Méo mặt vì sửa nhà đón Tết
Càng đến gần Tết Nguyên đán, nhu cầu sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa ngày càng tăng. Mặc dù hiện có khá nhiều đơn vị thực hiện dịch vụ này, song nếu không lựa chọn kỹ, khách hàng sẽ bị “chặt chém”vô tội vạ…
Khách hàng cần thận trọng khi sử dụng dịch vụ sửa nhà đón Tết
Đủ cách moi tiền
Ngoài những công ty cung cấp dịch vụ sửa chữa, dọn nhà chuyên nghiệp, hiện có một số cá nhân thực hiện các công việc nhỏ lẻ, theo kiểu “ai thuê gì làm nấy”. Dịch vụ sửa chữa, làm sạch nhà hiện nay khá đa dạng, bao gồm những công việc như: Đánh véc ni, chống thấm, lăn sơn, làm sàn gỗ, ốp trần, trát lại nhà…. Bên cạnh đó, dịch vụ làm sạch sàn nhà, đồ đạc, bọc lại bàn ghế, giường tủ… cũng được nhiều người lựa chọn.
Do ngôi nhà được xây dựng cách đây hơn 10 năm, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp, nên năm nay, anh Lê Việt Đức (ở đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) quyết định tân trang nhà cửa để đón Tết.
Sau khi tìm hiểu thông tin, anh Đức gọi điện đến một công ty cung cấp dịch vụ thuê sơn nhà và lát lại sàn gỗ. Giá cả ban đầu hai bên thỏa thuận là 300.000 đồng /1m2 sàn gỗ và 10.000 đồng/m2 tiền công sơn tường. Tuy vậy, khi thợ bắt tay vào thực hiện công việc, một loạt chi phí khác bắt đầu phát sinh. Những người thợ không chỉ yêu cầu anh Đức phải thanh toán thêm tiền công bóc sàn cũ và vận chuyển vật liệu, tiền di chuyển đồ đạc… mà còn tự ý sử dụng loại sơn đắt tiền nhất để sơn nhà khiến chi phí đội lên rất nhiều. Không chỉ có vậy, số thợ được điều đến rất nhỏ giọt, thi công chậm chạp và thiếu chuyên nghiệp. “Tôi rất bực song do nhà cửa đang bừa bãi, ngổn ngang nên đành nhẫn nhịn. Hơn nữa, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tôi không thoả thuận cụ thể ngay từ đầu” – anh Đức than thở.
Cùng với việc cải tạo phòng khách để đón Tết, chị Lê Hồng Hà ở khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, quận Thanh Xuân yêu cầu một công ty chuyên làm mới thiết bị nội thất đến nhà bọc lại bộ bàn ghế bằng da đã cũ. Giá thỏa thuận là 5 triệu đồng/bộ, chị Hà phải đặt trước 500.000 đồng. Đến ngày hẹn nhưng không thấy thợ đến làm, chị Hà gọi điện thì nhận được câu trả lời: “Khách đông, chưa có người làm”. Sau gần 1 tuần chờ đợi, chị Hà tiếp tục liên lạc nhưng đáp lại vẫn chỉ là lời hứa hẹn. Chị Hà cho biết: “Do đã đặt cọc tiền, gia đình lại chuẩn bị đón khách nên tôi phải chấp nhận trả thêm 800.000 đồng nữa để thợ đến làm cho nhanh”.
Không chỉ phải đối phó với tình trạng vòi tiền thêm, trễ hẹn, nhiều khách hàng do không giám sát, kiểm tra kỹ đã bị thợ lén lút thay thế trang thiết bị, nguyên vật liệu rẻ tiền như sử dụng loại sơn không đúng như cam kết, tráo đổi thiết bị vệ sinh…
Video đang HOT
Nên ký kết hợp đồng
Ông Đặng Văn Phúc – Giám đốc một công ty chuyên sửa chữa, tân trang nhà ở quận Cầu Giấy cho biết, trung bình môt ngày, công ty nhận được gần 30 cuôc goi nhờ tư vân hoặc sơn sửa nhà. Do số lượng nhân viên có hạn nên công ty đã “chốt sổ”, chỉ nhận thêm một vài trường hợp sửa chữa đơn giản. Hầu hết các công ty chuyên nghiệp thường nhận những hợp đồng có nhiều hạng mục lớn chứ không thực hiện sửa chữa nhỏ lẻ, lặt vặt. So với năm trước, giá dịch vụ năm nay tăng từ 8-10% do giá nguyên vât liêu tăng cao, đặc biệt là giá sơn.
Cũng theo ông Phúc, đề phòng trường hợp phát sinh chi phí, mỗi gia đình khi có nhu cầu sửa nhà cần thống kê các hạng mục và lên dự toán cụ thể, tránh sửa chữa tràn lan theo kiểu tùy hứng. Ngoài ra, khách hàng cũng nên lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ có thương hiệu, có địa chỉ rõ ràng bởi chất lượng dịch vụ của các đơn vị này sẽ được đảm bảo hơn so với những đơn vị nhỏ lẻ.
Khi sử dụng dịch vụ, khách hàng hay phải đối mặt với tình trạng thời gian thi công bị kéo dài. Do đó, để tránh rơi vào hoàn cảnh này, khách hàng cần ký kết hợp đồng bằng văn bản với đơn vị thực hiện dịch vụ. Trong hợp đồng cần ghi rõ hạng mục cần thi công, giá cả và thời gian thi công. Nếu bên thi công cố tình kéo dài thời gian sẽ bị phạt hợp đồng. Hơn nữa, hợp đồng cũng phải có điều khoản quy định về trường hợp nếu xảy ra sự cố do lỗi bên nào bên đó phải có trách nhiệm bồi thường (như trường hợp bên thi công làm rơi, vỡ đồ đạc hoặc làm cháy thiết bị)…
Một vấn đề nữa xảy ra khá phổ biến khi khách hàng thuê sửa chữa, dọn nhà là hiện tượng dọn dẹp qua loa cho xong chuyện nhằm thực hiện hành vi trộm cắp. Chị Đào Thị Hòa, ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy cho biết, năm trước khi thuê người dọn dẹp, do bận việc nên chị Hòa phó mặc toàn bộ cho họ. Song, sau khi người được thuê ra về, chị Hòa mới phát hiện những khe cửa, góc tủ, chấn song cửa vẫn còn nguyên bụi bẩn. Hơn nữa, chiếc đồng hồ đeo tay của chị cũng không cánh mà bay. “Mỗi gia đình khi thuê người sửa chữa, dọn dẹp nhà nên đề cao cảnh giác, cần cử người kiểm tra, thu dọn và để mắt đến những vật dụng có giá trị, tránh tình trạng vừa mất tiền, vừa mất của, lại chuốc bực vào người” – chị Hòa khuyến cáo.
Theo ANTD
Những con số kỷ lục về công trình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông
Cách đây 4 năm, đúng ngày tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1.11.2009), hàng ngàn tăng ni, phật tử từ các nơi đã đổ về đất thiêng Yên Tử dự lễ khởi công dựng tượng của ngài trên An Kỳ Sinh. Hôm nay, Yên Tử lại đón hàng vạn khách hành hương, tỏ lòng hoan hỉ về dự lễ khánh thành tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông - cũng trùng vào ngày kỷ niệm 705 năm ngài viên tịch.
ảnh minh họa
4 năm và 1 ngày
19 giờ ngày 2.12, lễ trường bến xe Giải Oan, Yên Tử sáng rực ánh đèn hoa đăng. Hàng nghìn phật tử xếp hàng chờ dự lễ cầu an và thắp hoa đăng lúc 19 giờ 30 phút. Giữa cái lạnh buốt chốn núi rừng, ánh sáng lung linh từ những ngọn đèn hoa làm cho lòng người trở nên ấm cúng.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh- dù rất bận rộn cho buổi đại lễ vào sáng sớm hôm sau, nhưng cũng dành cho phóng viên vài câu trả lời ngắn. "Khi đúc xong bức tượng Phật hoàng ở độ cao trên 900m so với mặt nước biển mà không xảy ra một sự cố đáng tiếc nào, kể cả về mặt kỹ thuật, chất lượng và an toàn lao động, rồi ngày mai khi đã hoàn thành đại lễ tưởng niệm và khánh thành bức tượng, chúng tôi mới thực sự viên mãn".
Trong tâm trí của con dân nước Việt, Trần Nhân Tông không chỉ là vị hoàng đế anh hùng đã tạo nên kỳ tích 2 lần chiến thắng quân Nguyên, mà ngài còn là vị tổ sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm, mang tư tưởng hòa nhập đạo với đời, thấm nhuần tính nhân văn sâu sắc, một tư tưởng riêng của Phật giáo Việt Nam.
Với khách hành hương, cái tâm nguyện tôn kính đối với vị Phật hoàng ấy thể hiện qua mỗi bước chân vượt núi; đôi mắt toả rạng niềm vui khi hướng về ánh đèn sáng rực trên đỉnh An Kỳ Sinh - nơi đặt tượng ngài...
Tôi ngủ lại ở chùa Hoa Yên để chờ được hoà vào dòng người tới chiêm bái tượng Phật hoàng vào sáng sớm hôm sau. Dù đã đặt báo thức lúc 4 giờ, nhưng tôi đã bị tỉnh giấc từ 3 giờ sáng bởi tiếng người cười nói, tiếng bước chân dồn dập.
Hoá ra, rất nhiều người đã khởi hành vượt núi tới đỉnh An Kỳ Sinh từ rất sớm. Họ sợ đi muộn sẽ không còn chỗ đứng, chỗ ngồi thuận tiện để chiêm ngưỡng bức tượng đồng nguyên khối Phật hoàng Trần Nhân Tông lớn nhất Việt Nam.
Quả thật, khi tôi có mặt tại quảng trường tượng Phật hoàng Trân Nhân Tông vào lúc 4 giờ 30 phút, dòng người đã đổ về đây chật ních các ngả. Hàng nghìn ánh mắt ngước nhìn về phía bức tượng, chờ đón lớp vải đỏ được kéo xuống sau khi làm xong lễ hô thần nhập tượng vào lúc 6 giờ.
5 giờ 45 phút. Khung cảnh u tịch của núi rừng được đánh thức bởi những câu kinh nguyện và thần chú trầm hùng của 9 vị hoà thượng dưới chân tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Sau đó 30 phút, tấm vải đỏ được kéo xuống, bức tượng vị vua anh hùng - người sáng lập thiền phái Trúc lâm Yên Tử Việt Nam - sáng rực trên đỉnh An Kỳ Sinh khi mặt trời còn chưa tỏ.
Bảo tượng với những con số
Dự án xây dựng tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Đệ nhất tam tổ Trúc Lâm Yên Tử - được triển khai từ tháng 11.2009, do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh làm chủ đầu tư, với nguồn vốn được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Công trình được dựng trên khu đất rộng 2.200m, cao hơn 920m so với mực nước biển, bao gồm các hạng mục như: Khu vực đặt tượng, sân hành lễ, không gian tượng An Kỳ Sinh, sân tập kết và các hạng mục khác. Tổng kinh phí xây dựng tượng Phật hoàng là 72 tỉ đồng.
Bức tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, nặng 138 tấn này không chỉ khơi dậy hình bóng của vị quân vương thao lựơc, kiên cường với tấm lòng nhân từ cao cả của bậc Thánh nhân, từ lâu đã trở thành niềm kiêu hãnh của đất nước, của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam.
Ngoài 2 kỷ lục được xác lập là bức tượng Phật được đúc nguyên khối lớn nhất, nằm ở độ cao cao nhất, công trình tượng Phật hoàng Trần Nhân tông còn được đánh giá là thi công với hệ thống kỹ thuật tiên tiến nhất Việt Nam.
Vì là đúc liền khối tại chỗ nên phải thực hiện làm bệ trước; tiếp đến làm một giàn giáo 6 tầng, mỗi tầng cách nhau 3 mét. Mỗi tầng của giàn giáo đều có các lù, lò để thi công, đúc từng tầng một, xong tầng nào thì bịt lò tầng ấy lại. Quá trình đúc như thế được thực hiện tất cả các hạng mục từ đài sen đến thân và đầu tượng. Tổng số chiều cao của tượng là 15m với trọng lượng 138 tấn đồng nguyên khối.
"Với công trình bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, đến thời điểm này, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện công nghệ đúc nổi (khuôn nằm trên mặt đất) với khối lượng đồng lớn, khuôn cao, đường kính lớn, đặt ngay trên bệ bêtông. Và, đây là lần đầu tiên đúc trên vị trí núi đá cao, địa hình hiểm trở, không có địa bàn thi công, quanh năm mây mù, ẩm ướt... " - thượng tọa Thích Thanh Quyết chia sẻ.
9 giờ 30 phút, dòng người nghìn nghịt kéo về núi An Kỳ Sinh dự lễ khánh thành tượng và đại lễ tưởng niệm 705 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.
Theo thống kê của Ban quản lý Khu di tích Yên Tử, thời điểm hiện tại đã có khoảng trên 2 vạn người về dự đại lễ. Con số trên chắc chắn sẽ gấp nhiều lần vào những ngày tiếp theo, bởi đó là dịp để mọi người bày tỏ lòng thành kính đối với vị vua tài ba, đức độ, một anh hùng dân tộc với tấm lòng yêu nước thương dân ẩn trong cốt cách thanh cao của một nhà tu hành đạt đạo.
Theo LAODONG
Ngậm ngùi giáo viên vùng rốn lũ đón ngày 20/11 không hoa Trường bị sập, phòng học đổ nát, sách vở bị cuốn trôi, bàn ghế đảo lộn... Khi lũ rút, giáo viên một số trường ở vùng rốn lũ Bình Định tất bật dọn dẹp bùn đất, rác thải, sắp xếp, lau rửa bàn ghế để đón các học sinh trở lại trường sớm nhất. Những giáo viên ở vùng rốn lũ Bình Định...