METEORA quần thể tu viện trên mây
Quần thể tu viện Meteora là tuyệt tác về kiến trúc tôn giáo độc đáo, vô tiền khoáng hậu không chỉ của Hy Lạp mà còn là một trong những kỳ quan vô cùng giá trị của thế giới. Quần thể tu viện được xây dựng trên những mỏm đá cheo leo nằm lơ lửng giữa bầu trời…
Vùng thung lũng Kalambaka có rất nhiều núi đá vôi với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, hệ sinh thái vô cùng phong phú và đa dạng. Theo các nhà địa chất học, những dãy núi đá vôi ở Kalambaka được hình thành từ hơn 60.000 năm trước, dưới tác động của gió và nước.
Không ai biết chính xác quần thể tu viện Meteora có từ bao giờ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tu viện có từ thế kỷ thứ 9 thông qua cách xây dựng, tổ chức và hoạt động của nơi này. Cũng có tài liệu nói rằng trong khoảng thời gian những năm 950 – 965 một vị tu sĩ khổ hạnh tên Varnavas đã đến sinh sống tu tập ở đây. Sau đó đến năm 1020, một thầy tu khác tên là Andronikos đến từ Crete đã đặt những nền móng đầu tiên cho việc hình thành và phát triển quần thể tu viện.
Đến khoảng thế kỷ 11 thì tu viện đầu tiên được xây dựng. Trong giai đoạn hoàng kim, quần thể tu viện Meteora có khoảng 20 tu viện. Sau những biến động của thời cuộc, các cuộc bao vây và chiếm đóng bởi người Thổ Nhĩ Kỳ, người Đức… phần lớn các tu viện đã bị phá hủy. Hiện nay quần thể này chỉ còn tồn tại 6 tu viện.
Để đến tu viện Varlaam, từ bãi đỗ xe, chúng tôi đi qua một cánh cổng nhỏ, rồi tiếp tục băng qua chiếc cầu gỗ bắc qua khe núi hẹp và khá sâu, sau đó leo lên 195 bậc thang. Nhà nguyện của tu viện không lớn lắm nhưng được trang trí khá tinh xảo.
Do tu viện nằm ở vị trí xa xôi, lại được xây dựng trên một tảng đá cheo leo cách biệt cho nên cuộc sống ở đây không hề dễ dàng, nhất là chuyện nước uống và lương thực. Một cái hầm khá to được xây ngầm trong lòng đất để chứa nước mưa. Bước vào một nhà kho nằm ở phía sau lưng tu viện, tôi thấy bên trong có một thùng gỗ với dung tích khá lớn, được dùng để chứa lương thực cho tu viện…
Có thể nói đây là một trong những tu viện cổ xưa và đẹp nhất của quần thể tu viện Meteora. Tu viện Varlaam được xây dựng trên một mỏm đá ở độ cao 373 m so với mực nước biển vào năm 1350, bởi một thầy tu tên là Varlaam. Công trình lúc đầu khá sơ sài. Đến năm 1518, tu viện chỉ còn là phế tích. Lúc đó có hai anh em nhà quý tộc tên là Nectarios và Theophanis đến đây và cho xây dựng lại tu viện này.
Theo một số tài liệu, tu viện được xây dựng trong vòng chỉ có 20 ngày, tuy nhiên thời gian để vận chuyển vật liệu lên mỏm đá để xây dựng tu viện mất đến 22 năm. Trong quá trình xây dựng, Theophanis đổ bệnh nặng và phải nằm liệt giường 10 tháng liền.
Khi được báo tin công trình đã hoàn tất, ông chống gậy đến xem và nhìn thấy nhà nguyện đã xây xong. Trong niềm vui khôn tả, ông chắp tay tạ ơn Chúa và các thánh thần. Sau khi hôn tạ ơn lên những viên đá cũng như cảm ơn các thầy tu, những người thợ đã giúp ông hoàn thành ước nguyện thì ông qua đời.
Bước ra ngoài, tôi đi về phía sau tu viện. Không gian thật tĩnh lặng. Nhìn xuống bên dưới, một vách đá dựng đứng sâu hun hút, những cơn gió rít lên từng hồi mang theo hơi lạnh từ vách đá. Nhìn về phía xa xa, một vài tu viện nép mình nằm cheo leo trên các mỏm đá cao chót vót, tôi chợt cảm thấy mình đang ở một thế giới hoàn toàn khác. Chợt nghe tiếng bước chân phía sau, quay lại tôi nhìn thấy một người thanh niên tuổi chừng ba mươi. Anh đang vác những thanh gỗ khá to mà tôi đoán là để sửa tu viện. Qua cuộc trò chuyện ngắn, được biết David – tên chàng trai, đến từ thủ đô Athen.
Là một kỹ sư chuyên về công nghệ thông tin, anh khá hạnh phúc với một công việc ổn định và cô vợ sắp cưới xinh đẹp. Nhưng cuộc sống luôn đầy những bất ngờ, người con gái mà anh hết mực thương yêu đã rời bỏ anh để chạy theo một người đàn ông giàu có. Anh đã có những tháng ngày sống trong đớn đau tuyệt vọng. Cho đến một hôm, tình cờ anh được có cơ hội đến thăm tu viện Meteora, cũng là lúc anh tìm thấy lại chính mình và một niềm vui khác của cuộc sống.
Anh David kể, cuộc sống ở đây khá thanh đạm. Hằng ngày các thầy tu thức dậy từ rất sớm, ngoài các phận sự tôn giáo thì các thầy tu còn phải tự túc lo lấy mọi công việc, từ các việc nấu nướng cho đến các công việc nặng nhọc như xây dựng các công trình của nhà thờ… Cuộc sống vất vả khắc nghiệt là thế, nhưng cái mà những thầy tu hay những ai khi đến đây có được là một cảm giác tuyệt vời.
Trong một thế giới hoàn toàn cách biệt với thế giới của người thường, chỉ có nắng gió của ban ngày và bầu trời đầy sao mỗi tối cùng ánh bình minh rực rỡ mỗi buổi ban mai, con người và thiên nhiên hòa vào làm một. Những toan tính lo âu của thế giới loài người dường như đã bị rũ bỏ lại phía bên kia của những ngọn đồi. Phải chăng cuộc sống nơi đây là một phần của thiên đường?…
Chỉ tay về hướng xa xa, anh cho tôi biết những thanh gỗ này anh mang lên đây để cho thay mới một phần lan can tu viện. Gần đấy có một cái trục gỗ và cuộn dây thừng rất to. Dường như đoán được thắc mắc của tôi, anh nhẹ nhàng giải thích: xưa kia, đường lên tu viện không dễ dàng như bây giờ. Chiếc ròng rọc này không chỉ là phương tiện vận chuyển các nguyên vật liệu lên đây mà nó còn là cách các thầy tu dùng để đi lên và xuống tu viện.
Treo lơ lửng trên đầu một thanh gỗ hơi nhô ra ngoài vực thẳm là một cái bánh xe ròng rọc, sợi dây thừng được buộc vào cái túi lưới thưa có hình dáng như một bao tải. Các thầy tu ngồi vào trong túi lưới đó, người bên ngoài xoay trục gỗ quay chiếc ròng rọc để nâng lên hay hạ xuống. Người ngồi bên trong chiếc giỏ bằng dây ấy sẽ có một khoảng thời gian đủ dài để cảm nhận sự bé nhỏ và vô thường của mình.
Trò chuyện với David trong khoảng thời gian khá ngắn ngủi nhưng tôi cảm nhận ở anh một con người mạnh mẽ và giàu có về nội tâm. Giữa hai chúng tôi là sự đồng cảm đến lạ kỳ, tôi cảm và hiểu được một cách sâu sắc về những nỗi đau của anh. Một lần nữa anh cho tôi hiểu rằng trong cõi đời này vật chất chỉ là phù du, nhưng đôi khi cũng chỉ vì sự không sung túc về tiền bạc cũng có thể làm cho chúng ta mất đi những gì thân thương nhất.
Theo vyctravel.com