Mệt mỏi vì lạm thu phí
Chiều 11-4, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về chấp hành pháp luật về phí và lệ phí đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính và đại diện một số bộ, ngành liên quan. Nhiều ĐBQH quan tâm đến tình trạng phí chồng phí, ban hành phí, lệ phí trái luật.
Phí trông giữ xe là nỗi bức xúc thường trực của người dân đô thị
Bức xúc vì phí chồng phí
Ngay đầu phiên giải trình, ĐB Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng hỏi: “Tình trạng phí chồng phí, lạm thu phí, lệ phí diễn ra phổ biến trên mọi lĩnh vực. Nhiều loại phí không phù hợp đang chất tải lên vai người dân và doanh nghiệp. Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của ngành trước tình trạng này?”. ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp: “Dư luận bức xúc có hàng trăm loại phí đè lên người dân. Đây cũng là gánh nặng đối với doanh nghiệp. Áp lực này là do một số bộ, ngành địa phương còn tự đặt ra một số phí, lệ phí. Bộ Tài chính có biện pháp gì kiểm soát phí, lệ phí trái luật?”.
Trước bức xúc của các vị ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện tại có 301 khoản phí và lệ phí. Pháp lệnh về phí và lệ phí đã có quy định rõ cơ quan nào được ban hành cũng như các loại phí, lệ phí nào được ban hành. Bộ trưởng giải thích: “Như vậy, không nhiều đến mức 400- 500 loại như báo chí nói. Qua nhiều lần kiểm tra, rà soát, có 340 khoản ban hành không đúng quy định đã được bãi bỏ, nhiều khoản trước đây có thu, hiện đã được miễn, như phí an ninh, trật tự, phòng chống thiên tai…”. Bộ trưởng cũng thông tin, hiện nay, một số địa phương tổ chức áp dụng một số khoản thu thực chất không phải là phí, lệ phí (nhưng vẫn bị hiểu nhầm là phí) như “phí” giao thông, bến bãi…
Chưa thể hài lòng về phần giải trình của Bộ trưởng, nhiều ĐBQH đã nêu câu tái chất vấn. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận, hiện nay, vẫn có tình trạng lạm thu. Nhiều khoản thu vẫn núp bóng phí, lệ phí. Bộ trưởng cam kết sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định để chấn chỉnh hoạt động này.
Điều chỉnh phí sử dụng đường bộ
Video đang HOT
Đề cập tới phí sử dụng đường bộ – loại phí được người dân rất quan tâm – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Đinh Văn Nhã phản ánh: “Khi áp dụng thu phí đường bộ thì đã xóa bỏ các trạm thu phí của nhà nước, nhưng riêng trên Quốc lộ 1 đã có khoảng 20 trạm thu phí BOT, có chuyện phí chồng phí không?”.
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, vừa qua, Bộ đã tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện phí bảo trì đường bộ. Theo đó, đã chuyển việc thu phí tại các trạm của Nhà nước thành thu theo đầu phương tiện, hiện chỉ còn các trạm BOT thực hiện thu phí. Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định, Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương họp theo quý, các khoản chi đều được công khai minh bạch, Bộ đang đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán để rút kinh nghiệm, làm tốt hơn. “Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện đã phát hiện một số bất hợp lý, Bộ đang trình sửa đổi một số điều về mức thu, đối tượng thu… đầu tháng 6 tới đây sẽ trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt”, thứ trưởng nói.
Ông Nguyễn Hồng Trường cho rằng, không có chuyện phí chồng phí: “Quốc lộ 1 ngân sách không đủ tiền làm nên kêu gọi xã hội hóa đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao). Cả tuyến có 17 trạm BOT. Giả sử không thu phí ở các trạm BOT thì cũng phải phân bổ vào phí thu qua đầu phương tiện”. Tính ra, một xe container đi từ TP Hồ Chí Minh ra tới Hà Nội phải nộp phí 1,5 – 1,7 triệu đồng, là mức chấp nhận được.
Cũng tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, giải trình của Bộ Tài chính và các bộ ngành có liên quan tuy có nhiều thông tin, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục làm rõ: “Đã có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về phí, lệ phí được ban hành, nhưng như vậy đã đủ chưa? Mới chỉ có các loại phí, lệ phí trong danh mục được rà soát, đã bỏ đi 340 loại, nhưng còn những loại không có trong Danh mục đã được ban hành một cách tùy tiện, không đúng pháp luật thì sao? Đặc biệt, trong tổ chức thực hiện, khâu thanh tra, kiểm tra, xử lý chưa được kịp thời và chưa đúng mức”. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các bộ ngành liên quan coi các vấn đề ĐBQH đã nêu như những “đề bài” cần giải quyết thấu đáo, từ đó tiến tới xây dựng luật về phí và lệ phí.
Bộ Tài chính đề xuất bỏ một số loại phí
Theo Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí vừa được công bố, Bộ Tài chính đề xuất bỏ một số loại phí như phí xây dựng, phí an ninh trật tự hay phí phòng chống thiên tai, đồng thời Bộ Tài chính cũng cho rằng nên đưa một số khoản thu vốn là giá dịch vụ ra khỏi danh mục phí, lệ phí.
Bộ Tài chính đánh giá, trong danh mục phí và lệ phí đang có tình trạng một số loại phí trùng với khoản thu khác. Cơ quan này cũng cho rằng, hiện có thực tế là một số loại phí đang chuyển thành khoản thu không thuộc ngân sách Nhà nước hoặc giá dịch vụ nhưng vẫn có trong danh mục phí và lệ phí cũ như phí trông giữ xe, phí vệ sinh, phí qua đò, phí chợ, phí bến bãi…
Theo ANTD
'Trụ sở để phục vụ dân chứ không phải làm cung điện'
'Trụ sở một số tỉnh thì mênh mông, trụ sở của đảng ủy nhiều tỉnh thì phản cảm, xây dựng lộng lẫy, xa hoa. Đây là nơi phục vụ dân chứ không phải là cung điện", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phát biểu khi bàn về thực trạng lãng phí.
Chiều 19/9, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ, đại diện Chính phủ cho biết kết quả thực hiện tiết kiệm nửa đầu năm của Bộ, ngành, các địa phương cũng như các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là trên 16.000 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, riêng trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, 11 tập đoàn và 88 tổng công ty đã đăng ký kế hoạch tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh và tiết giảm chi phí quản lý với tổng số tiền trên 11.800 tỷ đồng trong năm 2013.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: TTXVN.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, báo cáo của Chính phủ dùng nhiều tính từ mạnh khi nói về kết quả đạt được nhưng thực tế "không đơn giản như đã nêu".
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận xét, dù tiết kiệm được hơn 16.000 tỷ nhưng con số lãng phí thực tế lại lớn hơn nhiều. Đặc biệt là việc dừng, giãn tiến độ trong mấy năm qua đã khiến nhiều dự án trị giá hàng nghìn tỷ đồng đầu tư phơi mưa nắng. "Phải thống kê chỗ này vì vừa mất trắng tiền đã đầu tư, vừa không có công trình để sử dụng", ông Ksor Phước yêu cầu.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước: "Bộ Tài chính bảo là quản lý chặt nhưng không hiểu sao có những cán bộ nhà nước, cấp dưới bộ trưởng đi xe rất sang, biển xanh đàng hoàng. Bộ trưởng Tài chính phải "tuýt còi", không tha dù đó là ông nào".
Ông Ksor Phước cũng tỏ ý không hài lòng với các chương trình mục tiêu quốc gia không hiệu quả như dự án năng lượng mặt trời do Ủy ban Dân tộc và Miền núi làm chủ đầu tư (vốn vay ưu đãi 7 triệu USD), giờ "đắp chiếu". "Bộ Tài chính gác cổng cho Chính phủ mà không dám nói thì phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Không làm được thì để người khác làm chứ để tình cảm xen vào việc nước, việc chung là hỏng", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh ông Nguyễn Kim Khoa cũng đề nghị đánh giá giá trị của chương trình, dự án khi xuống đến người dân. "Đầu tư nhiều mà chưa hiệu quả là lãng phí", ông nói.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cần ban hành tiêu chuẩn định mức đất đai, xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan để đảm bảo sự công bằng. Ảnh: TTXVN.
Ở lĩnh vực đất đai, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu chỉ đích danh cơ quan, đơn vị nào ngành, tỉnh nào gây lãng phí. Có như vậy việc quản lý nhà nước mới có giá trị cảnh báo, nhắc nhở người đứng đầu có trách nhiệm hơn.
"Tôi đi một số tỉnh, thấy có trụ sở rộng mênh mông như công viên. Vậy chuẩn mực đối với đất cho trụ sở thế nào? Trụ sở là nơi phục vụ nhân dân chứ không phải cung điện, không phải nơi tham quan. Tôi không tiện nêu đích danh, kể cả trụ sở của đảng ủy nhiều tỉnh làm phản cảm lắm, xây dựng lộng lẫy, xa hoa", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói.
Tán thành quan điểm này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban hành tiêu chuẩn định mức đất đai, xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan để đảm bảo sự công bằng. Bà yêu cầu đại diện Chính phủ chỉ ra cụ thể địa phương, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức lãng phí đất đai, nguồn lực để đại biểu Quốc hội và người dân giám sát. Khi báo cáo, cần cân nhắc đánh giá giữa mặt được và chưa được của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, với dự báo khó khăn thu ngân sách trong năm 2014, Chính phủ đề xuất cắt giảm 10% chi thường xuyên, giảm biên chế bởi "30% cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả".
Nguyễn Hưng
Theo VNE
Chỉ cho phép trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài tăng phí 1,5 lần Trước kiến nghị của Công ty Cổ phần BOT Vietrancimex 8 về việc đòi tăng gấp đôi ở trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo hợp đồng đơn vị này chỉ được phép tăng 1,5 lần. Tăng phí "ra vào" cửa ngõ Thủ đô là theo cam kết Công ty Cổ phần BOT...