“Méo mặt” vì vựa lạc Diễn Châu ế ẩm hàng nghìn tấn
Tuy được mùa nhưng năm nay việc tiêu thụ lạc của người dân Diễn Châu gặp nhiều khó khăn, giá bán thấp và tiêu thụ chậm hơn mọi năm. Thời điểm này năm ngoái, các xe container vào ra bốc hàng liên tục thì nay phải vài ba ngày mới có một chuyến.
Diễn Thịnh là xã có diện tích trồng lạc lớn nhất ở Diễn Châu với trên 700 ha/năm. Đây cũng là nơi tập trung nhiều cơ sở thu mua và chế biến lạc xuất khẩu nhất huyện. Ảnh: I.T
Nếu như những năm trước, dịp này, Diễn Thịnh náo nhiệt vào mùa thu mua, xuất khẩu lạc thì năm nay không khí trầm lắng hơn. Giá thấp nên nhiều bà con găm hàng chờ giá lên, chưa xay bán cho các đại lý, còn các đại lý cũng chỉ hoạt động bằng nửa công suất so với mọi năm.
Gặp thương nhân Trung Quốc anh A Khang – một khách hàng quen thuộc đang trực tiếp thu mua lạc tại một đại lý ở Diễn Thịnh được anh cho biết: “Năm nào tôi cũng trực tiếp sang các đại lý ở Diễn Thịnh để mua lạc. Năm nay lượng hàng tồn ở Trung Quốc lớn mà bà con nông dân bên ấy cũng đang bước vào mùa thu hoạch lạc, cộng với giá lạc các nước như Ấn Độ, Myanmar nhập vào rẻ nên kéo giá lạc xuống. Ngoài giá rẻ thì năm nay lượng mua của tôi cũng giảm mạnh; mùa năm ngoái thu mua tới 1.000 tấn, nhưng năm nay chỉ mua 300 tấn”.
Doanh nghiệp Sỹ Thắng ở xã Diễn Thịnh là cơ sở chuyên thu mua, xuất khẩu lạc lớn nhất ở Diễn Châu. Tại đây, việc xuất khẩu lạc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, bán cho tư thương Trung Quốc trực tiếp tại cơ sở hoặc bán cho một số thương nhân vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Nếu như những năm trước, các xe container vào ra bốc hàng liên tục thì nay phải vài ba ngày mới có một chuyến. Việc thu mua lạc nhân cũng hạn chế, chủ yếu xay lạc vỏ để bán.
Cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu lạc Sỹ Thắng mùa trước nhộn nhịp nay chỉ còn ít công nhân. Ảnh: Mai Giang
Video đang HOT
Theo ông Phạm Sỹ Thắng – Chủ doanh nghiệp cho biết, sản phẩm không xuất được theo đường chính ngạch, chỉ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch cho các bạn hàng Trung Quốc nên giá cả rất bấp bênh. Năm nay giá rẻ, năm ngoái dao động từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, nay chỉ ở mức 25.000 – 30.000 đồng (tùy loại lạc nhân hay lạc nhân xô). Nếu mùa năm ngoái xuất được khoảng 7.000 tấn thì hết mùa năm nay chỉ khoảng 1.300 tấn. Để khắc phục khó khăn, doanh nghiệp phát triển thêm lĩnh vực ép dầu lạc, mặt hàng này bán khá chạy, dân rất ưa dùng. Từ đầu mùa đến nay ép được khoảng 80 tấn lạc.
Diễn Thịnh là xã có diện tích trồng lạc lớn nhất ở Diễn Châu với trên 700 ha/năm. Đây cũng là nơi tập trung nhiều cơ sở thu mua và chế biến lạc xuất khẩu nhất huyện. Hiện nay toàn xã có 1.200/3.000 hộ làm nghề thu mua lạc, 5 cơ sở chế biến, xuất khẩu lạc. Không chỉ thu mua trên địa bàn huyện, mà các tư thương ở đây còn vào tận tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình để thu mua lạc vỏ. Vào chính vụ, mỗi ngày bà con ở đây chế biến tới hơn 100 tấn lạc vỏ.
Hoạt động xay xát lạc cũng đìu hiu. Ảnh: Mai Giang
Tuy nhiên năm nay do giá lạc hạ lại khó tiêu thụ nên sau khi thu mua về, phơi khô, nhiều hộ đang cất trữ lạc tại kho chưa mang xay bán. Anh Phạm Bàng ở xóm 17, xã Diễn Thịnh đã 12 năm làm nghề thu mua lạc cho biết: “Vào mùa năm nay thu mua được 20 tấn lạc tươi về phơi khô, như mọi năm đã xay bán nhưng giá hiện nay rẻ, các đại lý thu mua ít, nếu xay bán chỉ hòa công không có lãi nên tôi để dành chờ giá lên một chút mới bán”.
Diễn Châu là huyện trọng điểm lạc của Nghệ An, với diện tích 3.200 ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 9.000 tấn. Lạc Diễn Châu nổi tiếng về chất lượng, được khách hàng ưa chuộng. Với việc đảm bảo từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, Diễn Châu không chỉ là vựa lạc mà còn được biết đến là nơi thu mua và xuất khẩu lạc lớn nhất tỉnh.
Toàn huyện Diễn Châu có khoảng 1.800 hộ làm nghề hàng xáo thu mua lạc, 11 cơ sở chuyên nghề thu mua, chế biến, xuất khẩu lạc, tập trung ở các xã Diễn Thịnh, Diễn Thành, Diễn An. Mỗi năm các cơ sở trên địa bàn huyện thu mua, chế biến đến 20.000 tấn lạc.
Với việc xuất khẩu theo đường chính ngạch gặp khó khăn, đường tiểu ngạch bấp bênh, nhiều rủi ro, giá lạc lại hạ, tiêu thụ kém nên tuy đã cuối mùa lạc nhưng hiện nay mỗi cơ sở ở Diễn Châu chỉ mới xuất bán được từ 500 tấn đến 1.300 tấn, thấp hơn nhiều so với các năm trước, lượng lạc tồn trong dân còn khá nhiều, gây khó khăn cho cả người trồng lạc và người thu mua, xuất khẩu lạc./.
Theo Mai Giang (Báo Nghệ An)
Nông dân nhận "quả đắng" vì trồng lạc không có củ chỉ thấy... rễ
Đầu tư vốn liếng, bỏ công sức chăm sóc gần 3 tháng trời nhưng nhiều nông dân tại huyện An Phú, tỉnh An Giang lại nhận "quả đắng" khi hàng trăm ha đậu phộng (lạc) đến ngày thu hoạch mà không có củ.
Theo Phòng NNPTNT huyện An Phú, nguyên nhân ban đầu được xác định là do khi cây lạc đang ở giai đoạn làm củ thì gặp ngay đợt nắng nóng, nhiệt độ cao khiến hoa của cây lạc bị hỏng, dẫn đến không tạo củ được.
Gia đình ông Hùng lỗ đến 80 triệu đồng trong vụ lạc này.
Chỉ tay về hướng 14,5 công (1 công bằng khoảng 1.300m2) lạc xanh tốt đã được 75 ngày tuổi, ông Trần Văn Hùng (ngụ ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng), ngao ngán nói: "Nhìn vậy chứ nhổ lên thì chỉ thấy toàn rễ, hiếm hoi mới có những bụi chỉ được vài củ, còn lại là củ bị chay hoặc không phát triển. Với 14, 5 công lạc này, chi phí đầu tư và tiền thuê đất hết khoảng 8 triệu đồng/công. Tổng thiệt hại của gia đình tôi khoảng 80 triệu đồng".
Những cây lạc chỉ toàn rễ, hoặc có củ nhưng bị chay, hỏng.
Theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện An Phú, tổng diện tích lạc tại địa phương là 282ha, trong đó có khoảng 240ha bị thiệt hại với tỷ lệ giảm năng suất khoảng 70%. Cụ thể số thiệt hại ở các xã như sau: Xã Phú Hữu 200ha, xã Phước Hưng 18ha, Vĩnh Lộc 21ha, Đa Phước 1,2ha.
Bà Bùi Thị Thủy, ấp Phước Hòa trên cánh đồng lạc khô lá và đang chết dần.
Củ lạc không phát triển hoặc bị hỏng dù đã 75 ngày tuổi.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Mai Văn Bộ - Trưởng Phòng NNPTNT huyện An Phú, cho biết: "Chúng tôi đã gửi mẫu về Sở NNPTNT để kiểm định và đang đợi kết quả chính thức. Hiện phòng cũng đang tổng hợp danh sách để đề xuất Sở có hướng hỗ trợ, giúp đỡ đối với những hộ nghèo bị thiệt hại nặng nhằm ổn định sản xuất".
Theo Danviet