Mexico nỗ lực bảo vệ loài cá heo vaquita sắp tuyệt chủng
Hải quân Mexico và tổ chức môi trường Sea Shepherd đang nỗ lực phối hợp để cứu lấy loài cá heo vaquita – loài động vật biển có vú quý hiếm nhất thế giới, trước nguy cơ bị “xóa sổ” vĩnh viễn.
Cá heo vaquita được tìm thấy ở vùng Vịnh California, Mexico. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Loài cá heo này đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng do nạn đánh bắt trái phép bằng lưới rê tại Vịnh California. Các chuyên gia ước tính chỉ còn 20 con cá heo vaquita còn sót lại tại vùng Vịnh California – khu vực duy nhất trên thế giới còn phát hiện loài cá heo này sinh sống.
Lực lượng hải quân và các nhà hoạt động hằng ngày triển khai giám sát khu vực, tìm kiếm lưới đánh bắt bất hợp pháp và ngăn chặn ngư dân tiếp cận các vùng biển cấm. Máy bay hải quân cũng tham gia tìm kiếm tàu thuyền ra vào trái phép các vùng biển cấm. Đây là một phần trong khuôn khổ chiến dịch “Operation Miracle” do Sea Shepherd phát động năm 2015 nhằm bảo vệ cá heo vaquita.
Từ đầu năm 2022 đến nay, hải quân Mexico đã phát hiện 70 lưới đánh bắt trái phép, trong khi con số này của cả năm 2021 là 172 lưới. Theo Sea Shepherd, loại lưới rê này có thể dài đến hàng trăm mét, là cái bẫy đối với nhiều loại sinh vật biển khác nhau từ cá totoaba, cá heo vaquita cho đến cá voi, cá mập và rùa biển.
Cá heo vaquita là loài cá heo nhỏ nhất thế giới, được mệnh danh là gấu trúc đại dương vì có điểm đặc trưng là vòng tròn màu đen quanh mắt. Loại cá này có chiều dài chỉ khoảng 1,5m với cân nặng khoảng 50kg.
Năm 2019, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã đưa các đảo và khu bảo tồn của Vịnh California vào danh sách Di sản Thế giới đang bị đe dọa do lo ngại về nguy cơ nhiều sinh vật tại khu vực này bị tuyệt chủng.
Tháng 2 vừa qua, Mỹ đã đề nghị tham vấn với Mexico trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) nhằm bảo vệ các sinh vật trong khu vực, đánh dấu lần đầu tiên một chính phủ viện dẫn đến điều khoản môi trường trong thỏa thuận tự do thương mại có hiệu lực từ tháng 7/2020 này.
Nhật Bản: Phát hiện trường hợp nhiễm cúm gia cầm đầu tiên ở động vật có vú
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các cơ quan chức năng Nhật Bản vừa xác nhận trường hợp một con cáo đã chết bị nhiễm virus cúm gia cầm có khả năng gây bệnh cao.
Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, đây là trường hợp cúm gia cầm đầu tiên được phát hiện ở động vật có vú.
Một gia đình cáo tại Takikawa, Hokkaido, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: Kyodo/ TTXVN
Giới chức chính quyền tỉnh Hokkaido cho biết hôm 29/3 vừa qua nhà chức trách đã phát hiện virus cúm gia cầm dòng H5 ở 5 trong số 7 con cáo đã chết ở thành phố Sapporo, thuộc tỉnh Hokkaido. Hai ngày sau đó, họ tiếp tục phát hiện một con cáo nhiễm virus này ở khu vực gần địa điểm phát hiện các con quạ bị chết. Người ta cho rằng con cáo này có thể đã nhiễm virus sau khi ăn phải các con quạ chết.
Mặc dù nguy cơ lây lan virus cúm gia cầm trong loài cáo và từ cáo sang người khá thấp nhưng theo hãng tin Jiji Press, virus này xâm nhập vào các trang trại có thể làm chết nhiều gia cầm.
Trước đó, vào tháng 11 năm ngoái, chính quyền tỉnh Hokkaido đã nâng mức độ cảnh báo về cúm gia cầm, đồng thời thường xuyên tiến hành kiểm tra xác những con chim chết.
Tổng Thư ký LHQ hối thúc các nước đánh giá lại chính sách năng lượng Thế giới sẽ không thể tồn tại nếu các chính phủ trên thế giới không đánh giá lại các chính sách năng lượng. Tuyên bố trên được Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đưa ra ngày 4/4 sau khi Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của LHQ công bố báo cáo quan trọng về...