liệu hải quan năm 2023, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 114 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Trung Quốc sang nền kinh tế lớn thứ 2 Mỹ Latinh tăng 34,8% so với năm 2022.
Giá cước vận chuyển hàng qua đường biển tiếp tục tăng cao
Chi phí vận chuyển một container hàng hóa 40 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến New York (Mỹ) đã tăng lên gần 10.000 USD, gia tăng lo ngại đối với những nhà nhập khẩu.
Vận chuyển hàng hóa tại cảng Dương Sơn, Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Công ty tư vấn Drewry World mới công bố chỉ số cho thấy cước vận tải một container như trên tăng lên 9.387 USD vào ngày 11/7 vừa qua, cao hơn gấp 2 lần so với giá cước trong tháng 2 năm nay, nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh 16.000 USD trong thời gian COVID-19 mới bùng phát khiến nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng đột biến.
Giới chuyên gia lý giải nguyên nhân giá cước tăng chủ yếu do các hãng vận tải buộc phải dừng lộ trình qua kênh đào Suez khi lực lượng Houthi tại Yemen tấn công vào các tàu trên Biển Đỏ, khiến thời gian vận chuyển kéo dài hơn và làm tăng chi phí.
Theo sàn giao dịch vận tải Thượng Hải, trong tháng 7 này, giá cước vận tải container chở hàng từ Thượng Hải đến Bờ Tây nước Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục 8.100 USD, dù số lượng hàng vận chuyển bằng đường biển vẫn thấp hơn mức đạt được hồi đầu đại dịch COVID-19. Trong khi đó, chỉ số của Drewry cho thấy giá cước trên tuyến vận tải này bằng khoảng 60% mức cao nhất 12.400 USD/container trong thời đại dịch.
Nhận định về giá cước vận tải container, quản lý cấp cao về nghiên cứu container tại Drewry, ông Simon Heaney cho rằng: "Đây là một bong bóng và cuối cùng sẽ vỡ". Kết quả thăm dò các khách hàng do công ty tư vấn này tiến hành dự kiến giá sẽ giảm trong nửa đầu năm 2025.
Tắc nghẽn cảng biển lan rộng sang châu Á Dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển trên toàn cầu trong tháng 6 này đang gặp tình trạng tắc nghẽn ở mức đỉnh điểm. Dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển trên toàn cầu trong tháng 6 này đang gặp tình trạng tắc nghẽn ở mức đỉnh điểm trong vòng 18 tháng qua, trong đó tình hình đặc biệt...