Mẹo giữ ấm cho bé yêu khi ngủ mùa đông
Ủ ấm quá mức cho trẻ trong lúc ngủ cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị… đột tử.
Thời tiết Hà Nội đang chuyển lạnh khiến cho các bậc phụ huynh có con nhỏ vô cùng lo lắng. Các mẹ than thở vì khổ sở đủ đường với việc giữ ấm đúng cách cho trẻ vào buổi tối lúc con ngủ. Các con đều có xu hướng đạp chăn ra ngoài và không có ý thức đắp lại. Đêm đến mẹ vẫn phải thức dậy nhiều lần, khi thì để đắp thêm chăn cho con, lúc lại phải sờ gáy, lưng xem có ra mồ hôi không rồi lấy khăn lau khô.
Một số mẹ phòng xa, mặc nhiều quần áo cho con trước khi đi ngủ vì nếu chẳng may con có bị hở chăn, cũng không sợ lạnh, khiến bé không xoay mình được, nóng bức, toát mồ hôi, nếu không lau kịp lại dẫn tới mắc bệnh về đường hô hấp.
Dưới đây là một vài gợi ý giúp bố mẹ cho bé ngủ mà không bị nóng hay lạnh trong những ngày thời tiết khắc nghiệt như thế này.
1. Không ủ ấm quá mức
Nhiều bà mẹ đã chọn cách đóng kín cho con bằng việc mặc quần áo thật dày, kín trước khi đi ngủ. Nhưng trên thực tế đây là cách giữ ấm không khoa học. Mặc quá nhiều quần áo khiến bé có thể bị nóng, ra nhiều mồ hôi, làm nhiễm lạnh ngược và bé dễ viêm phổi. Ngoài ra, việc ủ quá nhiều lớp áo, chăn gây nóng còn dễ khiến làn da mỏng manh của trẻ bị viêm, ngứa, gây cho bé sự khó chịu. Ở một mức độ nào đó, ủ ấm quá mức còn khiến trẻ bị đột tử.
Mẹ cần chọn quần áo ngủ cho con sao cho an toàn, thoải mái và giúp bé duy trì thân nhiệt tốt nhất. Đồ ngủ của bé không nên dày, bí quá. Mẹ nên chọn trang phục bằng sợi tự nhiên mềm, giúp da “thở” được như cotton là tốt nhất.
Tránh đồ ngủ có ruy-băng, dây buộc, đính chuỗi hạt hoặc những chi tiết trang trí khác vì nó có thể quấn cổ bé. Các mẹ cũng nên tránh mua những bộ đồ ngủ có quá nhiều kim tuyến lấp lánh vì ánh sáng của kim tuyến trong bóng tối có khả năng thu hút côn trùng rất cao.
2. Không nên đội mũ ấm đi ngủ
Đối với trẻ sơ sinh, đầu là nơi tạo ra khoảng 40% thân nhiệt, nhưng đồng thời lại là nơi giải phóng đến 85% nhiệt độ cơ thể. Chính vì vậy, việc đội mũ và dùng băng quấn thóp là cần thiết với bé mới sinh (đặc biệt là các bé sinh non) nhưng với bé khỏe mạnh và đã được vài tháng tuổi, việc đội mũ khi ngủ là không cần thiết, mà ngược lại sẽ khiến nhiệt độ của não bé tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của vùng thần kinh kiểm soát hô hấp.
Đội mũ khi ngủ khiến nhiệt độ của não bé tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của vùng thần kinh kiểm soát hô hấp (Ảnh minh họa)
3. Giữ ấm bụng và chân
Giữ ấm bụng cho bé trong ngày lạnh cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ dạ dày. Bởi nếu bị lạnh bụng, bé rất dễ bị tiêu chảy, đau bụng và các triệu chứng khác. Trong thời tiết lạnh với nhiệt độ thấp, bụng được giữ ấm, dạ dày hoạt động bình thường sẽ giúp bé tăng cường tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn. Khi bé ngủ, bạn vẫn có thể quấn khăn để đề phòng bé đạp chăn sẽ bị hở bụng.
Mẹ nên nhớ đeo cho bé một đôi tất. Đây là cách tốt để giữ ấm cho những ngón chân của bé khi trời lạnh. Đừng đắp quá nhiều chăn dày, nặng cho bé vì nóng quá sẽ làm bé tăng thoát nhiệt ở đầu, dẫn tới dễ bị đột tử khi ngủ.
4. Dùng túi ngủ
Nếu cha mẹ lo lắng con sẽ đạp chăn trong lúc ngủ thì nên chọn cho con một chiếc túi ngủ. Túi ngủ vừa giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, vừa giúp bé không đạp chăn ra ngoài. Tuy nhiên để chọn cho bé chiếc túi ngủ tốt thì không phải mẹ nào cũng biết cách.
Chọn túi ngủ cho trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ sơ sinh có sự khác biệt với túi ngủ cho người lớn ở chỗ, trẻ nhỏ dễ tụt xuống dưới và ngạt thở mà không biết tự ngoi lên. Do vậy cần lựa chọn loại túi ngủ cho bé được thiết kế có 3 lỗ với 1 ở phía trên đầu và lỗ ở hai chân hoặc hai tay.
Video đang HOT
Nhưng với bất kỳ chiếc tủi ngủ nào bạn cần để ý đến độ dày và sự vừa vặn của túi. Túi không nên rộng quá hay hẹp quá vì hẹp quá khiến bé khó chịu, bí bách, túi rộng quá thì bé dễ lọt sâu vào trong túi không an toàn. Nên chọn túi không có những lợi lông nhỏ tránh trường hợp bé có thể hít phải gây ho và ảnh hưởng sức khỏe của bé.
5. Chú ý nhiệt độ trong phòng
Để giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, mẹ cần đảm bảo phòng ngủ của trẻ đủ kín đáo, không bị gió lùa. Cần đặt bé ngủ ở chỗ tránh hơi của máy điều hòa phả vào và tránh nơi gió lùa trực tiếp từ cửa sổ.
Nếu dùng máy điều hòa ấm thì mẹ nên điều chỉnh nhiệt độ trong phòng bé là 20-25C. Nếu dùng quạt sưởi hay máy sưởi thì mẹ cần tính toán khoảng cách giữa bé và nguồn nhiệt. Từ đó, có quyết định giữ ấm cho bé hợp lý. Mẹ cần lưu ý các thiết bị tạo nhiệt sẽ làm không khí trong phòng bị khô, do đó một chiếc máy tạo độ ẩm hoặc một bát nước đặt trong phòng giúp không khí dễ chịu hơn.
Theo TPO
15 thói quen sinh hoạt ảnh hưởng đến sức khỏe trong mùa đông
Uống ít nước, mặc quá nhiều quần áo, ăn thoải mái, ngủ nhiều... là những thói quen sai lầm làm ảnh hưởng đến sức khỏe trong mùa đông.
Vào mùa đông, chúng ta có xu hướng lười biếng khiến cho cơ thể ít hoạt động và dẫn tới nhiều loại bệnh tật như ho, cảm lạnh, dị ứng... Chính vì vậy, bạn hãy loại bỏ những thói quen sinh hoạt không tốt làm ảnh hưởng tới sức khỏe.
1. Uống quá ít nước
Hãy uống 2 lít nước mỗi ngày (Ảnh minh họa)
Vào mùa đông, chúng ta thường cảm thấy không khát nước như mùa hè, do vậy nhiều người thường lười uống nước. Tuy nhiên, theo Hiệp hội dinh dưỡng Anh, cơ thể cần hai lít nước mỗi ngày vào mùa đông, nếu không cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể thì thể dẫn đến những biến chứng sức khỏe khác như vấn đề về thận, khó tiêu... Hãy thường xuyên uống nước ấm vào mùa động và tránh các loại nước ngọt, nước có gas.
2. Mặc nhiều quần áo
Khi có cảm giác rét lạnh, mọi người thường có xu hướng mặc nhiều quần áo, kết hợp áo len, áo khoác thành nhiều lớp để bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá nhiều quần áo sẽ dẫn đến cơ thể ra nhiều mồ hôi và càng khiến chúng ta cảm thấy lạnh hơn. Thay vì quá nhiều quần áo, bạn nên học cách vận động nhiều để cơ thể có thể thích ứng được với giá rét.
3. Giữ ấm bàn tay và bàn chân
Chúng ta thường sử dụng găng tay và tất để bảo vệ đôi bàn tay và bàn chân của mình, tuy nhiên đây không phải là cách tốt để đánh bại giá buốt. Bởi, bàn tay và bàn chân là hai bộ phận giúp con người thích nghi với cái lạnh, điều này có nghĩa rằng bạn đang hạn chế việc thích nghi với nhiệt độ cơ thể. Bên cạnh đó bạn không nên đi tất đi ngủ bởi hành động này sẽ cản trở việc lưu thông mạch máu, đặc biệt là máu từ tim về các chi. Đi tất lúc ngủ có thể gây ra hiện tượng đông máu ở các chi.
Không nên mang tất khi đi ngủ (Ảnh minh họa)
4. Quá chăm tắm
Mùa đông là lúc trời hanh khô khiến da của nhiều người trở nên căng, khô, thậm chí rất ngứa. Việc tắm thường xuyên sẽ làm mất chất dầu bài tiết trên bề mặt da và các vi khuẩn bảo vệ, gây tổn thương lớp biểu bì của da, gây mẩn ngứa, sức đề kháng của da yếu đi, dễ gây ra các bệnh về da.
Ngoài ra, việc tắm thường xuyên trong tiết trời giá lạnh như mùa đông sẽ khiến chúng ta dễ bị nhiễm lạnh. Vì vậy, bạn nên tắm 2-3 lần mỗi tuần và duy trì vệ sinh cá nhân hàng ngày, nhiệt độ thích hợp của nước từ 24-29 độ C.
Đặc biệt, với trẻ sơ sinh và người già, chỉ nên tắm 1-2 lần mỗi tuần. Bạn chỉ cần vệ sinh vùng kín, cánh tay, nách để không bị bệnh ngoài da. Không nên tắm về đêm, ngay sau khi ăn hay khi cơ thể mệt mỏi đều không tốt cho sức khỏe.
5. Ăn thoải mái
Chúng ta thường có xu hướng ăn thoải mái với các loại thực phẩm để đánh bại cái lạnh mùa đông mà chủ yếu là các thực phẩm chiên, xào, giàu chất béo.
Ngoài ra, bởi vì cơ thể chúng ta thường lười tập luyện, vận động vào mùa đông nên cơ thể hạn chế đốt cháy calo. Điều này đồng nghĩa với việc trọng lượng cơ thể sẽ tăng lên nhanh chóng và có thể gây ra bệnh béo phì.
Để có một chế độ ăn lành mạnh vào mùa đông giúp trái tim khỏe mạnh bạn nên ăn các sản phẩm tươi và các loại trái cây và rau.
6. Trùm chăn kín đầu
Vào mùa đông, nhiều người thường có thói quen trùm chăn kín đầu khi ngủ để đỡ lạnh song đây lại là một việc khá nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe.
Trùm chăn kín khi ngủ sẽ làm lượng khí oxy giảm, khí cacbonic tăng cao khiến bạn cảm thấy khó thở, đau đầu, mệt mỏi khi thức dậy. Lâu dài có thể dẫn đến tổn thương não bộ, hoặc suy giảm trí nhớ.
7. Ngủ nướng
Mùa đông, nhiệt độ trong chăn khiến chúng ta cảm thấy ấm áp và ngại ra khỏi giường để tiếp xúc với cái lạnh, nhất là vào buổi sáng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm thay đổi chu kỳ sinh hoạt của bạn khiến bạn có thể chậm trễ công việc và lười biếng hơn.
8. Ở nhà, ngại ra ngoài
Với thời tiết quá lạnh, nhiệt độ dưới 0 độ C thì bạn nên ở nhà để tránh cái lạnh và bệnh tật. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ không quá rét buốt thì bạn nên ra ngoài để tận hưởng không khí. Đi dạo buổi tối là một ý tưởng tốt trong mùa đông. Đi dạo trong công viên giúp tăng cường lưu thông máu và giữ ấm tự nhiên.
9. Hơ tay lên quạt sưởi hay đống lửa
Đây là một thói quen không tốt và nó chỉ làm cho bạn có cảm giác thoải mái lúc đầu mà thôi. Hơ tay lên quạt sưởi hay đống lửa sẽ khiến đôi tay bạn trở nên khô nẻ hơn. Muốn ấm tay khi trời lạnh, bạn chỉ cần xoa xoa hai tay vào nhau.
10. Sử dụng nhiều loại kem dưỡng da
Nhiều người có xu hướng sử dụng khá nhiều loại kem để dưỡng ẩm da. Tuy nhiên, họ lại quên đi việc tẩy da chết và điều này khiến các tế bào chết trên da sẽ gây ra mụn trứng cá, phát ban và dị ứng.
11. Không sử dụng kem chống nắng vào mùa đông
Mùa đông, nhiều người cho rằng ánh nắng mặt trời tiếp xúc lên da ít hơn mùa hè vì vậy nhiều người bỏ thói quen bôi kem chống nắng. Tuy nhiên, ánh nắng mặt trời mùa đông không kém khắc nghiệt hơn mùa hè, vì vậy bạn nên áp dụng bôi kem chống nắng để giúp da không cháy, tránh và giảm nguy cơ ung thư da.
12. Uống rượu
Nhiều người có cảm giác rằng mùa đông uống rượu sẽ giúp xua tan lạnh giá. Việc uống rượu làm người ấm lên do cồn trong rượu làm cho cơ thể toả nhiệt sẵn có. Nhưng khi hết rượu, đa phần nhiệt lượng toả ra ngoài khiến toàn thân nổi gai ốc, dễ bị lạnh. Uống nhiều rượu sẽ tàn phá tới dạ dày, gan, tim mạch... rất ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài.
13. Hút thuốc
Bạn sẽ có cảm giác người ấm lên khi hút một điếu thuốc nhưng đó chỉ là cảm giác tức thời. Theo các bác sĩ, người hút thuốc lại có nguy cơ bị cảm lạnh cao hơn những người không hút. Hút thuốc khiến cho hệ thống miễn dịch suy yếu, sức đề kháng với bệnh tật kém.
Hơn nữa thuốc lá còn là thủ phạm gây ra rất nhiều bệnh nan y như: ung thư vòm họng, ung thư phổi, viêm phổi, ung thư phế quản... Những chứng minh gần đây cho thấy hút thuốc lá làm giảm số lượng các tế bào thần kinh trong não.
14. Để quần áo ẩm trong nhà
Việc bạn để quần áo ẩm trong nhà rất ảnh hưởng đến sức khỏe nhất là đối với trẻ nhỏ. Quần áo ẩm có thể làm gia tăng sự nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em và người già. Vì vậy, bạn cần sấy khô quần áo ở trong nhà và mở cửa sổ cho căn nhà của bạn luôn luôn thoáng mát.
15. Lạm dụng thuốc
Vào mùa đông, bạn thường hay dễ mắc nhiều bệnh như ho, cảm cúm và bạn thường xuyên sử dụng các loại thuốc để chữa bệnh. Điều này làm cho hệ miễn dịch của bạn bị suy giảm. Do vậy, bạn có thể tìm hiểu một số loại thảo dược để chữa bệnh cảm cúm bình thường.
Thu Trang (Theo Giadinhonline.vn)
Cách giữ ấm cho cơ thể vào mùa đông Vào mùa đông, sự tuần hoàn trao đổi chất trong cơ thể con người bị chậm lại. Bạn càng cảm thấy lạnh thì quá trình này cũng càng chậm. Xin trình bày với bạn đọc một số cách giữ ấm trong điều kiện thời tiết lạnh giá. Mùa đông là thời gian khó khăn nhất cho những người bị chứng máu lưu thông...