Mendy – từ kẻ thất nghiệp đến đỉnh cao châu Âu
Từng rớt xuống địa ngục với loạt biến cố ở ngoài tuổi 20, Edouard Mendy thăng tiến ngoạn mục để rồi cùng Chelsea vô địch Champions League hôm 29/5.
Ngay khi tiếng còi kết trận chung kết Champions League vang lên trên sân Dragao, Mendy chạy đi tìm rồi ôm chầm lấy mẹ. Thủ môn 29 tuổi này bế bổng mẹ lên và cả hai như cùng khóc. Có thể hình dung niềm hạnh phúc của họ, những người đã cùng vượt qua giai đoạn đen tối nhất tưởng chừng vùi dập luôn sự nghiệp của Mendy. “Tôi như sống trong mơ”, anh nói ngay sau đó. “Phần thưởng này xin dành cho gia đình và người thân, vì đã bên tôi lúc khó khăn”.
Khó khăn mà Mendy nói đến là giai đoạn thất nghiệp bảy năm trước. Nếu thoảng qua, người khác chỉ hiểu rằng đấy chỉ là một năm mà thủ môn này không tìm được bến đỗ, và sau đó mọi việc lại đâu vào đấy. Nhưng như Mendy chia sẻ trên France Football trước chung kết Champions League, đó là khoảng thời gian địa ngục.
Vô địch Champions League là đỉnh cao mà Mendy, cách đây bảy năm, có nằm mơ cũng không nghĩ đến. Ảnh: Reuters
Cầu thủ này gọi giai đoạn đen tối đó là “những cái tát vào mặt”. Có “ba cái tát tất cả”, Mendy tự nhẩm tính. Lần đầu là khi Le Havre không dung nạp anh sau khi hết giai đoạn ở đội trẻ. Lần hai, là nỗ lực gia nhập Rennes đầu mùa 2009-2010 bất thành, khi đội bóng lắc đầu vì đã có đủ người, dù thủ môn sinh năm 1992 tin màn thể hiện của anh trong những trận thử việc là không tệ. Và lần ba, đen tối nhất, Mendy mất tất cả niềm tin vào bóng đá, thậm chí, ghê tởm cách nó hoạt động.
Sau khi bị Cherbourg thanh lý hợp đồng vào năm 2014, Mendy, 22 tuổi, nhận được lời hứa từ người đại diện, sẽ đưa anh sang đá giải League One hoặc Two ở Anh. “Đầu tháng Bảy, ông ấy nói tôi chuẩn bị, tôi sang Anh sau hai, ba tuần nữa”, Mendy hồi tưởng. “Nhưng đến tháng Tám, chả có tin tức gì thêm. Tôi đã tự trấn an: Chắc ông ta bận, sẽ gọi mình sau, không việc gì phải lo. Tôi liên lạc với những cầu thủ khác mà ông ấy cũng đại diện, họ vẫn có tin tức bình thường. Và rồi ngày 30/8 năm ấy, tôi nhận một tin nhắn, không có nổi một cuộc gọi điện mà chỉ là tin nhắn, ông ta nói tôi không thể đi. Tôi thấy mình như rớt xuống địa ngục”.
Chính sự lật lọng của tay đại diện khiến Mendy mất niềm tin vào bóng đá. “Nếu anh hỏi tôi đấy có phải cách bóng đá chuyên nghiệp hoạt động không, tôi sẽ nói có”, Mendy trầm ngâm. “Môi trường này là như vậy, dù không phải ai cũng xấu. Những tay đại diện biến mất sau khi hứa hẹn với cầu thủ và những cầu thủ lật lọng sau khi gật đầu với người đại diện. Bóng đá hiện đại là như vậy. Tôi không nghĩ thế cho đến năm 2014, năm mà tôi hoàn toàn mất niềm tin vào hệ thống bóng đá chuyên nghiệp”.
Video đang HOT
Mendy thời còn bắt cho Cherbourg năm 2014. Ảnh: Maville / Antoine Soubigou
Cái ôm thật chặt dành cho mẹ, một người phụ nữ Senegal nhập cư Pháp, và những giọt nước mắt ở chung kết Champions League là kết quả của một giai đoạn dài mà Mendy phải dựa dẫm vào gia đình. Gia cảnh của anh không quá khó khăn, nhưng khi không có việc làm ở tuổi 22, Mendy trở về sống với bố mẹ tại Montivilliers, một tỉnh ở vùng Normandie, Pháp, nhận trợ cấp xã hội và chìm vào dằn vặt nội tâm.
“Khi biết tôi sẽ về sống chung, ánh mắt của cha mẹ thể hiện sự chán nản cùng cực”, Mendy nhớ lại. “Không gì đau đớn bằng việc chứng kiến cha mẹ buồn. Ban đầu tôi lạc quan, nhưng sau đó cảm thấy tuyệt vọng và nghi ngờ bản thân. Ánh mắt họ như thể muốn nói: Rồi thằng con này sẽ trở thành cái thứ gì đây?. Nó tràn ngập sự sợ hãi. Chính tôi cũng nghi ngờ việc mình sẽ kiếm được một cơ hội khác”.
Liên tiếp những thất bại ập đến, Mendy gọi đấy là “trường đời”. “Không thể đá bóng, không việc làm, tôi sẽ làm gì đây”, anh tiếp tục. “Thế rồi mẹ bảo: “Con có thể kiếm một việc làm trong giai đoạn này. Tôi xếp hàng ở trung tâm hỗ trợ việc làm. Người ở văn phòng đó hỏi: Cậu muốn tìm việc gì. Tôi nói: ‘Một CLB bóng đá. Tôi là cầu thủ’. Bà ấy đáp lại: ‘Chúng tôi không giúp được’. Tôi trở về nhà và nỗi sợ nhân lên”.
Sau khoảng một năm không chơi bóng đỉnh cao, chỉ thi thoảng đá vài trận nghiệp dư ở địa phương, Mendy tính giải nghệ. “Tôi muốn có con, tôi muốn ổn định. Tôi không thể mỗi năm ký một hợp đồng, mỗi năm đá cho một đội. Nếu bóng đá không dung dưỡng tôi, thì tôi sẽ làm việc khác”, anh kể. Mendy từ chối cơ hội từ một đội ở hạng nghiệp dư Pháp, khi họ chỉ trả mức lương… 900 euro mỗi tháng. “Tôi sắp làm bố, không thể nuôi gia đình với số tiền đó. Một người bạn có một cửa hiệu và cần người điều hành. Tôi đã định nhận công việc đó”.
Gia nhập đội trẻ Marseille năm 2015 là bước ngoặt giúp Mendy xoay chuyển sự nghiệp. Ảnh: Twitter / Mendy
Đến lúc này, số phận mỉm cười. Một đồng đội cũ ở Cherbourg gọi điện và nói Marseille đang tìm thủ môn cho đội trẻ. Mendy liên hệ và lập tức nhận hồi đáp từ Dominique Bernatowicz, HLV thủ môn đội trẻ Marseille. “Chỉ sau hai phút, ông ấy nhận ra khát vọng của tôi. Hai ngày sau, tôi khăn gói lên đường”. Sau một thời gian thử việc, Marseille B mời Mendy ký hợp đồng. “Mẹ tôi, tôi biết bà ấy đã kìm nén nước mắt trong một thời gian dài. Sau khi nghe tôi nói tin ấy, bà ấy khóc nức nở. Còn tôi đã nhìn thấy nụ cười trên gương mặt mình lần đầu tiên sau một giai đoạn gian khó”.
Con đường sự nghiệp của Mendy từ đó hanh thông, và thật kỳ lạ, những khó khăn của giai đoạn đầu chồng chất bao nhiêu thì sau này thuận lợi bấy nhiêu. Mendy gặp rất nhiều “quý nhân phù trợ”. Anh được tập luyện tại Marseille với cơ sở vật chất hoàn hảo, và sự trợ giúp từ Steve Mandanda, thủ môn tuyển Pháp, khiến Mendy tiến bộ vượt bậc. Mendy thú nhận “đã phát triển thêm một bậc chỉ nhờ tập ở Marseille”. Sau đó, anh ký hợp đồng với Reim vào tháng 6/2016, nhận lương tháng 5.000 euro – mức lương mà Mendy hài hước kể lại: “Tôi suýt bảo họ, thế này là quá nhiều”.
Nhưng vận may chưa dừng lại. Sau ba năm ở Reims, Mendy sang Rennes, đội bóng từng hắt hủi anh độ chín năm trước. Bắt 25 trận cho đội bóng ở Ligue 1 chưa phải thứ lớn nhất mà anh có được, bởi đó cũng là lúc Chelsea bắt đầu để mắt đến anh. Khi Mendy còn bắt cho Rennes, Giám đốc Thể thao và Cố vấn kỹ thuật Petr Cech của Chelsea, vẫn đang… thi đấu cho Arsenal. Người bắt đầu theo sát Mendy là Christophe Lollichon, cựu thủ môn mà Cech rất tin tưởng, hiện làm trưởng bộ phận tuyển trạch thủ môn Chelsea. Một vài bản ghi chú về Mendy đã được gửi về CLB khoảng tháng 12/2018, tức bốn tháng trước khi đội bóng chiêu mộ Kepa từ Bilbao với giá kỷ lục. Sau đó, khi Kepa sa sút, và Cech ngồi vào ghế sếp lớn, Mendy được nhắc lại, và phần còn lại là lịch sử.
Vấn đề là, như Mendy thú nhận, anh là một ngoại lệ hiếm hoi. Có bao nhiêu cậu bé theo nghiệp thể thao từ nhỏ và vượt qua được sóng gió của một năm thất nghiệp, sau đó trụ vững và vươn đến chức vô địch Champions League? Rất nhiều người sẽ từ bỏ. Chính Mendy cũng đã định trở thành người trông coi cửa hiệu, nếu số phận không gửi những người bảo hộ xuống giúp anh.
Mendy đạt tỷ lệ cứu thua tới 90,6% – cao nhất trong số các thủ môn bắt tối thiểu 450 phút tại Champions League mùa này, bỏ xa các đồng nghiệp như Keylor Navas (81,5), Neuer (81,4%), Ederson (80%)… Ảnh: AP
Khi phóng viên của France Football hỏi: “Nếu bây giờ Mendy của năm 2015 ngồi cạnh Mendy của năm 2021, hai người sẽ nói chuyện gì với nhau?”, chàng thủ môn da màu của Chelsea trả lời dí dỏm: “Năm 2015 sẽ nói với năm 2021: Anh là một phép màu. Còn năm 2021 sẽ bảo với năm 2015 rằng: Xin chúc mừng! Anh đã không bỏ cuộc”.
Tuchel muốn Chelsea tiếp tục mua sắm
HLV Thomas Tuchel đề xuất Chelsea tăng cường ba cầu thủ trong kỳ chuyển nhượng hè 2021, để tiếp tục chinh phục thành công mùa tới.
"Sẽ thật tuyệt nếu Chelsea có thêm hai, hoặc ba tân binh trong hè này. Thay đổi thật sự cần thiết. Bạn luôn cần những bản hợp đồng mới, để mang đến nguồn năng lượng mới, tạo áp lực cạnh tranh với đội ngũ hiện tại, cả trong tập luyện lẫn thi đấu. Vì vậy, tôi nghĩ việc mua thêm cầu thủ là điều tốt cho Chelsea", Tuchel nói hôm 31/5.
Tuchel xem việc mua cầu thủ mới là một cách để giữ động lực cho cả tập thể. Ảnh: Reuters
Chelsea đã đầu tư 310 triệu USD ở kỳ chuyển nhượng hè 2020, để mang về sáu tân binh, gồm Timo Werner, Hakim Ziyech, Kai Havertz, Ben Chilwell, Thiago Silva và Edouard Mendy. Trong đó, Havertz - tân binh đắt giá nhất với 94 triệu USD - ghi bàn giúp Chelsea hạ Man City 1-0 ở chung kết Champions League hôm 29/5.
Nhưng hè này, như Tuchel đề xuất, Chelsea sẽ không dừng công cuộc mua sắm. Bất chấp ảnh hưởng từ Covid-19, họ vẫn có nền tảng tài chính tốt, với sự hậu thuẫn của ông chủ tỷ phú Roman Abramovich. Ngoài ra, Chelsea cũng được thưởng lớn khi nhận 135 triệu USD, gồm cả tiền bản quyền truyền hình, sau hành trình xuất sắc ở Champions League mùa này. Riêng chiến thắng ở trận chung kết đã đem về cho họ 18 triệu USD, kèm 4,8 triệu USD khi dự Siêu Cup châu Âu với Villarreal trước mùa giải mới.
Sau trận thắng Man City, Tuchel tiết lộ ông chủAbramovich rất hạnh phúc, và đôi bên sẽ có thêm những cuộc gặp để bàn về chiến lược phát triển đội bóng thành London, với mục tiêu tìm lại ngôi vương Ngoại hạng Anh ở mùa tới.
HLV người Đức kể: "Tôi muốn có những danh hiệu tiếp theo và tôi đang rất hạnh phúc. Tôi cảm thấy mình như một phần của Chelsea, một CLB tham vọng và phù hợp với niềm tin và đam mê của tôi. Chelsea muốn thu hẹp khoảng cách với Man City tại Ngoại hạng Anh, và đó là mục tiêu tiếp theo của tôi".
Theo Goal , Tuchel muốn có thêm tiền đạo khi đang nhắm tới Harry Kane, Erling Haaland và Romelu Lukaku - những người đều được hét giá 150 triệu USD. Ở chiều ngược lại, Chelsea sẽ chia tay Tammy Abraham và Olivier Giroud - bộ đôi không nằm trong kế hoạch của Tuchel. Chelsea cũng muốn nâng cấp hàng thủ, với mục tiêu là Declan Rice và Marquinhos.
Hành trình kỳ diệu đưa Edouard Mendy tới chức vô địch Champions League Thủ môn Edouard Mendy đã đi từ những ngày lang thang trước trung tâm giới thiệu việc làm đến chức vô địch UEFA Champions League trong màu áo Chelsea như thế nào? Trước khi vô địch UEFA Champions League cùng Chelsea, 5 năm trước, Edouard Mendy cũng thỉnh thoảng đến nước Anh. Nhưng anh lại chẳng có thời giờ để mà du ngoạn...